06-02-2024 - 10:02

Nam hành ký sự - Sâu nặng nghĩa tình

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Nam hành ký sự - Sâu nặng nghĩa tình” của Gs - Nhà văn Vũ Nho (Đọc “Nam hành ký sự” của Bùi Quang Thanh, Nhà xuất bản Nghệ An, 2024)

       Bạn đọc đã biết đến Bùi Quang Thanh như một nhà báo, nhà thơ với các tập Thơ: Một thời sao lãng quên, Hạt đắng, Đò dọc sông đêm, Ngọn gió dòng sông, Mật ong vàng lũng núi, Cánh đồng thời gian và Bùi Quang Thanh - Thơ. Bây giờ lại biết thêm anh với tư cách một người viết văn xuôi với tập bút ký sâu nặng nghĩa tình gồm 42 bài viết trong suốt cuộc đời làm báo. Nam hành kí sự là bài viết cuối tập về đất nước Singapore, được đặt tên chung cho cả tập gồm các bài bút kí, ghi chép, truyện kí, truyện ngắn, và cả những bài viết không ghi tên loại thể. Kể cũng hợp lí vì ngoài một phần quan trọng viết về quê hương Hà Tĩnh, phần lớn các bài viết đều viết về phía Nam, về chiến trường Tây Nguyên, về thành phố Đà Nẵng, Hội An, Buôn Ma Thuột, cứ điểm Đồng Dù… Nói về tập sách này, tác giả tâm sự: “… tôi nợ kí ức, nợ đồng đội, nợ người thân thích, nợ bè bạn và nợ những người đã mất… Viết văn là một cách trả nợ. Mỗi lần gặp lại đồng đội, gặp lại mảnh đất mình từng chiến đấu ngày xưa, là kí ức thức dậy, kỷ niệm với bao nỗi buồn vui, khắc khoải, đớn đau òa lên trong lòng, không viết về nó không chịu được. Tôi viết lúc nửa đêm về sáng, viết giữa hai cuộc rượu, viết trên tàu, trên xe giường nằm…” (Đức Ban - Bùi Quang Thanh và Nam hành ký sự, tr.5).

       Ấn tượng nhất trong tập sách là những bài viết về đồng đội, đồng chí ở chiến trường xưa. Bài “Xe tăng 377 và những anh hùng chưa được tôn vinh”. Bài này viết đăng 3 kì báo, kéo dài từ 6/2008 đến tháng 5/2010. Tác giả đã gặp gỡ nhiều nhân chứng, đọc nhiều tài liệu, đi nhiều nơi để giải quyết 4 vấn đề quan trọng nhất: Xe 377 là là loại xe gì, đạn nào của địch đã bắn cháy chiếc xe tang này để đến nỗi toàn kíp xe hoa tro bụi? Liệt sĩ Hoàng Văn Ái là người hi sinh trong kíp xe 377 vì sao không có tên? Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn là ai? Tại sao lại ghi tên trong kíp xe 377 suốt hơn ba chục năm trời và cuối cùng là tích cực đề nghị để kíp xe 377 được phong Anh hùng. Nhờ quyết tâm đi đến cùng sự việc và sự giúp đỡ của những người bạn chiến đấu, các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ xe tăng mà mọi việc được sáng tỏ. Và kíp xe tăng 377 được truy phong Anh hùng Lực lượng vũ trang.

       Bài “Đồng Lộc ký ức và hiện tại” cùng với bài “Đi tìm nơi vĩnh hằng của Dũng sĩ phá bom” viết về “Vua phá bom” nổi tiếng Vương Đình Nhỏ. Lý do Vương Đình Nhỏ không được phong anh hùng ngay chỉ vì anh… không chịu tái hợp với người vợ đã ly hôn. Câu chuyện về đời sống khó khăn của gia đình người Dũng sĩ phá bom thật cảm động. Và anh đã hi sinh khi giúp dân gỡ bom phục vụ cho sản xuất ở một miền quê xa xôi. Tác giả đã cùng với con gái người Dũng sĩ vào Rừng Ma để viếng mộ anh Vương Đình Nhỏ, vì anh đã được chôn cất cùng đồng đội người dân tộc cùng hy sinh và đưa hương linh anh về Ngã ba Đồng Lộc.…

       Là nhà báo vốn xuất thân từ quân đội, Bùi Quang Thanh có may mắn lớn là được gặp những tướng lĩnh nổi tiếng. Anh được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chụp ảnh cho ông và được chụp ảnh cung ông nhiều lần. Cuộc gặp gỡ thú vị giữa Đại tướng quân và anh lính 2 lần được phong quân hàm binh nhì lên binh nhất và binh nhất lên hạ sĩ. Anh cũng được gặp Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo, một vị tướng uyên bác cuả quân đội, người Tư lệnh của anh ở mặt trận B3 - người Chỉ huy thong minh, sắc sảo trong các chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh (1972) và Buôn Ma thuột (1975). Qua cuộc gặp này, anh cho chúng ta biết thêm vai trò của trận đánh Buôn Ma Thuột như “chìa khóa vàng mở cổng mùa Xuân”. Rồi anh được trò chuyện với vị tướng “sáu sao”, Thiếu tướng, anh hùng không quân Nguyễn Đăng Kính, người bốn lần bị địch bắn rơi, vẫn trở về cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu và bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Chi tiết thú vị không phải ai cũng biết là máy bay MiG 21 mỗi phút bay thường tốn 45 lít xăng, khi tăng tốc chiến đấu hết 250 lít/phút, mỗi lần xuất kích không được quá 2-3 lần tăng ga. Mỗi máy bay chỉ đèo được 3000 lít xăng, trong đó 500 lít ở thùng phụ. Và mỗi lần xuất kích không quá 30 phút vì hạn chế cơ số nhiên liệu. Còn đám cưới của người anh hùng với cô gái họ Mông quê Yên Bái trong một đêm đặc biệt “rất lính không quân”: “Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Đinh Văn Dây vừa giới thiệu đại biểu xong thì địch đến. Hai họ và đại biểu phải sơ tán; chú rể và đồng đội mặc vội đồ bay về vị trí chờ lệnh xuất kích. Khi có lệnh báo yên, tất cả trở lại…cưới tiếp” (tr. 91). Là một nhà báo, năng động, xông xáo nên tác giả còn được gặp Trung tướng So Phan của Campuchia khi theo đoàn thiện nguyện của Việt Nam sang tặng quà trên đất bạn…

       Chùm bài về người thân và quê hương Hà Tĩnh cho bạn đọc biết thêm về tuổi thơ, những ước mơ của cậu học trò, sau thành bộ đội Tây Nguyên trong binh chủng xe cơ giới. “Sâu nặng nghĩa tình” kể về chuyến tìm mộ của thân nhân hy sinh ở Bình Định, được các cán bộ Bưu điện Bình Định tận tình giúp đỡ. “Người anh hùng của chúng tôi” kể về chiến công của thiếu tá xe tăng Bùi Quang  Đấng và sự cố do những đồng đội và con cháu ông gây ra (vì mến yêu, chia sẻ), trong số đó có tác giả. Thật bất ngờ khi nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, người đồng hương, từng biểu diễn ở mặt trận Điện Biên Phủ đã gặp người anh hùng Phan Đình Giót. Anh Giót đã nhờ Phạm Ngọc Cảnh viết thư cho vợ trước ngày anh hi sinh (Kỷ niệm về người anh hùng lấp lỗ châu mai). Bạn đọc biết về những người thầy đã “khai tâm” và gieo mầm yêu môn quốc văn cho tác giả qua 2 bài viết sâu nặng nghĩa tình (Thầy Hóa và Tìm lại bến đò xưa). “Cậu Liễn”, “Chị Nguyệt Tú”, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong “Hun hút trông theo” là những bài viết ân tình về những người con của quê hương Hà Tĩnh “Đi trên những nhịp cầu buồn”, “Ngang trời lũ cuốn”, “Lúa thơm lấp ló”, “Tản mạn Vũ Quang”, “Những người cất giữ báu vật của vua Hàm Nghi” là chùm bài trăn trở về quê hương với những khó khăn và hi vọng khởi sắc, với niềm tự hào về mảnh đất giàu truyền thống Cách mạng, giàu tiềm năng phát triển.

       Tác giả còn viết về cơn bão lớn khủng khiếp ở Đà Nẵng “Xangsane - Cơn cuồng nộ thế kỷ”, “Mờ mịt giữa trùng khơi”, về tiềm năng du lịch “Hòn ngọc Việt, “Tha thiết buôn Đôn”, “Tiếng chim rừng Bạch Mã”… tất cả đều bằng ngòi bút dạt dào cảm xúc, sâu nặng nghĩa tình của một nhà thơ, nhà báo nhạy cảm, sâu sắc, thiết tha với những mảnh đất, con người đã gặp… 

       Bốn mươi hai bài viết về nhiều chủ đề, nhiều địa phương, nhiều con người mà tác giả gặp trực tiếp hay nghe kể lai, đọc trong sách báo… để lại cho bạn đọc một ấn tượng sâu sắc. Qua đó hiện lên chân dung tác giả, một nhà thơ, một nhà báo, một nhà văn đa tình, đa cảm, đa mang, nhân hậu… sống hết mình vì đồng đội, bè bạn, người thân. Các con số thống kê, các chi tiết đời sống, tự nó đã có sức thuyết phục lớn. Thêm nữa với các trình bày uyển chuyển, mềm mại, thấm đẫm cảm xúc, suy tưởng của người viết nên những trang ghi chép của Bùi Quang Thanh chặt chẽ, xúc động và giàu tính thuyết phục. Bài viết “Xe tăng 377 và những anh hùng chưa được tôn vinh”, “Đồng Lộc ký ức và hiện tại” đậm đặc tính chất phóng sự. Trong khi đó các bài khác lại nghiêng về bút ký văn chương. Có thể thấy sự kết hợp linh hoạt các hình thức biểu hiện đã làm nên sự đa dạng và sức hấp dẫn của “Nam hành ký sự”. Đây chính là tác phẩm làm dày dặn thêm sự nghiệp văn chương của Bùi Quang Thanh, một nhà báo, một nhà thơ, một nhà văn sống dạt dào tình cảm và tràn đầy tinh thần trách nhiệm công dân!

Hà Nội, 29 tháng 1 năm 2024

V.N

. . . . .
Loading the player...