28-06-2022 - 00:07

Từ ngôi nhà đến tổ ấm

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tùy bút “Từ ngôi nhà đến tổ ấm” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

Nói đến gia đình là nói đến cộng đồng nhỏ, tế bào của xã hội, nơi có những mối quan hệ của những người thân yêu của họ tộc. Nơi đó là thế giới thu nhỏ có bao biến động khác thường. Có ngôi nhà, mái nhà nhưng chưa chắc đã có tổ ấm, mái ấm. Nhưng có tổ ấm thì chắc chắn phải từ ngôi nhà bởi “An cư mới lạc nghiệp”. Ngôi nhà, đó là không gian vật chất cụ thể định vị như cái mỏ neo, neo chặt vào đất đai quê hương bản quán, neo lại cội nguồn gia phong tập tục, neo vào những nếp sống văn hóa lâu đời. Đó là những mạch nguồn mà ca dao, tục ngữ đã đúc kết rất chí lý, so sánh rất chí tình: “Con không cha như nhà không nóc”; hay: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”; hoặc: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Nhà là nơi ta được sinh ra, có trước ta, nuôi ta lớn lên, trưởng thành, rồi từ đó ta ra đi và đó cũng là nơi chốn ta trở về. Nhà là nơi lưu giữ bao kỷ niệm từ tuổi ấu thơ. Này cái ngưỡng cửa, bậc cửa chính là: “Thềm lục bát đầu tiên, con bước đi bỡ ngỡ - Mẹ chăm lo cái giọng điệu ban đầu”. Cái giọng điệu vỡ vạc ấy đâu chỉ là giọng nói từ tiếng khóc đầu đời  “oa. .oa .” đến tiếng gọi đầu tiên bập bẹ “Ba, ba - Mẹ, mẹ”; rồi vỡ giọng qua thời trứng nước “Học ăn, học nói” đến cái giọng quê trọ trẹ đi ra muôn nơi mà vẫn giữ lấy: “Xa nhà đã mấy mươi năm - Người quê chỉ còn chút giọng - Tôi giữ làm hơi, cầm bóng - Nhận nhau qua tiếng chào mời”. Cái giọng quê không pha tạp ấy được nuôi dưỡng dưới mái nhà có tiếng võng ru hời với những làn điệu dân ca dạy nên cốt cách, dạy bao đạo lý làm người. Chính cái tổ ấm đầu đời này không chỉ che mưa, che nắng mà còn là cái ô yêu thương là vòm trời bé nhỏ để nuôi dưỡng tâm hồn, khí phách. Nếu ngôi nhà được xây bằng các vật liệu thông thường: gạch, đá, xi măng, cốt thép… thì tổ ấm được xây bằng nhịp đập của trái tim. Xây dựng một mái ấm gia đình khó gấp bội vì nó không phải xây bằng tiền bạc của cải mà chắt chiu mỗi ngày bằng tinh thần trách nhiệm, bổn phận của mỗi thành viên. Tiền có thể mua được một ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm. Có một câu ngạn ngữ nói rất hay về tình yêu: “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Ngôi nhà không cần thiết to hay nhỏ, hiện đại hay giản đơn mà quan trọng là mối quan hệ tình yêu thương của gia đình có bền vững hay không. Ngôi nhà giống như một nhánh cây, chúng ta trưởng thành theo hướng khác nhau nhưng có chung một cội rễ. Nhà là nơi ta học cách yêu thương, quan tâm, chăm sóc người khác ngoài bản thân ta ra. Nhà cũng là nơi ta học được cách sống để giao tiếp với cộng đồng.

Ôi ngôi nhà thân yêu của tôi: Này cái kèo, cái xà, cái cột; cái mộng gỗ đóng chặt, vít chặt vào nhau từ những thiếu thừa mà thành mộng khít. Tất cả còn in dấu vân tay cha tôi, người suốt đời chăm bẵm và nung nấu tự mình dựng nên ngôi nhà theo ý nguyện của mình bởi cha thường tâm niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Cha đã trồng cây xoan ngoài vườn từ lúc cây còn nhỏ đến lúc cây lớn lên cao vút, thân thẳng, vân gỗ xoắn vào nhau, xoắn vào bao cơn bão, thân gỗ ngấm bao ngấn lụt từ thượng nguồn đổ về cây xoan cha trồng vẫn dẻo dai, quật cường. Tháng Ba của mẹ khi hoa xoan tím bời bời lối ngõ giăng mắc cỏ cây, giăng mắc cả vào ký ức. Và cha chọn ngày lành, tháng tốt để hạ xoan xuống rồi ngâm dưới đáy phù sa đồng ruộng ao nhà; ngâm kỹ thứ gỗ xoan nhẹ dễ dựng nhà, dựng cửa nhưng dẻo dai bền chắc, nhựa xoan đắng không mối mọt; ngâm kỹ những đêm trường cha thức trắng rít thuốc lào ngồi bấm đốt ngón tay, tính toán bạc cả tóc trước tuổi để chọn thời điểm dựng ngôi nhà gỗ thay nhà tranh, kèo tre đã cũ. Cha ao ước dựng lên cái cứng cỏi, cái vững bền, cái đĩnh đạc, cái thế đứng của một người đàn ông trụ cột gia đình hiện diện ra từ ngôi nhà như muốn khẳng định một nền tảng, một định hướng là “bệ phóng” đầu tiên vươn cao, tỏa rộng từ năng lượng của mái ấm hạnh phúc gia đình cho các thế hệ tiếp theo. Không gì vững chắc hơn các mạch vữa, mạch hồ miết vào, xiết vào kẻ hở để kết nối tường xây bằng cả nguồn mạch huyết thống, truyền thống; cái vỉa keo kết dính này được chưng cất, được thanh lọc cái tinh túy, tinh chất chắt chiu từ những hạnh phúc được nâng niu của cuộc sống ngày thường. Bởi hạnh phúc không kéo dài mãi mãi, hạnh phúc là chuỗi những khoảnh khắc như nhắc nhở trân trọng những giây phút đến tháng ngày dù là nhỏ bé trong cuộc sống để yêu thêm con người, yêu thêm cuộc đời  trước bao biến động phức tạp của xã hội. Không có một ngôi nhà nào hoàn hảo, vẫn có lúc xô lệch, chao đảo nhưng cuối cùng gia đình vẫn là nhà, nơi tình yêu luôn hiện hữu, là nơi để ta tìm về và luôn chờ ta về. Ở đó ta lại được ngã mình xuống liếp nan tre đã nhẵn bóng mồ hôi tháng năm mà mỗi nan lợp vào nhau nan nắng dỗi hờn, nan mưa xoa dịu, nan nặng, nan nhẹ kết lại đan cài vào nhau thành tấm thảm hạnh phúc êm ái cân bằng lại bao trăn trở lật mình; để trả ta về với vòng tay thân thiết cưu mang, nhân ái và bao dung như tình yêu rộng lớn của mẹ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”(Chế Lan Viên).

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng từng viết bài thơ nổi tiếng: “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”. Ngọn lửa ấy có thể bắt đầu từ một chái bếp có ngọn lửa ủ hơi ấm ổ rơm, có cái vại đựng cà, có lọ tương kho cá. Ngôi nhà ấm nồng hương vị rất riêng có cả vị đồng, vị ruộng, có cả vị ấm của trầu cay. Và những ngày trở trời, trái gió, siêu thuốc của mẹ lại ấp úng sôi, tỏa ra hương vị cỏ cây của lá bạc hà, của rau kinh giới của vị sả nồng xua đi cơn cảm sốt. Trong vườn nhà bao giờ mẹ cũng dành một khoảnh đất nhỏ để trồng để chăm bón các loại cây vị thuốc dân dã tỏa ấm lòng chăm con lớn lên thân thể khỏe mạnh. Ngọn lửa ấm của ngôi nhà được nhen nhóm và giữ gìn qua bao thế hệ dòng họ. Ngọn lửa ấy là truyền thống hiếu học là đùm bọc yêu thường từ nhà ra làng, từ làng ra nước. Nhà thơ Y Phương trong bài thơ “Nói với con” phong cách nói của người miền núi: “Người đồng mình thô sơ da thịt - Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con - Người đồng mình tự đúc đá kê cao quê hương”. Kê cao quê hương là một tầm nhìn, một thế đứng bắt đầu từ ngôi nhà nhỏ, viên đá nhỏ của mình. Gia đình tổ ấm yêu thương ấy thật dung dị và vị tha như nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết trong bài thơ “Mẹ của anh” khi nói về mối quan hệ mẹ chồng với nàng dâu: “Mẹ không ghét bỏ em đâu - Yêu anh, em đã là dâu trong nhà” để rồi bất ngờ chị nhận ra một mạch nguồn yêu thương lớn lao vượt lên mọi điều nhỏ nhặt thường ngày, một vẻ đẹp nhân hậu từ mái ấm tỏa sáng rạng ngời: “Chắt chiu từng những ngày xưa - Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Ngọn lửa ấm của hạnh phúc gia đình dành nhiều cho trẻ nhỏ. Bởi tiếng nói cười ríu rít bi bô của tuổi biết lẩy biết bò, chập chững bước đi như những sợi len ấm áp thêu dệt mọi người lại với nhau thành tấm áo tổ ấm gia đình thân thiết. Đây là bầu khí quyến bình an trong sáng đầu đời đã nâng đỡ bồi đắp hình thành những tính cách, phẩm chất tình cảm con người từ ấu thơ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, gia đình không phải là môi trường duy nhất giáo dục trẻ em. Ngoài gia đình, các em còn nhiều ảnh hưởng các môi trường giáo dục khác như nhà trường, nhóm bạn bè, các phương tiện thông tin nhất là mạng xã hội đang có nhiều cơ hội chực len vào làm lỏng lẻo tính gắn bó của mối quan hệ mọi người trong nhà. Thì ngày Gia đình Việt Nam đã gắn chặt lại lan tỏa việc hình thành và phát triển xã hội góp phần tô thắm làm rạng rỡ bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi giữ gìn vun đắp phát huy những giá trị truyền thống quý báu của người Việt được lưu truyền qua gia phong của các dòng họ và truyền thống lịch sử đất nước. Từ mái nhà đến mái ấm chính là những mong ước, kỳ vọng và khát khao. Đó là cái nôi êm bồi đắp phát triển thể chất, phong phú tâm hồn mỗi con người là nền  tảng khởi đầu tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước, bởi: “Ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ - Cùng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh).

N.N.P

. . . . .
Loading the player...