27-09-2018 - 00:27

"Giọt thời gian" của nữ tác giả Trần Thị Ngọc Mai

Tác giả Trần Thị Ngọc Mai- Hội viên hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh vừa ra mắt ấn phẩm thơ thứ 2 của mình có tên "Giọt thời gian" Ban biên tập xin giới thiệu bài viết "Ba đoản khúc về Giọt thời gian của Trần Thị Ngọc Mai" của nhà Lý luận phê bình Bùi Việt Thắng như một lời giới thiệu đến đông đảo bạn yêu thơ tập thơ này của chị.

           THƠ NGHIÊNG

                  (Ba đoản khúc về Giọt thời gian của Trần Thị Ngọc Mai)

                                                                    Nhà phê bình văn học BÙI VIỆT THẮNG

1. Tôi gọi Giọt thời gian của Trần Thị Ngọc Mai là Thơ nghiêng. Này đây “Mẹ gánh quê trong nghiêng bóng mùa vàng” (Ký ức), “Quang gánh ai nghiêng theo điệu nhạc” (Ký ức), “Bão đời xoáy ngả nghiêng em” (Tìm lại mình), “Triền đê nghiêng câu hát” (Ngày của gió), “Cả chiều nghiêng vũ điệu” (Tự tình thu), “Khi lòng tin ngả nghiêng theo nhịp sóng” (Cầu nguyện), “Đất trời hôm nay. Nghiêng bóng soi sông bồng bềnh nhịp sóng” (Anh),... Cái nhìn của thi nhân với thế giới xung quanh có thể là nhìn thẳng (“Ung dung buồng lái ra ngồi/ Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”, Phạm Tiến Duật). Nhưng thi nhân cũng có thể nhìn nghiêng thế giới tạo vật và con người. Nhìn kiểu nào thì cũng nhằm cuối cùng phát hiện ra bản chất của sự vật vốn không hề đơn giản. Nó luôn luôn đa chiều đa diện. Đôi khi nhìn nghiêng lại thấy sự vật phát rạng. Lại nhớ một câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội/Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”. Và đặc biệt Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi/Một dòng lấp lánh/Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”… Trở lại cái gọi là “thơ nghiêng” của Trần Thị Ngọc Mai, có thể tác giả có hay không có ý thức về cách thức nhìn nghiêng thế giới. Nhưng chị là người vận dụng sáng tạo các phát minh. Vậy nên giống cách thức của người Nhật, nhìn nghiêng là cách thức tiếp cận đối tượng từ một phía không chính diện nhưng lại điển hình. Ở đó dễ nhận ra những khía cạnh bất ngờ nhất của sự vật. Không riêng tôi, nhiều người thích cách viết “quang gánh ai nghiêng theo điệu nhạc”, “triền đê nghiêng câu hát”, “mẹ gánh quê trong nghiêng bóng mùa vàng”,... Mà quả thực thì, lần đầu gặp Trần Thị Ngọc Mai trong một lớp học ngắn hạn của Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, năm 2016, của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi (với tư cách giảng viên) đã vận dụng phép “nhìn nghiêng” để tiếp cận một “người đồng hương vĩ đại” như cách nói vui của mấy anh em cùng quê “mang tơi đội nón”, với đặc sản “nác” chè xanh và kẹo Cu-đơ như là một thương hiệu. Tháng 8-2016, tôi có chân trong đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế tại Formosa Hà Tĩnh. Trong buổi giao lưu có các nhà văn Đức Ban, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, Bùi Quang Thanh, và Trần Thị Ngọc Mai, Trần Quỳnh Nga (chủ nhà); Hoàng Quốc Hải, Trần Nhương, Văn Chinh, Bùi Việt Thắng, Đàm Quỳnh Ngọc (khách). Tôi đã hơn một lần chủ động tiếp cận Trần Thị Ngọc Mai từ cái nhìn “nghiêng” bên trái. Thấy rõ nét hơn, thần thái hơn. Nhiều điều mới lạ qua cái nhìn nghiêng (!?).

2. Khát vọng thành thực là điều căn cốt khi tôi đọc thơ Trần Thị Ngọc Mai. Những bài thơ nói về người cha (Một chiều hè), người mẹ (Bàn tay mẹ, Ngày của mẹ), về quê hương bản quán - nơi chôn nhau cắt rốn (Nơi ta về, Khúc ru cánh đồng, Cõi nhớ, Miền Trung,...), khi đọc khiến người xa quê hương đất tổ hơn 60 năm, như tôi, bỗng rưng rưng. Thậm chí bàng hoàng. Bàng hoàng vì được đánh thức từ tiềm thức cả niềm vui lẫn nỗi buồn đau mỗi khi nghĩ về quê hương. Tôi thấy Trần Thị Ngọc Mai có ý thức rõ rệt khi cố gắng neo giữ trong tâm tưởng và hành động “Nơi ta về” (nhan đề một bài thơ hay trong tập mà tôi rất thích). Nói cho cùng chí lý, chí tình thì trong cơ chế xã hội hiện nay đang có một cuộc di dân vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Hàng triệu người từ thôn quê, bỏ đất đai hoang hóa, rùng rùng kéo ra các đô thị nhan nhản với giấc mơ đổi đời nơi miền đất hứa. Một trăm phần trăm họ mất gốc, đứt rễ với mảnh đất sinh thành ra mình. Đô thị không cho họ hạnh phúc, an nhiên, tự do. Trái lại. Thế là vỡ mộng, thế là bi kịch. Vậy nên vô số người thiếu hẳn “Nơi ta về/ Sau một ngày bì bõm/Lội ngược xuôi tôm tép vá nắng mưa/Là nhà ta mẹ cha còn đợi cửa/Gốc thông già thầm lặng đổ bóng trăng” (Nơi ta về). Vì cơn cớ gì mà bao nhiêu bờ xôi ruộng mật biến mất? Vì cơn cớ gì mà sông ngòi biển cả bỗng khô cằn hay bị đầu độc? Vì cơn cớ gì mà đô thị cứ như là một “tiếng gọi nơi hoang dã” làm con người như ngày càng mụ mị, lú lẫn, để rồi lạc vào mê lộ? Thơ Trần Thị Ngọc Mai có cái điệu thổn thức là vì thế. Đó là điệu hồn. Đó là nhịp điệu tâm hồn. Thổn thức và đôi khi nghẹn ngào “À ơi... cánh đồng quê tôi/Thánh thót mồ hôi trưa – mẹ/Dập bầm bước chân đêm – cha/Rạ rơm đan mùa xào xạc/À ơi.../ À ơi...!” (Khúc ru cánh đồng). Ngày nay còn bao nhiêu người biết nghẹn ngào và thổn thúc trước thiên nhiên bị tàn sát và con người bị biến thành NƠI GỪ (Việt Phương). Tôi cứ nghĩ, con người và thơ Trần Thị Ngọc Mai cứ như những hòn than nóng rực ủ kỹ trong tro. Bề ngoài có vẻ nguội lạnh nhưng bên trong ấp ủ bao nhiêu năng lượng của Hỏa Diệm Sơn. Có thể nói phần thơ viết về quê kiểng, về người ruột thịt trong thơ Trần Thị Ngọc Mai dễ chiếm được cảm tình của độc giả hơn cả, trong đó có tôi. Nhưng thơ viết có tình thì dễ chinh phục độc giả. Tôi hình dung, Trần Thị Ngọc Mai nếu không dị ứng thì cũng hoàn toàn xa lạ với các ism (chủ nghĩa hậu hiện đại, chẳng hạn). Vẫn là một lối chân quê ngày nay. Chân quê nhưng không cổ hủ, lạc điệu.

      Những bài thơ thuộc “khúc tự tình”, nghĩa là rất riêng tây của Trần Thị Ngọc Mai trong tập, theo tôi, thể hiện một khát vọng thành thực được yêu, được dâng hiến (Tự tình thu, Lộc vừng muộn, Nói với anh, Nụ hôn ánh sáng, Khoảng lặng,...). Người thơ trong tình yêu dẫu có cuộn trào thì vẫn không bạo liệt, cùng lắm cũng chỉ “Chạm vào anh trong bóng chiều khuyết nắng” (Khoảng lặng). Thậm chí cả lúc thấy “nóng” trong người thì cũng chỉ “Em tìm về biển/ Gọi sóng lên để tự tình” (Tự tình). Chao ôi, nếu tự tình với sóng biển thì đó là người của trời, của đất rồi, đâu còn “xác phàm” như người trần mắt thịt. Thơ thế là thánh thiện tình yêu. Không nhiều nhục cảm và lắm hoan ca như thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, hay của mấy cô gái làm thơ Sài Gòn họp lại thành nhóm Ngựa Trời trong Dự báo phi thời tiết (2004), một thời xôn xao văn đàn. Tôi chưa một lần nhìn thấy Trần Thị Ngọc Mai khóc thực ngoài đời nhưng đã nhìn thấy trong thơ “Ai hay em khóc đêm chùng lạnh/Áo người còn ấm giữa giường suông?/Gió Lào buốt cả đau còn thức/Thương xa kéo nổi ước mơ gần/Ai hay em khóc trăng ngủ muộn/Biết người quên – nhớ bóng thềm xưa?/Hương cau chạm đáy tình hư – thực/Trầu rịn lá vàng chạm đáy vôi” (Ai hay em khóc). Bài thơ hay nhưng tôi không thể dẫn ra hết vì sợ làm mất thời giờ của độc giả ngày hôm nay rất thông minh, lại khó tính và đôi khi hơi... đỏng đảnh nữa.

3. Nhưng mỗi người làm thơ đều có sở trường sở đoản. Tôi thấy, Trần Thị Ngọc Mai không mạnh về triết lý. Hãy cứ viết như Giọt thời gian đặt ở đầu tập thơ “Rót thêm một giọt thời gian nữa/Cỏ xanh mướt trải bờ đê/Mẹ ngồi chân cầu giặt áo/Bụi trần theo dấu sông quê/Rót thêm giọt thời gian nữa/Đào còn e ấp nụ son/Mai vàng gọi duyên về phố/Riêu riêu mưa phủ gót giày/Rót thêm giọt thời gian nữa/Đêm nay mùa xuân về/Bếp hồng râm ran chuyện kể/Nhang trầm quyện bánh chưng xanh”… Thơ đòi hỏi từ ngữ phải mới, có sức sống, có cái chủ quan tìm tòi. Nhưng đừng nên lạm dụng những “ký ức rêu phong”, “năm tháng miên di”, “bến mê tóc xõa”, “hoang lạnh kiêu kỳ”…  Hãy cứ viết tự tin, chân phương như kiểu “Dáng lúa đánh võng lời ru” (Khúc ru cánh đồng), “Con đò cũ chiều cong chao vành nón”(Ký ức). Đại thi hào Nguyễn Du, người đồng hương vĩ đại nhất của các nhà thơ Hà Tĩnh còn viết “Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh” (Truyện Kiều). Huống hồ là ta, thuộc hàng hậu sinh mà biết đâu có khả úy (!?).

     Tôi lấy làm mừng khi thấy Trần Thị Ngọc Mai cứ điềm nhiên “lối cũ ta về”, cứ “chầm chậm tới mình”. Đó là một cách thế ở đời và trong sáng tác thơ ca./.

                                            Hà Nội – Hà Tĩnh, những ngày cuối năm 2017

                                                                     B.V.T

 

. . . . .
Loading the player...