03-01-2023 - 07:38

ĐẤT VÀ NGƯỜI HOAN CHÂU TRONG THƠ LA SƠN PHU TỬ

Tạp chí Hồng Lĩnh Số tháng 12 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Đất và người Hoan Châu trong thơ La Sơn Phu Tử" của tác giả Phạm Quang Ái

 

đất và người hoan châu

trong thơ la sơn phu tử

                                                                  

 Nguyễn Thiếp sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723) mất năm 1804. Quê quán ông ở làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Kim - Song - Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc thiếu thời, ông có tên húy là Minh, lớn lên có tên tự là Thiếp hoặc Quang Thiếp, về sau lại có tên tự là Khải Xuyên và Hạn Ham. Đặc biệt, Nguyễn Thiếp có rất nhiều tên hiệu, gồm tự hiệu (tên hiệu do ông tự đặt) như: Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư sĩ, Hạnh Am, Cuồng Ẩn, Điên Ẩn,..và xưng hiệu (tên hiệu do người khác tôn xưng) như La Sơn tiên sinh, Lục Niên tiên sinh (hoặc Lục Niên hầu), Hạnh Am tiên sinh, La Sơn phu tử, ,...[1]

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông sớm nổi tiếng là người học giỏi, biết rộng hiểu sâu, tinh thông Nho, Y, Lý, Số. Năm 21 tuổi, ông thi đỗ Hương giải (Cử nhân) ngay từ lần thi đầu tiên. Đậu đạt sớm, tiền đồ công danh đang rộng mở như thế nhưng Nguyễn Thiếp đã đột ngột từ bỏ con đường khoa hoạn, chuyên tâm đọc sách kinh điển bách gia, vui thú với nghề dạy học và ngao du sơn thuỷ. Vì nhà nghèo lại còn mẹ già phải phụng dưỡng,[2] nên khi đã ngoài 30 tuổi, ông buộc phải ra làm quan nhưng chỉ được một thời gian ngắn, lại từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn gần 20 năm.           Trong thời gian ẩn cư tại đây, vì mến mộ tài đức, chúa Trịnh Sâm đã nhiều lần mời ông ra kinh đô làm quan nhưng ông vẫn nhất mực từ chối, cùng con cái "Nuôi trâu bò, trồng cây, cày ruộng, dệt vải làm lấy mà ăn”. Khi đã ngoài 60 tuổi, cuộc đời ông bước vào một khúc ngoặt mới. Sau ba lần khước từ chiếu cầu hiền của vua Quang Trung, ông lại chống gậy xuống núi hợp tác với nhà Tây Sơn, một triều đại vừa mới nổi lên và đang bị không ít các Nho sĩ Bắc Hà bất hợp tác, thậm chí khởi binh chống lại. Có thể nói Nguyễn Thiếp và Quang Trung có duyên kỳ ngộ nhưng tiếc thay ông không có phận làm nên một Y, Phó, Quản, Nhạc[3] vì Quang Trung từ trần quá sớm và nhà Tây Sơn đã nhanh chóng sụp đổ. Việc ông thận trọng lựa chọn nhà Tây Sơn để hợp tác cho thấy ông là một người không bi quan, yếm thế mà ngược lại với tấm lòng ưu quốc, ái dân, gặp thời thuận vua sáng vẫn tích cực nhập thế. Con người ông, tấm lòng yêu nước thương dân của ông đã thể hiện sâu sắc, trọn vẹn trong trước tác của ông.

Mở đầu tập Hạnh Am thi cảo, ông viết: “Ta sinh ra tính chất ngu lậu, vốn không hay làm thơ, văn cũng không thích làm nhiều. Thường ngày nhân gặp việc gì cảm xúc hoặc cùng người tặng đáp, có chừng hơn trăm bài. Tự biết rằng thơ mình cạn, kém, cũ kỹ. Không đáng truyền lại sau, làm xong bỏ qua và quên. Nay tạm chép các bài còn nhớ, xếp theo thứ tự trước sau để con cháu biết gốc tích, lý lịch ta. Ấy cũng là một cách giúp vào sự răn dạy mà thôi. Há gọi là thơ sao ? [4]

Quả thật, đọc thơ Nguyễn Thiếp trong Hạnh Am thi cảo Lạp Phong thi tập[5], ngoài một số ít bài thơ đạo lý có phần hơi khô khan thì phần lớn những bài thơ của ông hoặc bày tỏ sự xúc cảm trước cảnh tượng thiên nhiên, đất nước và con người, hoặc bày tỏ tình cảm, thái độ trước nhân tình thế thái, đều thấm đượm một hồn thơ gây xúc động lòng người. Thơ ông, đúng như ông tự nhận là được sáng tác vì "gặp việc cảm xúc hoặc vì người tặng đáp".

Đặc biệt, đất nước và con người xứ Hoan Châu là nguồn cảm hứng dạt dào, là một chủ điệu với những biểu tượng ám ảnh, xuyên suốt, hồi hoàn, luyến láy trong thơ Nguyễn Thiếp

Từ xưa, đất Hoan Châu vốn là vùng đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, đời sống nhân dân nghèo đói, nhưng cũng là vùng đất có núi sông hùng vĩ, nhiều di tích, danh thắng có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với tao nhân, mặc khách. Không chỉ những văn nhân xứ Nghệ, mà không ít vua chúa, quan lại từng qua đây hay trấn nhậm tại đây đã sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi cảnh trí và con người Hoan Châu. Từ Lê Thánh Tông cho đến Thiệu Trị, từ Phạm Sư Mạnh cho đến Bùi Huy Bích đã để lại những thiên tuyệt bút về xứ sở núi Hồng sông Lam.

Là một người sinh ra và lớn lên giữa vùng đất Hồng Lam “địa linh nhân kiệt”, bụng chứa đầy kinh sử, chữ nghĩa thánh hiền, hồn dạt dào thi hứng lại thích du ngoạn đó đây, tuổi trẻ Nguyễn Thiếp đã in dấu chân khắp vùng “Núi sông miền Nam Châu”[6], hầu như đến đâu ông cũng có thơ để ghi lại cảm xúc, kinh lịch của mình. Ngay trong tập Hạnh Am thi cảo của ông, có  21 bài (trên gần 90 bài của tập thơ) viết về cảnh vật và con người quê hương xứ sở với một tình điệu nồng hậu, tha thiết. Những danh sơn như Nghĩa Liệt, Thiên Nhẫn, Đại Huệ, Kim Nham... những danh lam cổ miếu như chùa Hương Tích, chùa Ân Quang, đền vua Mai... những bến sông cửa bể trù phú, thơ mộng như Phù Thạch, Đan Nhai... để lại dấu ấn sâu đậm trong thơ ông, khi là một nét phác thảo rất có hồn, khi là một bức tranh hoàn chỉnh rất sinh động, đồng thời thể hiện những cảm nghĩ phong phú, sâu sắc, dạt dào và rất đỗi tinh tế của tâm hồn thi nhân.

Trước hết, đối với vùng đất Hoan Châu, Nguyễn Thiếp có một cảm quan lịch sử đặc biệt, vừa có tính chất nghiệm sinh truyền thống của cộng đồng vừa nhuốm màu sắc tâm linh. Trong Hạnh Am thi cảo, ông đã khái quát về quê hương xứ sở mình như sau:

                        Trung thổ nhiều tài giỏi,

                        Thịnh ở Diễn, Hoan Châu;

                        Mạch rồng chia nhánh hữu,

                        Thế đất tiếp mọi Lào.

                        Đảo Song Ngư bể rộng,

                        Núi Vạn Nhận trời cao.

                        Năm nay văn khí thịnh,

                        Sáng dọi đến tầng sao!                                                                                           Hoan Châu

Niềm tin vào chốn “địa linh sinh nhân kiệt” của ông được hun đúc từ lời truyền đầy tự hào của người xưa. Trong.lời chú thích bài thơ Hoan Châu trong tập Hạnh am thi cảo mà chúng tôi đã dẫn ở trên, Nguyễn Thiếp viết rằng: [Lời xưa nói: "Hồng Lĩnh chon von/ Song Ngư bát ngát/ Nếu gặp thời minh/ Nhân tài đua phát”. Lại năm Quý Hợi, trường thi hương bị cháy. Quan giám khảo Nguyễn Đức Lập làm thơ rằng (dịch):"Gió nổi sấm rền đưa ngọn bút/ Thi trường giật giải khắp tây đông/ Quay nhìn văn rạng chòm Ngưu Đẩu/Mới biết Hoan Châu sĩ khí hùng."][7]

Từ một mặc định phần nào có tính chất tiên nghiệm về vùng đất “địa linh nhân kiệt” xứ Hoan Châu, để cảm nhận được linh khí của đất và người, nhà thơ và nhà phong thủy Nguyễn Thiếp nhất thiết phải “đăng cao”. “Đăng cao vọng viễn” (lên cao trông xa) là một đề tài, một tư thế trữ tình trong thơ cổ, thơ Đường. Người xưa “đăng cao” để tỏ chí, thuật hoài nhưng Nguyễn Thiếp trèo lên ngọn Nghĩa Liệt sừng sững in bóng trên dòng sông Lam để say ngắm cảnh trí nước non quê nhà:

Liệt Sơn sơn thượng tối cao phong

Tứ cố vân yên nhập vọng trung.

Đăng Nghĩa Liệt sơn[8]

(Đứng trên đỉnh cao nhất của núi Liệt Sơn

Trông ra bốn phương, mây khói nằm trong tầm mắt)

                                                                           (Lên núi Nghĩa Liệt)

Đứng trên đỉnh cao của núi Nghĩa Liệt, nhà thơ phóng tầm nhìn bao quát cả vũ trụ bao la cho đến xóm thôn, làng mạc thấp thoáng, ẩn hiện lung linh trong màn mây khói mờ ảo với một cảm xúc hào sảng, lãng mạn. Bên cạnh vẻ tráng lệ của cảnh trí núi sông thì cái làm nên cảm xúc của tác giả còn là vang bóng của những di tích lịch sử vẻ vang của dân tộc gắn liền với núi sông này. Từ cái nhìn bao quát cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Liệt sơn được mở ra bằng 2 câu đề, nhà thơ hướng điểm nhìn của mình vào hai hình ảnh chứa đựng ý nghĩa lịch sử trong hai câu thực: đối sánh hình ảnh thành quách ngày xưa của tên tướng giặc xâm lược Trương Phụ nay đã trở thành hoang tàn, phủ đầy cỏ biếc với hình ảnh chiếc cầu đã từng chứng kiến sự hy sinh dũng liệt của Nghĩa vương Nguyễn Biểu đang đỏ rực nghĩa khí trong bóng chiều tà:

Anh Quốc [9] thành hoang phương thảo lục,

Nghĩa Vương[10] kiều tại tịch dương hồng.

Đăng Nghĩa Liệt sơn

(Anh Quốc thành kia xanh cỏ dại

Nghĩa Vương cầu nọ rực tà dương)

                                               (Lên núi Nghĩa Liệt) PQA dịch thơ

Phần lớn thơ vịnh cảnh, “xúc cảnh sinh tình”, của La Sơn tiên sinh đều có sự gắn kết một cách tự nhiên cảm quan thiên nhiên với cảm quan lịch sử con người như thế. Có thể nói, những bài thơ đó đã dựng nên một tượng đài lịch sử hào hùng của dân tộc sống mãi với non sông, đất nước quê hương.

Đọc thơ ông, chúng ta cùng ông rưng rưng niềm cảm khái trước quần thể di tích lịch sử lâu đời của Núi Đụn, bến đò Sa Nam, đền vua Mai Hắc Đế,... Trên đường đi công cán, trong một buổi chiều đẹp trời, Phu Tử dừng thuyền lên bờ sông Lam ngoạn cảnh. Ngắm ngôi đền thờ Mai Hắc Đế cổ kính nằm trong khu vực núi Ngọc Đái, mặt hướng ra bờ sông, lặng lẽ ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ xanh biếc, Nguyễn Thiếp trầm tư về người anh hùng áo vải đã từng nổi dậy đánh đuổi tên thái thú tàn bạo Dương Tư Húc, cứu trăm họ thoát khỏi cảnh lầm than.

...Khả liên anh hùng Mai Thúc Loan,

Khước nhân tặc thần Dương Tư Húc

Nhất hô vạn nặc tỳ hưu quần,

Tư Húc yên năng cự hại quân...

                         (Kinh Hắc Đế từ)

(Đáng thương thay, anh hùng Mai Thúc Loan

Bị bọn tặc thần Dương Tư Húc hãm hại

Một tiếng gọi, muốn lời đáp của đoàn quân tỳ hổ

Tư Húc làm sao có thể hại được ông nhanh chóng?)

                                           (Qua đền Mai Hắc Đế)

“Nhất hô vạn nặc tỳ hưu quần” (Mội tiếng gọi, vạn lời đáp của đoàn quân tỳ hổ), chỉ với một câu thơ 7 tiếng ngắn gọn nhưng nhà thơ đã làm sống dậy cả cảnh tượng hào hùng của hàng vạn nghĩa sĩ vùng lên đánh đuổi quân đô hộ đế quốc Đường  dưới ngọn cờ cứu nước của người phu cống vải. Ông cảm thương cho đấng anh hùng bị thất bại vì không gặp thiên thời chứ không phải không đủ hùng khí để chống chọi với kẻ thù. Thơ Nguyễn Thiếp súc tích, cô đọng, chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa; lời dứt nhưng tình điệu mãi âm vang. Để diễn tả cái ý: công đức và danh tiếng vua Mai mãi mãi lưu truyền trong lòng người đời sau, tác giả viết:

 Cổn cổn Sa Nam cổ độ đầu,

 Hành nhân do thuyết Mai Hắc Đế

                                 (Kinh Hắc Đế từ)

 (Bến đò cổ Sa Nam nước cuồn cuộn chảy,

 Người qua lại còn nhắc chuyện Mai Hắc Đế).

Nước sông Lam chảy qua bến cổ Sam Nam có bao giờ dừng. Sóng nước cuồn cuộn như còn gợi nhắc khí thế xưa kia của nghĩa quân. Những người dân qua lại bến đò này có bao giờ quên công đức của người anh hùng cứu nước!

Đất cổ Hoan Châu không chỉ có cảnh tượng hùng vĩ, linh thiêng với núi cao sông sâu, với những di tích luôn hiển hiện quá khứ oanh liệt của tổ tiên mà còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh. Chùa Hương Tích thời xưa đã từng được xếp hạng là "Hoan Châu đệ nhất danh lam" (ngôi chùa nổi tiếng nhất Hoan Châu). Chùa xây trên ngọn Hương Tích, một đỉnh núi cao của dãy Hồng Lĩnh, trước chùa có suối gọi là Hương Tuyền (Suối thơm) có thông trúc, cảnh trí thần tiên. Hằng năm, đến ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày lễ Phật, khách thập phương xa gần nô nức đi hội chùa. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, khi nhà thơ lên chơi chùa, cảnh tượng bày ra trước mắt chỉ còn là:

Di am không bạch thạch

Cố chỉ đạm thanh tùng

Du Hương Tích tự

(Am xưa chỉ còn là đá trắng

Nền cũ chỉ có tùng xanh)

                (Đi chơi chùa Hương Tích)

Thông thường, cảnh tang thương biến đổi dễ gợi cho thi khách nhiều nỗi ai hoài, nhưng đứng trước cảnh này, thi cảm của Nguyễn Thiếp không có chút bi lụy nào. Đá vẫn trắng một màu trinh nguyên, tùng già vẫn xanh một màu xanh huyền thoại, sự sống ngàn năm dường như vẫn thản nhiên trước sức tàn phá của thời gian. Theo mạch cảm hứng ấy, Phu tử đặt ra một loạt câu hỏi:

Phong nguyệt trường như thử

Thần tiên bất khả phùng?

(Trăng gió mãi như thế,

(Thần tiên không thể gặp?)

Và ông “ướm hỏi” Tô Đông Pha:

Tá vấn Đông Pha sĩ

Hà như Xương Lê ông?

(Thử hỏi kẻ sĩ Tô Đông Pha,

Ông Hàn Xương Lê như thế nào rồi?)

Ý thơ rất thâm thúy. Tô Đông Pha (Tô Thức: 1037–1101), sinh sau Hàn Xương Lê (Hàn Dũ: 768 - 824) 269 năm. Tô Đông Pha là người rất sùng Phật, trong khi đó, Hàn Xương Lê lại là người cực lực bài xích Phật giáo. Kẻ bài xích Phật tất không thấy Phật nhưng người sùng Phật chắc gì đã gặp Phật?

Trong cái mạch suy tư đó, nhà thơ Việt đã kết thúc bài thơ bằng hai câu rất ý nhị:

Lại tán giang hồ giả

Nam huân[11] nhất ỷ song

(Khách giang hồ nhàn nhã

Tựa cửa sổ hóng ngọn gió nam ấm áp)

Chẳng cần viễn vông đi tìm thần tiên ở đâu mà thần tiên chính là “khách giang hồ nhàn nhã”. Nói cách khác, với Lạp Phong cư sĩ, thần tiên chính là sự tồn tại của con người trong sự giao hòa với thiên nhiên. Bài thơ lời đạm, ý sâu chứa đựng một triết lý nhân sinh thâm trầm, uyên áo của một bậc cao ẩn, tuy thân gửi chốn yên hà nhưng lòng luôn hướng về cuộc sống thế gian. Thông tỏ được cõi lòng sâu thẳm của ông, chúng ta sẽ hiểu được vì sao khi gặp được người anh hùng Nguyễn Huệ, ông đã quyết tâm ra khỏi chốn lều tranh giúp dân giúp nước.

Trong thế giới thơ ông, cảnh vật quê hương hiện lên thật gần gũi, ấm áp, thân tình. Núi rừng thì có hình ảnh Thiên Nhẫn, Lạp Phong, Nhạc Sạc, Trà Sơn, Bột Sơn, Liệt Sơn,...; biển đảo thì có hình ảnh Nam Hài, Song Ngư,.. luôn được ông nhắc đến trong thơ như là những người bạn cố tri, những người thân thích quanh quẩn bên mình. Gần thì quấn quýt, vui vầy; đi xa thì mong nhớ: “Trà Bột gia hương tại nhãn tiền” (Trông về núi Trà, núi Bột như thấy quê nhà ngay ở trước mắt - Ngụ Bố chánh Huyền Vũ gia). Trong mưa gió mịt mùng, ông chỉ biết lấy phương vị núi Nhạc Sạc để ước chừng tọa độ cố hương:

Nhạc Sạc đông nam ngung

Mông mông bất kiến thụ.

Vũ trung vọng cố hương

(Núi Nhạc Sạc ở góc trời đông nam

Mịt mù không thấy cây cối)

                (Trong mưa ngóng quê cũ)

Dù lúc vui thú giang hồ, ngao du sơn thủy hay khi phải làm một lữ khách bất đắc dĩ mệt mỏi trên dặm trường, nhà thơ lúc nào canh cánh nỗi lòng hoài hương:

... Tà dương Thiên Nhẫn tự

Phi bộc Lục niên đài

Tùng trúc kim do tại

Phong trần thượng vị hồi.

Tư cố sơn

(Chùa Thiên Nhẫn dưới bóng chiều

Nước vọt thành Lục Niên

Tùng trúc nay còn đó

Phong trần vẫn chưa về)

                         (Nhớ núi cũ)

Có thể nói, thơ viết về thiên nhiên đất nước Hoan Châu của Nguyễn Thiếp khá đa dạng. Có những bài viết về cảnh kỳ thú, hùng vĩ của nước non nhưng cũng có những bài viết về những cảnh vật bình thường, giản dị. Có những bài “xúc cảnh sinh tình”, đơn thuần vịnh cảnh nhưng cũng có những bài “đối cảnh ngụ tình”, vịnh cảnh chỉ là để vịnh sử, nói về cảnh vật nhưng chủ yếu là để nói đến con người, những bậc hào kiệt thời loạn, những bậc văn thần đời trị. Tuy lúc nào ông cũng có thể xúc cảm trước thiên nhiên tạo vật nhưng không bao giờ quên con người, trong cảnh có người và hình ảnh cuộc sống con người luôn gắn với hình ảnh núi sông. “Đọc những bài thơ viết về thiên nhiên và con người xứ sở quê hương của Nguyễn Thiếp ta có cảm tưởng như đứng trước một bức tranh toàn cảnh về một vùng danh lam thắng cảnh, màu sắc đường nét, cận cảnh, viễn cảnh tuy có khác nhau nhưng đều cùng một nét bút, một cảm xúc, của một tâm hồn, rất mực yêu thiên nhiên và quê hương xứ sở. Cảnh trí thiên nhiên kỳ thú gợi cho con người tình yêu thiên nhiên xứ sở và con người lại phả vào thiên nhiên xứ sở một tâm hồn”[12]

      Phạm Quang Ái

___________________

1. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, 1952; tr.15-17;

2. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, 1952; tr. 59;

3. Y, Phó, Quản, Nhạc: tức là 4 bậc bề tôi giỏi nổi tiếng thời cổ đại Trung Hoa. Y Doãn (1648 TCN – 1549 TCN, tướng nhà Thương), Phó Duyệt (Tể tướng nhà Ân), Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN, tể tướng nước Tề thời Xuân Thu), Nhạc Nghị (danh tướng nước nước Yên thời Chiến Quốc)

4. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, 1952; tr. 189

5. Hanh am thi cảo được Hoàng Xuân giới thiệu trong cuốn La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, 1952; Lạp phong thi tập được Nguyễn Sĩ Cẩn giới thiệu trong cuốn Thơ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, NXB Nghệ An, 1998.

6. Nam Châu: chỉ vùng Hồng Lam)

7. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, 1952; tr. 20;

8. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, NXB Minh Tân, Paris, 1952; tr. 34

9. Trương Phụ, tướng nhà Minh được vua nhà Minh phong là Anh Quốc Công

10. Nghĩa Vương: Tước vua Lê Thánh Tông phong cho Nguyễn Biểu

11. Nam Huân: Vua Thuấn ngày xưa đánh cây đàn 5 giây ca tụng gió nam “Nam phong chi huân hề, khả dĩ dãi ngô dân chi uẩn huề. Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề” (Gió nam ấm áp giải được nỗi buồn bực của dân ta; gió nam thổi phải thời, làm cho dân ta giàu có (Theo sách “Không tử gia ngữ).

12. Nguyễn Si Cẩn, Thơ LA Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, NXB Nghệ An, 1998, tr.12.

. . . . .
Loading the player...