26-10-2017 - 11:15

Về đất mũi Cà Mau...

Tạp chí Hồng Lĩnh số 134 giới thiệu bài viết "Về đất mũi Cà Mau..." của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

Tôi có cảm giác đến với đất mũi Cà Mau nơi “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” (Nguyễn Tuân) là sự trở về với mảnh đất thân yêu nơi tận cùng đất nước. Về với bao tình cảm mình đã dành ấp ủ bấy lâu nay và khao khát được một lần đặt chân đến đó trong đời. 

Đất mũi Cà Mau cực đáng chinh phục nhất của Việt Nam mà nhiều người nói rằng chỉ cần đến bốn điểm cực ấy là vẽ đủ một vòng đất nước đó là: Điểm cực bắc ở Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang), điểm cực tây ở Apha Chải (Mường Nhé - Điền Biên), Điểm cực đông thuộc Vạn Thạnh (Vạn Ninh - Khánh Hòa) và cực nam ở đất Mũi (Ngọc Hiền - Cà Mau). Cà Mau trong tiếng Khơmer có nghĩa là nước đen với màu đặc trưng của lá tràm, lá đước của thảm rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống. Theo sử sách thì 300 năm trước Cà Mau thuộc Trấn Hà Tiên, Đạo Long Xuyên, dưới  sự cai quản của  tổng binh Cựu Ngọc Hầu Mặc Cửu dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1825). Trước đó 2000 năm, người Malayo Pôlynêxia những chủ nhân thông minh tài ba của những hòn đảo ngoài khơi Đông Nam Á đã dùng thuyền tiến vào đồng bằng sông Cửu Long bây giờ làm nên nền văn hóa Óc Eo rực rỡ vào loại hàng đầu Đông Nam Á! Nhưng rồi vào thế kỷ thứ VI, một trận biển tiến đã nhấn chìm tất cả. Sau đó hàng mấy trăm nay những người Khơ mer Chân Lạp, người Việt từ Phú Xuân, Ngũ Quảng theo Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, người Hoa chạy giặc Mãn Thanh... đầu tiên mới tới vỡ hoang, khai khẩn đất đai trồng cây, đánh cá. Đến năm 1708, đất này mới chính thức thuộc về Đại Việt. Đặc biệt là ở mũi đất này “Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Rừng biết đi bắt đầu từ câu nói của người dân địa phương: “Mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát”. Đước thì rễ mọc thành chùm như cọc nhọn lực điền cắm phập xuống đất mặn còn cây mắm thì rể lại từ bùn chỉa tua tủa lên trời như những vạt chông. Đầu tiên là bãi bồi bùn trống trơn. Sau đó cây mắm tung những quả mắm ra biển, sóng đánh vào bãi bồi. Thế là mắm mọc thành rừng rất nhanh để giữ phù sa giữ đất. Sau đó mắm chết, nhường chỗ cho cây đước vươn ra khẳng định chỗ đứng của mình làm cho đất nước định hình trước biển. Cây đước đến sau cây mắm, làm rường cột đóng vào bùn đất  ngập nước giữ cho rừng cây vững vàng trước gió. Dường như cái chất người Cà Mau cũng giống như cây đước quật cường mà hào hiệp và xanh thắm tình thương. Mắm và đước là hai loại cây có công lớn trong việc hình thành và phát triển đất Mũi. Nhưng để làm nên đất Mũi mà mỗi năm lấn ra biển bồi đắp thêm hơn 100m phải nhờ một yếu tố địa lý kỳ lạ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kỳ công dành nhiều thời gian lục tìm trong các thư viện để tìm ra dòng hải lưu Nam Bắc nổi tiếng của vùng nam Thái Bình Dương. Trong bút ký “Rừng nước mặn” Ông viết: “Một nhà hải dương học người Pháp ông Chevey đã phát hiện ra dấu vết dòng hải lưu ấy. Chính dòng hải lưu Bắc Nam này đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam và vì đụng phải đảo hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tập kết lên bãi bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng chung quanh. Dòng hải lưu bắc Nam và dòng Cửu Long là hai cánh tay vĩ đại của tự nhiên đón bắt những hạt phù sa vạn dặm mà đắp bồi nên mũi Cà Mau. Đặc biệt đất mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên cả nước nhìn thấy mặt trời mọc trên biển đông và lặn ở phía biển tây vịnh Thái Lan trong ngày…

Tác giả bên cột mốc ở phía cực Nam Tổ quốc

Tôi rất ngạc nhiên khi đến thành phố Cà Mau bắt gặp cây cột  mốc “TP Cà Mau -  0km” ở ngay bên đường quốc lộ 1A cũ chạy suốt chiều dài đất nước. Trong khi đó từ đây về đến đất Mũi khoảng cách hơn 100km. Còn ở chót đất mũi Cà Mau mới là nơi đặt cột mốc tọa độ quốc gia GPS0001 (Cây số không) được xây xong vào tháng 1/1995. Đây là cột  mốc lớn được xây dựng rất đẹp có hình dạng ngôi sao sáu cánh ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột  mốc. Trước đây khách du lịch đi từ thành phố Cà Mau hay thị trấn Năm Căn (Cách đất mũi 50km) bằng Ca - nô cao tốc mới đến được đất Mũi. Ca nô lướt ào ào trên con sông Cửa Lớn - một con kênh dài 58km rộng 600m. Đây là con sông duy nhất ở Việt Nám với hai vùng biển: Ra biển đông ở cửa Bồ Đề và biển tây ở cửa mũi ông Trang gần mũi Cà Mau. Ở đây chằng chịt những luồng lạch và rạch nước. Bởi thế ca nô chở khách du lịch về đất mũi Cà Mau không đi thẳng như hành trình tham quan trên  biển mà chốc chốc bẻ lái rẽ vào lạch nước mới. Không biển báo, không ký hiệu chỉ dẫn nhưng những chiếc ca nô cứ nối tiếp nhau như đã có đường mòn từ trước. Đâu đâu cũng mênh mông rừng xanh, nước bạc. Sau khoảng một giờ lênh đênh bắt đầu từ chợ Năm Căn ca nô cập bến đưa du khách đặt chân lên mũi Cà Mau. Từ đầu năm 2016 du khách có thêm một con đường khác là đường bộ được thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - đất Mũi nối thông tuyến đường bộ từ  Pắc Bó (Cao Bằng) đến mũi Cà Mau. Thật là một ngẫu nhiên tuyệt vời có ý nghĩa biết bao khi con đường mang tên Bác bắt đầu từ điểm đầu đất nước ở hang Pắc Bó nơi Bác Hồ về tổ quốc năm 1941 để lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc.Và điểm cuối chính là đất mũi Cà Mau nơi tận cùng của dải đất Nam Bộ thân yêu mà Bác Hồ khao khát vào thăm. Bây giờ ước nguyện của Người, con đường mang tên Người đã vươn xa đến đây như sự hiện diện của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào đất Mũi. Tôi mới hiểu vì sao trong những năm tháng kháng chiến ác liệt nhất trong rừng đước Cà Mau nhân dân đã lập đền thờ Bác, người dân Cà Mau khao khát được gửi ra miền Bắc mấy cây đước đâm chồi mọc rễ trồng bên tháp rùa hồ  Gươm…

Đến với đất mũi Cà Mau, giao thông bây giờ thật thuận tiện. Từ Sài Gòn đến miền tây Nam Bộ và thành phố Cà Mau tôi thấy hai hãng xe khách giường nằm cao cấp khá tiện nghi và phục vụ chu đáo, kể cả mạng lưới xe trung chuyển đó là hãng xe Phương Trang và Thành Bưởi. Còn về đến tận chót đất Mũi thì chỉ có hãng xe Vân Thuận. Còn nhớ hôm đó từ Cần Thơ chúng tôi về thăm đất Mũi chỉ có hai người, tôi và một anh bạn làm thơ. Bạn tôi, thi sĩ thì cứ ngó ngơ miễn là được đến cột  mốc cực Nam chụp tấm ảnh và có tứ thơ là được. Còn tôi thêm công việc viết báo nên cứ bồn chồn lo không những về đến tận đất Mũi tham quan như những khách du lịch trong ngày rồi về lại thành phố Cà Mau hay thị trấn Năm Căn mà muốn có một  đêm nghỉ lại ở chót đất Mũi. Thường, các đoàn khách đông người họ hợp đồng  hẳn một ca - nô cao tốc từ sáng xuất phát ở thành phố Cà Mau hay chợ Năm Căn về thẳng đất Mũi và chiều tối trở lại nơi xuất phát. Chúng tôi vì đi hai người nên nếu không ghép được với đoàn nào thì phải thuê hẳn một ca nô giá 2.000.000đ trong khi đó đi theo đoàn thì giá khoảng 200.000đ/một người. May sao, cháu của anh bạn tôi là chú Lĩnh làm ở cơ quan thường trú báo Nhân Dân ở TP Cần Thơ liên hệ được với nhà xe Vân Thuận chạy từ tuyến Sài Gòn về đất Mũi và đón chúng tôi ở TP Cần Thơ lúc hai giờ chiều. Cũng  thật may mắn là chú Lĩnh nhờ một anh bạn phóng viên báo Cà Mau đăng ký trước cho một phòng ở khách sạn nhỏ của má Ba Sương vừa mới xây dựng xong trước tết. Chúng tôi đến thị trấn Năm Căn lúc 6 giờ chiều, cứ tưởng phải nghỉ lại nhưng nhà xe Vân Thuận đã  chuyển chúng tôi cùng hai người dân đất Mũi sang xe trung chuyển 16 chổ ngồi rộng thênh thang với anh tài xế khá vui tính, dí dỏm. Tôi hỏi từ đây về đất Mũi còn bao xa. Anh tài xế trả lời: Hơn bốn mươi cây số chắc các chú từ “ngoài ” vào. Thế có phải trả tiền thêm không anh? Bạn tôi sốt sắng hỏi (Vì nếu có phải trả thêm tiền thì chúng tôi cũng sẵn sàng để có chuyến đường bộ bất ngờ này). Anh tài xế cười không đâu tất cả đã thanh toán ở vé xe Cần Thơ - Cà Mau rồi chú à. Thật tuyệt vời, tôi reo lên trong lòng không phải vì giá vé xe Cần Thơ - Cà Mau rẻ mà quan trọng nhất là rất thảnh thơi không một chút áy náy như ban đầu vì chiếc xe trung chuyển quảng đường cả đi lẫn về 80 cây số trong đêm rừng U Minh. Đêm đó rằm, vầng trăng Cà Mau có gì khác thường cứ lẽo đẽo theo sau chúng tôi qua cửa kính. Tôi nhìn ra hai bên con đường mới mở thông tuyến là những rừng tràm U Minh thượng, U Minh Hạ vút cao trong bóng trăng như dáng những con Hươu cao cổ. Anh tài xế bảo: Nếu các chú đi ban ngày sẽ ngẩn ngơ trước bạt ngàn hoa tràm trắng và thỉnh thoảng sẽ bắt gặp những đụn khói thơm lừng của dân đi “ăn ong”.  Đặc biệt quãng đường chưa đầy 50 cây số  xóc nảy, lởm chởm ổ gà này tôi đếm được rất nhiều cầu. Thì ra ở đây là xứ kênh rạch, cứ mỗi rạch kênh lại bắc một cây cầu. Hai người dân về đất Mũi chắc đi đường xa mệt nên họ ngủ gà, ngủ gật trên đống bao tải chở hàng phía sau. Chợt chú tài xế gọi to: Đến cầu Rạch Tàu rồi! và phanh xe lại. Tôi nhìn ra ngoài chẳng thấy nhà cửa, hàng quán gì cả chỉ một màu đen tối mịt và bạt ngàn tràm xanh trắng sáng. Hai người dân lục tục dậy chuyển hàng thì bất ngờ phía con rạch trước mặt một chiếc xuồng ba lá hiện ra với hai người chèo. Họ đều đeo một chiếc đèn pin trước trán. Về sau tôi mới biết là dân sống ở đây quanh năm với sông nước nên chiếc thuyền như là  “đầu cơ nghiệp”. Họ chăm sóc, giữ gìn chiếc thuyền rất cẩn trọng, mỗi gia đình làm nhà nổi trên sông đều có một khu mái lợp riêng để cất giữ thuyền. Họ gọi vui đó là những “ga ra” thuyền mỗi khi không đi biển thuyền được treo cao, phơi khô ráo…

Đêm nghỉ lại ở xóm Mũi Cà Mau chúng tôi ở trong khách sạn má Ba Sương. Khi biết hai anh em từ ngoài vào lại là dân viết lách má mừng lắm. Má nói: ngày xưa còn trẻ má cũng yêu thích văn nghệ lắm, lát nữa ăn tối xong má ca cho mà nghe, đơn ca tài tử mà! Thật lạ, bà má Cà Mau hơn 80 tuổi mà răng chưa rụng, mắt đọc báo  không phải đeo kính đặc biệt trí nhớ khá minh mẫn vừa quạt bếp than đước rực đỏ má bảo anh con trai: Làm cái gì tươi tuơi cho các chú nghe con! Tươi tươi thì nhất ở đây rồi, cua tươi còn bò lổm  ngổm, rùa bò lạo xạo trong thùng, rồi những con lệch tươi sống to hơn con lươn vàng ngoài Bắc lại có cả nồi cháo rắn nấu đậu xanh bốc hơi thơm nức. Má nói ở đây còn có cả loài cá ba đời  nghĩa là trong bụng con cá “Mẹ” lại có con cá “con”, trong bụng cá con đó lại có một con cá “cháu”. Rồi má khoe: chỉ đất biển xứ Mũi mới có giống ba khía trong như con cua nhưng càng rất to. Dân Mũi muối mắm ba khía vàng rộm nhấm rượu rất bắt. Ở đây nướng là món thông dụng còn mang dấu ấn của những ngày đi khẩn hoang mở đất. Má đãi chúng tôi món cá kèo nấu lẩu rất ngon. Đĩa cá kèo đang dạy giũa vừa mới bắt được rạch bùn rừng đước lúc chiều đổ ập vào nồi lẩu đang sôi lụp bụp mà nghe râm ran da thịt chuyển mình với xao xác rừng đại ngàn. Chuyện trò với má thật thân thương và bình dị. Má hay hỏi, có những câu hỏi thật hồn nhiên như con trẻ: tụi bây có biết không, hôm nọ có đoàn các má ngoài đó vào chơi ở đây được ông thủ tướng cho đi, sướng thật! Tôi nói: Má ơi! Đó là những bà mẹ Việt Nam Anh hùng được ưu tiên. Má lại cười: Má cũng là mẹ Việt Nam Anh hùng, cái bằng treo trên đó mà ước mãi chưa ra thủ đô được. Anh con trai đang chỉnh lại cây đàn  nói vọng ra: Thì con mấy lần giục má đi, xã mấy lần mời má đi, má chẳng chịu đi. Ờ, Ờ... Má nói: Tao đi thì nhớ đất Mũi lắm, nằm quen với cái gió biển đất Mũi này rồi, ngồi trong cái điều hòa là cảm cúm liền à, không chịu được. Rồi đêm má không rấm chút trầm đuổi muỗi vo ve quen tai thì khó mà ngủ được. Khi cậu con trai tung tẩy ngón đàn véo vắt buông lửng mơ hồ mà thắt lại ngổn ngang bao tâm tư thì má cất giọng - Một bài ca từ thủa chống Pháp can trường: “Má ơi, con chẳng lấy chồng,- con chờ chiến sỹ thành công đón chàng - Một thương chiến sỹ xa đường - Hai thương chiến sỹ can trường đánh Tây - Ba thương lặn lội bùn lầy …”

Rồi má lại kể: Đất Mũi là mảnh đất ba bề bị biển đông bao bọc và ngăn cách đất liền bởi con sông Cửa Lớn rộng hàng trăm mét. Đây còn gọi là Rạch Gốc. Mảnh đất hồi mới khai sinh đúng là muôn vàn khó khăn như cao dao từng nêu: “Xứ đâu hơn xứ canh điền - muỗi kêu như sáo, đĩa nổi lềnh bềnh như bánh canh”. Còn nữa, xứ cồn này bị cô lập ghê rợn với mọi người: “Đây là cái xứ lạ lùng - Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng kinh.” Ấy là chưa nói đến những hiểm nguy rình rập: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng - Dưới dòng Sấu lội, trên bờ Cọp um.  Nghe má “nói thơ” mà tôi đã hình dung ra sự khắc nghiệt của vùng đất Mũi ngày xưa đã ngấm vào  tâm thức của người dân nơi đây..  

Một góc xóm chợ đất mũi Cà Mau

Về đất mũi Cà Mau tôi được nghe kể về sự tích anh hùng Bông Văn Dĩa quê Rạch Gốc (Tân An - Cà Mau ) đã chọn cửa sông Vàm Lửng quê mình làm bãi tiếp nhận vũ khí bí mật. Rồi anh cùng các đồng chí đoàn 692 của mình đưa những thuyền buồm, máy nhỏ nhoi vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí mở con đường Hồ Chí Minh trên biển về tận mũi Cà Mau. Từ tháng 3/1962 chuyến tàu buồm đầu tiên khởi hành đến 1972 đã có 77 chuyến tàu cập bến Vàm  Lửng thành công với hơn 3 ngàn tấn vũ khí tiếp viện cho quân Cà Mau đánh giặc. Đó là sự tích lẫy lừng chưa từng có trong hàng hải quốc tế. Đặc biệt là hình ảnh thầy giáo trẻ Phan Ngọc Hiển (sinh 1910 tại Cần Thơ). Ông ra đảo hòn Khoai mở trường dạy học, đảo chỉ độ mươi người, chủ yếu là những nhân viên trông coi đèn biển trên đỉnh núi dưới sự chỉ huy của tên sỹ quan Pháp Oliver. Đảo hòn Khoai cách đất liền 14,5km với chiều cao hơn 300m có cây đèn biển lâu đời cần mẫn ngày đêm chiếu sáng về phía chân trời. Thầy giáo Phan Ngọc Hiển vừa dạy học mở mang kiến thức đồng thời tuyên truyền cách mạng. Tháng 10/1940 ông được phân công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa hòn Khoai, các nhân viên coi kho súng và lính gác đã nổi dậy theo sự lãnh đạo của đồng chí Phan Ngọc Hiển. Đúng 23h15 phút ngày 13/12/1940 anh em bắt giết chết tên Oliver phá kho thu toàn bộ vũ khí và đạn dược. Sáng hôm sau, 12 chiến sỹ vượt biển trở về Rạch Gốc. Sau đó giặc Pháp huy động quân tiến công vào Rạch Gốc truy tìm quân khởi nghĩa hòn Khoai. Cuối cùng, sau những ngày chiến đấu ác liệt lực lượng khởi nghĩa hết lương thực và đạn dược, đến ngày 22/12/1940 toàn bộ lực lượng còn lại cùng đồng chí Phan Ngọc Hiển đã bị địch bắt ở bãi bồi Khai Long. Liệt sỹ anh hùng Phan Ngọc Hiển đã hy sinh anh hùng cho cách mạng khi vừa tròn 31 tuổi đời. Chính vì thế ngày 13/12 hàng năm xuất phát từ ngày chiến thắng khởi nghĩa hòn Khoai trở thành ngày truyền thống cách mạng của tỉnh Cà Mau. Và mảnh đất kiên cường, nơi đầu sống ngọn gió Cà Mau được đặt tên ông là huyện Ngọc Hiển. Bãi bồi Khai Long nơi người anh hùng Phan Ngọc Hiển và đồng đội bị địch bắt giờ được cải tạo thành địa chỉ khu du lịch mới. Một miền đất mới sẽ được khai sinh trong tương lai đúng như cái tên Khai Long - mảnh đất mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đước đã  mọc thành rừng gỗ cứng - gió càng lay càng vững thành đồng …”

Sáng hôm sau chúng tôi thuê xe ôm từ chợ đất Mũi ra cột mốc số không khoảng 5km. Ở đây có cột mốc Mũi Cà Mau mang biểu tượng hình con thuyền và cánh buồm lướt sóng và mốc tọa độ quốc gia GPS cốt không được đo đạc và xây dựng từ ngày 01/01/1995. Trên đài quan sát cao 15m tôi nhìn thấy rất rõ đảo hòn Khoai, bãi Khai Long phía đông nam mũi Cà Mau và khu du lịch sinh thái rộng 150 hecta. Ở đây có đường bê tông bao quanh và nhà hàng Thủy Tạ phục vụ khách tham quan rất đẹp. Còn có nhà hàng công đoàn đất Mũi với những món đặc sản chỉ ở đây mới có. Như món lẩu canh chua cá dứa - một loại cá thịt trắng rất thơm ngon, đặc sản của rừng mắm. Người dân ở đây kể cá dứa thích ăn trái mắm. Vào mùa thu, trái mắn rụng là  mùa bà con đất Mũi đánh bắt được nhiều cá dứa nhất, bà con bắt cá dứa bằng phóng lao. Lại nhớ câu chuyện má Ba Sương kể: trong ruột trái mắm có cái lõi màu xanh ăn được nhưng rất chát. Những năm đánh giặc, quân dân Cà Mau đã hái hàng tạ trái mắm đạp vỏ lấy cái lõi bên  trong luộc cho hết chát rồi ăn thay cơm bám trụ giệt giặc. Đứng ở đất  mũi Cà Mau tôi mới hiểu nhà thơ Xuân Diệu thật có lý khi ví: “Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” chứ không phải vô lý vì sao nói con tàu lại là mũi thuyền như có người thường nghĩ. Ở đây  nhà thơ muốn thể hiển sự dũng cảm kiên cường của mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Đất nước hình chiếc tàu nhưng mũi tàu như mũi một chiếc thuyền mà lại có một sức mạnh hiên ngang dũng cảm, lướt sóng. Huống chi là cả một con tàu thì sức mạnh cộng hưởng càng nhân lên gấp bội. Mũi thuyền như một chứng nhân mềm mại trong những câu hát ví von lại vừa thường trực với người dân ở đây như những chiếc xuồng ba lá len lõi khắp kênh rạch. Nhỏ, nhưng có một  nội lực mạnh mẽ tiềm  tàng.

Lúc trở về thành phố Cà Mau chúng tôi nhờ anh lái xe ôm mua vé theo một ca nô chở hàng buôn bán xuất phát từ chợ đất Mũi Cà Mau. Một cảm giác thích thú như trò chơi cảm  giác mạnh trên sông nước, tôi vừa được hít thở bầu khí quyển vô cùng trong lành, lại được ngắm quang cảnh hai bên bờ sông lướt qua nhanh. Màu xanh của đước, của những vạt dừa nước, nhà cửa nối tiếp nhau cùng hàng quán hai bên ‘Đường sông” không khác gì trên đất liền: Cửa hàng điện thoại di động, shop thời trang, quán cắt tóc, quán phở, quán nhậu, vựa cá, vựa tôm (tôi rất thích chữ vựa ở đây có gì ăm ắp phóng khoáng không cần che chắn như tính cách của người Nam bộ). Thỉnh thoảng ca nô liệng qua ngã ba, ngã tư, cua trái, quẹo phải … với cách đánh tay lái khá điệu nghệ và bình thản của người lái ca nô. Thỉnh thoảng dừng lại để trao đổi hàng hoá nhanh chóng, cách trao đổi cũng khá đặc biệt, đôi lúc họ như dùng “tiếng lóng” với nhau không cần mặc cả,  đong đếm – Một Cà Mau “thương trường nổi”. Tôi bất giác nhìn ra xa mà lòng không chỉ thấy mênh mang trước mênh  mông sông nước. Còn nghe náo nức, miên man như muôn con sóng nối nhau vỗ vào mình. Chợt bài hát “Về đất Mũi” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp  bỗng ngân vang da diết níu kéo: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau – Anh thấy xanh tươi đước rừng bát ngát – Miền quê hương em cá bạc, tôm vàng – Miền quê hương em đất cũng sinh sôi – Gần thêm yêu dấu quê chúng ta Cà Mau …”. Gần lắm Cà Mau ơi mặc dù khi tôi đã đi xa ngàn dặm …

                                                                           Hà Tĩnh, ngày 13/9/2017

                                                                                                  N.N.P

. . . . .
Loading the player...