29-07-2024 - 08:30

Thơ Nguyễn Đăng Độ qua góc nhìn các nhà thơ, nhà phê bình

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành cuốn sách nghiên cứu, phê bình "Thơ Nguyễn Đăng Độ qua góc nhìn các nhà thơ, nhà phê bình” của nhiều tác giả. Đây là cuốn sách tập hợp 30 bài viết, trong đó bài mở đầu là lời "Tự sự” của chính nhà thơ Nguyễn Đăng Độ và 29 bài viết khác với các thể loại nghiên cứu, phê bình về quá trình sáng tác và các tác phẩm thơ, nhạc của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

   Có thể nói đây là cuốn sách tập hợp được nhiều cây bút hiện nay trên văn đàn, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo cùng viết về một chủ thể, một tác giả đó là thơ và nhạc của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ. 30 bài viết chính là 30 lát cắt, những cảm nhận, phân tích, tìm tòi và nghiên cứu một cách nghiêm túc về những sáng tác, những điểm nổi bật, phong cách nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ. Các bài viết đi sâu vào tìm cái hay, cái đẹp, cái giản dị, chân chân mộc mạc, chân quê trong ngôn từ của các tác phẩm.

     Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là người con gắn bó máu thịt với quê hương mình, dù đi đâu, làm gì thì với anh quê hương là nỗi nhớ, niềm thương, là hành trang quý giá mà anh luôn cất giữ trong tim mình. Anh tâm sự: “Với tôi, quê hương là mảnh đất thiêng liêng. Nó chứa đựng linh hồn ông cha nhiều thế kỷ, cho dù trải qua biết bao biến động, những đe dọa khốc liệt của dòng đời, thậm chí là cả những tai họa hay chiến tranh tàn khốc, gieo rắc biết bao cái chết oan ức xuống mảnh đất nhỏ nhoi của chúng tôi. Nhưng nó không bao giờ khuất phục được những con người đầu trần chân đất, quanh năm ngày tháng một nắng hai sương, sớm khuya lam lũ kiếm từng bắp ngô, củ sắn để được sống, được đứng thẳng làm người một cách tự tin, kiêu hãnh. Từ vùng quê nghèo khó, chúng tôi đứng lên. Chính sự nghèo khó này là động lực, cũng là cội nguồn tiếp thêm năng lượng để tôi có sức mạnh chiến thắng vượt lên khi tha hương đất khách. Cũng vì thế, tôi đã bỏ lại sau lưng mọi tham vọng nghiệt ngã của dòng đời, những đau thương và mất mát để viết lên những câu thơ, bài thơ về tình yêu cuộc sống, về quê hương:

“Quê hương thấm đượm lời ru

Ngân nga tiếng sáo vi vu chân trần

Quê nghèo cất giữ lời thương

Tuổi thơ lặng giữa sắc hương ân tình;

Hồn quê Việt Tiến mang theo

Thân gầy dáng mẹ cánh bèo lặng trôi Thương đất mẹ khói lam chiều ngơ ngác

Giọt mồ hôi chát mặn đồng làng

Đã xa quê dằng dặc đêm dài

Bát cơm trộn trái cà tím tái

Thơ thẩn nhớ tháng ngày bom dội

Chiến tranh xao xác mặt người”.

Tập sách "Thơ Nguyễn Đăng Độ qua góc nhìn các nhà thơ, nhà phê bình”

     Lời đầu sách trong bài Tự sự chính nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã "tự thú”: “Có lẽ thời gian tôi sống hết mình cho thơ ca, trong sự tràn ngập của những cảm xúc đầy mê thích và khoái cảm, chính là sau những tháng năm dạn dày trong quân ngũ rồi trở về hậu phương

bươn trải tìm kế mưu sinh”.

    Và thêm một lần anh giải bày cái duyên của mình với văn chương: “Có lẽ tôi chạm vào cái bùa của văn chương, là những bài thơ đầu tiên tôi viết khi còn

đang ngồi trên ghế nhà trường. Tôi yêu thơ văn từ khi còn nhỏ. Mỗi ngày sau những buổi đi học về, tôi thường giấu bố mẹ, ngồi vào một chỗ kín không ai nhìn thấy, ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về bạn bè, về tình yêu thời áo trắng, về những ngày hè cùng đám trẻ ở làng chạy nhảy trên khắp các cánh đồng. Những ghi chép đơn sơ khi ấy, được tôi bí mật lưu lại trong cuốn sổ tay, cất thật kỹ trong góc học tập của riêng mình không cho ai biết. Nhưng dù sao những bài thơ như thế, cũng chỉ là sự đam mê thơ ấu của tuổi học trò”.

     Những đam mê về văn chương được hun đúc từ thuở hoa niên và rồi năm tháng quăng quật trong trường đời lăn lộn mưu sinh, cầm súng ra chiến trường và sau này trở thành một doanh nhân thành đạt đã tích lũy cho nhà thơ Nguyễn Đăng Độ những trải nghiệm quý báu, những va đập về cảm xúc và được chắt lọc, thăng hoa thành những vần thơ, điệu nhạc làm say đắm lòng người. Với anh, thơ và nhạc chỉ là để giải bày tâm trạng, nơi gửi gắm bao ưu tư và những tâm sự của riêng mình với tình đời, tình người. Anh viết cho riêng mình nhưng lạ thay khi những vần thơ ấy đến với độc giả, những ca khúc ấy đến với khán thính giả thì lại hấp dẫn đến lạ kỳ, ai cũng tìm thấy hình ảnh tuổi thơ của mình, soi thấy quê hương mình trong những vần thơ, điệu nhạc của anh. Đến nay, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có 3 tập thơ dày dặn: Tình Quê - Nhà xuất bản Phụ nữ năm 2022, tập thơ Hương xa - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2022, Những vần thơ yêu thương - NXB Hội Nhà văn năm 2023. Ngoài ra, hàng chục bài thơ của anh được các nhạc sĩ đồng cảm phổ nhạc và phát trên sóng truyền hình trung ương và địa phương. Đặc biệt, những bài như: Áo tơi, Cõng chữ về bản, Nỗi nhớ Tây Nguyên, Chiều biên giới, Thương mẹ, Hồn quê, Chưa một lần về… được đánh giá cao.

      Ngoài cảm hứng viết về quê hương và tuổi thơ thì trong các sáng tác của mình, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ còn viết nhiều về hình ảnh người lính và sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Khi đã trải qua đời lính ngôn ngữ và phong cách nghệ thuật trong thơ anh vừa thấm đẫm hiện thực vừa lãng mạn, mộng mơ. Anh đã từng nói: “Có lẽ thời gian tôi sống hết mình cho thơ ca, trong sự tràn ngập của những cảm xúc đầy mê thích và khoái cảm, chính là sau những tháng năm dạn dày trong quân ngũ rồi trở về hậu phương bươn trải tìm kế mưu sinh. Nhất là khi tôi từ Kon Tum về Đà Nẵng sinh sống. Vào các buổi chiều và buổi tối, tôi thường lang thang ngoài biển nhìn ra xa mênh mông sóng vỗ”. Đó là những phút giây anh sống thật với lòng mình và gửi gắm vào các tác phẩm của anh.

      Trong bài "Thế giới của Hương Xa” Nhà thơ Trần Anh Thái - Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá về thơ Nguyễn Đăng Độ: “Để có được câu thơ trên, nhà thơ đã phải trải qua những tháng năm bầm dập, nghèo khó của tuổi thơ vùi trong bùn đất, cho đến suốt thời gian còn lại của cuộc đời, với biết bao sóng gió thăng trầm. Chính những năm tháng gian nan ấy, giúp nhà thơ có cái nhìn thấu suốt về hạnh phúc và nỗi khổ đau. Không có sự từng trải, không có tình yêu thương da diết với quê hương đất mẹ, không có sự cảm thông sẻ chia sâu sắc, không thể viết lên những câu thơ giàu cảm xúc, vừa sâu sắc vừa thấm đẫm tình thương và sự chân thành như thế”.

      Còn Nhà phê bình văn học Lam Nguyễn lại có những đánh giá rất cô đọng về cốt cách thơ Nguyễn Đăng Độ:

“Nguyễn Đăng Độ là nhà thơ mang đậm chất thi sĩ. Mỗi thi tập của anh đều để lại ấn tượng cho người đọc bởi sự đa nghĩa, giàu liên tưởng, và mỗi bài thơ sẽ đều lấp lánh một điều gì đó khiến người đọc luôn nhớ về…”

      Đọc hết các bài viết trong cuốn sách "Thơ Nguyễn Đăng Độ qua góc nhìn các nhà thơ, nhà phê bình” của nhiều tác giả và đọc ba tập thơ mà anh đã xuất bản chúng ta sẽ nhận ra một giọng thơ mới không thể trộn lẫn, mỗi bài thơ là một thông điệp về cuộc sống, về tình đời, tình người. Là tình yêu quê hương, đất nước, những ký ức một thời gian khổ với tuổi thơ dữ dội nơi cố hương, hay những vùng đất, tình người mà tác giả đã từng đi qua. Với câu từ chân chất, mộc mạc như ca dao và sử dụng phần nhiều là thể thơ lục bát truyền thống, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã đưa người đọc trở về với quá khứ, với cố hương với những tháng ngày xưa cũ. Đọc thơ anh ta bàng hoàng sực tỉnh, hóa ra trong cuộc sống bon chen hàng ngày, nhiều khi ta mãi chạy theo những danh vọng hay vật chất tầm thường mà quên đi những điều bình dị mà trân quý của cuộc sống, qua những vần thơ của anh ta mới tìm lại được quá khứ, tuổi thơ và quê hương của mình trong những vần thơ thổn thức.

      Nguyễn Đăng Độ làm thơ như một cuộc dạo chơi! Anh không lập nghiệp bằng văn chương, anh là người ngoại đạo với thơ, nhưng chính những vần thơ lại tìm đến với anh một cách ngẫu nhiên. Chính vì không lập thân bằng văn chương, mà anh lại có được những câu thơ như "trời ban" để vỗ về làm dịu vợi nỗi nhớ quê, hoài niệm tuổi thơ nơi đất khách quê người, đã được các nhạc sĩ chắp cánh thành những ca khúc trữ tình, sâu lắng. Với các bài thơ viết về quê hương được phổ nhạc, anh đã lựa chọn những bài hát hay nhất, dày công đầu tư để thực hiện Chương trình nghệ thuật "Nẻo về nguồn cội" để tri ân quê hương mình. Nguyễn Đăng Độ đến với thơ như là cứu cánh của tinh thần, đi từ "Tình quê" đến "Hương xa", rồi đến "Những vần thơ yêu thương”, từ doanh nhân đến thi nhân và hi vọng thời gian tới, thơ và nhạc của anh sẽ còn lan tỏa hơn nữa trên mỗi bước đường anh qua. Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách nghiên cứu, phê bình “Thơ Nguyễn Đăng Độ qua góc nhìn các nhà thơ, nhà phê bình” của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào tháng 7 năm 2024./.

 

Mai Thanh Hải

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...