03-05-2017
Bước qua cột mốc ba mươi năm một tiến trình đổi mới trong văn học, đã có một số cái nhìn ghi nhận vị trí hàng đầu của khu vực văn chương viết về chiến tranh. Đó là một thực tế hiển nhiên, vì trong dòng chảy chính thống suốt bao năm qua những tác phẩm văn học về chiến tranh vẫn là phần chủ yếu tạo nên giá trị, cho dù cũng thực tế là miền văn học đó không có ưu thế trên thị trường sách tăng trưởng mạnh mẽ. Hầu như các ghi nhận thường là ghi nhận sự biến chuyển của văn chương viết về chiến tranh hoặc theo hướng tái hiện các thực tế trước đây không được phép tiết lộ hoặc theo hướng đổi mới các thủ pháp kể chuyện nhằm cố khai thác cái được cho là “bộ mặt con người” trong chiến cuộc. Riêng về những nỗ lực khai thác “khía cạnh con người” đó đã có nhiều bất cập, mà một bình luận của nhà phê bình Ngô Thảo về cuốn Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến, 2016, đã nhắc nhở: Nhà phê bình tỏ ý cảm ơn tác giả Vũ Công Chiến đã bảo vệ danh dự của đông đảo người lính của một thế hệ được giáo dục, sống rất tử tế, đối với dân tử tế, trân trọng người họ yêu, không phải là những anh lính bặm trợn, bạo liệt, đi tới đâu cũng ham hố chuyện dục tình như nhiều trang viết mới mô tả.