17-04-2020 - 04:04

Kỉ niệm lính sư đoàn 304

Nhân dịp kỉ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam 30/4, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bút ký "Kỉ niệm lính sư đoàn 304" của tác giả Trần Đăng Đàn

KỶ NIỆM LÍNH SƯ ĐOÀN 304
                            
(Trích hồi ký « Miềm ký ức »)

 

     Ngày 10 tháng 4 năm 1968, tôi cùng 19 anh em trong xã nhập ngũ theo lệnh tổng động viên quốc phòng. Sau gần 3 tháng huấn luyện ở Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu - Nghệ An), chúng tôi nhận nhiệm vụ đi chiến trường.

     Vào đến Thạch Hội (Thạch Hà - Hà Tĩnh), chúng tôi được bổ sung cho sư đoàn 304 vừa từ mặt trận B5 ra. Tôi thuộc K2 T4 U2 F304 - sư đoàn chủ lực cơ động chiến lược được mệnh danh là “Quả đấm thép” của Bộ quốc phòng, luôn sát cánh chiến đấu cùng với sư đoàn 308 “Át chủ bài”, từng làm khiếp vía  bọn Mỹ ngụy ở mặt trận Đường 9.

    Ở Thạch Hội được hơn hai tuần thì sư đoàn hành quân trở ra vùng núi Nghĩa  Đàn khu vực nông trường Đông Hiếu và Tây Hiếu. Chúng tôi được huấn luyện kỹ cách đánh vận động tập kích trên địa hình đồi núi phức tạp. Các anh lính cũ chỉ vẽ tỷ mỷ cho tân binh thao tác sử dụng các loại vũ khí, khí tài cả của ta và của địch, xử trí các tình huống khi vào trận. Hầu hết thời gian còn lại là sinh hoạt chính trị, chỉnh cán chỉnh quân, học tập truyến thống sư đoàn và sinh hoạt văn nghệ. Chế độ ăn uống bồi dưỡng theo tiêu chuẩn “trung táo”. Thuốc men, đường sữa, bột trứng lúc nào cũng đầy ba lô. Đơn vị tôi đóng quân gần đội Cờ Đỏ của nông trường. Hôm nào đi tập mà gặp các chị các cô công nhân nông trường thì được ăn cam “mệt nghỉ”, chỉ việc chôn dấu vỏ thật kín xuống đất là được.

    Khoảng trung tuần tháng 10 thì sư đoàn được lệnh lên đường ra mặt trận. Vào đến Quảng Bình, chúng tôi được lệnh dừng lại đóng quân tại khu vực nông trường Việt Trung. Cứ theo tổ ba người phân công nhau vào rừng chặt cây về làm sạp nằm, dựng cọc lợp mái tăng để ở. Lại tiếp tục sinh hoạt chính trị, kể tội ác giặc Mỹ, chấn chỉnh tư tưởng lập trường, sẵn sàng ra trận.

    Gần đến Tết Nguyên đán, chúng tôi nhận được rất nhiều quà từ hậu phương, đặc biệt là của đồng bào Thanh Hoá tỉnh kết nghĩa với sư đoàn như đậu, gạo , nếp, bánh chưng, thịt lợn và nhiều thứ khác nữa. Thích nhất là thư và ảnh các o với những lời động viên hứa hẹn. Chúng tôi dùng mũ sắt làm cối, giã gạo nếp thành bột làm bánh rán, bánh cuốn, bánh đúc rất rôm rả.

    Những ngày sau đó liên tục có các đoàn văn công xung kích đi lưu diễn trực tiếp ở các đơn vị làm cho tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn, vợi đi nỗi nhớ nhà. Ăn Tết xong, chúng tôi háo hức chờ ngày ra trận. Đến cuối tháng 2 năm 1969 thì đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào chiến dịch. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi cái Tết ấy ở nông trường Việt Trung. Đó là cái Tết đầu tiên của tôi trong đời bộ đội.

     Rời nông trường Việt Trung, chúng tôi hành quân bằng cơ giới. Những chiếc xe ô tô không bật đèn, chở chúng tôi đi dưới ánh trăng và ánh sáng đèn dù của máy bay Mỹ. 

 

     Bốn giờ sáng, chúng tôi vào đến Trạm Ho - trạm giao liên “cửa rừng”. Đơn vị tập kết trên một bãi đá cuội ven suối. Chiều hôm trước trời mưa to, nước suối dâng lên chảy xiết. Lệnh truyền xuống: “Chuẩn bị cởi quần vượt suối”. Lúc đầu tôi tưởng là đùa nhưng sau  thấy ai cũng cởi cả quần dài quần lót nên tôi mới biết đó là một lệnh nghiêm túc. Chúng tôi bắt đầu lội xuống suối thì lệnh truyền tiếp: “Bám vào hàng cọc tiêu mà đi”. Cọc tiêu là những đồng chí trong trạm giao liên được cử ra, đứng giăng thành hàng ngang, cứ một nam một nữ quàng chặt tay với nhau để bộ đội vịn vào mà vượt suối không bị ngã. Chúng tôi một tay chống gậy, tay kia vịn vào hàng cọc rào sống đó lội qua suối, lên bờ mặc quần vào rồi vẫn chưa hết ngượng. May mà trời còn tối nên không ai thấy gì. Chúng tôi ngồi đợi trời sáng để vào “trạm khách”. Sau này còn nhiều lần “cuổng trời” như thế nữa. Có hôm hành quân, lính ta nghịch truyền lệnh giả: “Cởi quần vượt suôi”. Thế là cả hàng quân phía sau cứ tồng ngồng thế đi lên dốc mà không hề gặp một con suối nào.

     Từ Trạm Ho, chúng tôi được bổ sung gạo, đạn dược, thuốc men và bắt đầu hành quân ban ngày. Cứ sáng sớm ăn cơm xong, được phát thêm một nắm cơm vắt rồi lên đường, đến chiều lại dừng nghỉ ở một “trạm khách” khác. Chúng tôi đi trong mưa rừng. Mưa không xối xả mà nó cứ dầm dề triền miên làm cho đường lầy và rất trơn. Nếu không có chiếc gậy Trường Sơn thì khó lòng lội suối trèo dốc được. Sau này tôi mới biết là chính bọn Mỹ đã tạo ra những vùng mây mưa trên dọc dãy Trường Sơn để gây khó khăn cho chúng ta chứ dạo ấy đang là giữa mùa khô, nắng như đổ lửa ở Quảng Bình Quảng Trị.

   Ảnh: Đậu Bình 

Ai đã từng ra Bắc vào Nam trên con đường giao liên Trường Sơn những năm chống Mỹ mới hiểu hết được sự gian khổ hy sinh của những con người đã thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Thương nhất là các chị em TNXP và nữ bộ đội. Ngoài những vất vả như chúng tôi, họ còn phải chịu đựng những nỗi khổ khác mà chỉ có họ mới hiểu hết với nhau được. Quần áo giặt phơi hàng chục ngày không chịu khô, còn ướt sũng cũng phải mặc. Ghẻ ruồi, hắc lào, lở loét là chuyện không mấy người tránh khỏi. Sên vắt chui vào cả những chỗ kín đáo nhất mà hút máu. Rồi sốt rét ác tính. Có người rụng hết tóc phải luôn dùng một tấm vải dù buộc che kín đầu. Có người thậm chí mất cả chu kỳ bình thường riêng của người phụ nữ. Không biết trong các cuộc chiến tranh vệ quốc trên thế giới này, có nơi nào mà nữ bộ đội, dân công, TNXP chiếm tỷ lệ cao như ở Việt Nam mình? Tôi cứ nghĩ, nếu sau này xây tượng đài hay phong tặng danh hiệu này nọ thì họ mới chính là những người ngàn lần đáng tôn vinh rồi sau đó mới đến lượt nam giới chúng tôi. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, họ đã làm ấm lên những con đường giao liên Trường Sơn. Mỗi lúc hành quân hay đến một trạm khách, chỉ mới nghe tiếng con gái thôi là cánh lính chúng tôi đã hăng hái lên, quên cả mệt mỏi đói rét.

      Những cái tên Dốc Khỉ, dốc Ba thang, dốc Ba nắm cơm…bây giờ nghĩ lại mới rợn ngợp, chứ hồi ấy thì cảm thấy bình thường. Có những chỗ dốc dựng đứng, người đi sau “đội đít” người đi trước, người ở dưới phải dùng gậy đẩy ba lô hộ cho người ở trên. Bám được bậc đất đá rồi thì quay lại dùng gậy kéo đồng đội phía dưới lên. Leo đến đỉnh dốc mới thở phào, thấy trước mặt là một màu trắng như bông phẳng lỳ, trông giống như những dòng sông len lỏi giữa đại ngàn. Lúc đầu cứ tưởng là sông thật, sau mới biết đó là “sông mây”. Sông mây Trường Sơn gợi cảm giác yên bình, lãng mạn và nhuốm màu huyền thoại. Ngồi ngắm sông mây, ăn cơm nắm uống nước bình toong xong, hút liền mấy điếu thuốc lào rồi bắt đầu xuống dốc. Lúc trèo lên đã vất vả, xuống dốc càng khó khăn hơn vì nó trơn. Nếu không cẩn thận là trượt ngã liền.

    Đường hành quân từ trạm giao liên này đến trạm giao liên khác thường phải qua những cầu treo, cầu khỉ, cầu độc mộc. Nhiều khi phải cởi truồng lội suối hàng cây số. Có lúc lại leo thang dây. Càng đi càng thấy sự thông minh sáng tạo cực kỳ của bộ đội Trường Sơn. Nhớ hôm vượt dốc “Ba nắm cơm”, leo hơn hai tiếng đồng hồ mới tới lưng chừng dốc, lính ta mệt quá đòi dừng nghỉ, anh giao liên dẫn đường bảo: “Phía trên kia có một đơn vị TNXP đang mở đường”. Thế là tất cả reo lên, bươn dốc không còn thấy mệt mỏi nữa.

    Vượt qua sông Sê Băng Hiêng, chúng tôi tách khỏi trạm giao liên, lấy góc phương vị cắt đường rẽ theo hướng đông nam, tiến về Khe Sanh. Đó là mặt trận quen thuộc của Sư đoàn.

     Càng gần đến Khe Sanh, đường càng ít dốc cao. Chúng tôi đi trong những rừng cây thấp hay rừng le, rừng vầu. Có khi men theo lòng con suối cạn. Cũng có khi vượt những đồi lau lách, đồi cỏ tranh hay đi qua một bản dân tộc Vân Kiều bỏ hoang.

     Kể từ hôm rời trạm giao liên, chúng tôi hành quân theo tiểu đoàn độc lập. Việc ăn ở phân tán theo từng trung đội. Mỗi lần dừng nghỉ ở chỗ nào là lại đi tìm  lá sắn, rau tàu bay, môn thục hay hái quả bứa, quả vả về nấu canh. Gặp đoạn suối nào lắm cá thì lội xuống quây màn lại, lùa bắt để cải thiện chất tươi. Có bữa bắt được nhiều, đem luộc lên ăn, cả trung đội bị “Tào Tháo đuổi”.

     Đã nghe rõ tiếng pháo của địch ngày nào cũng bắn từ Động Tri và các cao điểm xung quanh Tà Cơn. Máy bay C130 rì rì trên cao, còn L19 và OV10 thì liệng rà sát trên những cánh rừng ven suối, lải nhải bài chiêu hồi: “Hỡi anh em Bắc Việt…”. Nếu phát hiện có gì khả nghi là quay lại, xổ một tràng đạn 20 ly, thả một quả cối hoả mù. Thế là lập tức pháo bầy câu đến hoặc máy bay ném bom. Có bữa đang ăn cơm thì nghe tiếng loa từ chiếc L19 nói đúng tên họ tiểu đội trưởng của chúng tôi đã “trở về với chính nghĩa quốc gia” và đang được đối xử rất tử tế. Chúng tôi ngơ ngác nhìn tiểu đội trưởng rồi cùng phá lên cười. Té ra là trong trận đánh Làng Vây năm ngoái, anh đã vô tình đánh rơi phong bì thư của người yêu gửi khi còn trên đất Bắc. Bọn địch tình cờ nhặt được nên đã bịa ra cuộc “chiêu hồi” trên. Nhân sự việc này, chúng tôi  rút kinh nghiệm, mỗi lần xuất kích chỉ được ghi số hiệu quân nhân trong túi áo, đề phòng nếu hy sinh thì Ban chính sách đơn vị biết mà báo về.

     Kể từ sau chiến dịch Mùa khô 1968, cái gọi là “Hàng rào điện tử MắcNamara” của đế quốc Mỹ đã hoàn toàn phá sản. Bị thiệt hại nặng nề, chúng phải co cụm lại trong những cứ điểm quan trọng. Năm 1969, ở mặt trận Khe Sanh về cơ bản không có những trận đánh lớn. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là quấy rối địch, kìm chân chúng, không cho mở những cuộc hành binh về phía Tây, nhằm bảo đảm sự an toàn cho con đường mòn Hồ Chí Minh và hệ thống kho tàng trên dọc đường giao liên Trường Sơn.

     Một đêm sáng trăng, chúng tôi vượt qua đường 9 cách Làng Vây không xa với nhiệm vụ thọc sâu vào phía nam Khe Sanh, vòng sau lưng địch. Những ngày sau đó, đài BBC đưa tin: “ Sư đoàn thiện chiến 304 của Bắc Việt đã vào thế chỗ cho sư đoàn 308, rải dài từ mặt trận đường 9 đến vùng A Lưới, A Sầu…”.

     Chúng tôi ém quân cách trục đường 9 từ 1 đến 3 cây số ở các nơi như làng Con, làng Cát, làng Khoai, làng Bù, suối La La, bản Húc. Máy bay địch luôn quần đảo tìm kiếm nhưng không thể phát hiện được gì. Rõ ràng bọn Mỹ cũng biết được sự có mặt của bộ đội chủ lực ta nhưng không thể ngờ rằng chúng tôi lại đang ở sát nách chúng như vậy. Pháo địch từ các cao điểm hàng ngày kích vào những cách rừng, trong khi chúng tôi đang im lặng trong lòng chảo Khe Sanh....

TRẦN ĐĂNG ĐÀN

(Đức Hòa - Đức Thọ - Hà Tĩnh)

 

 

. . . . .
Loading the player...