18-12-2019 - 14:35

Giới thiệu tập thơ Đêm trở dạ của tác giả Hồ Minh Thông

Tác giả Hồ Minh Thông, sinh năm 1979, quê quán thành phố Hà Tĩnh, Hội viên chuyên ngành thơ, hiện là giáo viên trường THCS Lê Văn Thiêm - TP.Hà Tĩnh. Tác giả đã có một số tác phẩm xuất bản như: Những cánh rêu, NXB văn học, 2006; Miền tĩnh lặng dịu dàng (tản văn) NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2013; Mùa về trên ngói (tản văn) NXB Văn học, 2014. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tập thơ mới “Đêm trở dạ”, NXB Văn học, 2019 với Lời giới thiệu của Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

MỘT CÁNH HOA THƠ TRONG “ĐÊM TRỞ DẠ”

Hoàng Nhuận Cầm

I

Khi cầm trên tay bản thảo tập thơ ĐÊM TRỞ DẠ của Hồ Minh Thông, tôi có cảm giác đang ngắm nhìn và nâng niu một cánh hoa đẹp, rồi sau đó mãi lâng lâng với những dư hương đọng lại trong hồn. Tập thơ được chia ra làm ba phần. Phần thứ nhất là một HÀNH TRÌNH tìm đến với thơ ca không giống ai của Hồ Minh Thông. Một giọng thơ nửa nói nửa im, một thời gian nửa dừng nửa trôi, một không gian nửa mê nửa thực chập chờn hiện ra giữa những con chữ mạnh mẽ và quyết liệt của nữ sĩ:

Người hành khất cháy một giấc mơ

Rảo bước mải mê giữa phù du muôn ngả

Rồi đêm đến lại quằn mình trở dạ

Cơn mê vô thường khóc thét tiếng đầu tiên

                                                                                   (Đêm trở dạ)

Và những con chữ của Hồ Minh Thông cũng giống như “Những đàn chim di trú không mùa” lặng im bay bên nhau bằng đôi cánh của định mệnh – bay qua mơ hồ, huyễn hoặc và cô đơn – một chuyến bay ngỡ như không có điểm dừng của những đôi cánh chưa hề biết mỏi. Đó cũng là cuộc hành trình nữ sĩ tự giải mã và đi tìm câu trả lời cho chính những giấc mơ của mình:

Giấc mơ cầm tù tôi

Tôi cầm tù đêm

Dù biết người đã thuộc về đêm khác …

                                         (Giấc mơ)

Không rõ là Hồ Minh Thông đã giải mã được giấc mơ của mình chưa? Nhưng tôi nghĩ điều ấy không quan trọng. Cái chính là tôi thấy nữ sĩ đã thức dậy trong những câu thơ thật sự run rẩy và ám ảnh tâm trí bạn đọc, những câu thơ thật thơ:

                             Xin làm một người lữ thứ

Kiếm tìm hoa trắng mong manh

Rồi nghe mây gió phong thanh

Hoa đã phai tàn rã cánh…            

                                  (Hoa trắng bỏ đi)

          Nữ sĩ Hồ Minh Thông thường thể hiện thế mạnh của mình ở thể thơ sáu chữ khi nhẹ nhàng hòa quyện thơ và nhạc với nhau hết sức tự nhiên. Lắng hồn lại một chút, chúng ta sẽ nghe thấy có tiếng hát cất lên trong những câu thơ của chị:

Ta ướp mưa đêm vào tim

Mưa ướp hồn ta vào mộng

Giấc mơ hôm qua đã ướt

Giọt nào rơi giữa hư không?

                              (Ướp mưa)

Trong phần này có duy nhất một bài thơ nữ sĩ viết theo thể lục bát. Tôi đã đọc và thầm mong ở những phần tiếp theo, sẽ có thêm những tác phẩm được chị viết theo thể thơ này. Viết lục bát tưởng dễ mà rất khó, nhưng Hồ Minh Thông đã vượt qua được nỗi khó khăn đó bằng chất thơ được gửi gắm trong mỗi thi ảnh:

Bóng sương nuối tiếc rồi tan

Bóng người xa vắng, mây ngàn sang sông

Bóng tôi ở cuối thinh không

Tôi chờ đợi mãi…cuối đông chưa về…

                                  (Bóng)

Kết thúc phần Hành Trình, đọng lại trong tôi là hình ảnh một nữ thi sĩ vừa đa cảm lại vừa dũng cảm, vừa yếu mềm lại vừa mạnh mẽ, vừa tuyệt vọng lại vừa hy vọng, vừa bí ẩn lại vừa hồn nhiên… đang vượt qua tiếng thở dài của hư vô cùng với bóng đêm chật chội để đi tới sự vẫy gọi của tình yêu rộng dài phía trước bằng sự mẫn cảm của một hồn thơ đẹp:

                                      Có khi lòng tôi là lửa

         Ngược xuôi gom nhặt than hồng…

                                        (Xuôi ngược tôi)

II

Mở đầu phần thứ hai NHẶT với hai bài thơ lục bát khá ngọt ngào và được Hồ Minh Thông có ý thức tạo lập tứ rất rõ ràng. Mỗi câu, mỗi hình ảnh đều bám sát chủ đề mà nữ sĩ muốn chia sẻ bằng nỗi niềm xôn xao tự đáy lòng:

Cánh đồng gặt những sầu miên

Bàn chân gặt bước đến quên lối về

Một mình, gom hết tái tê

Rồi đem gặt nốt… cơn mê lỡ làng…

                                                    (Gặt)

Còn trong bài thơ có tên là Nhặt lại được kết thúc bằng hai câu thơ tràn đầy xúc cảm và bất ngờ - cũng vì lẽ đó, nó đã tạo nên một sự ám ảnh đặc biệt:

Xin người nhặt lại giùm tôi

Nụ cười năm ấy, rụng nơi đáy hồ…

“Người nhặt lại giùm tôi” đó là ai? Chân dung người đó ra sao? Có thể nói, hầu như toàn bộ những bài thơ ở phần thứ hai đều tập trung vào người đó với cái tên ngắn gọn là “ANH”! Và tình yêu với nhiều cung bậc khác nhau đã được nữ sĩ hé lộ hết sức hồn nhiên và trong sáng. Nhiều câu thơ ngỡ người viết đang độ tuổi hoa niên thanh khiết, có khi lại bảng lảng như sương khói, có lúc lại từa tựa như một giấc chiêm bao…

Nhiều tác phẩm của Hồ Minh Thông thể hiện một nguồn thi cảm dồi dào với thiên nhiên, đặc biệt là mùa. Có khi là một hành trình đuổi bắt mùa thu qua ngọn gió heo may, rồi cơn  hoang tưởng của “con chuồn chuồn soi bóng mình đáy nước/ tưởng bóng thu trong cánh mỏng u buồn”. Có khi là cảm giác suốt một đời mắc nợ mùa xuân, đã chậm đi một giây khắc nào đó để rồi “lỡ hẹn với mưa bay’ và nuối tiếc suốt cả kiếp đời này. Có khi thầm trách “mùa hạ bỏ đi  hôm ấy/ cơn giông khóc đến bây giờ”. Và rồi khi mùa đông đến, đắm chìm trong nỗi nhớ rêu phong cũ càng “mái ngói rêu trượt dài nỗi nhớ/ xa vắng người đẩy tôi ngã vào thơ”… Và còn đi tìm, nghĩa là chị vẫn còn bước đi và không chịu dừng lại trên con đường thăm thẳm đẹp đẽ của thi ca.

Trong hành trình tôi nghĩ là không hề ngắn mà chị đã đi qua, Hồ Minh Thông đã gom nhặt được vô vàn những cái đẹp trong cõi đời này, dù có khi nó được nhìn qua lăng kính đầy u uẩn về cõi trầm luân, có khi nó được cảm nhận trong nỗi mê say nồng nàn của một trái tim thanh khiết, có khi nó hằn lên những nếp gấp của nỗi buồn, nỗi cô độc phận người… Những hình ảnh thơ xuất hiện trong phần thứ 2 này nhiều khi rất bé nhỏ, mong manh, có khi lướt qua như ngọn gió chiều, có khi đọng lại như một hạt sương sau bão, có khi là một cánh hoa phai tàn rã cánh…Tất cả đều được tác giả cảm nhận hết sức tinh tế, và thể hiện ra bằng một thứ ngôn ngữ rất đẹp, rất mềm, rất êm, tựa một hơi thở giữa thinh không, nhưng nhiều lúc vẫn kịp chạm vào hồn những đớn đau, bỏng rát.

III

Phần thứ ba có tên là TRỞ VỀ và đón ta là một Khúc Mưa thấm đẫm nước mắt của tác giả - những giọt mưa rơi và phủ kín lên bài thơ, phủ kín lên tâm hồn bạn đọc. Thú thực là tôi cảm thấy gai lạnh cả người và không khỏi rưng rưng xúc động khi chìm đắm trong những day dứt, xót xa, những nuối tiếc và níu kéo quá vãng đầy đau đớn của người viết:

          Tiếng một con cuốc sầu nhặt mảnh vỡ của đêm

          Tôi nhặt những hạt mưa đang tan trên nấm cỏ…

Đúng là nữ sĩ đã thực sự TRỞ VỀ - trở về với cội nguồn, trở về với mẹ cha, trở về với không gian của gia đình và những gì thân thương nhất của một đời người. Một ánh mắt trong veo con trẻ, một con đò chờ đợi bóng người dâu bể mây trôi, bóng dáng mẹ hao gầy phơi áo…tất cả đều khiến hồn thơ Hồ Minh Thông xao động, run rẩy. Những hình ảnh thân thuộc, bình dị đến nao lòng ấy nhiều khi níu kéo xúc cảm của chị, dẫn lối nhà thơ tìm về với những vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc, nguyên sơ của sự sống.

Hồ Minh Thông trở về với những gì gần gũi như máu thịt mà cũng lại xa xăm như mây trời – một cuộc trở về theo đúng nghĩa của một người cầm bút gắn bó với quê hương và nặng lòng cùng quá khứ. Trở về với những gì vừa nói tới cũng có nghĩa là nữ sĩ trở về với chính mình như chị đã nghẹn ngào thổ lộ. Đối mặt với nỗi đau mất mát người thân cũng chính là những khoảnh khắc chị đối diện với cõi lòng, với bản ngã, với một tâm hồn có khi nhàu nát vì những vết thương nhưng vẫn trong trẻo, thánh thiện. Trong những giấc mơ không đầu không cuối, chị bắt gặp nỗi buồn, chị nhìn thấy hình hài của nỗi đơn độc, chị vo tròn từng giọt nước mắt của mình rồi giấu kín vào chăn… Để rồi sau tất cả, người con gái ấy tỉnh giấc và trân trọng những vẻ đẹp của đời sống hồn nhiên quanh mình.

Từ đầu bài viết, tôi đã gọi chị là nữ sĩ, là tác giả, là người cầm bút, còn bây giờ, tôi muốn được gọi chị là Nhà Thơ Hồ Minh Thông. Trong phần ba của ĐÊM TRỞ DẠ, có một bài thơ mà tôi tin tưởng người con gái ở trong đó chính là hình bóng của chị - hình bóng của một nhà thơ sẵn sàng dấn thân và sẵn sàng ngã xuống vì THƠ CA và CÁI ĐẸP:

Người con gái ấy tưới hoa

Tưới cả đớn đau khờ dại

Tưới đến xác thân khô héo

Ngã xuống tựa một cánh hoa …

                                         (Người con gái tưới hoa)

Nếu điều cảm nhận của tôi là chính xác thì tôi có quyền hy vọng và chờ đợi ở nhà thơ Hồ Minh Thông những câu thơ hay, những bài thơ hay và lay động lòng người hơn nữa. Chúc chị một năm mới an vui và thật nhiều sáng tạo.

Trên thềm mùa Xuân 2020

H. N. C

 

 

 

. . . . .
Loading the player...