15-02-2021 - 02:14

BÁC HỒ VỚI NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC của Đỗ Nguyệt Hương

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết BÁC HỒ VỚI NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC của tác giả Đỗ Nguyệt Hương

BÁC HỒ VỚI NHỮNG MÙA XUÂN LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC

Với dân tộc Việt Nam, mùa Xuân không chỉ thể hiện sự giao mùa, sự kết thúc của một năm cũ bước sang năm mới, mà mùa Xuân còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.

Kể từ mùa Xuân đầu tiên nhân dân ta có Đảng, ngày 03 tháng 02 năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân, tổng khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Sự thành công của Cách Mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc. Và, đó cũng là mùa Xuân độc lập đầu tiên nhân dân ta được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ vào giao thừa năm Bính Tuất.

Ông Vũ Kỳ – nguyên thư ký của Bác kể lại: ngày 2/9/1945 năm Ất Dậu là Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), một nước vừa thoát khỏi hơn 80 năm dưới ách thực dân. Đây cũng là lần đầu tiên Bác Hồ ăn Tết ở Hà Nội.

Tết Bính Tuất chỉ đến sau ngày Bác tuyên bố khai sinh nước VNDCCH hơn năm tháng. Chiều 20/01/1946 Bác viết thư gửi cho thanh niên và nhi đồng. Bác đọc chậm rãi cho tôi viết “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bác còn khuyên bảo thanh niên “Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước VNDCCH”.

Ngày 01/02/1946, tức 30 Tết, từ sáng sớm Bác đã nói với tôi: “Tối nay chú đưa Bác tới thăm một số gia đình Tết nghèo, Tết vừa, Tết khá, Tết sang. Chú không phải báo trước cho bất kỳ ai”. Khi đó chúng ta mới giành được chính quyền, các thế lực phản động vẫn đang rắp tâm phá hoại cách mạng. Thấy tôi không yên tâm, Bác động viên: “Chú có biết cách bảo vệ tốt nhất là gì không? Là bí mật và bất ngờ!”. Bác nói thêm: “Dân ta rất tốt. Chú phải tin vào dân…”. Đúng 19h30, trời tối đen và rét ngọt. Bác lên xe đi thăm một số gia đình nghèo ở Hà Nội. Xe dừng lại ở đầu ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ. Bác đi vào trong ngõ, đường mấp mô, đến một nhà ở cuối ngõ, gọi cửa, không ai trả lời. Đẩy cửa vào căn phòng hẹp, ngọn đèn dầu soi không đủ sáng, có một người nằm đắp chiếu rên trên giường. Tôi ghé vào đầu giường nói: “Cụ Hồ đến chúc Tết đó”. Không thấy tiếng đáp lại, nhưng tiếng rên không to nữa. Tôi rờ tay lên trán chủ nhà, thấy sốt nóng. Bác bảo kéo chiếu lại, rồi Bác cháu lặng lẽ đi ra. Ngồi trên xe, Bác nói khẽ như với chính mình: “Mai chú nhớ mang thuốc, quà và thiệp chúc Tết tới thăm hỏi”. Sáng hôm sau, khi mang thuốc, quà và thiệp chúc Tết tới thăm, chúng tôi mới biết chủ nhà là người tỉnh khác về Hà Nội làm phu xe kéo, không đủ tiền về quê ăn Tết với gia đình…

Ngoài việc tới thăm một số gia đình lao động nghèo, Bác còn tới thăm, chúc Tết một số gia đình thành phần khác nhau như gia đình ông Từ Lâm – người bán sách cũ ở Cửa Nam, một gia đình buôn bán nhỏ ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông), một gia đình công chức nghèo ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn)… Bác dành thời gian của mình để đến thăm từng nhà dân, để xem nhân dân ta chuẩn bị Tết cổ truyền như thế nào, để thấy được người dân có thực sự được hưởng cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc hay không? (Trích trong sách: Vũ Kỳ - thư ký Bác Hồ kể chuyện - NXB chính trị quốc gia - HN - 2005).

Xuân Đinh Hợi 1947, năm đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. 22 giờ ngày 21/01/1947 (tức 30 tháng Chạp năm Bính Tuất), từ nơi họp hội đồng chính phủ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây) Bác lên xe tới trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (huyện Chương Mỹ – Hà Đông) để đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Trời mưa nặng hạt, đường trơn lầy lội, nhiều đoạn xe không đi nổi, mọi người, kể cả Bác, phải xuống đẩy xe, gần 24 giờ xe mới tới nơi. Thật là may, Bác xuống xe đi ngay vào phòng máy của Đài, đúng thời khắc Giao thừa. Bác trịnh trọng đọc bài thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Kết thúc bài thơ là hai câu: “… Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công !”

Đây là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác. Từ đó trở đi, trở thành “lệ thường”, cứ đêm giao thừa 30 Tết là mọi người lại thấp thỏm chờ mong nghe Bác đọc thơ chúc Tết. Vì thơ chúc Tết của Bác vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân mà còn là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền đạt bằng thơ. 22 bài thơ chúc Tết của bác Hồ đã trở thành tài sản văn hóa vô giá của dân tộc.

22 năm sau, kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên năm 1947, Tết Kỷ Dậu 1969, trước lúc đi xa Bác cũng có thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ. Người kêu gọi: “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào. Bắc Nam xum họp, Xuân nào vui hơn!”

Đúng 6 năm sau, mùa Xuân năm 1975, đất nước ta đã thống nhất, đi lên xã hội chủ nghĩa. Đất nước ta đã thực hiện trọn vẹn lời Bác chúc Tết năm Đinh Hợi 1947: “Thống nhất, độc lập, nhất định thành công”.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng mỗi năm Tết đến, xuân về, toàn dân tộc ta vẫn rộn ràng niềm vui, niềm tự hào “Mừng Đảng, Mừng Xuân”. Với mùa Xuân mới, toàn dân Việt Nam nguyện phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như mong ước của Bác Hồ kính yêu. 

 

 

Đỗ Nguyệt Hương

Chủ tịch Hội Khoa học – Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

. . . . .
Loading the player...