03-10-2017 - 07:00

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung...

Tạp chí Hồng Lĩnh số 134 tháng 10 giới thiệu bài viết "Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung..." của tác giả Nguyễn Hà Huy

Bác Hồ vui rằm Trung Thu với các cháu thiếu nhi - Ảnh: Tư liệu

         Có lẽ trên thế giới này hiếm thấy một nguyên thủ quốc gia nào mà ngoài tình yêu thương đối với các cháu thiếu nhi lại là người luôn dành cho các em những vần thơ trong các dịp rằm Trung Thu. Bác Hồ là một vĩ nhân và là một thi nhân. Đặc biệt cuộc đời riêng của Bác “Người không con mà có triệu con” (Nguyễn Đình Thi). Tất cả tình yêu thương của Bác đều dành cho: “Sữa để em thơ - Lụa  tặng già” (Tố Hữu). Vì thế hình ảnh của Người rất thân quen: “Bác lo bao việc trên đời,-  Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em” (Trần Đăng Khoa). Mọi người gọi Bác bằng những cái tên trìu mến: Cha già dân tộc, ông Ké, Bác Hồ … Trong hình dung của các cháu thiếu nhi, hình ảnh Bác đẹp như một ông tiên. “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh - Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài”. Hình ảnh Bác trong ngày sinh nhật của Người bước xuống những bậc thềm Bắc Bộ Phủ thì các cháu thiếu nhi như một đàn chim non ôm những bó hoa tươi thắm nhất ào đến quanh Người. Giây phút đó với  Bác thật là hạnh phúc. Vì thế đến khi về với “thế giới Người Hiền” trong di chúc Bác đã căn dặn: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng” .

         Trong những ngày thu này đọc lại những bài thơ viết cho thiếu nhi vào dịp các rằm trung thu tôi lại thấy tình cảm Bác dành cho các cháu còn cao hơn cả yêu thương, còn sâu hơn cả nghĩa tình thân ái, còn đẹp hơn cả sắc hoa vị hương của những bông hoa. Đó là trìu mến, nhân hậu và bình dị một cách thuần Việt, tinh túy Việt. Có hai mảng thơ Bác thường viết vào các thời khắc thiêng liêng trong năm đó là thơ chúc tết chung cho mọi người và thơ tết Trung thu dành cho thiếu nhi. Bài thơ Bác viết cho các cháu thiếu nhi sớm nhất là bài “Cháu bé trong ngục Tân Dương” ở tập “Nhật ký trong tù”. Tình cảm lớn lao của Người đã vượt ra khỏi biên giới: “Oa… Oa… Oa… - cha trốn không đi lính nước nhà - nên  nỗi thân em vừa  nửa tuổi - Phải theo mẹ đến ở nhà pha”. Năm 1941, sau bao năm tháng bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã trở về Pắc Bó nơi địa đầu tổ quốc để lãnh đạo cách mang trong nước. Vào dịp rằm trung thu năm đó Bác đã viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” thể hiện sự quan tâm thiết thực của mình với các cháu: “trẻ em như búp trên cành - Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan - Chẳng may vận nước gian nan - Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng - Học hành giáo dục đã thông - Nhà nghèo lại phải lắm công cày bừa…”. Ngỡ như đó không còn là thơ nữa mà là tiếng lòng của một người cha, người ông thấu suốt được hết từng hoàn cảnh khó khăn của lứa tuổi thơ khi đất nước chưa được giải phóng. Từ sự thông cảm đó bằng lời lẽ chân tình thuyết phục Bác đã kêu gọi các cháu: “Vậy nên trẻ em nước ta - Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh - Người lớn cứu nước đã đành - Trẻ em cũng góp phần mình một tay”.  Và Người lạc quan, tin tưởng, gieo vào lòng các em một niềm tin son sắt hướng về tương lai: “Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây - Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”. Với hai chữ “Con Cưng” Bác đã thuần hóa tiếng Việt với lời thơ bình dị mà thắm thiết biết bao ân tình đi vào lòng người. Năm 1942, Bác lại viết bài thơ “Trẻ chăn trâu” in trên báo “Việt Nam độc lập” thật cụ thể vẽ nên hình ảnh các trẻ mục đồng vắt vẻo lưng trâu hát xướng với nhau – một hình ảnh rất nông thôn Việt nam: “Chăn trâu mấy trẻ con con – Cùng nhau xướng hát véo von trên gò”. Và đã giải thích cho các em: “Vì ai cha mẹ nghèo nàn – vì ai nhà cửa giang san tan tành”. Mượn một hình thức đối đáp, Bác Hồ đã vạch cho các em thấy nguyên nhân: “Ấy là vì Nhật, vì Tây – Ra tay vơ vét đọa đầy chúng ta”. Đây là một sự sáng tạo trong lối diễn xướng sân khấu truyền thống dân tộc làm cho các em dễ hiểu với không khí sinh động gần gũi với cuộc sống thôn quê mộc mạc hằng ngày để từ đó Người nhắn gửi với các em: “Nhi đồng Cứu Quốc Hội ta - Ấy là  lực lương - Ấy là cứu sinh”.

         Thơ chúc tết trung thu là một trong những nét đặc sắc của thơ Bác tùy theo điều kiện hoàn cảnh của đất nước mà Bác Hồ có những lời dạy bảo ân cần, chia sẻ, chăm sóc chu đáo phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng. Trung thu năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta đã vào giai đoạn phản công, trong niềm vui dào dạt ấy giữa chiến khu núi rừng Việt Bắc chắc ánh trăng rằm dường như cũng bát ngát hơn và gợi ra bao nỗi nhớ mênh mông. Bác Hồ lại hướng tâm về các cháu thiếu nhi như một nốt trầm sâu lắng trong cõi lòng Người nhưng lại ngân lên réo rắt như một cung đàn tươi trẻ hòa với tiếng suốt, tiếng gió reo: “Trung thu trăng sáng như gương – Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng – Sau đây Bác viết mấy dòng - Gửi  cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Nhịp thơ lục bát hiền hòa, điềm tĩnh, dẫn dắt nhịp tình cảm yêu thương của Bác tuần tự như lời nói thủ thỉ của người ông, người thân trong nhà. Trung thu năm 1952, hòa chung nhịp điệu rắn rỏi vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp đang đổi thay nhanh  chóng, bài thơ chúc tết trung thu của Bác dùng lối thơ năm chữ tạo ra một hòa âm  nội tâm sẻ chia định hướng cho các em những mục tiêu phấn đấu rất cụ thể: “Ai yêu các cháu nhi đồng – Bằng Bác Hồ Chí Minh – Tính các cháu ngoan ngoãn – Mặt các cháu xinh xinh – Mong các cháu cố gắng – Thi đua học và hành – Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - Tùy theo sức của mình – Để tham gia kháng chiến – Để gìn giữ hòa bình – Các cháu hãy xứng đáng – Cháu Bác Hồ Chí Minh”.  Rất hiếm khi thấy Bác trong bài thơ này dùng các nhịp từ láy như: “Ngoan ngoãn” và “Xinh xinh” như  nỗi vui mừng khấp khởi. Chính điều đó   tạo ra cảm hứng cho giai điệu âm nhạc của nhạc sĩ Phong Nhã chắp cánh cho lời thơ chúc tết trung thu của Bác bay lên thành một bài hát truyền thống của thiếu nhi Việt Nam hơn  nửa thế kỷ mỗi dịp trung thu về. Bài thơ trung thu năm 1953 tương đối đặc biệt. Bởi cả bài thơ làm theo hai thể loại bốn chữ và lục bát mang dáng dấp âm hưởng đồng dao, tục ngữ ca dao cho các em dễ nhớ, dễ thuộc. Chất lạc quan tươi trẻ đã thổi hồn vào rằm trung thu bay bổng lãng mạn lại rất hiện thực: “9 tết trung thu – 8 năm kháng chiến – Các cháu khôn lớn – Bác rất vui lòng – Thu này Bác gửi thơ chung – Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa – Thu này hơn những thu qua – Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần”. Phần kết của bài thơ vút lên như một giai điệu chiến thắng mà có lần Bác đã thốt lên: “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”. Trong bài thơ chúc tết trung thu năm 1953 này có một tiên đoán thật tài tình như ngày nào Bác từng tiên đoán trong một bài diễn ca: “45, sự nghiệp hoàn thành” về cách mạng tháng tám thành công năm 1945 thì ở bài thơ này Bác nhận định: “Khắp nơi Nam Bắc Tây  Đông – Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay – Các cháu vui thay – Bác cũng vui thay – Thu sau so với thu này vui hơn”. Đúng như lời tiên tri của Bác, năm sau ngày 07/5/1954 chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp. Trung thu năm 1954 sau thư chúc tết các em Bác còn viết thêm hai câu thơ như một dự báo của hoàn cảnh đất nước ta lúc ấy và với ước muốn: “Bao giờ Nam Bắc một nhà – Các cháu xúm xít thì ta vui lòng …”.

         Lại nhớ bài thơ trung thu năm 1946, mặc dù bận rộn với muôn vàn công việc sau khi đất nước mới được độc lập nhưng Bác Hồ vẫn dành cho các em sự quan tâm trìu mến và  gợi lại truyền thống yêu nước lịch sử 4.000 năm của dân tộc với mạch nguồn tổ tiên của con Lạc cháu Hồng: “Bác mong các cháu chăm ngoan – Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng – Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng – Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”. Cũng như lời Bác căn dặn đại đoàn quân tiên phong ở đền Hùng sau này: “Các vua Hùng đã có công giữ nước – Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước”. Bây giờ đất nước đã hoàn toàn thống nhất, non sông liền một dải, Nam Bắc liền một nhà. “Các cháu xúm xít” thì Bác đã đi xa 48 năm. Nhưng những vần thơ của Bác viết cho thiếu nhi chúc tết rằm trung thu vẫn còn sống mãi như hình ảnh Bác vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người và đặc biệt là trong lòng các cháu thiếu nhi mỗi khi trăng rằm trung thu càng thêm nhớ Bác...

                                                                                 Hà Tĩnh, ngày 20/9/2017

                                                                                                N.H.H

 

. . . . .
Loading the player...