Tác giả Trần Vũ Thìn, Quê quán Cẩm Thành – Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PT-TH Hà Tĩnh; Hội viên Thơ, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Tập thơ Trái tim người lính của tác giả do NXB Nghệ An phát hành năm 2024 qua lời giới thiệu của nhà thơ Văn Lê.
TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH VẪN VỜI VỢI YÊU
Không phải ngẫu nhiên mà tôi lựa chọn câu kết trong bài thơ: “Trái tim người lính” đặt tiêu đề cho bài viết của mình khi cảm nhận tập thơ: “Trái tim người lính” (NXBHNV-2024) của Trần Vũ Thìn - Hội viên chuyên ngành thơ, Hội VHNT Hà Tĩnh.
Có thể nói, không gian, thời gian, đời sống, cảm hứng xuyên suốt 70 bài thơ mang bản sắc, phong vị người lính mà như Trần Vũ Thìn đã viết: “Dẫu là lính thời bình hay thời chiến/ Vẫn một tên chung bộ đội cụ Hồ”. Đã từng là anh bộ bộ đội cụ Hồ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã từng “vào sinh ra tử” cùng đồng đội hết chiến trường khốc liệt B, C thời chống Mỹ cứu nước, cho nên khi trở về hậu phương, thức hay ngủ, ám ảnh Trần Vũ Thìn vẫn là hình ảnh đồng đội một thời “chia lửa”. Bởi thế, Trần Vũ Thìn day dứt không nguôi. Anh đã khoác ba lô đi tìm đồng đội:
Thước đất nào nơi các anh nằm
Trận địa nào bom vùi chon đồng đội
Yên lặng thế, sao các anh không nói
Đã lâu rồi, nhớ nhau lắm phải không!?
(Đồng đội ơi!)
Lòng đau quặn thắt, nước mắt nhòa khi “Viếng thành cổ Quảng Trị”:
Bao năm chiến đấu hy sinh
Bây giờ khóc bạn, khóc mình nơi đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Khói hương, sương nắng mắt cay lệ nhòa
Quảng Trị ơi! “Máu và hoa” *
Nỗi đau thành Cổ, biết là bao nhiêu
(Viếng thành cổ Quảng Trị)
“Trước nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn” Trần Vũ Thìn không dấu được nỗi niềm băn khoăn, day dứt:
Có biết bao nhiêu mộ chí
Vẫn còn không tuổi, không tên
Có biết bao nhiêu chiến sĩ
Mộ phần chưa được an yên
*
Hơn ba trăm ngàn đồng đội
Ra đi mãi mãi chưa về
Gia đình bể dâu nông nỗi
Khúc buồn đẫm lệ bến quê
(Trước nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn)
Cuộc chiến biên giới Tây Nam, rồi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, biết bao mất mát hy sinh của đồng bào, chiến sĩ để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhìn màu hoa đỏ nơi biên cương, Trần Vũ Thìn liên tưởng đến máu đỏ của đồng bào, đồng chí. Viếng đồng đội trong nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, tâm trạng của Trần Vũ Thìn ngổn ngang, vừa đau đớn: “Mặt trận Vị Xuyên, máu đầm trong máu” vừa thương cảm, xót xa: “Thương mẹ mất con, thương em góa bụa/ Thương bạn tôi chẳng bao giờ về nữa/ Chỉ còn tôi may mắn có bây giờ…”
Tập thơ Trái tim người lính của tác giả Trần Vũ Thìn
Thương đồng đội hy sinh, Trần Vũ Thìn thấu cảm cả những điều giản dị, đời thường nhất: “Chỉ còn thương bạn mà thôi/ Bao năm không được về nơi quê nhà/ Nhớ bát canh, nhớ quả cà/ Nhớ câu hát có sông La núi Hồng”.
Làm thơ với Trần Vũ Thìn là làm sao ghi lại được chân thành những rung cảm đằm thắm, những tình cảm sâu lắng, chân thành. Những vần thơ thương nhớ đồng đội của Trần Vũ Thìn đã truyền cảm, đã khiến không ít độc giả rưng rưng, xúc động. Và tôi nghĩ, cội nguồn, sức sống của thơ ca bắt nguồn từ đó!
Là nhà báo thi sĩ, ăng ten thơ Trần Vũ Thìn nhanh nhạy, nắm bắt mọi thông tin “nóng” nhất của đời sống và chuyển tải nhanh nhất đến độc giả. Khi không ít bạn thơ đang loay hoay với những thu, đông với lá ngô đồng rụng, ngõ trăng, hay nỉ non với ái tình thì Trần Vũ Thìn tắm mình giữa đời sống đa chiều với tuyến đầu chống thiên tai, dịch bệnh. Trần Vũ Thìn đã đồng hành với chiến sĩ-y bác sĩ trên tuyến đầu chống giặc Covid-19. Những vần thơ có mặt ngay tức thì trong vùng dịch, trong khu cách ly động viên kịp thời không chỉ những chiến sĩ áo trắng mà bộ đội, công an trong cuộc chiến đấu thầm lặng, gay go, quyết liệt này! Trong bài “Gác lại tình riêng” Trần Vũ Thìn chia sẻ:
Chẳng quản ngày đêm, dù mưa hay nắng
Gác lại tình riêng, vợ đợi, con chờ
Thương các anh những đêm dài thức tắng
Truy vết, khoanh vùng, lập chốt đón đưa
Và:
Đi chống dịch nghĩa là vào cuộc chiến
Đến tận từng nhà tìm F1, F2
Bưng bát cơm lên, thấy lòng nghèn nghẹn
Thương người dân gian khổ vẫn còn dài
(Gác lại tình riêng)
Điều đáng nói viết về bất cứ đề tài nào, trong thơ Trần Vũ Thìn vẫn hiện lên hình ảnh người chiến sĩ tận tụy, hết lòng, trên tuyến đầu chống dịch bệnh, thiên tai. Đây là những người chiến sĩ, những bông hoa tỏa đầy hương sắc trong khu cách ly Thạch Hưng, Thạch Hà:
Họ là những bông hoa dân quân y kết hợp
Trong vườn hoa đầy hương sắc tuyệt vời
Đang cùng nhau tiến lên phía trước
Dâng hiến mình cho sự sống sinh sôi
(Những người lình thời bình)
Trong chùm thơ viết về Cô vid có lẽ ấn tượng nhất, cảm động nhất là bài thơ: “Trong khu cách ly ngày giỗ mẹ”. Bài thơ này Trần Vũ Thìn viết trong hoàn cảnh, ngày giỗ mẹ mà anh vẫn phải ở trong khu cách ly nên ngổn ngang biết bao tâm trạng vừa thương nhớ mẹ, vừa thương mình. Đọc thơ mà lòng nghèn nghẹn:
Hôm nay đến giỗ mẹ rồi
Con không về được, mẹ ơi đừng buồn
Nhờ em thắp hộ nén hương
Gọi là một chút nhớ ơn sinh thành
Mười hai bến nước gập ghềnh
Nửa đời quang gánh một mình mẹ tôi
(Trong khu cách ly ngày giỗ mẹ)
Gần đây, siêu bão Yagi gây ra bao mất mát đau thương cho miền Bắc, miền Trung thân yêu. Trần Vũ Thìn đã tốc ký cả chùm thơ chia sẻ những mất mát hy sinh với đồng bào, khích lệ những người chiến sĩ sát cánh cùng nhân dân trong thiên tai. Những bài thơ ấy đã kịp thời xuất hiện trên Tạp chí Hồng Lĩnh, trên sóng PT&TH HTTV hay trên trang vanhocnghethuathatinhdientu.org.vn truyền đến cho độc giả thông điệp đồng cảm, chia sẻ mất mát đau thương, “lá lành đùm lá rách” để sớm khắc phục hậu quả thiên tai ổn định cuộc sống. Trong số đó, có những người lính đã quên mình vì tính mạng và tài sản của người dân. “Có người đã ra đi, không trở lại/Vẫn nụ cười tươi tắn nở trên môi/ Cuộc chiến này, tên anh ngời sáng mãi/ Trong lòng dân, thơm ngát giữa hương đời”. (Thơm ngát hương đời)
Thơ Trần Vũ Thìn là lời “gan ruột đưa lên tâm hồn”, là lời trái tim thẳng đến trái tim. Thơ Trần Vũ Thìn không khoa trương, không làm đỏm, làm dáng mà mộc mạc, chân thành, chân chất cuộc sống như tấm lòng ngay thẳng của người lính. Nhưng không vì thế mà kém phần xúc cảm.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập thơ: “Trái tim người lính” của nhà báo- chiến sĩ- thi sĩ Trần Vũ Thìn.
Hà Tĩnh mùa thu 2024!
VĂN LÊ