Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 – 10/10/2021). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Đồng chí Lê Đức Thọ nhà chính trị kiệt xuất, nhà thơ mang tâm hồn thời đại” của tác giả Phan Thế Cải
Lê Đức Thọ là một nhà chính trị kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một nhà thơ tỏa ánh sáng thời đại… Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Lê Đức Thọ, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1911, tên thật là Phan Đình Khải, quê tại xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Sinh ra là lớn lên trong cảnh nước nhà bị chìm đắm trong đêm dài nô lệ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia vào hoạt động cách mạng từ lúc mười bảy tuổi. Lê Đức Thọ đã hai lần giặc Pháp bắt giam tại nhà tù, với án giam lần thứ nhất sáu năm, lần thứ hai bốn năm. Tròn một thập kỷ giam cầm trong địa ngục, chịu đựng bao nỗi đau tra trấn bằng roi vọt và ngược đãi tàn nhẫn của thực dân Pháp nhưng không làm ông nao núng tinh thần. Ông và các bạn tù của ông đã biến nhà tù thành trường học, là nơi thể hiện bản lĩnh và khí phách người cộng sản. Năm 1944, sau khi được trả lại tự do ông trở lại Hà Nội, xâu nối ngay liên lạc với tổ chức Đảng, hoạt động bí mật trong lòng thủ đô và trưởng thành từ đó.
Nhắc đến Lê Đức Thọ, là nhắc đến một chính khách dám xã thân vì nước, vì dân, vì lý tưởng cộng sản. Ông luôn lấy sự học trong lý luận sách vở, học trong thực tiễn cách mạng, học ở đồng bào, đồng chí mình, để trang bị đầy đủ cho bản thân một cách nhìn biện chứng, một tư duy sắc sảo. Chính vì lẽ đó, Lê Đức Thọ luôn được Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn quý mến, tin tưởng giao cho ông làm một công việc đặc biệt: Công tác tổ chức. Lê Đức Thọ, nguyên là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản sản Việt Nam, chịu trách nhiệm sắp xếp bố trí cán bộ của Đảng ở từng tổ chức bộ máy ở từng hoàn cảnh lịch sử khác nhau (từ năm 1956 - 1982). Những cán bộ hoạt động dưới thời ông, đều thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” họ luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, họ thật sự xứng đáng là những đảng viên mẫu mực, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Chúng ta nên hiểu rằng mọi sự thành công hay thất bại của một tập thể từ trung ương tới cơ sở, đều bắt đầu từ công tác tổ chức cán bộ, trong đó vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Sức chiến đấu của đảng mạnh, phải xuất phát từ sức chiến đấu của mỗi đảng viên và mới tạo được phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân. Ông Lê Đức Thọ đã làm đúng thiên chức của mình, với sự mệnh cao cả mà Đảng giao phó.
Tên tuổi và sự nghiệp chính trị của ông Lê Đức Thọ, còn được nhân loại biết tới và khâm phục khi ông nhận nhiệm vụ đặc biệt mà Bác Hồ giao phó làm cố vấn cho Bộ trưởng Xuân Thủy tham dự “đàm phán bốn bên” với Mỹ về Hiệp định Paris năm 1968 (tại thủ đô Paris nước Pháp). Với lý luận sắc sảo, lập trường kiên định của người cộng sản, đấu tranh đến cùng cho công lý, Lê Đức Thọ và đoàn ngoại giao của ta tại các vòng đàn phán, đã làm cho phái đoàn của Mỹ nhận ra sự phi nghĩa và tội lỗi gieo rắc chiến tranh của mình. Không chỉ nhân dân Mỹ mà nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam đã giành được thắng lợi rực rỡ trên chính trường. Buộc đế quốc Mỹ, phải kéo “cờ trắng” rút toàn bộ quân xâm lược Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tin vui này, đã làm nức lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Hòa cùng với niềm vui đó, hội đồng giải thưởng Noben, đã quyết định trao giải thưởng danh giá này cho ông Lê Đức Thọ, một nhà chính trị kiệt xuất của Việt Nam. Nhưng ông đã từ chối và nói ngay “Đất nước chưa thống nhất, Nam Bắc chưa sum họp một nhà, thì mọi sự cao quý dành cho bản thân tôi chẳng có ý nghĩa gì cả ”.
Ông Lê Đức Thọ không chỉ là nhà chính trị, ông còn là một nhà thơ cách mạng. Đối với ông thơ ca cũng là vũ khí chiến đấu, mỗi vần thơ ông viết nồng nàn tính nhân văn, gieo vào lòng người một niềm lạc quan, một lòng yêu thương nhân hậu, một khí thế rạo rực như hồi kèn xung trận. Trong nhiều bài thơ ông viết, ở tập thơ “Nhật ký đường ra tiền tuyến” cho tới nay vẫn còn neo lại trong lòng nhiều đọc giả tình đồng chí, đồng bào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đầy gian lao và anh dũng. Thật cảm động, khi trái tim ông rung động với giọt mưa bất chợt ở chiến trường Lộc Ninh:
Nghe chim tu hú gọi
Rừng Lộc Ninh sáng rồi
Suốt đêm qua không ngủ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
*
Chiến trường chờ từng phút
Đừng mưa nữa mưa ơi
Để đường mau khô ráo
Cho xe vào tới nơi.
(Mưa)
Bài thơ “Mưa” là tâm trạng lo lắng của ông, với anh bộ đội đang tập trung xe, pháo và hỏa lực để quyết chiến, quyết thắng ở “cửa ngõ” quan trọng đặc biệt này, mở màn cho cuộc tấn công vào thành phố Sài Gòn.
Lê Đức Thọ cảm thông và chia sẽ với cuộc sống gian khổ của người lính lái xe Trường Sơn:
Thương các anh lái xe
Suốt ngày đêm lặn lội
Trường Sơn vượt mấy lần
Đã hít bao nhiêu bụi
(Bụi Trường Sơn)
Thơ Lê Đức Thọ không màu mè câu chữ, nhưng vẫn là nốt nhạc trầm sâu lắng rung động lòng người. Thơ ông đúng như nhưng trang nhật ký thần tốc, được nén lên bằng ngôn ngữ vần điệu, để phản ánh nóng hổi nhất hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại.
Cuộc hành trình của ông, từ chiến trường gần đến chiến trường xa, đến nơi nào cũng bộc lộ cảm xúc sâu nặng. Từ Qua Đèo Ngang, ông vẫn thi hứng họa lại bài thơ bà Huyện Thanh Quan, đến bến sông Nhật Lệ lại bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh Mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông, rồi qua Bình Trị Thiên khói lửa, tới miền sông nước Cửu Long. Mỗi tên đất, tên người đã tỏa nắng trong tâm hồn ông, những giọt nắng tươi rói ấy, biến thành cung bậc cảm xúc để hóa nắng thi ca.
Đọc thơ Lê Đức Thọ, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Đặc biệt nhất, bài thơ ông tặng đồng chí Lê Duẩn, không chỉ thể hiện và lời hứa sắt son của mình trước lúc ra tiền tuyến với Tổng Bí thư, bài thơ còn khẳng định niềm tin tất thắng của toàn dân tộc:
Anh dặn ra đi thắng mới về
Phút giây cảm động nói năng chi
Lời anh là cả lời non nước
Ngàn dặm Trường Sơn há ngại gì
Đường vào tiền tuyến lắm tin vui
Thắng lợi reo nừng khắp mọi nơi
Giục giã đường xa mau tiến bước
Thời cơ thuận lợi tới nơi rồi!
(Lời anh dặn)
Đọc thơ Lê Đức Thọ, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà thơ Sóng Hồng “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Thơ Lê Đức Thọ, tấm gương phản chiếu thời đại “dân tộc anh hùng, nhân dân anh hùng, Đảng anh hùng”.
8/11/2021
Phan Thế Cải