22-04-2020 - 02:49

ĐẮNG NGỌT ĐÀN BÀ- LÝ LẼ CỦA ...CON TIM của Bùi Việt Thắng

Đọc “Đắng ngọt đàn bà”, tập truyện thứ hai của Nguyễn Thị Lê Na, với 11 thiên truyện, thấy trào sôi một nhiệt hứng yêu đương của nhân vật, cảnh trí, tình huống, tình tiết, chi tiết, ngôn từ, giọng điệu. Tôi cứ váng vất nghĩ, đây chính là “mùa yêu” trong văn chương Nguyễn Thị Lê Na. Mẹ của Seo (truyện “Vùng rừng sáng”) thì bỏ nhà “đi theo tiếng gọi của trái tim”….(Bùi Việt Thắng)

ĐẮNG NGỌT ĐÀN BÀ- LÝ LẼ CỦA …CON TIM

(Tập truyện “Đắng ngọt đàn bà” của Nguyễn Thị Lê Na, Nxb Hội Nhà văn 2020 )

 

                                                                                BÙI VIỆT THẮNG

 

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Một độc giả trẻ tuổi gửi thư cho tôi mong được bình luận rõ hơn về truyện “Tiếng sáo người hát rong” của Nguyễn Thị Lê Na in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (năm 2018), đặc biệt nhấn mạnh cái kết truyện có vẻ không thực tế khi nhân vật Mai lên tàu bay tháp tùng ba cha con người hát rong sang Mỹ chữa bệnh cho hai đứa con tật nguyền từ nhỏ do tìm được sự hỗ trợ nhân đạo quý báu của một tổ chức phi chính phủ xứ sở cờ hoa.

Người viết thư là một độc giả nam đang học năm cuối THPT, yêu văn chương, đọc sách báo nhiều hơn chúng bạn cùng trang lứa, ở một tỉnh miền Trung nắng gió xa xôi. Cuối thư em viết: “Rất mong nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, người mà cháu từng có dịp đọc cuốn sách lý luận về truyện ngắn rất lý thú và bổ ích, hãy giúp cháu đánh giá câu chuyện ấy liệu có thể xảy ra và cách hành xử của nhân vật nữ có tên Mai trong truyện, liệu có thể là hoang đường?”.

Thật vui và bất ngờ nhân một chuyến công tác ở miền Trung, tôi và em gặp nhau trong vai thầy – trò. Tuy nhiên, trước đó trong thư trả lời tôi đã viết ngắn gọn: “Tác giả nếu biết được chuyện này thì sẽ rất vui vì tác phẩm của mình đã chạm đến độc giả chứ không bị trôi tuột đi và bị lãng quên. Đó là nỗi sợ hãi lớn nhất đối với người viết văn khi đứng trước một người đọc (nói chung) thông minh và khó tính hơn bao giờ hết.

Văn chương, em nên nhớ, luôn là sự giả định đời sống, nó tạo ra những tình huống khả nhiên (có thể có). Vậy nên em đừng quá băn khoăn về câu chuyện trong “Tiếng sáo người hát rong” là có thật hay không; cũng như cách hành xử của nhân vật Mai liệu có “hoang đường” trong một đời sống nhiều tục lụy như bây giờ. Đó là một khao khát về sự tử tế, về tình người đang trở nên rất hiếm hoi trong bối cảnh thị trường.

Sau này, nếu em viết văn, thì hãy nhớ bài học nhập môn này”. Lần gặp ở miền Trung sau đó, tôi tặng cậu học trò giỏi văn cuốn sách “Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại”. Nhưng, đầu năm học mới (2019-2020), cậu học trò yêu văn ấy đã đi du học, ở một nước phát triển, ngành Quan hệ công chúng. Thầy trò tôi vẫn liên lạc với nhau (qua email).

Tập truyện “Đắng ngọt đàn bà” của Nguyễn Thị Lê Na, Nxb Hội Nhà văn 2020 

 

Câu chuyện này tôi giữ kín, chưa bật mí, dù gần đây nhận ra Nguyễn Thị Lê Na chính là cô học trò giỏi năm xưa ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế, nơi tôi đã từng đến thỉnh giảng. Bây giờ thì đã có thể bạch hóa chuyện này. Không biết Nguyễn Thị Lê Na có xúc động vì câu chuyện có tính chất “hậu trường” này khi tôi kể ra?

Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na

Đọc “Đắng ngọt đàn bà” (tập truyện thứ hai của Nguyễn Thị Lê Na), với 11 thiên truyện, thấy trào sôi một nhiệt hứng yêu đương của nhân vật, cảnh trí, tình huống, tình tiết, chi tiết, ngôn từ, giọng điệu. Tôi cứ váng vất nghĩ, đây chính là “mùa yêu” trong văn chương Nguyễn Thị Lê Na. Mẹ của Seo (truyện “Vùng rừng sáng”) thì bỏ nhà “đi theo tiếng gọi của trái tim”.

Với Phong – người đàn ông thứ hai trong đời Liên (truyện “Cơn bão”) thì anh ấy “chỉ một mực theo trái tim mách bảo”, còn Liên thì “Chị biết trái tim thường mù quáng (…). Sự mù quáng của trái tim thật dễ thương”.

Sự sám hối bởi tình cảm ngoài luồng này khiến Liên chủ động cầm bút viết đơn ly hôn. Nhưng “mùa yêu” trong truyện của cây bút nữ này không chỉ có hoan ca, mà đẫm nước mắt đau khổ, dằn vặt, sám hối, vẫn phải tin vào những giọt nước mắt xót xa, thánh thiện, như Mận (truyện “Cầu vồng sau mưa”) đã “khóc suốt hai mươi sáu đêm liền” khi Huân (mối tình đầu của chị) lấy vợ. Khóc cạn cả nước mắt, đã có lúc muốn cướp lại chồng của Phương (con gái giám đốc bệnh viện), nhưng lòng bao dung, rộng lượng đã khiến chị phải nén đau đớn, tỉnh trí trả lại Huân cho vợ anh.

Vậy nên phải nói cho rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, đọc truyện của Nguyễn Thị Lê Na trong “Đắng ngọt đàn bà”, càng thấy sống chỉ để yêu… thương, không chỉ yêu… đương, chính là sợi chỉ đỏ (cấu tứ) xuyên suốt tác phẩm.

Mảnh vỡ của… mảnh vỡ

Chỉ là những câu chuyện của những “gia đình bé mọn”, hay nới rộng biên độ chính là câu chuyện của nhân tình thế thái ngày hôm nay, tôi cứ vân vi mãi khi đọc “Đắng ngọt đàn bà”, đắng đót rồi mới mong ngọt ngào pha lẫn đắng cay chăng? Đọc 11 thiên truyện thì thấy người phụ nữ hay chủ động viết đơn ly hôn. Có phải là “phong trào xã hội”?, có phải là “nữ quyền lên ngôi”, có phải là những cuộc “vượt ngục tinh thần” của chính tác giả và nữ giới thời đại bình quyền?

Ở đây, tôi cảm nhận, không thấy sự rạch ròi như dưới thanh thiên bạch nhật rằng, trong trường hợp này, “văn là người” có vẻ không chính xác. Theo quan sát của riêng tôi, tác giả sống nền nếp, chỉn chu, đoan trang, thùy mị, trước sau cả trong đời tư lẫn việc công. Không thể nói là không tròn đầy, viên mãn trong cuộc sống riêng tư của một cây bút nữ khá thành công trên nhiều phương diện.

Nhưng cơn cớ vì sao những mảnh vỡ của mảnh vỡ lại lan tràn, rải rắc đầy trong mỗi truyện? Có lẽ đó là những dự cảm, những phán đoán, những thắc thỏm lo âu về những gì sẽ đến với thân phận con người nói chung, phụ nữ nói riêng trước những bất trắc khó lường của đời sống?

Truyện của Nguyễn Thị Lê Na, nhiều mối tình tay ba, nhiều vụ ly hôn, đổ vỡ hơn rất nhiều các cây bút nữ khác mà tôi đã đọc, ít ra thì cũng đã xảy ra với Vy và Văn “Đắng ngọt đàn bà”, với Sinh và Lâm “Sinh”, với Vũ và Kim “Nước mắt đàn ông”…

Xưa nay, những đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân, người ta hay đổ lỗi cho đàn ông. Nhưng trong truyện của Nguyễn Thị Lê Na thì, trái lại, đàn bà nổi loạn không kém, nguồn cơn gây ra sóng gió không ít cho những mảnh vỡ của mảnh vỡ. Nói như dân gian là “tại anh tại ả tại cả hai bên”. Hóa ra, đọc xong “Đắng ngọt đàn bà”, tôi lại thấy tác giả là người ghê gớm trong văn chương, không hiền thục như ngoài đời(!?).

Ngòi bút đắm say

Tôi muốn nói về “lối viết tự tình” của Nguyễn Thị Lê Na trong “Đắng ngọt đàn bà”. Văn Nguyễn Thị Lê Na là một lối văn chăm bẵm, đắm đuối, nâng niu, dìu dắt, nâng đỡ người nữ đi qua những bất trắc, khổ hạnh, những éo le, tuế toái, ngang trái, phi lý của cuộc đời tục lụy. Đọc truyện, đa phần độc giả quan tâm tới “chuyện” (cốt truyện chính là chiếc chìa khóa vàng giúp mở ra những bí ẩn cuộc đời, khám phá tính cách nhân vật).

Đã đành. Có thể nói, truyện của Nguyễn Thị Lê Na thuộc phái truyền thống (cốt truyện tiêu biểu, nhân vật rõ nét, ấn tượng mạnh của đoạn kết), không bị ám bởi các trào lưu, chủ nghĩa này nọ. Mười một truyện trong tập đều có thể kể lại cho người chưa đọc nghe một cách gọn ghẽ, hấp dẫn nhờ các tình tiết tiêu biểu, những chi tiết khá đắt giá, các xung đột tinh thần gay cấn, những tình huống kịch tính. Nhưng đọc Nguyễn Thị Lê Na, riêng tôi lại bị cuốn hút từ “văn” (ngôn từ, giọng điệu và cả kết cấu tác phẩm, những yếu tố hay được gọi là hình thức).

Giọng thương cảm làm nên cái “lõi” văn của chị (lúc nào cũng như muốn “bào chữa” cho thân chủ – nhân vật nữ của mình). Văn Nguyễn Thị Lê Na dẫn dụ độc giả trước tiên nhờ cái “giọng” mềm mại và ấm áp, chất đầy điệu thương, điệu nhớ, đồng thời thể hiện sự tinh tế, sành tâm lý, giàu quan sát. Riêng tôi thấy, Nguyễn Thị Lê Na có cách ướm mình vào nhân vật mà viết. Không biết có đúng (?!)

Có điều gì còn chưa hài lòng khi đọc “Đắng ngọt đàn bà”? Có đấy! Như đã nói ở trên, tác giả có cái duyên kể lại (dài dài) những câu chuyện có trước có sau. Nhưng khi cần tập trung một “cú đấm” nghệ thuật, hướng bút vào một moment (khoảnh khắc) thì lại có vẻ như chông chênh, chòng chành “Trong khoang tàu chật”, là một ví dụ. Lại nữa nếu cứ để cho câu chuyện diễn tiến tự nhiên thì mọi sự suôn sẻ, còn nếu bày đặt, gò ép, sắp xếp thì mọi sự trở nên chung chiêng, chỏng chơ (“Lụa”, lại là một ví dụ khác).

Nhưng mà, đấy là tôi có phần khắt khe đánh giá, như một người đọc lý tưởng, có phần khó tính. Còn nếu đọc theo lối thông thường, theo mỹ cảm văn chương đương thời thì một vài cái “vết” nhỏ và mờ như thế trong một tập truyện xinh xắn, nhiều ý tứ nên không mấy ai để ý. “Đắng ngọt đàn bà” của Nguyễn Thị Lê Na, theo tôi, có thể là một điểm sáng 2020, nói riêng trong thể truyện ngắn. Đúng thế chăng (?!).

                                                                    Hà Nội, tháng Ba, 2020

                                                                            BÙI VIỆT THẮNG

 

. . . . .
Loading the player...