22-06-2018 - 02:56

Giới thiệu tập truyện ngắn " TIẾT BỤT SINH" của tác giả Nguyễn Trung Tuyến

Tập truyện ngắn “Tiết bụt sinh” (NXB Hội nhà văn-2018) của tác giả Nguyễn Trung Tuyến là tập hợp 20 truyện ngắn được sáng tác trong thời gian hơn 20 năm của tác giả. Tập truyện ngắn đã đem đến cho độc giả một bức tranh sinh động về quê hương và những con người đứng trước những hiện thực xô bồ vẫn không đánh mất đi những nét đẹp truyền thống xưa cũ…đã tạo nhiều ấn tượng trong lòng độc giả.

TÁC GIẢ NGUYỄN TRUNG TUYẾN

Quê quán: Làng Uy Viễn- Xuân Giang- Nghi Xuân- Hà Tĩnh

Công tác tại: Trường PTHT Kì Anh- Hà Tĩnh

Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Văn xuôi

* Tác phẩm đã xuất bản:

- Tiết bụt sinh (NXB Hội nhà văn-2018) 

Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, xin giới thiệu truyện ngắn" Mây trắng đầunon" rút ra từ trong tập.

                 MÂY TRẮNG ĐẦU NON

                                                         Truyện ngắn

 

  Tôi đã hứa với em là dù có bận gì đi nữa thì dịp này cũng sẽ thu xếp công việc để hai đứa cùng thăm quê, thăm Ngã Ba Đồng Lộc - nơi phát tích những sự tích anh hùng trong thời đánh Mỹ.

  Lần đầu được về thăm quê tôi - miền Trung xứ sở của gió Lào, Vân Hương háo hức như đứa trẻ, bắt gặp cái gì em cũng hỏi. Có những cái thì tôi giải thích được cho em một cách hào hứng và cảm thấy tự hào vì thấy như mình là người từng trải, nhưng cũng có những cái em hỏi tôi không biết làm sao mà lý giải được.  Chẳng dấu gì, tôi cũng bồi hồi, háo hức không khác gì em. Tâm trạng kẻ xa quê là thế- mỗi lần về quê là thêm một kỷ niệm như mới ban sơ và những bụi bặm ở chốn mưu sinh dường như được gột rửa, thấy mình như được yên ổn để rồi khi xách hành lý ra đi lại thầm hẹn trở về với mảnh vườn nhà thân thương, với con đường nhỏ có mùi hương hoa dẻ...

  Tôi và Vân Hương rủ nhau lên khu di tích Ngã Ba vào một buổi chiều...

                                                     *

                                                   *  *

   Chúng tôi bước thật nhẹ trên khu di tích và hai đứa cùng cảm nhận thấy chiều dần buông xuống, khí núi từ trùng điệp của dãy Giăng Màn mang hơi se lạnh toả ra ôm choàng  Ngã Ba  Đồng Lộc. Tượng đài bên hoàng hôn từ màu ngọc thạch đã chuyển dần sang màu xám như đá núi.

   Trong cỏ may và sim mua phơ phất dậy lên hương bồ kết quyện lẫn với hương trầm. Gió đung đưa rất nhẹ, liu hiu, liu hiu. Mây trắng dạt lên từ phía biển, cùng thả xuống không gian Ngã Ba những giọt cảm giác mằn mặn và vị thơm thân thuộc của mùi cháy cỏ đồng đăng đắng, lẫn  mùi sém của vỏ trấu, vỏ khoai, vỏ sắn và hơi men ngai ngái của  bùn non hắt lên từ cánh đồng đất đen mỡ màu trải ra mênh mông dưói chân đường 15. Những hương vị vừa thân thuộc gần gũi, vừa mơ hồ bãng lãng ở đây dễ gây cho nguời ta cảm giác bồi hồi như được hòa trong thể giới nửa hư nửa thực.

     Núi trập trùng viền theo Ngã Ba. Bạt ngàn rừng thông trầm mặc bao vây cả một vùng không gian buồn lặng lẽ, ưu tư như cái buồn của cô gái đứng trong hoàng hôn chờ đợi- "cứ hẹn mãi  mà sao không thấy...".

  Hai bên lối mòn, cùng với hàng trăm loài cây lạ của khách thập phương mang đến cúng dường là những loài cây hoa hoang dại : cỏ may, hoa bông trang, hoa sim, hoa mua...những loài hoa có  sức sống mãnh liệt nhất ở nơi nắng lửa, gió Lào, cọc còi sỏi đá này, chúng chính là hiện thân của thời gian và không gian Ngã Ba Đồng Lộc.

                                                *    *

                                                   *                                           

    Em quỳ xuống bên miệng hố bom. Chính hố bom này đã cướp mất sự sống của mười cô gái thanh niên xung phong- mười cô gái ở tuổi mười tám đôi mươi, xấp xỉ  bằng tuổi Vân Hương.

   Tay em lần tìm bên miệng hố bom như tìm một vật gì lẫn trong đất đá cằn trơ mà thoạt tiên tôi không hiểu. Nhìn đôi mắt Vân Hương buồn đau và từng động tác khẽ khàng của em, tôi cứ ngỡ như em đã mất ở đây một cái gì rất thiêng liêng và em mãi cố tìm...

    Và khi miệng hố bom bị bóng chiều đè xuống thành ra một hố đen thăm thẳm và khí đất nồng nồng như hơi người đàn bà khỏe mạnh từ đáy hố bom bốc lên thì em nhặt lên trong tay được một nắm những quả mua như những đốt ngón tay màu xám đất.

    Tôi ái ngại nhìn em đang mân mê từng quả mua như ni cô lần tràng hạt và khẽ hỏi:

   - Vân Hương! Em đang nói gì với những quả mua thế?

Em không trả lời tôi và chúng tôi lặng lẽ tản bộ theo dọc con đường mà khi mới đặt chân lên nó Vân Hương đã nhận xét rất hồn nhiên rằng: “ Con đường này trườn qua núi và sang bên kia chắc chắn nó sẽ lên trời!”. Cho đến lúc này tôi mới nhận ra nhận xét của em về con đường này đúng thật. Trong không gian buồn hiu, ảm đạm, con đường như một sinh thể sinh động đầy cá tính. Nó vừa mềm mại, vùa mạnh mẽ, táo bạo; nó vừa như đứng yên lại vừa như đang chạy. Từ điểm vạt taluy khó chịu trước mặt chúng tôi, thoắt cái, nó đã vọt lên cắt ngang sườn núi rồi biến mất sau rừng thông trầm mặc ở phía trời tây rực vàng nắng quái.

Lạ quá! Không hiểu sao lúc đó suy nghĩ của tôi lại trùng hợp với em đến thế, cả hai đều nghĩ về con đường. Em nói như một hiền triết:

- Có lẽ cả cuộc đời ta cũng không đi hết con đường này!- Rồi dục: - Thôi, chúng ta ngồi nghỉ đã, anh!

Chúng tôi ngồi bên nhau cùng ngắm hoàng hôn từ phía sau dãy núi trước mặt xô bóng núi đổ ập xuống từng mảng lớn bao phủ dần Ngã Ba và chợt nhận ra: không gian nơi đây cho thấy khá rõ dấu chấm hết của một ngày...

Ngồi bên em, ngắm nhìn em- người con gái có đôi mắt như hai vì sao long lanh ẩn dưới hàng mi đẹp và vầng trán phản chiếu một tâm hồn giàu nhạy cảm bên trong, tôi thấy tự hào vì có được người yêu xinh đẹp. Tôi thầm quyết: "Chần chừ gì nữa? Về quê lần này rồi ra anh cưới em làm vợ!".

Khi tôi đang rạo rực với bao dự cảm đẹp đã về em thì em vẫn mân mê từng quả mua trong tay... Chùm quả mua như những đốt ngón tay trong bàn tay trắng ngà của Hoài lúc này xạm lại như một nắm đất đen. Mười "hòn đất" bé xíu, em lần lần nhẩm đếm: “ một, hai, ba, bốn...mười”.

Muốn xóa cái không khí lặng lẽ u trầm, tôi thủ thỉ:

- Ngày trước, các chị thanh niên xung phong chắc cũng thì thầm nhẩm đếm như em nhưng họ lại đếm bom Mỹ rơi xuống Ngã Ba này. Các chị thì đếm sự chết chóc, huỷ diệt. Còn em lại đếm những quả mua như người mộng du...Thì ra, từng thời điểm, từng cảnh ngộ thì con số đếm cũng mang những ý nghĩa, số phận và giá trị khác nhau. Em đang nghĩ vẩn vơ gì thế?

Em nhìn tôi bằng đôi mắt sao Hôm long lanh, hỏi:

- Anh thử nghĩ xem! Em đang nghĩ gì nào?

Tôi thành thật:

- Những bí mật dấu trong đầu em thì anh làm sao biết được?

Giọng em bỗng trở nên run run xúc động:

- Em đang nghĩ về cái chết ở đây. Cái chết đến cùng một lúc với mười cô con gái còn rất trẻ. Tuổi xuân, tình yêu, ước vọng... tất cả ngừng lại sau một tiếng nổ huỷ diệt. Trời ơi! Một cái hố vùi chôn một con số tròn đầy- Mười cô con gái! Không! Anh ơi! Em không tin chết hết tất cả. Mười cô gái đồng trinh dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc chắc vẫn còn sót lại những gì nữa chứ?...Kể đi! Anh biết thêm những gì về họ nữa? Anh kể đi! 

Tôi tôi nhận ra sự thành thật của em qua suy tư day dứt về cái chết ở nơi đây. Tôi cũng muốn an ủi, san sẻ với em lúc này, nhưng...

 Em cũng như tôi- không biết mùi đạn bom, chúng tôi không biết sự tàn khốc mà cuộc chiến đã diễn ra  trên miền đất nóng bỏng này. Chúng tôi chỉ biết chiến tranh qua sách vở... Vậy thì biết kể gì với em đây?

 Chiều nay em chạm tay vào bộ mặt thật của cuộc chiến, nó đã làm em đau buồn. Nỗi buồn của em khiến tôi thấy mình như là người có lỗi. Thôi thì tôi đành phải hình dung ra lời của đá, của cỏ cây thân thương của quê tôi để an ủi em. Tôi thì thầm:

    - Khi bom đánh sập hầm, tiểu đội chị Võ Thị Tần đã hi sinh chín người. Một chị vẫn còn sống đấy!

    Em nhìn tôi, nghi ngờ, hỏi dồn:

   - Thật thế sao? Ai còn sống? Giờ chị ấy sống ở đâu? Sống thế nào? Anh nói đi!

   Nhìn những quả mua trong tay em, những quả mua đã gợi ý cho tôi kể tiếp:

    - Buổi chiều hôm ấy- cũng như bao buổi chiều chiến tranh khác trên Ngã Ba này và đó là buổi chiều định mệnh . Sau một ngày lăn lộn giữa đạn bom, cát bụi, khói lửa, các chị : lấp hố bom, san đường, cứu xe, cứu người, phá bom nổ chậm,...Họ chưa kịp ngơi tay thì máy bay Mỹ lại lao tới. Tiếng gào man rợ của động cơ máy bay phản lực xé rách bầu trời. Chị em vừa kịp lao xuống hầm thì lập tức một loạt bom rơi xuống cày tung đất đá Ngã Ba. Một quả bom tấn nổ ngay trước cửa hầm. Đất đá chôn vùi tiểu đội của chị Võ Thị Tần dưới căn hầm chữ A ấy. Cuốc, xẻng vẫn bên mình nhưng họ không thể bới đào được nữa. Sức ép của khối nổ huỷ diệt đã đập vỡ những trái tim và đất đá  lèn kín lên thân thể bằng xương băng thịt ấm nồng của những cô gái tuổi mười tám đôi mươi ấy...

  Em ngắt lời tôi:

    - Chuyện này em đã nghe cô hướng dẫn viên của khu di tích kể rồi...Điều làm em đau lòng là: sao chúng giết cả mười người? Sao không sót lại dù chỉ một người? - Vân Hương kêu lên bi thiết:- Một người thương tật cũng đành! Như thế có đỡ buồn hơn không? Các chị nằm đây, mỗi người- mồ một nấm, ... Nếu còn lại một người! Dù chỉ một người thôi!Chúng tàn nhẫn quá!... Còn chúng ta? - Làm sao có thể bù lấp được khoảng trống riêng tư của cuộc đời những người con gái khi phải dừng lại ở lứa tuổi hai mươi mà không một ai ở lại? Anh kể đi! Chín chị đã hy sinh cùng lúc hay cả mười?...

   Tôi nắm tay em và thầm thỉ:

     - Cái giá của sự sống dù chỉ tính bằng phút bằng giây thôi, đối với mỗi con người cũng là vô giá. Cho nên không dễ gì cái chết khuất phục được con người... Ừ! Hình như là chín chị ...

    Trên nền trời Đồng Lộc, sao đã mọc lên thưa thớt. Sau dãy núi Giăng Màn, đêm đã kéo xuống. Dãy núi muôn ngọn, đêm về xềp lại thành một khối đen thẫm, khổng lồ trấn giữ một chân trời. Nhìn về phía đồng bằng xóm mạc xa xa, sau màn sương tịch mịch, một vầng trăng đỏ đọc lăn trong mù sương rồi vượt lên cao.

   Tôi chợt nghe khá rõ tiếng ai đó thì thầm trong cỏ. Tôi hỏi Vân Hương:

  - Em có nghe tiếng ai đó rì rầm trong gió đó không?

   Một tay nắm tay tôi, một tay em ấp lên ngực. Lắng nghe...và em thì thầm:

    - Có..., em có nghe anh ạ!

  Và đêm ấy tôi và em đã nghe như từ đất đá, như lời âm âm phát ra từ những quả mua trên tay Vân Hương kể lại rằng:

   "Khi chín chị em đã tắt thở thì ở cuối hầm, chị Hồ Thị Cúc vẫn còn sống. Sức ép của quả bom làm chị ngất đi. Tỉnh lại trong lòng đất, chị đã dùng mười ngón tay cào cấu đất đá lèn chặt quanh mình. Vừa moi đất đá, chị Cúc vừa gọi tên từng chị em trong tiểu đội. Chị gọi để muốn biết sau trận bom, tiểu đội ai còn, ai mất. Khao khát tìm về cùng đồng đội giúp cho chị sức mạnh để một mình chị chiến đấu với cái chết. Chị đã đào bới đất đá bằng mười ngón tay. Những đốt ngón tay chị rụng dần, rụng dần, máu chị thấm mềm đất đá. Đau đớn với chị lúc này chẳng còn ý nghĩa gì. Chị đào hối hả. Những đốt xương bật ra như từng mẫu đá , như từng quả mua lăn lóc.

     Tiếng kêu đồng đội của chị rền rĩ trong trái tim khô khát, chuyền sóng âm trong núi đá...Chín linh hồn tiểu đội đã nghe được âm thanh rền rĩ ấy. Nghe mơ hồ tiếng ai như tiếng chị Tần: “ Con Cúc bị thương rồi! Mau đi cứu nó, chúng mày ơi!”.

    Phía trên đầu, chị Cúc nghe tiếng xôn xao như là tiếng gió gọi nhau trên đồi sim rồi dần dần nổi lên rất rõ lời tha thiết, đau đớn của chị Tần: “ Cúc ơi! Cả tiểu đội hy sinh hết rồi! Cuốc xẻng... vẫn còn, nhưng chị em không thể...Cúc thương các chị thì cào đất đá chui lên mà sống cho các chị nhé! Em sẽ viết thư về nhà thay cho các chị! Cúc ơi!!!”

     Tiếng gọi tha thiết của chị Tần, với chị Cúc lúc đó cũnglà mệnh lệnh của chỉ huy. Chị Cúc vừa khóc, vừa đào bới. Chị đã moi đá bằng hai bàn tay đã mất mười ngón. Hai bàn tay cụt ngón lùng nhùng máu của chị cào cào thật sâu vào đá. Hai bàn tay chị Cúc lúc ấy như nắm hoa mua bị vò nhàu nát.

     Tảng đá trên đầu chị đã bắt đầu lung lay. Tiếng chị Rạng kêu lên thất thanh: “ Chị em ơi! Nhìn kìa! Tảng đá rung chuyển rồi kìa!”. Cả chín linh hồn xúm lại, hồi hộp nhìn tảng đá đang nhích từng li. Từ kẽ hở, máu tươi nhỏ từng giọt, từng giọt nóng hổi. Linh hồn chị Võ Thị Hà bật khóc: “ Chúng ta phải làm gì giúp nó chứ? Nào, chúng ta cùng hát, hát lên đi! Hai ba nào: “Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh...”. Cả chín linh hồn hoà điệu hát theo: “... phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...”. Chen lẫn trong tiếng hát với giai điệu vui tươi, còn có cả tiếng khóc hu hu..."

   Bất chợt Vân Hương thốt lên:

  - Kỳ lạ quá! Những quả mua đang kể chuyện về các chị cho em nghe đây này! Anh có nghe thấy gì không?

   Tôi an ủi em :

  - Có! Anh cũng nghe em ạ! Em biết đấy! Trước mong manh của sự mất còn, tâm can người con gái vẫn thường ngổn ngang như thế!

   Tiếng gió của ngàn thông đêm ấy chúng tôi nghe sao mà giống như là tiếng hát, tiếng ru, như là tiếng khóc...

  Nguyệt thở dài, tay em vẫn mân mê lần những quả mua tràng hạt..   Bên tai tôi và em lại văng vẳng tiếng người. À, không phải đâu! Ấy là lời thì thầm trong đêm của gió, của đá đấy!

     "... Tiếng hát đã chuyền sức mạnh thêm cho chị Cúc. Hai bàn tay đã bị lẫn mất vào đất đá. Chị lại dùng hai cùi tay thịt da rách tướp táp hối hả bới đào. Xương cổ tay vỡ ra sắc nhọn trở thành dụng cụ giúp chị đục vào đất đá được nhanh hơn. Trên đầu, tiếng hát của đồng đội vẫn vang lên thôi thúc. Càng khuya, tiếng hát càng trở nên khản đặc, tiếng hát trở thành lời thét gào như tiếng rừng trong cơn bão, như tiếng người mẹ tỉnh dậy kêu con khi đứa con vừa mới chết...Chợt linh hồn chị Trần Thị Rạng kêu lên : “ Kìa! Tóc kìa! Đầu út Cúc sắp ra rồi!”. Nhìn mớ tóc xanh dày của đứa em út bê bết đang gắng sức cựa quậy, cả tiểu đội mừng oà khóc.

Chị Tần gạt nước mắt, ra mệnh lệnh:

  • Cúc ơi! Gắng lên! Em phải sống!

Tất cả hoà theo, tạo nên một giai điệu kéo dài, rền rĩ : “ Em phải sống! Phải được sống!!!...”  

Từ phía biển bỗng vọng sôi lên tiếng ầm ầm. Máy bay Mỹ lại nhào tới. Chúng lại tiếp tục điên cuồng trút bom xuống Ngã Ba. Bom nổ hất tung cả chín linh hồn. Khói bom vừa tan, linh hồn các chị bay trở lại chỗ chị Cúc nằm thì thấy kề bên chị Cúc, bom Mỹ đã đào thêm một hố mới. Chị Cúc lại bị vùi vì quả bom ấy.. - Ừ, chị Cúc vẫn có thể sống nếu như không có trận bom ấy dội tiếp xuống Ngã Ba..." 

                                                  * 

                                               *    *

     Trăng đã vượt lên đầu núi. Bầu trời Ngã ba Đồng Lộc vời vợi ánh trăng mùa thu vàng dịu. Những lùm sim mua trên đồi đung đưa những chiếc lá ướt mềm như hình bóng những cô thanh niên xung phong đang ngồi tâm sự thì thầm hay đọc cho nhau nghe những lá thư tình...

     Bất chợt, em kêu lên:

     - Kìa! Anh nhìn kia! Đám mây trên ngọn núi ấy!...

      Nhìn theo em, tôi nhận ra đó là một đám mây trắng nhẹ, mỏng tang. Phần cuối của đám mây như quệt vào vầng trăng, hắt ra một thứ ánh sáng cực kỳ hư ảo. Tôi lặng lẽ nhìn đám mây nhỏ nhắn trôi lẻ loi giữa bầu trời tím biếc, mênh mông. Em hỏi tôi:

     - Anh thấy gì trong đám mây kia không? - Tôi ngắm kỹ và lắc đầu:

     - Không, chỉ là một đám mây thôi. Anh không thấy gì trong đó cả!

    Vân Hương thì thầm bên tai tôi:

     - Trong mây, em thấy rất rõ bóng hình của mười cô con gái . Họ khoác cánh mây trắng, dìu nhau cùng bay lên trời. Anh nhìn kìa! Cuối đám mây kia hình như là chị Hồ Thị Cúc...

Quả thật, tôi không dám tin vào hình ảnh em thấy và em đã chỉ cho tôi. Nhưng tôi cũng gật đầu đồng tình:

- Ừ, đúng thế! Mây trắng đầu non…

  Vân Hương bâng khuâng nhìn  theo làn mây trắng mãi cho đến khi đám mây kia hòa nhập vào điệp trùng mây trắng xa xa...

     Mười quả mua như mười đốt ngón tay, mười viên tràng hạt trong tay em đen thẫm màu đất. Em lặng lẽ xoè bàn tay trắng ngà, gieo những quả mua ấy xuống bên vệ đường Ngã Ba Đồng Lộc.

 

                                                                Trại viết Trại Tiểu- Đồng Lộc

                                                                         Tháng 10/ 2004

                                                      Nguyễn Trung Tuyến

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...