10-09-2018 - 14:33

Gặp người yêu nước mình ở Huế

Tạp chí Hồng Lĩnh số 145 giới thiệu bài viết Gặp "người yêu nước mình" ở Huế của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

Trong số các bài thơ viết về đề tài tổ quốc thì chương “Đất nước” trong Trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và“Bài thơ của một người yêu nước mình” của thi sỹ Trần Vàng Sao gây được ấn tượng nhất. Điều đặc biệt cả hai người đều sinh ra ở Huế, là bạn thân từ thưở cắp sách tới trường. Hai ông đã từng học cùng lớp khi ông Điềm chưa đi tập kết và ông Trần Vàng Sao còn có tên cúng cơm là Nguyễn Đính. Sau khi ông Điềm học xong đại học sư phạm tình nguyện vào chiến trường Trị Thiên - Huế thì ông Trần Vàng Sao cũng lên hoạt động ở chiến khu và họ lại gặp nhau. Chính hai tác phẩm nổi tiếng đó đều được ra đời trong thời điểm chiến tranh  khốc liệt ấy.
Tác giả với nhà thơ Trần Vàng Sao
Một buổi sáng mùa hè tôi cùng nhà thơ Mai Văn Hoan đến thăm Trần Vàng Sao. Nhà ông là một ngôi nhà cổ ở phường Vỹ Dạ (Thành phố Huế). Điều ấn tượng đầu tiên với tôi là vườn ông rộng có bức bình phong che chắn trước cửa nhà. Hình như cuộc đời ông khá lận đận nên bức bình phong của ngôi nhà cổ này che chắn phần nào chăng? Nghe nói ở đây vùng đất trũng thấp đến mùa lụt nước ngập. Nhưng ngôi nhà cổ này của ông bà ông để lại như một món của hồi môn quý giá.

Trong những năm tháng khó khăn ông có thể bán đi có món tiền lớn để ở nơi khác cao ráo hơn dù có xa thành phố Huế. Nhưng cuộc đời ông bám trụ với những kèo những cột đã mòn theo nước thời gian, với những bức hoành phi câu đối nói lên tính thiết tháo của con người quân tử và mái ngói rêu phong in dấu cuộc sống phong trần. Trước hiên nhà ông có một cây vú sữa to xum suê tỏa bóng đứng lặng lẽ. Hình như đây là cái cây duy nhất có giá trị kinh tế ở vườn nhà Trần Vàng Sao. Ông có một thú vui là treo rất nhiều lồng chim bồ câu gáy ngoài hiên và trong nhà thì có rất nhiều tranh Bồ Đề Đạt Ma do ông vẽ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Không hiểu vì sao mà thi sĩ với cái cười móm mém, vầng trán rộng nhiều nếp nhăn gợn sống cuộc đời và đôi mắt tinh anh cười hóm hỉnh lại say mê vẽ tranh Bồ Đề Đạt Ma đến vậy mặc dù ông không là Phật tử. Tôi nhớ có lần đọc một tư liệu về Bồ Đề Đạt Ma rời bỏ triều đình đến chùa Thiếu Lâm quay mặt chín năm nhìn vào vách đá yên lặng không nói một lời để ngẫm ngợi cuộc đời với câu nói nổi tiếng: “Chư phật không cứu chư Phật” đó là sự bình đẳng cho mọi người. Trần Vàng Sao đã nhập tâm hình ảnh Bồ Đề Đạt Ma. Ông có thể vẽ trần, vẽ để chơi, vẽ để mỗi ngày soi vào đó. Lúc chúng tôi đến Trần Vàng Sao đang vẽ. Ông vẽ dưới nền nhà, ngồi xổm vẽ, ông vẽ sau các tờ lịch cũ bằng bút chì, mực nho và các bột màu rẻ tiền. Vẽ như một sự giải thoát những ấm ức những trăn trở để tìm lại sự bình yên thanh thản. Điều lạ là so với các tranh về Bồ Đề Đạt Ma thì tranh vẽ của ông Sư Tổ Đạt Ma có vẽ phong trần hơn, ánh mắt sắc tướng hơn, không đạo mạo như trong sách Phật. Có một điều lạ là dưới các bài thơ của mình ông ký Trần Vàng Sao khá bay bổng thanh thoát còn dưới tranh vẽ thì ông ký hai chữ Nguyễn Đính (tên thật) thật khiêm nhường ngay ngắn. Ông vẽ chính là rèn đúc cái tâm không một chút xao động trước lời mời hứa hẹn công danh tên tuổi tiền bạc. Ví như biết ông là tác giả“Bài thơ người yêu nước mình” nổi tiếng, nhà thơ Nguyễn Hoa lúc ấy là trưởng ban tổ chức hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã không dưới hai lần  mời ông viết đơn gia nhập Hội. Chỉ cần chữ ký của ông còn hồ sơ kết nạp bạn bè lo hết. Và chỉ cần một bài thơ ấy thôi cũng đủ đặc cách tiêu chuẩn để vào Hội đàng hoàng không cần hai tập thơ xuất bản như điều lệ quy định. Thế như trong một cuộc vui có lâng lâng men rượu khi bước lên thuyền nghe ca Huế ở sông Hương, ông đã vui vẻ nhận lời. Nhưng đến khi thuyền cập bến lên bờ tỉnh rượu ông lại từ chối. Có lẽ con - thuyền - đời của ông từng chung chiêng nên buổi ấy đã thức dậy trong tâm can ông chăng. Hay ông muốn neo mình vào một bến bờ bình yên lặng lẽ. Ông không muốn xáo trộn, ông luôn bị ám ảnh. Vì thế mà khi chúng tôi vào nhà câu đầu tiên ông chỉ tôi và hỏi: Chú này là ai, Nghe Mai Văn Hoan giới thiệu tôi ông mới vui vẻ mời vào và lấy ra cuốn sổ tay vở học trò có những dòng kẻ ngang ghi nắn nót: Ngày... tháng... năm... có... đến chơi rất cẩn thận. Trước khi đến nhà ông, tôi mang theo một cút rượu ngâm thuốc bắc khá ngon mang từ quê vào và một ít đồ mồi hải sản khô. Mai Văn Hoan bảo ông Đính không nhai được mô răng rụng gần hết rồi còn rượu thì được - Rượu ông thích lắm. Tôi bèn mua mấy khoanh giò Huế mềm và nhẩn nha câu chuyện của ba chúng tôi từ có vẻ giữ gìn ban đầu đến xích lại gần nhau thân thiết cởi mở sau mấy chén rượu nồng. Nhà thơ Mai Văn Hoan hỏi: Dạo ni ông có hay sang ông Điềm chơi không?. Trần Vàng Sao có vẻ hể hả: thỉnh thoảng có khách văn đến chơi, ông Điềm gọi tôi sang thỉnh thoảng ông ấy lại cho tiền. Tôi chợt nhớ câu chuyện Mai Văn Hoan kể: Có lần vừa gặp ông Điềm, Trần Vang Sao nói ngay: Răng mi (họ vẫn gọi nhau là tau mi như thời con nít) cho ông Tường (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) 500 mà cho tau có 300 thôi. Ông Điềm nói rồi để tau cho thêm mấy trăm. Trần Vàng Sao nói tiền trong bóp mi đó thiếu chi. Ông Điềm rút ví đưa cho ông nói đây mi coi, thằng ni không tin mình bay. Trần Vàng Sao kiểm tra và cười miệng chành bạnh, nói không có thiệt hay hè… Bộ chính trị hay hè. Ông có cái cười rất riêng vừa có vẻ bông lơn lại rất hồn nhiên. Có một nét riêng biệt là Trần Vàng Sao thật hồn nhiên khi ông đọc những câu thơ vui “hơi sái”. Vừa đọc ông vừa cười cười như phiêu sang một cõi khác thì bỗng giật mình lẫm bẫm: Ua chầu  chầu… nhìn trước nhìn sau như sợ có ai nghe thấy. Thường, thơ ông buông xuống bản thảo những câu gấp gáp nặng trĩu như những tiếng thở dài cho mình và cho người ít khi chú trọng niêm luật và nhạc tính. Hình như tứ thơ được đẩy ra thoát lộ gấp gáp bút mực riết róng mới kịp ghi lại được. Còn thơ đọc cho bạn bè thì lại là những dòng lục bát tưng tửng kiểu như: “Không nhớ tháng, không nhớ ngày - Nửa đêm thức dậy chống tay ngó trời - Bây giờ cho tới cuối đời - Thì tôi cũng cứ như tôi thế này”. Ngó qua Trần Vàng Sao tướng mạo hơi khác người như thật ra thì ông hiền khô, quanh năm quần áo nâu như một lão nông thứ thiệt. Cái ghế giữa bao năm đã mòn lớp vải bọc in hằn vẫn cứ một kiểu ngồi ít khi nghiêng ngả. Nét bút bao năm vẫn mực học trò nắn nót ít khi xiêu vẹo. Và tôi càng hiểu vì sao ông thích nuôi chim cu gáy mang ký ức ruộng đồng hồn Việt cần mẫn nhặt thóc và gáy từng chuỗi tiếng kim, tiếng thổ khi gần khi xa, khi mờ khi tỏ như một ảo ảnh để xua đi bao ám ảnh thường trực. Tôi rất thích kiểu “nói thơ” của ông nói với bao chiêm nghiệm. Khi nâng chén rượu lên môi ông bảo: Tuy dừ tra răng rụng hết rồi không ăn được cơm chỉ ăn cháo. Nhưng rượu thì không sao vì rượu không cần nhai. Rồi bất chợt ông quay sang tôi “nói thơ” “Khi say đừng có đi mô - Lỡ ra ăn nói hồ đồ họ khinh - Thôi thì cứ ngồi một mình - Ngó cây ngó cối mần thinh ngó trời”. Vừa xong chữ “Trời”  là ông cười ha ha ha... nhạt dần. Nghe cứ như thể từ đâu đó trên trời cao vọng xuống khu vườn, nghe như vui chất chứa những ngậm ngùi cay đắng. Chuyện trò với ông khó dứt ra được bởi cái mạch không đầu không cuối từ chuyện này bắt sang chuyện khác như kiểu nhảy cóc trong mạch tư duy thơ của ông. Xen kẻ ông cười “nói thơ”:Nửa đêm thức dậy thấy ma - Ngó quanh ngó quất té ra ông Bồ Đề - Răng ông không chịu quay về - Té ra một chiếc dép ông còn mê cõi này”. Trò chuyện vui vẻ tôi thấy một điều lạ là ông không đọc những bài thơ nổi tiếng của mình chỉ ứng khẩu rất tài tình những câu thơ kiểu vậy. Cứ tưởng ông nói năng huyên thuyên nhưng ẩn sâu bên trong là sự tự tại của một vị thiền sư. Khi nghe tôi gắng hỏi về sự ra đời của “Bài thơ của một người yêu nước mình” đứa con tinh thần đã làm nên một thương hiệu, chính hiệu Trần Vàng Sao. Ông kể, cuối năm 1967 ông bị sốt rét nặng phải vô trạm xá chiến khu đóng tên A Lưới. Lúc ấy ban tuyên huấn thành ủy đang làm tập văn thơ “Nổi lửa” chuẩn bị tuyên truyền cho cuộc tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân. Anh em vào viện hỏi ông: Có bài gì không để in. Ông viết ngay một mạch được bài thơ 120 câu toàn chuyện của đời mình. Họ in ở chiến khu sau đó đưa về Huế hàng ngàn bản cho lực lượng hoạt động nội đô phát hành vào tháng 12 năm 1967. Lúc đầu ông ký là Trần Sao nhưng sau đó sửa lại là Trần Vàng Sao vì lúc nghe tổng tiến công thì sướng quá cứ ngỡ thắng lợi đến rồi. Trong lúc trò chuyện tôi cảm nhận được sự trực cảm (tần số cao hơn nhạy cảm của ông). Ông trực cảm bởi ăng - ten của trái tim thi sỹ bắt khá nhạy của linh cảm trực giác. Cứ nhìn cứ nheo nheo mắt cười của ông ngỡ như ông lơ đễnh nhưng không thấu thị sau đó là cả sự thu nhận thanh lọc tự tại của một thi sỹ thiền sư. Khi nghe Mai Văn Hoan đọc thơ ông bảo: Không biết là hay hay không, nhưng tôi thấy “vào được”. Cái chữ “vào” đa nghĩa ấy bao hàm cả sự đồng điệu đồng cảm đồng tình. Trưa đó, chúng tôi có nhã ý mời ông ra bờ sông Hương ở quán bia khách sạn Hương Giang cũng ở phường Vỹ Dạ nhưng ông nhã nhặn từ chối vì ông bảo rượu say rồi mà mồi thì có dùng được chi nữa vì răng hết rồi còn lợi thôi. Ông kéo dài nhấn mạnh chữ “lợi” một cách hóm hỉnh. Tôi biếu ông cút rượu quê mang thêm. Ông vui vẻ nhận và viết vài câu thơ chợt hứng vào trang giấy học trò có kẻ dòng tặng tôi. Tiễn chúng tôi ra cổng, khi đứng giữa sân biết chúng tôi ngỏ ý chụp ảnh lưu niệm, ông vui vẻ khoác vai tôi như hai người bạn đồng niên tri kỷ thật thỏa mái và chân tình. Khi nhìn thấy bà Hay vợ ông đi qua, tôi ngỏ ý muốn chụp bức ảnh với hai ông bàn nhưng ông gạt đi không biết lý do gì. Bà Hay có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu cả một đời quên mình nuôi ông và các con ông trưởng thành. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên và cảm động là nhà thơ Trần Vàng Sao mất ngày 09/5/2018 vì bệnh gan (thọ 77 tuổi) thì chưa đến ngày thất tuần bất ngờ ngày 30/5/2018 chị Võ Thị Hay (vợ ông sinh 1951) cũng qua đời vì nhiễm trùng máu. Thế là vợ chồng “Người yêu nước mình” cùng dắt tay nhau vào cõi  tạm...

Tác giả với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm  

Tôi và nhà thơ Mai Văn Hoan ngồi với nhau bên cốc bia Huế mà tâm trí cứ hướng về hình ảnh thi sĩ Trần Vàng Sao. Chợt tôi nảy ra ý định đi thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng là một người “yêu nước mình” nổi tiếng với chương“Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Tôi nhớ cách đây vài năm, qua Mai Văn Hoan tôi xin nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chùm thơ in trên tạp chí Hồng Lĩnh cùng lời đề tặng của nhà thơ bằng nét bút rất chân phương và chữ ký cũng khiêm nhường tặng bạn đọc tạp chí. Hồi đó ông mới rời quan trường và ít lâu sau ra tập thơ “Cõi lặng” khi trở về khu vườn  cũ nhà ông ở 125 Nguyễn Sinh Cung - Vĩ Dạ - Huế.  Tôi nhìn đồng hồ lúc đó mới 1 giờ chiều nhưng Mai Văn Hoan sốt sắng rút diện thoại gọi cho ông. Tôi ngăn lại: giờ này nhà thơ đang nghỉ trưa, ta có làm phiền không? Mai Văn Hoan vui vẻ: Không việc chi đâu, ông Điềm từ ngày về đây với chúng tôi như bạn bè mà có ta đến chơi chắc ông vui lắm..

 Có một điều trùng hợp với hai thi sỹ phương tiện đi lại bằng xe đạp. Khi chúng tôi đến do báo trước nên cánh cửa nhà ông mở rộng, xe máy Mai Văn Hoan cứ thế chở tôi vào tận sân. Tôi chú ý vườn ông trồng rất nhiều chuối, loại chuối  ngự, chuối ngày xưa  tiến vua. Và đặc biệt trước nhà ông có hai cây Sa la cao vút, loài cây này tôi đã từng gặp ở vườn thượng uyển trong chuyến đi Ấn Độ. Trong kinh  Phật có hai loại cây được xem là linh thiêng và thường nhắc đến là cây Bồ Đề và cây Sa La. Dưới tán cây Sa La ở vườn Lâm Ti Ni (Lum bi ni) Đức Phật được sinh ra và Ngài cũng nhập định dưới cây Sa La tại Câu Thi La (Kusinara). Cây này còn được gọi là cây Vô Ưu là cây thiêng hoa nở rất đẹp. Thấy tôi chăm chú nhìn hai cây Sa La nhà thơ cho biết: Đó là hai cây bộ đội tình nguyện Việt Nam mang từ Cam Pu Chia về tặng ông với ý nghĩa, cây Sa La là nơi Phật sinh ra cho ta nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, nhớ để bảo vệ từng  tấc đất Tổ Quốc mình. Nhớ để duy trì bản sắc dân tộc tạo ra sự trường tồn của nền văn  hóa Việt. Bây giờ ông đã trở về ngôi nhà nơi mình sinh ra, về với “cõi lặng” của mình về với cõi thơ của mình. Nhà ông là một ngôi nhà cổ được cải tạo lại mái ngói thẩm màu. Giữa nhà là bàn thờ tự với đầy đủ đồ tế tự của một ngôi nhà rường truyền thống xứ Huế. Trên bàn thờ có mấy hàng bài vị với những ảnh thờ phóng to xếp theo thứ bậc. Quả là liệt tổ, liệt tông, một dòng họ nhiều đời từ triều đại phóng kiến đến giờ, đều giữ những cương vị đáng nể. Tôi chú ý một bức ảnh người phụ nữ khuê các đó chính là nữ sỹ Đạm Phương, bà nội nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ông Điềm chỉ vào bức ảnh mà tôi thấy quen quen: Ba mình đó! Vâng đó là cụ Hải Triều Nguyễn Khoa Văn - Nhà báo - Nhà lý luận Mác xít hàng đầu Việt Nam người từng gây cuộc tranh luận nổi tiếng “Nghệ thuật vị nghệ và nghệ thuật vị nhân sinh” với Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư những năm 1935 - 1939...

 Khi thấy tôi hỏi: Trường ca “Mặt đường khát vọng” trong đó có chương “Đất nước” nhà thơ viết hồi nào. Ông nói: Hồi ấy tuyên huấn quân khu ủy Trị Thiên triệu tập anh em chúng tôi lên rừng ở một trại sáng tác có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao... tôi viết trường ca xong đọc cho anh em nghe. Anh Trần Hoàn phụ trách trại rất ưng ý, nhất là chương “Đất nước”. Nhạc sỹ Trần Hoàn cũng là người phổ nhạc bài hát lời thơ của tôi: “Lời ru trên nương”. Hồi đó gian khổ mà vui, trong lòng mình luôn hừng hực khí thế xuống đường hòa nhịp với dòng chảy cuộc sống đô thị Huế. Ông nói thêm: Phải có ba yếu tố làm nên phẩm chất văn chương đó là: lời - hành động - tấm lòng. Lời đó là lời văn, cách viết hành động, đó là ý tưởng của văn chương thúc dục người ta hành động, tấm lòng đó là tấm hồn tác giả ở trên trang sách. Có lời văn hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ, nhưng thiếu đi tấm lòng  nhân bản cao thượng thì chưa thể có văn hay. Rồi câu chuyện chúng tôi trở về với văn hóa. Từ ngày nghỉ hưu về Huế ngoài chuyện làm thơ đọc sách, mối quan tâm lớn nhất của ông là các vấn đề văn hóa. Ông nói: Tôi nói văn hóa là nói theo nghĩa rộng chứ không phải là theo nghĩa tổ chức các câu lạc bộ sáng tác văn học. Chúng ta đang thiết hụt về văn hóa. Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều về văn hóa chiến tranh nhưng cũng co cái do chúng ta làm mất. Khi đã thiếu văn hóa con người ta rất dễ làm điều xằng bậy. Cái sai trong con người cái sai về văn hóa là cái khó điều chính nhất bởi biết đằng nào mà sửa, mà thay đổi. Nói rồi ông cười thoải mái: Bây gời thì tôi còn “chường” cái mặt tôi trong thơ. Thơ thì phải nói thật lòng mình không thể giấu mình, không thể nói dối. Thấy ông đang vui, Mai Văn Hoan nhắc lại cái giai thoại ăn cơm hến quên tiền ở nhà mà có lần tôi được nghe nhà thơ Ngô Minh kể. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thoải mái cười vui: Thật ra lần đó mình dựng xe đạp ghé gánh bánh bèo, bánh nậm của bà mẹ quê ăn một hết những lúc hơn mười nghìn bạc bánh. Tới lúc móc trả tiền túi mới hỡi ôi vì quên không mang tiền trong túi. Tôi định gán cái đồng hồ rồi về nhà lấy tiền mang trả. Nhưng bà mẹ bán bánh nậm cười xòa: Có mấy nghìn lúc nào bác trả cũng được mà. Tôi còn ngồi đây có đi mô đâu. Kể rồi giọng ông trầm xuống: “Cũng phải gặp chuyện như thế mới biết cảm giác mắc nợ dân thế nào.” Khi biết chúng tôi sáng nay vừa đến thăm nhà thơ Trần Vàng Sao ông vui lắm: Đôi khi có rượu ngon có khách mình thường cho người sang mời anh Đính. Anh đạp xe đến liền. Thấy khách văn nghệ vui vui thì anh nhập cuộc vui vẻ. Nhưng thấy khách lạ là anh Đính bước ngay xuống nhà bếp ngồi chơi với người nhà của tôi. Mỗi khi được uống rượu tây anh Đính cứ nâng lên đặt xuống nhìn cái nước rượu màu hổ phách thơm lừng với cái nút gỗ sồi quý tộc. Anh cứ hít hà: Ui chầu chầu ngon quá đã quá he… Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cao hứng đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ viết cho Trần Vàng Sao: “Bạn cũ đến chơi - Chép miệng sống cũng tạm được - Phải cái hơi móm - Cười trống trơ như Đổ Phủ - Nhìn nhau thương con mắt - Còn lung lay ngọn lửa rừng - Thời bom đạn…”. Tôi bất chợt nhớ đến nhà thơ Thanh Thảo kể về mối tình bạn tri âm đặc biệt của hai “Người yêu nước mình” này. Đó là ngày thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi về đề tài tổ quốc có mời ông Nguyễn Khoa Điềm vào dự. Trong chương trình  có diễn đọc “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao. Nhà thơ - nhà giáo Mai Bá Ấn với giọng Quảng Nam rất mộc mạc đã đọc bài thơ hết sức cảm động này. Khi đang đọc giữa bài chúng tôi nhìn sang thấy ông Điềm … khóc. Bài thơ của Trần Vàng Sao là một tuyệt phẩm nhưng không phải ai nghe cũng khóc nhưng ông Điềm khóc rất ngon lành, rất chân thật được chính là tình bạn tình thơ. Cảm động khi nghe bài thơ bạn còn hơn khi mình đọc thơ mình thì mới là nhà thơ thứ thiệt. Và có một kỉ niệm đặc biệt giữa mối tình thân của hai thi sĩ là Quỹ văn học Phùng Quán do nhà thơ Ngô Minh vận động sáng lập đã trích tiền quỹ thành giải thưởng tặng cho Trần Vàng Sao với tập thơ “Gọi tìm xác đồng đội” lại mời chính nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lên tặng... Tôi mới hiểu vì sao Trần Vàng Sao lại thích bài “Văn tế thập loại chúng sinh” còn gọi là “Văn chiêu hồn” của Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là bài văn tế mười loại chủng sinh tết rằm tháng bảy xóa tội vong nhân thê thảm, gọi hồn về nhận phẩm cúng lễ đến mà yên phận cho kẻ sống. Đó là bài văn tế đau thương được Nguyễn Du viết trong nỗi buồn chất chứa của mười năm lưu lạc giữa nghèo đói rét  mướt. Còn Trần Vàng Sao gọi tìm xác đồng đội là khúc ca nghẹn ngào nhắc nhở hiện tại và mai sau có giá phải trả cho cuộc sống hòa bình. Hiện thực của bài thơ trần trụi nhưng không thể dập tắt khát vọng con người...

Gần đây, tôi có dịp trở lại Huế lại cùng nhà thơ Mai Văn Hoan đến thắp hương cho thi sĩ Trần Vàng Sao. Cánh cổng cũ đã được xây lại thành cổng mới, tường mới. Nhưng vẫn còn đó con số 38 nổi cộm hằn lên cổng ngõ. Tôi lặng lẽ đến bên bàn thờ hai vợ chồng ông. Trong hương khói trầm thơm, nhà thơ nhìn tôi vẫn đôi mắt tinh anh, hấp háy cười thật sinh động. Lung linh nến, lung linh sinh khí tỏa ra từ căn nhà nhỏ ấm cúng này. Và tôi bất chợt nhìn lên vách tường gạch vôi cũ bên câu đối hành phi là bức vẽ thiền sư Bồ Đề Đạt Ma bằng mực đen trên vải nền vàng. Và chợt nhớ câu thơ nhói lòng của ông: “Vẽ ông là tôi là vẽ tôi - Hai mắt trợn ngược  thấy đời hư không.” Vâng ông vẫn nhìn thấu đời khi mà: “Tôi yêu đất nước này lầm than - mẹ đốn củi trên rừng cha làm cá ngoài biển - Ăn rau rìu, rau có, rau trai - Nuôi con người từ khi mở đất - Bốn nghìn năm nằm gai nếm mật - Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ - Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng…” (Bài thơ của một người yêu nước - Trần Vàng Sao)

 

                                                         Hà Tĩnh ngày 08 tháng 08 năm 2018

                                                                                                N.N.P

. . . . .
Loading the player...