Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu bài viết "Đọc tiểu thuyết Miền trần gian là để bình tâm" - (Đọc "Miền trần gian" của Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018) của nhà thơ Phan Cung Việt
Tôi đọc cuốn tiểu thuyết mới “Miền trần gian” (Nhà xuất bản Hội nhà văn 2018) của Dương Kỳ Anh, mà theo tác giả thì tôi là người được tặng sách đầu tiên, có lẽ vì tôi với Dương Kỳ Anh có mối thân tình cùng quê, cùng làm ở một cơ quân và bây giờ tôi lại ở gần nhà của Dương Kỳ Anh. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Dương Kỳ Anh mà tôi đã đọc đều do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành ( sau XUYÊN CẨM- 2004; THỔ ĐỊA- 2006 và CÕI TA BÀ-2008), nên tôi hiểu tác giả muốn gửi gắm những điều gan ruột của mình.
“Miền trần gian” quả là một miền đất khắc nghiệt, đầy bão tố của cuộc đời, nhưng thật lạ, đọc xong ta lại thấy bình tâm!
Chuyện Cậu Bính và gia tộc của cậu trong tiểu thuyết quả là một câu chuyện khiến người đọc không cầm được nước mắt. Mẹ cùng hai đứa em sinh đôi chưa đầy tháng chết đói giữa ngày mùa no đủ, gia đình cậu Bính bị đuổi ra ở ngoài chuồng trâu, đói rét, khổ cực hết chổ nói; cậu Bình mới lên chín tuổi đầu đã phải dắt theo hai đứa em nhỏ đi ăn xin, rồi đi làm thuê, ở đợ cho nhà người ta ...Thế nhưng cậu Bính đã vượt qua tất cả để sống, để tìm cách cứu hai đứa em thơ và người bà khỏi bị chết đói ...Câu chuyện tình khá ly kỳ giữa cậu Bính và O Hạnh như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, câu chuyên như thực lại như mơ, như có lại như không, vừa hạnh phúc, vừa khổ đau, vừa tin yêu lại vừa nghi ngờ, khó hiểu. Chuyện những con chim én bay vào nhà tránh rét được tác giả kể rất ly kỳ trong tiểu thuyết XUYÊN CẨM ( nhà xuất bản hội nhà văn 2004) nay lại được tái hiện, vừa như là sự vô tình cũng như là cố ý của trời đất và con người. Một miền quê khắc nghiệt, vùng đất miền Trung nơi con người sống trong bão tố, trải qua bão tố vẫn vượt lên tất cả để sống, sống nhân văn, sống có ích, sống đến tận cùng của cuộc sống đầy gian nam, thách thức, nhưng cũng đầy niềm tin vào ngày mai.
MIỀN TRẦN GIAN cũng là cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Dương Kỳ Anh muốn đề cập đến sợi dây tưởng như vô hình, nhưng thực ra là rất hữu hình, không chỉ là vấn đề tâm linh, cao hơn tất cả là mối liên hệ sống còn giữa thiên nhiên và con người, giữa đời sống tinh thần, đời sống tâm linh và đời sống thực hàng ngày.
Vấn đề bảo vệ môi trường sống, bảo vệ văn hóa tâm linh, bảo vệ và phát triển truyền thống gia đình, điều mà ngàn đời nay ta gọi là GIA GIÁO là rất quan trong cho sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Khi tôi hỏi tác giả : “ Có phải gia tộc Dương Kỳ Anh là gia tộc cậu Bính không trong tiểu thuyết MIỀN TRẦN GIAN?”. Dương Kỳ Anh lặng đi một lúc lâu, bởi tôi biết gia tộc nhà văn Dương Kỳ Anh cũng có những hoàn cảnh như gia tộc cậu Bính trong tiểu thuyết. Sau một lúc ngồi lặng đi, Dương Kỳ Anh bảo : “ Có thể có hình bóng gia tộc tôi trong đó, nhưng đây là tiểu thuyết, tiểu thuyết là hư cấu, là sáng tạo ra một thế giới không có trong đời thực, nhưng lại rất giống với đời thực”.
Phải, văn chương nghệ thuật là sáng tạo. Sáng tạo, chứ không phải sao chép, nếu văn chương nghệ thuật chỉ là sao chép cuộc sống thì có lẽ chẳng ai cần. Cổ kim đông tây xưa nay đều vậy. Văn chương đích thực là vậy. Để kết thúc bài viết, tôi xin chép mấy câu thơ tôi làm tặng Dương Kỳ Anh khi đọc xong cuốn tiểu thuyết MIỀN TRẦN GIAN.
“Ngẫm từ tiểu thuyết của Dương Kỳ Anh”:
Cuộc đời ông nội bão tố
Cuộc đời ông ngoại bão giông
Mình giữa núi-non-nội-ngoại
Lẽ nào không sống bình tâm
Những ngày ở lều văn 2019
P.C.V