15-05-2017 - 21:31

"Bản án chế độ thực dân pháp"- Tác phẩm mở đường cho thể loại phóng sự trong văn học Việt Nam hiện đại

Tạp chí Hồng Lĩnh số 129 giới thiệu bài viết "Bản án chế độ thực dân pháp"- Tác phẩm mở đường cho thể loại phóng sự trong văn học Việt Nam hiện đại của tác giả Đinh Trí Dũng.


1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Đóng góp to lớn nhất của Người đối với đất nước trước hết là sự nghiệp cách mạng cứu nước cứu dân. Suốt đời, Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Dồn hết tâm trí cho sự nghiệp cách mạng, Người không có nhiều thời gian để sáng tác văn thơ và Người cũng không có chí hướng trở thành một nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Nhưng rồi do yêu cầu của lịch sử, do nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi, do sự thôi thúc của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, Người đã sáng tạo được rất nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị, trong đó chứa đựng những tư tưởng, tình cảm lớn lao, cao cả, với nghệ thuật biểu hiện vừa chân thực vừa sinh động, vừa sắc sảo vừa tinh tế. Về nội dung và nghệ thuật, nhiều tác phẩm truyện, kí của Người còn đánh dấu sự mở đường cho một số thể loại văn học trong tiến trình vận động gấp rút của nền văn học Việt Nam hiện đại.
2. Phóng sự là một thể loại văn học - báo chí, xuất hiện khá muộn trong nền văn học mới. Kế thừa những ưu thế của thể loại và biết học tập cách viết của các cây bút phương Tây, lại được tiếp sức bởi không khí của thời đại, bởi nền báo chí non trẻ nhưng phát triển sôi động, đầu thế kỉ XX, thể loại phóng sự trong văn học Việt Nam đã ra đời và nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên văn đàn công khai. Sau phóng sự đầu tiên Tôi kéo xe của Tam Lang (1932), có thể lần lượt kể đến Vũ Trọng Phụng với Cạm bẫy người (1933), Kĩ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937), Trọng Lang với Trong làng chạy (1935), Đời bí mật của các sư vãi (1935), Gà chọi (1935), Đồng bóng (1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938),Làm tiền (1939), Đời các ông lang (1941), Ngô Tất Tố với Tập án cái đình (1939), Việc làng(1940), Nguyễn Đình Lạp với Thanh niên trụy lạc (1937-1938), Chợ phiên đi tới đâu (1937),Cường hào (1938)…
Đặt trong sự vận động gấp rút của thể loại phóng sự, càng thấy vai trò quan trọng của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp được Nguyễn Ái Quốc viết khoảng 1921-1925, xuất bản đầu tiên năm 1925 ở thủ đô Paris nước Pháp
3. Các nhà nghiên cứu còn có những ý kiến chưa thống nhất khi định danh thể loại tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Trần Đình Hượu - Lê Chí Dũng(1), Hà Minh Đức(2) xếp tác phẩm vào loại “văn chính luận”. Huỳnh Lý gọi tác phẩm là “một thiên phóng sự điều tra”(3). Nguyễn Khánh Toàn coi tác phẩm là “tổng hòa của tất cả các tri thức chính trị, triết học, xã hội, lịch sử, văn học và kinh nghiệm thực tiễn”(4). Căn cứ trên đặc điểm thể loại, tôi đồng tình với ý kiến của Huỳnh Lý gọi Bản án chế độ thực dân Pháp là tác phẩm “phóng sự điều tra”, nghĩa là về thể loại nó gần gũi với những tập phóng sự nổi tiếng như Tôi kéo xe của Tam Lang, Cạm bẫy người, Kĩ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng, Việc làng của Ngô Tất Tố...
Văn phóng sự điều tra là văn báo chí, đặc điểm trước tiên của nó là phơi bày một sự thực được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên cũng như một số loại kí khác, nếu tác phẩm phóng sự được viết một cách nghệ thuật, gây xúc động người đọc, với những trang văn giàu hình tượng, sinh động, thì sẽ trở thành tác phẩm văn học.
Bản án chế độ thực dân Pháp là một phóng sự vừa giàu chất báo chí, vừa giàu chất văn học. Giá trị nổi bật của tác phẩm trước hết là tính chất phê phán mãnh liệt của nó. Nó kết án, luận tội chủ nghĩa thực dân Pháp không chỉ ở Việt Nam, ở Đông Dương mà còn ở khắp các thuộc địa khác: Algérie, Tunisia, Tây Phi... Bằng lập luận sắc bén, những lí lẽ không thể chối cãi, những số liệu xác thực, tác phẩm đã phơi bày tội ác trời không dung, đất không tha của những kẻ tự xưng là văn minh và là nhà khai hóa văn minh, nhưng thực chất là những tên kẻ cướp tàn bạo, dã man, mất hết tính người. Mỗi chương của tác phẩm là một bản điều tra, luận tội sắc sảo bọn thực dân, từ tội vũ trang xâm lược, đàn áp dã man phong trào yêu nước ở các thuộc địa đến tội bóc lột bằng “thuế máu” đối với những người lính da màu trên các chiến trường châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ nhất, từ việc bổ lên đầu người dân thuộc địa đủ thứ sưu cao thuế nặng đến việc đầu độc con người bằng thuốc phiện và rượu cồn... Tác phẩm cũng thể hiện niềm xót thương vô hạn trước những đau khổ chồng chất của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Trong số những kẻ bất hạnh, Bác đã dành niềm cảm thông, chia sẻ sâu sắc đối với những người phụ nữ thuộc địa trong chương “Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ”.
Ý thức phơi bày mặt trái của xã hội một cách sắc sảo, thể hiện cái nhìn phê phán mãnh liệt đối với xã hội thuộc địa nửa phong kiến tàn bạo, phi nhân tính, niềm cảm thông sâu sắc với những kẻ bất hạnh… sẽ được nhiều cây bút phóng sự đi sau như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố... tiếp tục phát huy. Ở đây không nên hiểu máy móc là sự tiếp thu, ảnh hưởng trực tiếp bởi vì hoàn cảnh sáng tác, tư tưởng chính trị, mục đích sáng tác của Nguyễn Ái Quốc có nhiều khác biệt với các nhà văn hiện thực phê phán. Bác là một người cộng sản, sáng tác trên đất Pháp, viết bằng tiếng Pháp, viết để kết án chế độ thực dân và thức tỉnh lương tri người Pháp, thức tỉnh người dân thuộc địa đứng dậy đấu tranh. Các nhà văn hiện thực phê phán là những trí thức tiểu tư sản tiến bộ, viết bằng tiếng Việt ở trong nước, viết để phê phán xã hội, đòi hỏi sự cải cách, sự thay đổi để người dân có thể cải thiện cuộc sống cùng cực của mình. Tuy có nhiều mặt khác nhau, nhưng điểm gặp gỡ giữa Bác và các nhà văn hiện thực phê phán vẫn là nỗi đau trước những bất hạnh của con người, là sự căm phẫn trước cái ác, cái xấu nhan nhản trong xã hội thuộc địa.  
Cũng như nhiều phóng sự trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, Bản án chế độ thực dân Pháp là một phóng sự độc đáo về nghệ thuật biểu hiện, dễ đi vào lòng người. Người ta thấy ở tác phẩm này nhiều phẩm chất của một tác phẩm văn chương đích thực mà sau này được tái hiện trong nhiều phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố: cách phân chia các chương theo vấn đề, tiếng cười trào phúng, châm biếm sắc sảo, cách dùng các mẩu chuyện sinh động, ngôn ngữ uyên bác, đầy chất trí tuệ.
Về kết cấu, Bản án chế độ thực dân Pháp chia thành 12 chương và phụ lục. Ngoài chương XII Nô lệ thức tỉnh, 11 chương còn lại mỗi chương là một bản luận tội. Các tội ác được đề cập một cách toàn diện, từ nhiều góc độ, cho người đọc hình dung cận cảnh từng mặt đen tối của xã hội thuộc địa, đồng thời cũng nhìn thấy một toàn cảnh bi đát: tội ác chồng lên tội ác, người dân thuộc địa như nghẹt thở trước gông cùm, đàn áp, trước sự đầu độc bằng rượu cồn, thuốc phiện, trước sự ru ngủ, phỉnh phờ của giáo hội. Cách cấu trúc phóng sự thành các chương, theo từng vấn đề sau này cũng gặp trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Trong Việc làng, để người đọc thấy rõ bức tranh cuộc sống nông thôn đã khốn cùng lại còn bị hủ tục đè nặng như thế nào, Ngô Tất Tố tổ chức mỗi chương là một câu chuyện bi hài: Một đám vào ngôi, Cái án ông cụ, Nghệ thuật băm thịt gà… Vũ Trọng Phụng trong Kĩ nghệ lấy Tây cũng cấu trúc tác phẩm theo kiểu kể các câu chuyện, mỗi câu chuyện gắn với một hoặc một vài số phận bi hài: Cự môn thê thiếp, Mày không muốn nhận tao là chồng?, Lá gió cành chim...; còn trong Cơm thầy cơm cô, nhà văn lại linh hoạt đi từ toàn cảnh đến cận cảnh, rồi từ cận cảnh ra toàn cảnh để người đọc nhận thức số phận của đám người dưới đáy với tên gọi con sen, lại cho người đọc thấy rõ một số phận cụ thể trong đó: con sen Đũi. Cách cấu trúc phóng sự theo từng vấn đề này cho phép tác giả vừa thấy cái chung, vừa thấy cái riêng, vừa tăng cường tính chính luận, vừa có thể lồng ghép vào tác phẩm những câu chuyện sinh động, cụ thể, vì thế mà phóng sự được gia tăng màu sắc văn chương.
Có thể nói cách lồng ghép các câu chuyện, mẩu chuyện sinh động để làm sáng tỏ những luận điểm của mình đã được Nguyễn Ái Quốc thể hiện một cách mẫu mực trong phóng sự đầu tiên của nền văn học cách mạng và cũng là phóng sự đầu tiên của nền văn học hiện đại. Hà Minh Đức nhận xét: “Bản án chế độ thực dân Pháp đã có tới gần 30 mẩu chuyện. Bản án do đó không phải là sự kết tội thuần túy về lí lẽ, mà là một bản cáo trạng, với những chứng minh cụ thể và hùng hồn… Các mẩu chuyện đều rất ăn khớp với dòng chính luận, văn mạch tự nhiên, trôi chảy, thường được kể lại theo nhiều hình thức. Tất cả đều cụ thể, chân thực, đúng với sự thật đã xảy ra trong cuộc sống”. Lấy một vài dẫn chứng: Chương V Những nhà khai hóa có hơn 10 mẩu chuyện: viên phó đội cảnh binh Pháp say mèm vô cớ vào một nhà bản xứ đánh hai người bị thương; ông Ghinôđô mất 5000 quan, bắt những người bản xứ phục vụ trong nhà ra tra điện; ông Vonla không trả lương cho người làm công; viên đốc công lục lộ Nam Kì bắt những người Việt Nam gặp hắn trên đường phải chào lạy hắn; Phan Đình Phùng sau khi mất bị bọn tay sai thực dân quật mộ, ném thi hài mỗi nơi một mảnh…
Một phương diện đặc sắc nữa trong nghệ thuật phóng sự Nguyễn Ái Quốc là nghệ thuật trần thuật vừa khách quan, lạnh lùng, vừa hóm hỉnh humour, nhưng phía sau là nỗi đau đớn, cảm thông được nén lại. Tiếng cười được thể hiện xuyên suốt tác phẩm và trên nhiều cung bậc: những câu chuyện bi hài, những chân dung biếm họa (các chương III, IV, V), những hình ảnh được “vẽ lại” một cách hài hước, nghệ thuật chơi chữ… Chẳng hạn, hình ảnh thần Công lí thiêng liêng ở Đông Dương dưới con mắt của Nguyễn Ái Quốc như sau: “Công lí được tượng trưng bằng một bà đầm, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp sang Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ti, nên bà đầm công lí tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”. Nghệ thuật chơi chữ của Nguyễn Ái Quốc cũng rất trí tuệ, tinh tế. Vừa nắm vững Pháp ngữ, lại thành thạo cách khôi hài kín đáo, thông minh của người Pháp, Người đã sáng tạo ra nhiều cách chơi chữ thâm thúy. Có lúc Người sử dụng từ với nghĩa đen, nhưng người đọc lại nghĩ ngay đến nghĩa bóng của nó (từ savoner chẳng hạn). Có lúc Người dùng phép chia tách từ để tạo ra một nghĩa mới (từ merci à toi được viết cách quãng thành m…erci à toi khiến người ta liên tưởng đến một câu chửi tục). Có lúc Người dùng từ đồng âm khác nghĩa để tạo ra ý nghĩa trào phúng (từ saint vừa là tên của viên công sứ, vừa có nghĩa là thánh - theo điển tích chúa ba ngôi)…
4. Có thể nói tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là một mẫu mực của thể loại phóng sự điều tra. Tác phẩm không chỉ là một quả bom có sức công phá ném vào hang ổ của chủ nghĩa thực dân mà còn là một đóng góp lớn cho nền văn xuôi dân tộc đang trên đường hiện đại hóa. Như đã nói ở trên, xem xét đóng góp, ảnh hưởng của một tác phẩm không thể chỉ bằng cách đối chiếu đơn giản mà phải đặt nó trong tiến trình vận động phức tạp của cả nền văn học, của một thể loại văn học. Cùng với các tác phẩm truyện và kí khác của Nguyễn Ái Quốc viết trong khoảng từ 1920 đến 1925 ở Paris, Bản án chế độ thực dân Pháp đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề sâu sắc về quan hệ giữa dân tộc và thời đại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa nội dung và hình thức tác phẩm. Trong bối cảnh văn xuôi dân tộc đang vận động gấp rút về phía hiện đại hóa, các tác phẩm Nguyễn Ái Quốc, với tính chất hiện đại, đa dạng, trí tuệ trong bút pháp, đã tạo nên những khác biệt với lối viết quy phạm còn khá nặng nề của nhiều cây bút văn xuôi trong nước ở chặng đường đầu tiên, báo hiệu những thành tựu rực rỡ của nền văn xuôi nói chung, của thể loại phóng sự nói riêng trong nền văn học dân tộc xuất hiện khoảng gần 10 năm sau, kể từ khi những tác phẩm của Người được công bố và gây chấn động ở ngay thủ đô của kẻ thù.

                                                                                                  Đ.T.D  

_________________
1. Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988, tr.396.
2. Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.152.
3. Lịch sử văn học Việt Nam, tập V, phần 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1978, tr.215.
4. Nguyễn Khánh Toàn, Lời giới thiệu, Bản án chế độ thực dân Pháp, in lần thứ 3, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.10.

. . . . .
Loading the player...