27-02-2020 - 08:32

Hành trình nhật ký tâm trạng qua “Câu ví, giặm quê mình”

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tập thơ "Câu ví, giặm quê mình" của tác giả Trần Vũ Thìn, NXB Văn học, 2019 với lời giới thiệu của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

       Lần theo “Câu Ví,Giặm quê mình” của Trần Vũ Thìn là tôi lần theo hành trình của “Nhật ký tâm trạng”: Những khoảng khắc tâm trạng, những dấu ấn tâm trạng. Vâng, thơ chính là tâm trạng những vui buồn bất chợt, những kỷ niệm cuộc đời đáng nhớ, những ký thác tâm tình, những góc mở tâm hồn và “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” – Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói thế. Xem ra điều này rất đúng với “Câu Ví, Giặm quê mình”. Đây là tập thơ đầy đặn đánh dấu một chặng đường sáng tác rất quan trọng của Trần Vũ Thìn. Thứ nữa, qua sự sắp xếp của tác giả ta cũng đã hình dung ra các mảng thơ anh viết khá tâm đắc. Đó là: Quê hương, là mẹ là nghĩa tình động đội,... Cái chữ tình rộng lớn bao hàm cả tình thương và tình nghĩa. Chính vì thế mà tìm về “Câu Ví, Giặm quê mình” là tìm lại những tinh hoa đằm thắm chắt lọc bao nắng mưa lũ lụt của miền quê nghèo khó để chuốt nên làn điệu dân ca qua bao luyến láy ân tình, qua bao khổ đau hờn giận để rồi: “Giận thì giận mà thương càng thương”. Cái nghịch lý muôn đời này đã thử thách, đã ghi nhận, đã níu kéo, đã tôn vinh cái phẩm chất nhân văn con người. Và chính thơ đã phát  sáng, đã thăng hoa, đã chắp cánh, đã hiện lộ, đã kết tinh ngân vang mà Trần Vũ Thìn trong những phút giây sáng tạo của mình bằng kinh nghiệm sống, bằng trực giác linh cảm, anh đã bày tỏ “Nhật ký tâm trạng” của mình. Tác giả bằng cách nói giản dị hồn hậu nhưng không giản đơn mà đàng sau ký tự mỗi con chữ đều ăm ắp nỗi niềm như nhà thơ Trần Đăng Khoa quan niệm về thơ: “Thơ viết giản dị mà gây ấn tượng”, thì đây, tôi chọn một vài câu thơ viết giản dị mà ấn tượng trong tập “Câu Ví, Giặm quê mình” của Trần Vũ Thìn. Ví như: “Thương câu Ví, Giặm vân vi - Khổ thì mẹ chịu, sướng thì nhường con”. Hai chữ “vân vi”ở đây mở ngõ bao tâm trạng ngỡ như phân vân để rồi  đẩy tới một ứng xử cao cả: Mẹ chịu khổ để nhường sướng cho con. Khổ và sướng là cặp phạm trù về vật chất nhưng chứa chất sau đó là sự hy sinh thầm lặng mà mẹ đã bền lòng gửi vào câu hát. Hay: “Buồn thì khóc, vui thì cười – Lòng dân xứ Nghệ giận rồi lại thương” (Thương câu ví dặm). Các cặp đôi sóng sánh lục bát là nét riêng của thơ Trần Vũ Thìn cũng như nét điềm tỉnh ứng xử nghĩa tình trong cuộc sống đời thường của anh.

Bìa tập thơ

       Trần Vũ Thìn từng là một người lính. Và anh cũng là người có công, là người say mê với việc tổ chức đồng đội về thăm lại các chiến trường xưa, tri ân các anh hùng, liệt sỹ. Các chất lính vẫn còn vẹn nguyên vẫn còn sôi nổi vẫn còn tâm huyết là “Tân chiến binh” chứ không phải là “Cựu chiến binh”. Trong bài thơ “Trước tượng đài Gạc Ma” anh viết: “Biển ru khóc những linh hồn – Sóng làm lá chắn chết không chịu lùi”. Có một Gạc Ma đau đáu ở trong lòng, một tượng đài ở trong lòng thì lại có một “Bảo tàng Hoàng Sa” khi anh ra đảo Lý Sơn với nhịp thơ rắn rỏi như những lời thề quyết tử như nhịp  mái chèo lướt sóng vươn khơi: “Còn đây những ngôi mộ gió – Và còn đây những sắc phong – Những người giữ yên bờ cõi – Còn đây chiến tích oai hùng”. Cũng như khi anh “Trở lại Trường Sa”, trở lại với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc trở lại với kí ức người lính thì nhịp thơ trãi rộng hơn da diết hơn mà cũng nhiều kí thác hơn qua ống kính tâm hồn của một nhà báo cựu chiến binh: “Một tất trời, một tấc biển thiêng liêng – Quyết không để quân thù chiếm  giữ - Ông cha ta đã bao lần máu đổ - Còn âm vang tiếng vọng những linh hồn”. Tôi chỉ điểm qua mấy địa danh gắn bó với người lính trong thơ Trần Vũ Thìn để nói về hành trình tâm trạng, điểm nhấn tâm trạng trong thơ anh thật ân tình và chia sẽ. Tôi càng hiểu vì sao “Câu Ví, Giặm quê mình” trong anh luôn có những luyến láy thẳm sâu về cội nguồn thăm thẳm, về mạch nguồn trong trẻo. Có lẽ anh là một trong số ít các tác giả thơ Hà Tĩnh viết thành công về đề tài người lính thật cảm động và lay động. Và cũng vì thế để khẳng định thêm sự thành công  sức nặng, sức tải của tập thơ mới này của anh.,,

       Có một mảng thơ khá hay của anh là viết về mẹ rất ấn tượng. Có một người mẹ rất  riêng của Trần Vũ Thìn lại có một người mẹ rất chung của người mẹ nông thôn Việt Nam muôn thủa. Đó là người mang những đức tính phẩm chất ngàn đời cao quý trong những cảnh ngộ riêng, những éo le riêng ở những thời khắc riêng. Một tứ thơ khá độc đáo trong tập là bài: “Ra Hà Nội giỗ mẹ” . Tôi chợt nhớ đến bài thơ hay của nhà thơ Lê Đình Cánh: “Mẹ ra Hà Nội thăm con” có hai câu thơ tuyệt bút: “Lên thang chẳng dám bước dài – Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”. Cái chất mộc mạc nguyên sơ đồng áng đã ngấm vào mẹ, hóa thân vào mẹ. Thì ở đây Trần Vũ Thìn lặn lội từ quê ra Hà Nội để: “Ở với con gần suốt cuộc đời – Giờ lại ra thủ đô làm kỵ mẹ”. Ở đây không phải mẹ ra Hà Nội thăm con mà con ra Hà Nội làm giỗ mẹ những éo le thân phận đã gieo vào thơ anh những nỗi niềm trắc ẩn . Cái hay và xúc động của bài thơ này là khi đứa con nhỏ nhẹ trò chuyện với mẹ đã khuất với những sản vật anh mang từ quê ra: “Những quả khế chua kho với tép đồng” hay: “Lô nếp, cân gà nặng  nợ hồn quê-Lích kích theo con lên đường ra Hà Nội-Mẹ bảo không quen sống nơi đô hội- Hai năm rồi, nhớ con lắm phải không !”. Thơ, thường ký sự kể lễ tản mạn nhưng ở đây vượt lên giọng kể là những tâm tình lay động lòng người. Thơ Trần Vũ Thìn đang đi giữa cái ranh giới bí ẩn đó. Và chính những thổn thức đã tạo ra cái giọng  thơ điềm đạm  mà sâu sắc giải bày mà lay thức sẽ chia mà đồng cảm. Chân dung “Mẹ tôi” đã được anh vẽ nên bằng kí ức tâm trạng: “Mẹ tôi vá áo một đời – Thủy chung vẫn  trọn tình người sớm hôm” đó là hình hài bên ngoài đơn sơ giản dị . Còn đây: “ Lẫn trong chớp bể ,mưa nguồn – Câu Kiều mẹ hát là hồn nước non” là lắng sâu phía trong tâm hồn. Hình ảnh mẹ bao giờ cũng nằm trong hình ảnh quê hương, hòa vào thiên nhiên, hòa trong những lam lũ vất vả. Nhưng luôn toát lên một phẩm cách nhân hậu vị tha, độ lượng, bao dung: “Cuộc đời lắm nỗi đa đoan – Cắn răng mẹ chịu tiếng oan thay người”...

       Một nét riêng của tập thơ “Câu Ví, Giặm quê mình” là sự sắp xếp các cung bậc tinh cảm tạo ra sự hài hòa tổng thể cũng như những thăng giáng trong cuộc đời và chính trong điệu thức của câu “Ví, Giặm quê mình”. Nếu như có cung trầm điệu thứ sâu lắng của thơ viết về mẹ, viết về sự hy sinh của đồng đội thì phần thơ tình yêu chính là gam màu tươi tắn được cất lên, được hát lên từ một trái tim nhân hậu và đắm đuối. Đó là những khoảng khắc tâm trạng bất chợt xao xuyến nhưng cũng khá tinh tế nhạy cảm trong bài thơ “Em chờ”; Hay sự chu đáo thủ thỉ tâm tình trong bài “Hãy ngủ đi em”. Cái hay, cái sức truyền cảm “Mạch điện giao cảm” là sự thành thật có chút vụng về khi chàng trai thi sĩ tự thú: “Anh ngô nghê lại mang tiếng xấu trai – Không lịch lãm như bao đàn ông khác – Không ga lăng khi vợ mình khao khát – Một lời yêu nói cũng chẳng nên điều”. Người ta nói: Đàn ông yêu bằng mắt, phái nữ yêu bằng tai. Nhưng tôi tin ở đây người phụ nữ “một nữa” của anh đã nghe được, cảm thấu được thông điệp tình yêu từ trái tim mình khi: “Em vui, em chẳng so bì – Lại mong tết đến để thi thố tài”. Đó là đức tính hy sinh, nhường nhịn chịu thương chịu khó hết lòng vì chồng con, và chân dung người vợ tần tảo, hiếu thảo hiện lên thật cảm động chân tình khi anh viết: “Lặng nhìn khuôn mặt lọ lem – Đầu bù tóc rối lại thêm chạnh lòng”

       Tôi muốn dành những dòng sau cùng để viết về mảng thơ về quê của anh – Nơi cội nguồn sinh ra câu Ví, Giặm . Đó là một hồn quê mà chỉ  vài nét chấm phá anh đã phác họa thật ấn tượng cảnh vật nơi đây với bao tâm trạng vơi đầy bao nỗi niềm chan chứa cả bao thân phận nữa: “Tiếng gà gáy le te trên đỉnh dốc – Bên chân cầu bìm bịp gọi nước lên”. Hay một chợ quê cũng như bao chợ quê khác,  nhưng chợ kí ức nơi đây có một nét riêng miền quê Hà Tĩnh chịu thương chịu khó: “Chợ quê – Những mái lều – Mưa nắng gió lung lay – Tiếng gọi nhau vẫn đong đầy mỗi sáng”. Chỉ với hai chữ “đong đầy” đã cho ta cảm thấu lắng sâu và lan tỏa da diết một tình yêu quể hương nguồn cội trong thơ Trần Vũ Thìn. Chỉ bấy nhiêu gợi mở mà cho thấy cả một miền thương nhớ dào dạt. Thơ Trần Vũ Thìn là thế có lúc anh quên mình làm thơ mà chỉ mong mỏi viết ra, ghi lại những cảm xúc thành thật, chân chất để gửi gắm để sẽ chia để cảm thông như một “Nhật ký tâm trạng” khi đi qua những vùng đất khắp mọi miền đất nước, khi định vị một dấu mốc cuộc đời. Và trên hết thơ anh cho ta thấy chân dung một con người, chân dung một vùng quê, chân dung một thế hệ. Chính vì những điều ấy mà tôi trân trọng giới thiệu tập thơ”Câu Ví, Giặm quê mình” của Trần Vũ Thìn đến với bạn đọc.

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 12 năm 2019

 Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

. . . . .
Loading the player...