27-11-2019 - 10:30

Dương Kỳ Anh với MINH TRIẾT CỦA TÔI

“Đây là minh triết theo cách nhìn, theo quan niệm của tôi, là những trải nghiệm, chiêm nghiệm của chính bản thân tôi qua những biến động thời cuộc, của đất nước mà tôi đã nếm trải...”.

 

ĐỌC “MINH TRIẾT CỦA TÔI”

                                        Hoàng Dương

 

Khi nhà thơ Dương Kỳ Anh đưa lên Facebook bìa cuốn sách sắp in “ Minh triết của tôi”, tôi có góp ý với ông rằng sao không đổi tên cuốn sách là “ Minh triết và tôi”, ông trả lời : “Đây là minh triết theo cách nhìn, theo quan niệm của tôi, là những trải nghiệm, chiêm nghiệm của chính bản thân tôi qua những biến động thời cuộc, của đất nước mà tôi đã nếm trải...”. Sau khi đọc hết cuốn sách “ Minh triết của tôi” ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019) tôi thực sự thích thú bởi cuốn sách khá lạ, ít có cuốn sách nào tương tự ở xứ ta, tôi phóng xe lên nhà vườn thăm ông và trò chuyện với ông về cuốn sách. Ông bảo :  “ Chúng ta là những người làm báo, mà nhiệm vụ cơ bản của nhà báo là phản ánh sự thật, nói lên sự thật, phát hiện ra sự thật và bày tỏ chứng kiến của mình trước sự thật...”Nhưng, sự thật cũng có ba bảy đường. Có những sự thật vụn vặt, không phải là bản chất. Lại có những sự thật chỉ là hình thức bên ngoài, để che đậy một sự thật khác bên trong. Và, nhiều khi đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác, không phải như sự thật mà ta nhìn thấy ...Bởi vậy, người làm báo cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có một cái nhìn MINH TRIẾT. MINH TRIẾT nói nôm na là sự SÁNG TỎ trong cách nhìn nhận mọi vấn đề của cuộc sống”.

Từ một trắc thủ phát lệnh tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ, sau khi nước nhà thống nhất ( 1975), nhà thơ Dương Kỳ Anh chuyển sang làm báo. Nhiều năm làm phóng viên, làm tổng biên tập báo Tiền Phong và ngay từ năm 1987 ông đã được bầu vào ban thường vụ TƯ Đoàn, phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho đến nay ông đã trải qua gần 45 năm làm báo. Ông tâm sự rằng : “Qua nhiều vấp váp, nhiều bài viết phải trả giá không nhỏ, tôi rút ra được những bài học cho mình, mà bài học lớn nhất ấy là người làm báo phải MINH TRIẾT. Nói cụ thể là phải nhận thức được các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội để từ đó có một cái nhìn MINH TRIẾT, một cái nhìn khách quan, sáng tỏ,  khi thực thi pháp luật trong lĩnh vực của mình cũng như khi viết báo hay quản lý một tờ báo. Những điều tôi rút ra được ở khía cạnh triết học như những châm ngôn, ngắn gọn, súc tích trong gần 45 năm làm báo đã phản ánh trong cuốn “ Minh triết của tôi” ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019”.

“ Minh triết của tôi”  đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản , những vấn đề thuộc nguyên lý triết học như tính QUY LUẬT mà trước đây chúng ta thường coi nhẹ, thậm chí đi sai, đi ngược lại.  Không một ai có thể chống lại các quy luật khách quan mà không dẫn đến thất bại. Thực tế này có thời đất nước chúng ta đã phải trả giá bằng sự đói nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc cái thời mà ta vẫn gọi là “ Quan liêu, bao cấp, duy ý chí”!

  “ Một cơn bão mạnh đang đi vào biển ĐÔNG; có sức mạnh nào của con người có thể bắt nó dừng lại hay quay sang biển Tây, chắc chắn là không. Không một sức mạnh nào của con người có thể làm được điều đó trừ phi cơn bão tự chuyển hướng. Thế giới tự nhiên và xã hội có những quy luật riêng của nó, tồn tại khách quan, ngoài ý muốn của con người. Con người chỉ có thể nhận thức và hành xử theo các quy luật đó chứ không thể chống lại, làm khác đi, làm ngược lại... nếu không, sẽ gặp tai họa, nhiều khi tai họa đó không chỉ riêng cho một người, một gia đình mà còn là cả một cộng đồng, một đất nước...” ( Trích MINH TRIẾT CỦA TÔI))

Nhiều năm gần đây, có một vấn đề nổi cộm ấy là vấn đề về quyền lực. Chính vì kiểm soát quyền lực thiếu hiệu quả nên đã sinh ra hiện tượng tự tung, tự tác, coi thường pháp luật của một nhóm người có quyền lực, từ đó tạo nên nhiều “ nhóm lợi ích” dẫn đến những vụ án tham những lớn, những vụ “ đại án” này đang làm nhức nhối xã hội chúng ta. Chính đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã không ít lần nói đến cơ chế  kiểm soát quyền lực,  “nhốt” quyền lực vào trong cái “ lồng” cơ chế, luật pháp.

Thực tế cho thấy rằng một số người, kể cả người làm báo khi có quyền lực thường chủ quan, tự mãn, tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm và thích xu nịnh. Chính điều này đã dẫn đến hậu quả nhiều khi là không lường. “ Xưa nay viên mãn trên quyền lực là con đường dẫn đến tàn hại ...Ở đâu có quyền lực, ở đó có người đến luồn cúi ...” ( trích “ Minh triết của tôi”). Chúng ta vẫn nói xã hội chúng ta chính quyền thuộc về nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng, thuộc về như thế nào? Và, bằng cách nào để những điều ghi trong Hiến pháp người dân có thể  hiểu, có thể thực thi có hiệu quả. Tác giả MINH TRIẾT CỦA TÔI  đã đưa ra những nguyên lý theo tôi là chuẩn mực và sáng tỏ :  “ Quyền lực của những người không có quyền lực chính là quyền lực tối thượng, quyền lực của nhân dân. Quyền lực của nhân dân nằm trong pháp luật, quyền lực của mỗi người chính ở lương tâm” (trích “ Minh triết của tôi”)

Vấn đề TỰ DO, tự do công dân, tự do báo chí cũng vậy : “Người có tự do là người hiểu được các quy luật tự nhiên và xã hội và hành xử theo các quy luật đó ...Tự do công dân khác hẳn với tự do muốn làm gì thì làm v.v...” ( trích “ Minh triết của tôi”). Quảng cáo, vốn là lĩnh vực quan trọng không chỉ với cơ quan báo chí, nguồn thu chủ yếu của báo chí. Quảng cáo, quảng bá còn là niềm tin, tạo nên niềm tin. Các sản phẩm do báo chí, truyền thông quảng cáo, quảng bá phải thực sự chiếm được niềm tin của người dân ,để người dân tìm đến các sản phẩm qua báo chí, truyền thông.  Đó là vấn đề chất lượng. Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã đã viết : “Ông cha xưa có câu: “hữu xạ tự nhiên hương”, bây giờ, có người nói thời đại công nghệ thì không có gì là “tự nhiên hương” cả. Bây giờ là thời đại của quảng bá, quảng cáo. Nếu không biết cách quảng cáo, quảng bá, và quảng cáo thường xuyên thì tốt đến mấy cũng chẳng ai biết đến! Thực ra, nếu có một cái nhìn thấu đáo, sáng tỏ thì câu nói xưa của ông cha mình luôn đúng. Bởi cái gốc của mọi thứ trên đời chính là CHẤT LƯỢNG. Và không chỉ là chất lượng hàng hóa, dịch vụ, mà cao hơn là chất lượng giáo dục, chất lượng nhân lực, chất lượng con người nhất là chất lượng người cán bộ Nhà nước...Từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống của con người, của một đất nước...” ( Trích MINH TRIẾT CỦA TÔI).

Sinh thời nhà báo Hữu Thọ có xuất bản cuốn “ Người hay cãi” tập hợp những bài viết của ông về một chủ đề mà theo tôi là ông muốn hướng đến một cái nhìn MINH TRIẾT, một cái nhìn SÁNG TỎ của người làm báo. Tuy nhiên vì điều kiện lúc đó nên ông chưa thể đi sâu vào những vấn đề triết lý nhân sinh mang đầy đủ tính quy luật. Và, chính câu nói của ông lúc sinh thời sau này được nhiều người nhắc đến : “ Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” đã trở thành tâm niệm của nhiều người làm báo, bởi phần nào đã nói lên được khía cạnh MINH TRIẾT.

Dương Kỳ Anh là một nhà báo, một nhà thơ, một nhà văn. Ngoài những trải nghiệm trong đời sống hàng ngày, ông còn đọc rất nhiều sách về triết học. Từ những tác phẩm của Mác, Ăng Ghen ông đọc thời còn học cao cấp Lí luận chính trị ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, học ở Liên Xô, tôi biết ông còn đọc các tác phẩm của các nhà triết học phương Tây khác. Trên bàn làm việc của ông bây giờ tôi thấy có “ Kinh Thánh” ( Tân ước và Cựu ước); “ Đạo đức kinh”( Lão Tử), “ Bước đầu học Phật”; “ Minh triết thiêng liêng” ( Hamvas Belas); “ Bát nhã tâm kinh” ( Osho) ...Ông nói, con gái ông là Thạc sỹ Dương Anh Xuân cũng rất mê triết học, thường mua sách triết học cho ông và dịch những tác phẩm triết học nổi tiếng thế giới từ tiếng Anh, những tác phẩm chưa xuất bản ở Việt Nam rồi gửi cho ông ...

Tôi rất thích bài “ Dựa” của ông in trong tập sách : “ Dựa vào núi, núi sẽ đổ / Dựa vào người, người sẻ phản/ Khi ta dựa vào chính ta/ Mới hay cuộc đời vững như bàn thạch”(trích MINH TRIẾT CỦA TÔI ). Dựa dẫm, không chỉ trong gia đình, con cái thường dựa dẫm vào bố mẹ, bố mẹ nhiều khi cũng tạo ra những thứ làm cho con cái dựa dẫm, tạo nên thói quan ỷ lại, thiếu năng động, sáng tạo, thiếu tính tự chủ...Mà, thực tế thời gian qua có những quan chức đã dựa vào người có quyền lực, để tạo nên những thế lực tự tung tự tác, gây ra nhiều hậu quả tai hại cho đất nước mà ta đã thấy ở những vụ án ngàn tỷ, trăm tỷ !Không phải đến bây giờ mà từ xa xưa ông cha chúng ta đã nói nhiều đến “ lòng tham không đáy” của con người. Nhưng, để cảnh tỉnh con người, thiết nghĩ đây chính là quy luật: “ Mọi thứ trên đời này đều có giới hạn. Người khôn ngoan, biết dừng ở giới hạn cần dừng và biết đủ khi thấy mình như thế là đủ. Bởi đạo, lý ở đời giống như chiếc bình đựng nước kia, đầy quá thì tràn, tràn là đổ...”

MINH TRIẾT CỦA TÔI chính là những quy luật mà tác giả rút ra được từ những trải nghiệm của chính bản thân mình.Từ “ Thế giới là vô cùng”; “ Sự cân bằng”;  “ Những giá trị phổ quát của nhân loại”; “ Bản năng”; “ Giới hạn”; “ Vật chất và tinh thần” ...Đến “ Hạnh phúc”; “ Tình yêu”; “ Tình bạn” ; “ Quyền lực”; “ Tự do”; “ Cái đẹp” vv...Tất cả đều cô đọng lại như là những châm ngôn trong cuộc sống hàng ngày để giúp người đọc có được một cái nhìn SÁNG TỎ...

H.D

. . . . .
Loading the player...