Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được Unesco ghi danh (2014 – 2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 trân trọng giới thiệu bài viết “Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại” của tác giả Nguyễn Trí Sơn
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do cộng đồng người Việt tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Về lịch sử, nguồn gốc ra đời đã có nhiều tài liệu nghiên cứu khác nhau, song đều thống nhất từ thế kỷ XVII - XVIII hát Ví, Giặm đã phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động đến văn nhân, nho sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Quýnh... Thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi và có sự tham gia tích cực của các nhà nho yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý,… Bởi vậy, bên cạnh những nội dung dân gian, Ví, Giặm còn có nội dung thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã có những thay đổi về môi trường diễn xướng, hình thức thể hiện và về đề tài. Mặc dù có sức sống trong đời sống đương đại nhưng Ví, Giặm có nguy cơ bị mai một: các bài dân ca cổ không còn có điều kiện để thực hành và không gian diễn xướng đã bị thay đổi, các nghệ nhân nắm giữ, thực hành Ví, Giặm ít dần và ít được kế thừa, việc cải biên hoặc “sáng tác” không nắm vững những bài dân ca cổ có thể làm thay đổi, thậm chí sai lệch di sản,…
Về miền Ví, Giặm. Ảnh: Đậu Hà
Ví, Giặm là hai thể hát dân ca đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ, vừa có những nét tương đồng về đối tượng, cách thức, không gian, thời gian diễn xướng, vừa có những nét đặc trưng, khác biệt ở hình thức biểu hiện, âm nhạc, ca từ... Nhiều người cho rằng Ví là Ví von, so sánh; hoặc Ví là Với, bên nam hát “với” bên nữ. Hát Ví còn có nghĩa là hát Vói, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ “hát vói” vào sân, vào nhà với bên nữ, người ở ruộng này “hát vói” sang ruộng kia, người đi trên đường “hát vói” với người ở dưới ruộng,… nghĩa là giao tiếp bằng lời hát trên một không gian rộng. Hát Ví là một thể hát tự do, ngâm vịnh theo thể thơ lục bát, song thất lục bát và lục bát biến thể, trên cơ sở âm sắc, dấu giọng địa phương. Hát Ví chỉ có một làn điệu, song theo không gian trình diễn và nghề nghiệp khác nhau mà có nhiều tên gọi như: Ví đò đưa, Ví phường đan, Ví phường củi, Ví phường vải, Ví phường nón, Ví phường cấy, Ví phường gặt, Ví phường chắp gai đan lưới, Ví phường róc cau, lau mía... Trong đó phổ biến là: Ví phường vải, Ví trèo non, Ví đò đưa và Ví phường cấy.
Nói một làn điệu song do môi trường và thời gian diễn xướng, tình cảm và tâm trạng người hát (vui, buồn, thương yêu, giận hờn, nhớ nhung,…) các điều kiện sinh hoạt khác nhau nên nghe ra như có nhiều làn điệu khác nhau. Trong hát Ví có các hình thức diễn xướng: hát lẻ, hát đối đáp và hát cuộc. Trong các cuộc hát thì hát Ví phường vải là có quy cách và thủ tục tương đối chặt chẽ, gồm có ba chặng, bảy bước:
- Chặng một có hát dạo, hát chào - hát mừng và hát hỏi.
- Chặng hai là hát đố hoặc hát đối, yêu cầu “đối tượng” phải giải và đối.
- Chặng ba gồm hát mời, hát xe kết và hát tiễn.
Trong một cuộc hát, mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người cất giọng, một người (hoặc hai, ba người) hát theo để đỡ giọng, mỗi lúc ngân giọng thì đệm thêm cho ấm. Người theo cũng phải biết hát, nghe nhanh để cất tiếng kịp người kia. Trước khi hát một câu, bên nam gọi bên nữ: "Ơ này, chị em phường/vải ơi". Bên nữ đáp "Ơ này, thưa chi!" rồi bên nam mới hát. Bên nữ trước khi hát câu nào cũng phải gọi bên nam: "Ơ, người đi nhởi ơi!". Khi hai bên đã hiểu nhau, cảm thấy đã đằm thắm, tình cảm với nhau thì gọi "Ơ là bạn, mình ơi!", "Ơ, là bạn tình ơi!",… Sau khi cất tiếng gọi và được đáp lại, bên nam hoặc bên nữ mới hát. Cuộc hát cứ tiếp diễn theo tuần tự cho đến khi kết thúc.
“Giặm” trong ngôn ngữ của người Nghệ Tĩnh là giắm vào, thêm vào. Giặm cũng có nghĩa là vừa hát vừa giẫm chân đánh nhịp. Nếu hát Ví phần lớn là những câu lục bát thì hát Giặm là thể hát nói có nhịp dựa theo thể thơ ngụ ngôn/vè. Một bài Giặm có nhiều khổ, loại phổ biến mỗi khổ có 5 câu, câu 5 điệp lại câu 4 được gọi là giặm. Ví dụ:
Bà con ơi nghĩ lại
Cảnh nước mất nhà tan
Nỗi thống khổ muôn vàn
Khác chi loài trâu ngựa
Khổ hơn loài trâu ngựa
Giặm có nhiều loại như: Giặm kể, Giặm nối, Giặm vè, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm xẩm,… song có hai làn điệu chính là hát ngâm và hát nói.
Nếu như hát Ví thịnh hành ở hầu khắp Nghệ Tĩnh thì hát Giặm thịnh hành và phổ biến ở phía nam Hà Tĩnh như huyện Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ.
Hát Giặm diễn ra quanh năm, không kể mùa xuân hay mùa hạ, nam nữ gặp nhau hễ có dịp là có thể hát, nhất là hát Giặm vè có tính tự sự, khuyên nhủ, kể lể, khuyên răn, phân trần, giải bày; cũng có nhiều bài mang tính hài hước, dí dỏm, châm biếm, trào lộng, được sáng tác khá nhanh. Còn hát Giặm nam nữ nội dung vẫn là tình yêu đôi lứa với những nhớ thương trách móc, giận hờn. Hát Giặm dễ nhớ, dễ thuộc, đó là giọng nói, hơi thở, phong tục, tập quán của một miền quê, nó chuyển tải những thông điệp mang tính thời sự, thông tin rất cao. Hát Giặm mang nhiều âm ngữ địa phương như “mô, tê, răng, rứa, bà tui, bầy choa,…”. Hát Giặm có hai hình thức diễn xướng chính là: Giặm vè và Giặm nam nữ.
Giặm vè là một loại sáng tác được chuẩn bị nội dung, trau chuốt về câu chữ, nghĩa là nó được sáng tác ra với mục đích kể sự việc, thường là sự việc mới xẩy ra, miêu tả sự việc có thật, ít hư cấu, ít cường điệu như các bài nói về lịch sử, về làm đình, làm chùa, mang nội dung phê phán thói hư tật xấu, có tính chất đả kích và trào phúng. Nhiều bài cũng có nội dung trữ tình như tình yêu trai gái, tình vợ chồng, tình cha con,... Loại này tập trung vào lời văn hơn là giọng hát. Bài đặt xong, phổ biến một lần, nếu đặc sắc được nhiều người học thuộc rồi phổ biến cho nhiều người, có bài chỉ lưu truyền trong một làng hay một xã, nhưng cũng có bài được lưu truyền rộng rãi vì có giá trị về tư tưởng và văn học nghệ thuật.
Giặm nam nữ xuất phát từ sinh hoạt lao động, nghề nghiệp như dệt vải, đi cày cấy, đi buôn, chèo thuyền, hái củi,… dựa trên các động tác, thao tác của lao động, là tục hát của trai gái trong khi trao đổi tình cảm hay còn gọi là lối hát giao duyên nam nữ, trong những thời gian, không gian không hạn định, hễ lúc nào có cảnh, có tình, nhất là có thời gian, không gian thuận tiện là có hát. Cũng như hát Ví, người hát dùng lối hát này để thực hiện một cuộc giao tiếp bằng âm thanh, giai điệu, bằng lời ca, giọng điệu... của hát Giặm và có thể sáng tạo cách hát, lối hát, giọng hát làm sao để cho người bạn hát hoà nhập, ăn ý với nhau. Trong khi hát thường thêm những chữ đệm để lấy đà hoặc lót như: rứa mới, rồi, mì, a là ơ…
Hiện nay, hát Ví, Giặm đang được nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh lưu truyền, sử dụng trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, nhưng đã có thay đổi để thích ứng với cuộc sống. Những người thực hành hát là các nghệ nhân, nông dân lao động, cán bộ công chức, bộ đội, công an đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu...
Nếu trước đây phương pháp truyền dạy là hình thức truyền miệng, tức là trực tiếp từ nghệ nhân đến người thực hành thì hiện nay, việc truyền dạy được tiến hành dưới nhiều hình thức: trên sóng phát thanh truyền hình, qua các câu lạc bộ dân ca, qua truyền miệng trực tiếp, kết hợp với hình thức ghi băng đĩa hình, đĩa nhạc, dạy hát dân ca trong nhà trường...
Dân ca Ví, Giặm ra đời từ lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân, thể hiện một cách chân thực, tinh tế mọi mặt của đời sống vật chất, tinh thần, các sinh hoạt văn hóa cũng như tâm tư, tình cảm của người dân. Ở khía cạnh lịch sử xã hội, những câu dân ca Ví, Giặm vốn mềm mại, sâu lắng tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa lại có lúc trở thành vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh giai cấp, chống áp bức bóc lột của nhân dân lao động, thể hiện tư tưởng đấu tranh chống những bất công, ngang trái trong cuộc đời. Sự hấp dẫn của Ví, Giặm đã lôi kéo được các nho sĩ, nhà khoa bảng, các danh sĩ tài ba, các sĩ phu yêu nước tham gia, đã nâng cao vị thế của hát Ví, Giặm, đánh dấu cột mốc đáng kể trong lịch sử phát triển của hát Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Về mặt ca từ, có rất nhiều câu, nhiều bài hát lời ca óng ả, mượt mà, ngôn ngữ giản dị, tươi rói, chứa đầy nhựa sống, chân chất ý vị của cuộc sống lao động và chiến đấu. Cách dùng chữ cùng với hình ảnh thân mật, gần gũi và điệu thức nghe quen thuộc, đậm đà phong vị cổ truyền đã đi vào đời sống cộng đồng và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những câu, những bài đều quyện chặt tính địa phương xứ Nghệ với tính dân tộc Việt Nam. Mặt khác, ca từ Ví, Giặm còn mang đậm tính trí tuệ, bác học và cả tính “trạng” mang ý nghĩa phồn thực, ẩn chứa cái “huyền” hùng mạnh. Có được điều này phần lớn là do có sự tham gia của các nho sĩ, trí thức.
Tuy chỉ có một làn điệu (Ví) và hay hai làn điệu (Giặm) song nó được biến hoá sinh động theo tình cảm, tâm trạng của người hát, theo môi trường khi hát và cả tính cách của “đối phương” khi hát giao duyên. Làn điệu hát Ví khi đứng gần nghe bồi hồi như nhắn nhủ, nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác bâng khuâng. Với hát Giặm thì làn điệu ngâm cũng như hát Ví; làn điệu hát nói lại nghe chắc khoẻ, dứt khoát, hùng mạnh. Các làn điệu này đã bổ sung cho nhau, nên khi hát người ta có thể vừa hát Ví, vừa hát Giặm. Với dân ca thì làn điệu là cơ bản. Làn điệu Ví, Giặm đã trường tồn tại xứ Nghệ, đang hiện hữu tại xứ Nghệ. Nó vừa là tình ca vừa là tráng ca. Nó đã đáp ứng nhu cầu trong khi lao động, khi du hý… của người dân Nghệ Tĩnh. Giai điệu của nó vẫn còn mãi trong tâm thức của người dân Nghệ Tĩnh.
Chính những câu dân ca Ví, Giặm đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng và phác hoạ nên diện mạo, bản sắc của vùng văn hoá xứ Nghệ, không trộn lẫn với bất cứ vùng văn hoá nào trên đất nước Việt Nam. Ở góc độ văn học và âm nhạc, Ví, Giặm đã thể hiện tài năng sáng tạo của nhân dân lao động bằng một kho tàng đồ sộ những câu thơ độc đáo, sâu sắc về nội dung, điêu luyện về nghệ thuật; những giai điệu âm nhạc mộc mạc, mang đậm âm hưởng của cuộc sống lao động, đặc thù của âm sắc giọng nói xứ Nghệ nhưng vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn kỳ lạ. Nghệ thuật trình diễn Ví, Giặm vừa là nơi để nhân dân lao động bộc lộ những cung bậc của cảm xúc khi lao động sản xuất, vừa là phương tiện để vui chơi, giải trí trong những dịp hội hè, đình đám, những đêm trăng thanh gió mát cùng bạn bè giao du, thưởng thức hay thi thố tài năng văn chương. Các cuộc hát giao duyên Ví, Giặm chính là một trong những môi trường giao tiếp đẹp đẽ, giàu tính nhân văn, góp phần củng cố giá trị đạo đức và hành vi ứng xử truyền thống; có ý nghĩa tích cực trong việc tạo lập các mối quan hệ văn hoá giữa con người với con người, đồng thời góp phần thanh lọc tâm hồn, nuôi dưỡng trí tuệ, hình thành nhân cách con người. Cũng từ những đêm hát giao duyên Ví, Giặm mà đã nuôi dưỡng và khơi nguồn cảm hứng cho những bậc danh sĩ tài hoa sáng tác những tác phẩm văn học, âm nhạc… sống mãi với thời gian.
Từ loại hình trình diễn dân gian Ví, Giặm đã tạo ra nhiều những thế hệ nghệ nhân dân gian - chủ thể sáng tạo và thực hành di sản. Chính họ cũng là những di sản văn hoá phi vật thể sống vô cùng quý giá để “giữ lửa” cho di sản hôm nay và mai sau. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, những câu dân ca Ví, Giặm của cha ông xưa đã không ngừng được sáng tạo, gọt giũa, bồi đắp và gìn giữ để ngày càng trở nên phong phú và đẹp đẽ hơn.
Nhận rõ dân ca Ví, Giặm là một tài sản tinh thần vô giá, là một loại hình dân ca độc đáo, tạo nên bản sắc văn hóa của người dân xứ Nghệ, cho nên Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã và đang có nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm nhằm làm cho di sản văn hóa phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và xã hội. Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ kho tàng dân ca Ví, Giặm. Hoàn thành việc kiểm kê, lập hồ sơ, thành lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm. Bảo tồn, phục dựng một số quy tắc và thủ tục hát, các làn điệu lẫn lời ca Ví, Giặm nguyên gốc; bảo tồn, phục dựng một số không gian văn hóa, môi trường diễn xướng. Để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được bảo tồn và phát huy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 12 năm 2014, UNESCO đã công nhận và tôn vinh di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
N.T.S