22-03-2016 - 22:04

Giáo trình Giáo dục gia đình- NXB ĐHQG Hà Nội

Một trong những vấn đề nổi lên hàng đầu được xã hội và nhiều người trên thế giới quan tâm hiện nay là xây dựng gia đình hạnh phúc và giáo dục con cái trong gia đình. Xin trân trọng giới thiệu " Giáo trình Giáo dục gia đình" của các tác giả Nguyễn Văn Tịnh và Ngô Công Hoàn do NXB Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành đầu năm 2016.

LỜI NÓI ĐẦU

Gia đình là tế bào của xã hội, là giá trị vĩ đại nhất của loài người. Trong Lời nói đầu Luật hôn nhân và Gia đình 2014 của nước ta khẳng định:
“Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình mới tốt”  
Một trong những vấn đề nổi lên hàng đầu được xã hội và nhiều người trên thế giới quan tâm hiện nay là xây dựng gia đình hạnh phúc và giáo dục con cái trong gia đình.  
Xuất phát từ yêu cầu của công tác đào tạo của Trường Đại học Hà Tĩnh, Bộ môn Tâm lý và Giáo dục tổ chức biên soạn giáo trình Giáo dục gia đình. Nội dung của giáo trình này được biên soạn dựa trên khung chương trình môn học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Giáo trình được kết cấu thành ba chương:
Chương 1. Những vấn đề chung về gia đình
Chương 2. Giáo dục trẻ trong gia đình
Chương 3. Những vấn đề đặt ra cho giáo dục gia đình trong bối cảnh xã hội hiện đại. 
Giáo trình có tính định hướng cho sinh viên vào hoạt động độc lập có hệ thống theo mô hình đào tạo học chế tín chỉ. Hoàn thành các bài tập theo từng chương sẽ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý luận và kỹ năng thực hành, góp phần cho sự thành công trong công tác giáo dục.
Trong quá trình biên soạn, các tác giả đã cố gắng chắt lọc những thành tựu lý luận và thực tiễn trong và ngoài nước để nội dung giáo trình có tính cập nhật. Mặc dù các tác giả đã rất tâm huyết cho giáo trình này, song khó có thể đáp ứng được mọi mong đợi của bạn đọc. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc gần xa để cuốn sách được tiếp tục hoàn thiện.  
Trân trọng cảm ơn!
 
                                                                 CÁC TÁC GIẢ  
 
Xin trân trọng giới thiệu phần trích của chương I cuốn sách " Giáo trình Giáo dục gia đình" của các tác giả Nguyễn Văn Tịnh và Ngô Công Hoàn do NXB Đại học quốc gia Hà Nội ấn hành.    
 
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIA ĐÌNH
              Duy chỉ có gia đình, người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương, số phận
                                                                                              (Euripides)

          1.1. Khái niệm về gia đình

Gia đình (family) là một trong những công cụ cơ bản đảm bảo mối liên hệ của con người và xã hội, được hình thành rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Chính nơi đây đặt nền móng nhân cách cho mỗi con người. Thực tế, những gì con người thu nhận được từ những năm tháng của tuổi thơ đều được bảo tồn trong suốt toàn bộ cuộc sống sau này. Dấu ấn về cái không gian sinh tồn thiêng liêng này như một nét đẹp của văn hoá tâm linh mà một nhà nghiên cứu đã viết: “Những ngày họp mặt, giỗ chạp đông vui, những chiều đoàn tụ ấm cúng, những tháng ngày một sinh linh mới ra đời, một gạch nối gia đình thiêng liêng nhất. Ôi mái ấm gia đình, nơi không gian thiêng liêng nhất, nơi ta sinh, ta ở, ta phấn đấu lo toan và cũng là chỗ cuối cùng ta về. Ta về trong mỗi ngày, mỗi chuyến đi xa, ta về với vĩnh hằng yên tâm đã có nơi hương khói. Ngày nay, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, hãy nâng niu giá trị tâm linh truyền thống. Mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm thiêng liêng, hạnh phúc nhất của con người”.  
Không phải ngẫu nhiên trong chữ Hán là “gia” ()bắt đầu với hình vẽ với mái nhà  che mưa, che nắng; tiếng Việt gọi là “tổ ấm”, nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện thì ví như cái tổ đón chim bay giữa trời giông tố lạnh lẽo về nơi an toàn, ấm áp; tiếng Pháp là “foyer” - bếp sưởi, nơi quan trọng bậc nhất ở xứ lạnh về mùa Đông. Gia đình cho con người hiểu khái niệm mái nhà không chỉ là nơi người ta sống mà còn là tình cảm, cảm giác, nơi chúng ta yêu thương, thấu hiểu và bảo vệ. 
Như mọi người đều biết, biểu tượng chính thức của năm Quốc tế gia đình 1994 là một hình vẽ tuyệt tác nữ Catherime của hoạ sỹ Liltang Rollier, người Thuỵ Sỹ, cách điệu hoá một mái nhà không khép kín trên hai trái tim kết hợp với nhau, tượng trưng cho tình yêu, cuộc sống trong một gia đình tràn đầy hơi ấm, an toàn sự sống và bao dung, độ lượng.
Không ít nhà thơ, nhà văn Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, bây giờ phần lớn đã mất đều thừa nhận rằng, những kỷ kiệm, những dấu ấn của thưở ấu thơ và thời niên thiếu đã thực sự theo họ suốt nhiều năm tháng, được khắc hoạ trong những sáng tác văn chương để đời của họ (Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký, Phùng Quán với Tuổi thơ dữ dội, Giang Nam với bài thơ Quê hương, Tế Hanh - Nhớ con sông quê hương...).  
Gia đình là một phạm trù lớn xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người. Quá trình hình thành khái niệm gia đình theo Hồ Ngọc Đại là “một hành vi lịch sử nhằm tạo ra chất lượng mới”. Ông giải thích: Cậu con trai và cô con gái lớn lên trong phạm trù cá nhân. Khi thành lập gia đình, họ tạo ra khái niệm mới với những thuộc tính không do họ mang theo từ quá khứ giống như nước (H20) không có các thuộc tính vốn có của hai chất khí H và O. Với tư cách là thành viên gia đình, cô cậu phải “từ bỏ bản tính cố hữu” của mình để tạo ra mối liên hệ khái niệm của khái niệm mới gia đình và hướng cái chất liệu mới trong gia đình. Sự hình thành ban đầu là kết quả của một hành vi đơn giản kết hợp hai cá nhân, giống như trạng thái ban đầu của hai hợp tử trong sự sinh thành cá nhân. Mãi sau này khi đạt đến hình thái chính thức (forme classique), gia đình mới có cấu trúc hoàn chỉnh ba thành phần: bố, mẹ, con cái. Gia đình trở nên một thể chế mới trong đời sống xã hội.  
Xã hội càng phát triển thì các vấn đề về gia đình càng được quan tâm nghiên cứu. Do đó, gia đình trở thành đối tượng nghiên của nhiều lĩnh vực khoa học như: Kinh tế học, Luật học, Xã hội học, Tâm lý học, Giáo dục học, Dân số học, Nhân chủng học…Mỗi ngành khoa học đi sâu nghiên cứu, khám phá các khía cạnh này hay khía cạnh khác của gia đình. Chẳng hạn, Giáo dục học xem xét chức năng giáo dục của gia đình trong xã hội hiện đại dưới các góc độ: mục đích và phương tiện, quyền và trách nhiệm của cha mẹ, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tiềm năng và những rào cản của giáo dục gia đình v.v…
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, trong những năm gần đây, các vấn đề của gia đình đã được nghiên cứu đa dạng và toàn diện hơn với những hướng chính:
- Nghiên cứu gia đình như là một nhân tố giáo dục M.A. Markova, O.L.Zoreva, G.N. Ganisheva; T.A. Kulikova, Nguyễn Khắc Viện, Ngô Công Hoàn, Trần Đình Hượu, Nguyễn Đình Chú, Hồ Ngọc Đại, Ma Văn Kháng, Đặng Thanh Lê, Tương Lai, Phạm Khắc Chương…
- Nghiên cứu mối quan hệ liên nhân cách trong hệ thống “cha mẹ - đứa trẻ” (T.V. Barinova, P.Zylia, A. Liders, I. Asimova...).
- Nghiên cứu gia đình và giáo dục gia đình trẻ khuyết tật (E.M. Mastjukova, M. A.Moskovkina, A. Ia. Varga, Tornball...).
Gia đình là một phạm trù lịch sử, trong khoa học hiện đại vẫn chưa có định nghĩa gia đình thống nhất mặc dù đã từ lâu một số nhà tư tưởng, các triết gia nổi tiếng như Platon, Aristote, Kant, Hegel, v.v…đã cố gắng để đưa ra định nghĩa. Trước đây, khi nghiên cứu về gia đình Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử dân tộc học giả Đào Duy Anh giải thích: “Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bậc, một là nhà hay tiểu gia đình, gồm vợ chồng, cha mẹ và con cái; hai là họ, hay là đại gia đình, gồm cả đàn ông và đàn bà cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống”.
Xác định khái niệm gia đình là hết sức cần thiết, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đi tìm một định nghĩa gia đình chuẩn xác lại càng khó. Trước hết, cũng phải thừa nhận sự đa dạng và phức tạp trong định nghĩa về gia đình từ trước đến nay trên thế giới, vì nó mang tính phức hợp bao gồm yếu tố sinh học, tâm lý, văn hoá, kinh tế... Sau đó là xác định và làm rõ các tiêu chí cụ thể của định nghĩa gia đình mang tính phổ biến nhất, phù hợp nhất với thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam hiện nay như nhà nghiên cứu Lê Ngọc Vân đã đặt vấn đề. Theo ông, có các tiêu chí để xác định khái niệm gia đình, đó là:
- Một nhóm người (có từ hai người trở lên);
- Có quan hệ với nhau bởi hôn nhân và huyết thống hoặc quan hệ nghĩa dưỡng;
- Có đặc trưng giới tính qua quan hệ hôn nhân;
- Cùng chung sống, có ngân sách chung.
Trong những tiêu chí này, quan hệ hôn nhân và huyết thống là tiêu chí cơ bản nhất để nhận diện gia đình. 
Ngoài ra cũng cần xét thêm tiêu chí nữa đó là: Các mối quan hệ trong gia đình được điều chỉnh bởi luật pháp, chuẩn mực đạo đức, truyền thống của mỗi nước, vì trên thế giới, hầu hết các nước đều có quy định pháp lý về hôn nhân và gia đình, từ đó, mới có các Bộ Luật gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Quy chế quy định về “Gia đình văn hoá”... được ban hành.  
Nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu trong nước và ngoài nước cho thấy, đã có rất nhiều định nghĩa về gia đình, nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong việc đưa ra một định nghĩa chung. Dưới đây là một số định nghĩa cơ bản đáng quan tâm khi nghiên cứu về gia đình hiện đại.
- Dưới góc độ Triết học, “Gia đình - đơn vị xã hội (nhóm xã hội nhỏ), hình thức tổ chức quan trọng nhất của sinh hoạt cá nhân, dựa trên hôn nhân và các quan hệ huyết thống, tức là quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và những người thân thuộc khác, cùng chung sống và có nền kinh tế chung”. Định nghĩa này xuất hiện trong từ điển Triết học của Nhà xuất bản Tiến bộ, Moskva (tiếng Việt), xuất bản ở Moskva năm 1986.      
- Theo quan điểm của Xã hội học, gia đình thuộc về phạm trù cộng đồng xã hội, vì vậy có thể xem xét gia đình như là một nhóm xã hội nhỏ, đồng thời như một thiết chế xã hội có vai trò đặc biệt trong quá trình xã hội hoá con người.
- Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học (2003) định nghĩa “Gia đình là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu”.   
- Luật Hôn nhân và Gia đình Việt nam (2014) nêu: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống, hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi với nhau theo Luật này”.
- Định nghĩa gia đình của nhà nghiên cứu E.I. Xecmaicơ (Nga): “Gia đình là nhóm người chung sống với nhau dưới một mái nhà, có quan hệ hôn nhân, huyết thốngnền kinh tế chung”.
- Theo Levi Strauss, gia đình là một nhóm xã hội được quy định bởi ba đặc điểm nổi bật là: bắt nguồn từ từ hôn nhân bao gồm vợ chồng, con cái phát sinh từ sự hôn phối của đôi nam nữ, tuy nhiên trong gia đình có mặt của những người họ hàng, bà con hoặc con nuôi; họ gắn bó với nhau bởi các nghĩa vụ và quyền lợi có tính chất kinh tế và về sự cấm đoán tình dục giữa các thành viên” (Dẫn theo tài liệu của đề tài KX09-07).
- Gần đây, Lê Ngọc Vân Viện Gia đình và Giới Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra định nghĩa có tính khái quát hơn:
“Gia đình là một nhóm người, có quan hệ với nhau bởi hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, có đặc trưng giới tính qua quan hệ hôn nhân, cùng chung sống, có ngân sách chung”.
 Tuy nhiên, gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội, một tổ chức cơ sở của xã hội không thể thiếu yếu tố điều tiết, quản lý của  luật pháp và luôn chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán, truyền thống, văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc…
 Vì vậy, trên cơ sở định nghĩa của các tác giả đi trước như E. I. Xécmaicơ, Hoàng Phê, Lê Ngọc Văn… và Luật Hôn nhân và gia đình của các nước, tác giả Nguyễn Văn Tịnh và Ngô Công Hoàn đưa ra định nghĩa như sau:
“Gia đình là một nhóm người, gắn bó với nhau bởi hôn nhân và huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng; có đặc trưng giới tính; chung sống với nhau dưới một mái nhà, có ngân sách chung, được điều chỉnh bởi luật pháp, chuẩn mực đạo đức, truyền thống của mỗi nước”.
Phải thừa nhận rằng, một quan niệm đầy đủ, thống nhất về gia đình vẫn còn đang còn được tiếp tục tranh luận, bởi một khái niệm đưa ra không phải là nhất thành, bất biến.
Tóm lại, gia đình là một tổ chức cơ bản của đời sống cộng đồng người, một thiết chế xã hội đặc thù được hình thành và phát triển trên cơ sở quan hệ hôn nhân và huyết thống hoặc quan hệ con nuôi.

            1.2. Những đặc trưng cơ bản của gia đình

Người ta có thể phân biệt gia đình với các nhóm xã hội khác bởi các dấu hiệu đặc trưng cơ bản nhất sau đây:
- Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội được hình thành và phát triển từ hôn nhân (quan hệ tính giao giữa nam và nữ), tạo nên quan hệ huyết thống, mà hạt nhân là quan hệ vợ chồng. Đây là nét đặc trưng cơ bản nhất của gia đình trong xã hội.
- Gia đình là tổ chức cơ bản, gắn bó nhất với mỗi con người từ “khi lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay”, trong đó sự chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến con cái.
- Các thành viên trong gia đình có thể thuộc nhiều thế hệ chung sống với nhau dưới một mái nhà; gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân, huyết thống, kể cả con nuôi, tồn tại và phát triển bởi ngân sách chung do các thành viên đóng góp từ thu nhập chân chính của bản thân.
- Với vai trò là một đơn vị kinh tế độc lập, gia đình đảm bảo các điều kiện, phương tiện thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu cho mỗi cá nhân (ăn, ở, học hành, vui chơi, giải trí…).
Như vậy, các đặc trưng cơ bản của gia đình là những “thông điệp” giúp mọi người nhận diện bức tranh tổng thể gia đình trong xã hội; giúp các khoa học, những ai say mê nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về gia đình, từ đó có định hướng cụ thể trong nghiên cứu lĩnh vực này; giúp các thành viên gia đình tự hào về cái “tổ ấm  xinh đẹp”, nhưng cũng rất quy củ, nền nếp, đòi hỏi cao về tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên từ nhỏ cho đến khi già.        
 
. . . . .
Loading the player...