Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu chùm thơ được rút ra từ tập thơ “Hóa thân” của tác giả Lê Thị Trâm Anh, NXB Hội nhà văn, 2019.
Về xưa miền hạ
Về bỏ mũ ôm diều chạy dài trên đê nhỏ
Về cho nắng cháy da, đỏ tóc râu ngô mềm
Về để tắm sông đuổi theo con thuyền màu đỏ
Về nằm dài triền cỏ vi vút sáo bình yên.
Đã không còn con trâu già ngày xưa
Chú dế trũi chắc giờ đã lớn
Bầy cỏ gà lang thang khắp chốn
Dàn đồng giao vắng bóng người chơi...
Bến sông xưa vẫn thăm thẳm lòng người
Cây hoa gạo đã bao lần đỏ mắt
Dòng sông vẫn thao thiết nỗi buồn trong vắt
Con thuyền màu đỏ đã trôi xuôi
Người con gái nhặt hoa gạo trên con thuyền của tôi
Gửi về nơi miền hạ xa xưa đó….
Hóa thân
Cỏ chín rồi đấy em
Những hạt vàng của một mùa sao mới
Em còn giữ một thời nông nổi
Lênh đênh nỗi buồn: Ta và em…
Những chiếc lá vàng cong như con thuyền lấm lem
Mắc cạn trên những phố dài
Mắc cạn những con thuyền mùa hè
Đựng ước mơ của ta nằm im trên phố vắng.
Một ngày ta hóa thành sao
Bay lên bầu trời thả những ước mơ của ta rơi xuống
Em có thấy trong cơn mưa bất chợt
Con phố cựa mình gặp lại nỗi niềm xưa?
Một ngày ta nhớ về em
Thấy mình hóa chiếc lá vàng cong
Lênh đênh trôi, đợi lúc mình phát sáng….
Ký sự chuyện làng cá
Tơ mơ sáng
Tiếng í ới đã râm ran làng biển
Đánh thức bình minh, đón hoa sóng vỗ về
Từng đoàn thuyền nối đuôi nhau cập bến
Màu lân tinh lấp lánh đầy khoang.
Quang gánh đội đầu, xe thồ xuôi ngược chở cá tôm
Hối hả chạy cho kịp chợ.
Mẹ tôi - dấu vết chân chim đằng sau vành nón lá
Chị tôi - bận kín áo, khăn choàng che nắng, nhẫn nại ngồi mong bán hết cá tôm.
Thi thoảng gặp những cơn gió nồm, như muốn trêu ngươi,
cuốn sặc mùi tanh tưởi dằn vặt những buổi chợ trưa nóng nực.
Ở làng cá,
Đàn ông, con trai sinh ra để đi biển
Để lại trong những ngôi nhà đầy ngư cụ bủa giăng
Là những người đàn bà với thói quen
được nằm với chồng nửa đêm, được ăn cơm với chồng nửa bữa.
Riết mãi cũng thành quen, chỉ có nỗi đợi chờ hầu như ngày nào cũng mới.
Những bàn tay sần sùi lần đan mắt lưới
Thắt những nút vòng đo lòng biển nông sâu.
Có những người đàn ông như cha tôi
Giữa ngàn sóng trùng dương đã hóa thành “sói biển”
Định vị niềm vui bằng mỏ neo, bám đầy rong rêu sau mỗi chuyến đi dài.
Mặt trời thức giấc, mở ra một ngày mới tinh khiết sương mai
Từng đoàn tàu lại băng băng vươn khơi vượt sóng
Rưng rức lời nguyện cầu cho trời yên biển lặng
Quê biển lại sáng bừng, lấp lánh ánh bình mình !
Quà của biển - Ảnh: Lê Khánh Thành
Thả hồn ru theo cuộn khói rơm chiều
Lửa bén rơm đùn lên từng cuộn khói
Vây trời chiều đang bảng lảng chợt chùng buông
Vệt nắng đang cong phơi vàng lúa trước hiên nhà
Bỗng chênh vênh trước lời ru ầu ơ, đẫm nỗi buồn thương của chị.
Quê ta nghèo chưa mưa đã lụt
Nắng đầu hè đã ran rát nước da nâu
Chị thương anh, ngày hong nhớ, đêm đong sầu
Vò võ sống. Dệt tình đầu vào khói rơm thơm qua mấy mùa gặt hái.
Heo hút một mùa ngâu, người trai làng ra đi chưa một lần trở lại
Chị lững lờ giữa bến tình – bến hiếu đục trong.
Hạ khô, nức toác ruộng đồng
Dòng sông cạn nước, phơi lòng bùn đau
Chiều nay, thoáng bóng dãi dầu
Khói rơm dựng đứng chắn sầu trời quê…
Tự tình tháng 9
Tháng Chín đến vàng phai trong gió
Giọt nắng mong manh gợi thương nhớ đan mành
Mưa ngâu vội, bất chợt ghé rất nhanh
Liêu xiêu phố, Liêu xiêu mây. Chiều đổ.
Tháng Chín về, tim mang nhiều trăn trở
Vô cớ giận hờn, thổn thức cứ không thôi
Đã xa rồi bồng bột tuổi đôi mươi
Ta hoang hoải kiếm tìm trong hư vô,
trên những con phố dài đỏ mắt buồn, ngẩn ngơ hàng cây nghiêng trút lá.
Chốn thân quen bỗng hóa thành xa lạ
Khi ký ức chạm vào nơi đó có em.
Tháng Chín của đôi mình – Em còn nhớ hay quên?!
Lời ước hẹn cùng những khát khao thuở nao anh vẫn còn cất giữ
Hãy đem khổ đau chôn vùi về quá khứ
Về bên nhau, mùa thu chín đây rồi…