Cua đồng là một phần không thể thiếu của bữa cơm quê nghèo, đầy ắp tình cảm và hương vị của quê hương. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Cua đồng và nỗi nhớ tuổi thơ của tác giả Nguyễn Văn Hiệp, Hương Khê, Hà Tĩnh
Cua đồng và nỗi nhớ tuổi thơ
Nguyễn Văn Hiệp
Quê tôi xưa, mỗi lúc trong làng có nàng dâu sinh em bé thì các bà, các chị đều đến hỏi thăm và chúc mừng "mẹ tròn, con vuông". Nếu là sinh con gái thì chúc nhà có thêm "rổ rau"; sinh con trai thì mừng nhà có thêm "giỏ cá, giỏ cua". Rồi thời gian trôi, lũ trẻ làng tôi lớn lên nhờ rau cháo, sắn khoai và nhất là món cua đồng đủ món. Thức ăn quý giá, giàu dinh dưỡng, mang hương vị đồng quê ấy đã nuôi lớn bao tầm hồn trẻ thơ trở thành những chàng trai, cô gái toả khắp muôn nơi, dựng xây quê hương, đất nước tươi đẹp, trường tồn. Đi xa ai cũng nhớ về, khổ đau cũng muốn về. Nhớ mẹ, nhớ quê, ký ức tuổi thơ, mùi thơm rơm rạ, ruộng đồng, thơm cả tia nắng vàng trên đường đi học cứ ùa về trong nỗi nhớ.
Bắt cua đồng có nhiều cách khá thú vị. Nhộn nhịp hơn là sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa tháng Mười âm lịch, lũ trẻ ra đồng tìm bắt cua. Nhà nào khéo tay thì có "cái Nhủi" - dụng cụ được đan kết bằng tre chuyên dụng đánh bắt cua, cá. Còn lại đa phần là rổ lớn, rổ nhỡ đánh dậm. Tôi ghen tỵ với mấy anh chị nhà có cái Nhủi chuyên dùng, chạy chục đường trên ruộng rạ là cái "máy ủi" lội nước tý hon đã gom đầy cả một giỏ cua, có cả cá, tôm, niềng niệng, cà cuống đủ thứ. Đánh dậm, có lẽ là cách đơn giản nhất. Lấy cái rổ chèn vào bờ mương, bờ ruộng nhiều cỏ..., lấy chân giẫm giẫm nhẹ, dồn cua vào, rồi nhấc nhanh cái rổ lên, thế là có dăm ba con cua. Nâng niu nhẹ nhàng khi bắt được con cua sữa vừa lột xác. Reo lên khi bắt được con cua kềnh to hay con lươn, chạch gì đó, nhiều lần như thế, đầy giỏ thì về.
Rồi những lần theo cha đi làm ruộng, sau những đường cày, vạt bừa là cua bò lổm nhổm tha hồ bắt. Cua trốn dưới những đám cỏ, gốc rạ, cua đào hang trốn ở bờ ruộng, bờ kênh, ụ đất, kẽ đá ...Ở đâu có nước, bùn đất và cây cỏ là có cua đồng. Những buổi chiều tan học về là tranh thủ đi bắt cua. Đã đi bắt cua là có cái ăn; hôm ít thì vài chục con, nhiều thì hai, ba ký; đứa nào giỏi còn bắt được cả cá rô, cá lóc nữa. Ôi! Thật thú vị.
Cua đồng và nỗi nhớ
Cua đồng được chế biến thành các món ăn đồng quê rất phong phú, hấp dẫn. Cua non các cỡ thì đem rang vàng cùng ít gia vị vỏ quýt hôi. Thứ vỏ thơm nức, xâu thành từng dọc gác bếp, quyện với cua rang giòn lúm khúm, ăn với cơm là khoái lắm. Cua rang ăn ngấy, thì đem giã nhỏ nấu canh rau mồng tơi, rau ngót, rau đay rất ngon. Mùa hè nóng nực, đi làm về mệt nhọc có bát canh cua mẹ nấu là bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết....Một thứ mắm cua đồng béo ngậy cũng không thể quên. Đó là cua giã nhỏ, vần bếp củi, ăn cũng tốn cơm ra phết. Quê tôi và có lẽ cũng như nhiều miền quê khác, đặc sản ấy nhà nào cũng có. Cua đồng cứ thế thành nỗi nhớ tuổi thơ, năm tháng đong đầy.
Tôi nhớ lắm bức tranh quê đẹp tuyệt vời đó là trên những cánh đồng từng đàn cò trắng bay lên, sà xuống cùng với một số loài chim di cư như dàn dạt, chìa vôi cần mẫn tìm mồi. Lũ trẻ chúng tôi tụm ba, tụm năm cũng ríu rít dạo quanh bờ tìm bắt cá, bắt cua. Cua cá đem nướng vàng, ăn ghém với lá lộc vừng ngon nức nở. Bên bếp lửa giữa cánh đồng thơm mùi bùn đất, hoà quyện với mùi thơm cua đồng nướng. Những tiếng lách tách của lá sim, mua, âm thanh sụt sùi cua cá nướng; từng đôi má hồng tươi, đôi môi lem luốc, tiếng nói, tiếng cười thánh thót, ấm cả đồng quê.
Còn nhớ, một lần tháng ba mùa giáp hạt, tôi đến nhà bạn thân chơi. Mẹ nó bảo con nhanh vào ăn cơm rồi còn đi chăn trâu. Nó bưng bát nhìn rồi khóc hu hu. Mẹ hỏi vì sao con khóc. Nó nấc từng tiếng bảo mẹ nói con ăn cơm, sao chỉ có ngô thôi! Thế là hai mẹ con ôm nhau khóc... Tôi thấy bát ngô và một ít cua rang muối đã nguội để trên bàn. Tôi cũng cảm thấy cay cay nơi khoé mắt. Cứ thế mà thương, mà nhớ quê đến nao lòng.
Không cứ là người xa quê mà người ở quê, khi gợi nhắc về tuổi thơ thì nhiều người nhớ ngay thời quần xắn, áo túm đi đánh dậm mò cua, bắt ốc. Cua đồng có thành phần dinh dưỡng vô cùng phong phú, đặc biệt là nguồn canxi. Có tác dụng chữa bệnh còi xương ở trẻ nhỏ, chữa lành vết thương liên quan chấn thương xương khớp rất tốt, cho cả người và vật nuôi. Thịt cua đồng có tính mát với tác dụng thanh nhiệt giải độc rất quý. Cua đồng xưa là món ăn dân dã tuyệt vời. Và ngày nay cua đồng vẫn là đặc sản của thôn quê nhiều người ưa thích.
Những năm gần đây do biến đổi khí hậu, rừng tự nhiên bị chặt phá nhiều để lấy đất sản xuất...thì sông ngòi dường như ít nước hơn, ao hồ dần thu hẹp...Việc người dân sử dụng phân bón hoá học, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp... đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng. Cá tôm và cua đồng cũng không còn nhiều trên những cánh đồng xưa. Nghề đánh dậm, cảnh nhộn nhịp bắt cua đồng cũng không còn nữa. Bỗng dưng mình muốn khóc, ơi cua đồng và nỗi nhớ tuổi thơ xưa./.
N.V.H