14-07-2017 - 23:48

"Hồ Chí Minh sống mãi" của tác giả Đặng Duy Báu

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, chúng tôi trân trọng giới thiệu một số bài viết rút từ tuyển sách " Hồ Chí Minh sống mãi" của Tiến sĩ Đặng Duy Báu (Nhà báo Hoàng Duy), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, NXB Hội nhà văn, năm 2017.

 
LỜI GIỚI THIỆU
 
Tiến sĩ Đặng Duy Báu (Nhà báo Hoàng Duy) nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, người đã có nhiều bài viết tâm huyết, sâu sắc về chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương. Nội dung các bài viết tìm hiểu, giới thiệu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những biểu hiện sinh động, cụ thể; những cống hiến xuất sắc của Người về mặt lý luận, thực tiễn cho cách mạng Việt Nam và thế giới; về những tình cảm đặc biệt của Người dành cho tỉnh Hà Tĩnh và Hà Tĩnh làm theo lời Bác.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 – 15/6/2017), tác giả Đặng Duy Báu đã tuyển chọn 60 bài viết tiêu biểu in thành cuốn sách “Hồ Chí Minh sống mãi”. Đây là ấn phẩm có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong nội bộ. Cuốn sách sẽ góp phần giúp người đọc hiểu sâu sắc và hoàn thiện hơn về người anh hung vĩ đại của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới; là tài liệu tham khảo có giá trị cho cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
                                                                   Hà Tĩnh, ngày 19/5/2017
                                                        BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY HÀ TĨNH

 

Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị cán bộ tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp Bác về thăm tỉnh Hà Tĩnh (15/6/1957) (Ảnh: Tư liệu)


GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN CAO CẢ CỦA HỒ CHÍ MINH


Điểm xuyên suốt trong tầm tư duy của Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là đấu tranh để giải phóng để con người được sống tự do, bình đẳng; mục tiêu cao cả chiến đấu trọn đời của nhà cách mạng Hồ Chí Minh là giành độc lập dân tộc, mang đến ấm no, hạnh phúc cho mọi người “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Như là định mệnh của lịch sử, trên con đường hoạt động cách mạng với việc xác định con người là mục tiêu cao nhất đã đưa Hồ Chí Minh bắt gặp được Chủ nghĩa Mác – Lênin và nước Nga Xô viết non trẻ. Ở đó cách mạng nhằm giải phóng triệt để con người, xây dựng một xã hội mới để thực sự đem lại ấm no hạnh phúc cho con người, từ đó Người đi đến kết luận muốn giải phóng con người phải gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Quả thật không đơn giản, khi mà các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây đang trở thành mẫu mực định hướng cho sự phát triển của nhân loại, thì bằng con mắt tinh tường, bằng trái tim nhân ái, bằng khát khao giải phóng con người một cách thực chất nhất, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân cho cách mạng Việt Nam “đó là con đường làm cách mạng vô sản”. Bởi chỉ có cách mạng vô sản thì mới giải phóng triệt để cho những người bị áp bức, những người nghèo khổ thoát khỏi áp bức bóc lột, điều mà Người khát khao mong muốn trong quá trình đi tìm đường cứu nước: “Tôi muốn ra nước ngoài, đến nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét xong tôi sẽ quay về giúp đồng bào”. Chính mục tiêu này mà trong hành trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã reo lên khi đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin.
Điều mà Hồ Chí Minh nhận ra đó là, con người vừa là mục tiêu đồng thời vừa là lực lượng của cách mạng để giải phóng con người. Hồ Chí Minh khẳng định công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục đích đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người phải do chính bản thân con người thực hiện. Con người với tất cả sức mạnh vật chất và tinh thần khi đại đoàn kết, thống nhất lại sẻ trở thành động lực vô bờ bến có tính quyết định để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng giải phóng cho mình. Nhìn nhận được vai trò, sức mạnh của con người trong tiến trình cách mạng, ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Người đã khẳng định cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc riêng của một hai người. Trong “Sách lược vắn tắt của Đảng”, Hồ Chí Minh đã nêu ra chủ trương: “Đảng phải phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân việt… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đứng trước những thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu vì nước, vì dân rất ngắn gọn, rõ ràng, đó là “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Trong lúc khó khăn và thử thách trực tiếp đe dọa sự sống còn của chính quyển cách mạng, Hồ Chí Minh đã có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Người cho rằng chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn đó khi “toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để đánh thắng kẻ thù và bảo vệ nền độc lập dân tộc với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, Người đã kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia trai gái, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc”. Với đường lối “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh” để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi vẻ vang, không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, giải phóng áp lực bóc lột trên toàn cầu.
Khi bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người nói: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của Nhân dân”. Cho nên đứng trước những khó khăn sự chống phá của chủ nghĩa tư bản và đế quốc, hay thói quen và các hủ tục lạc hậu, chủ nghĩa cá nhân, sống tư lợi… cần phải được nhận biết để bình tĩnh và kiên trì giáo dục làm cho dân hiểu. Người căn dặn: “Chúng ta phải có những bước đi phù hợp, tránh tư tưởng nôn nóng, chụp mũ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người luôn nhắc nhở : “Phải làm cho dân biết, dân hiểu được mục đích của chủ nghĩa xã hội là nhằm mang cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần, đó là mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của con người”. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người khuyên “mỗi người làm việc hăng hái”, một phần để xây dựng miền Bắc, một phần để đánh Mỹ. Người tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc của nhân dân và cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Với tình cảm và lòng yêu thương con người sâu sắc, Hồ Chí Minh suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng con người. Ở Người với tình cảm yêu thương vô hạn dành cho con người nên đã luôn coi mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng là hướng đến giải phóng con người, đem lại hạnh phúc cho con người và chính con người với sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của mình lại là động lực chủ yếu để thực hiện thắng lợi mục tiêu mang tính nhân văn cao cả của sự nghiệp cách mạng.
Có thể nói tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh luôn lấy con người, lòng dân là trung tâm. Với lòng bác ái bao la, suốt cuộc đời cách mạng của Người luôn coi việc giải phóng con người, đem lại tự do hạnh phúc cho con người là mục tiêu lớn nhất mà Người hướng tới. Với Người “bao nhiêu lợi ích cũng là cho dân, bao nhiêu quyền lợi cũng mang đến cho dân, bao nhiêu quyền hành cũng do dân quyết định”. Ngày nay, tư tưởng đó đang được Đảng ta phát huy và phấn đấu thực hiện trong sự nghiệp đổi mới với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 
HỒ CHÍ MINH VỚI CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG


Đội ngũ làm công tác tư tưởng chúng ta tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác tư tưởng tiêu biểu và đặc biệt xuất sắc. Người là nhà nghiên cứu lý luận chính trị thiên tài (tác giả hàng chục quyển sách về lí luận cách mạng), là nhà báo lớn (tác giả hơn 2000 bài báo), là giảng viên lí luận và nhà cổ động chính trị xuất chúng. Người tự nhận: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận, gọi là tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi”. Nói đến công tác tuyên truyền của Đảng, nhiều lần Hồ Chí Minh đề cập về nhân cách người cán bộ làm công tác tư tưởng.
Trước hết cán bộ làm công tác tư tưởng phải có những phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng mẫu mực. Đó là trung thành tuyệt đối với đường lối, quan điểm của Đảng, không mơ hồ dao động trước những diễn biến phức tạp của tiến trình cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng, trong đạo đức cách mạng thì quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng là điều mấu chốt nhất. Người làm công tác tư tưởng phải là những tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, thể hiện ở tâm huyết của mình với công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện; ở lối sống lành mạnh, giản dị không cơ hội, phô trương; có tình yêu thương lòng nhân ái, không thờ ơ vô cảm. Cán bộ làm công tác tư tưởng phải là “tấm gương sống” đối với mọi người xung quanh. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, đối với họ tấm gương sang còn giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người chỉ ra nhược điểm của một số cán bộ làm công tác tư tưởng: “Anh em lầm tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân”.
Hồ Chí Minh yêu cầu rất cao đối với năng lực cán bộ làm công tác tư tưởng. Vì công tác tư tưởng được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, với mọi đối tượng khác nhau, nên người làm tư tưởng phải am hiểu nhiều lĩnh vực, biết vận dụng, biến hóa phù hợp với đối tượng, với tình hình. Bởi vậy Người khuyên: “Cán bộ làm tuyên truyền phải học tập không ngừng, học ở mọi người, mọi lúc để làm giàu vốn tri thức hiểu biết của mình”. Trong thời đại ngày nay người làm công tác tư tưởng phải có tri thức văn hóa tổng hợp, có trình độ lý luận chính trị vững vàng, am hiểu cuộc sống thực tiễn sâu sắc. Trước sự bùng nổ thông tin và nhiều vấn đề phức tạp thường nẩy sinh trong xã hội, yêu cầu cán bộ làm công tác tư tưởng phải có bản lĩnh, có năng lực và kiến thức cơ bản để đủ sức tiếp thu cái mới, có được tư duy độc lập, sáng tạo, bắt nhập với cuộc sống diễn biến hàng ngày một cách chủ động không máy móc theo lối mòn, nhưng cũng không tùy tiện vô nguyên tắc.
Theo Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác tư tưởng phải luôn luôn luôn gắn lí luận với thực tiễn. Lí luận là cái nền cơ bản được vận dụng vào thực tiễn biến hóa sinh động. Người nói: “Lí luận như cái tên (hoặc viên đạn), thực tiễn như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”. Hồ Chí Minh là một nhà lí luận, nhưng Người rất ghét lí luận suông, Người nói: “Dù xem được hàng vạn quyển sách lí luận, nếu không biết đem ra thực hành thì khác nào một hòm đựng sách”. Người khuyên cán bộ lý luận phải có tư duy độc lập, luôn đặt ra câu hỏi “vì sao” để có lí giải sáng tạo, hết sức tránh máy móc giáo điều. Người căn dặn nói cái gì, làm cái gì “cũng phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lí không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều, chạy theo phong trào một cách mù quáng. Phải suy nghĩ chín chắn”.
Đối với cán bộ tuyên truyền, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải có phẩm chất và năng lực của nhà sư phạm, phải mô phạm trên diễn đàn, phải nói đi đôi với làm trong cuộc sống. Ngoài nội dung chính xác, đúng với đường lối của Đảng, giàu thông tin thì cần có ngôn ngữ khúc chiết, giàu sức truyền cảm, phù hợp với nhu cầu và trình độ từng đối tượng… Người nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể thiết thực. Tuyên truyền cái gì, tuyên truyền cho ai, tuyên truyền để làm gì, tuyên truyền cách thế nào?”. Người cán bộ tuyên truyền cần phải hiểu sâu vấn đề được tuyên truyền, biết cách nói sao cho đơn giản, rõ rang, thiết thực, có đầu có đuôi và nhất là “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, trích Lênin làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào làm cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được đó là nói được Chủ nghĩa Mác Lênin”. Nói chuyện với các nhà báo, Người căn dặn: “Nhà báo cũng là nhà tuyên truyền quan trọng của Đảng, phải theo sát thực tiễn xã hội…, phải viết ngắn gọn sao cho quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo”. Lúc nào nói đến tuyên truyền, Người cũng chú ý đến đối tượng tuyên truyền, theo Người: “Muốn tuyên truyền quần chúng phải học cách nói quần chúng, mới lọt tai quần chúng”. Là nhà sư phạm mẫu mực, nên khi nói với cán bộ tuyên truyền Người nhắc nhở, muốn nói gì phải chuẩn bị kỹ càng, phải có đề cương giáo án, tránh tình trạng “trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lấy lại những cái người khác đã nói, hoặc lấy lại cái mình đã nói. Lúng túng như gà mắc tóc”. Người căn dặn chúng ta chỉ nói và viết khi cần thiết, “không biết rõ, không hiểu rõ, không cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, nhân cách của cán bộ làm công tác tư tưởng hiện nay là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức và lối sống, có tri thức văn hóa, nắm vững lí luận chính trị, có trình độ chuyên môn sâu sắc, có năng lực nói và viết, năng động sáng tạo, nhạy bén chính trị, luôn bám sát thực tiễn để đổi mới công tác của mình. Học tập cách làm công tác tư tưởng Hồ Chí Minh, ghi nhớ lời căn dặn của nhà làm công tác tư tưởng tài ba, cán bộ làm công tác tư tưởng không ngừng phấn đấu bồi đắp phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo tấm gương và lời dạy của Người.
 

Các đại biểu tham dự chương trình thơ- nhạc do Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh tổ chức đêm 06/6/2017 tại tp Hà Tĩnh

NHÀ BÁO HỒ CHÍ MINH

 
Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà Người còn là một cay bút sắc sảo, một nhà báo tầm cỡ quốc tế. Từ những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, Người đã trực tiếp viết rất nhiều bài báo đăng ở các báo và tạp chí của các nước như Pháp, Nga, Trung Quốc… Hồ Chí Minh là người sáng lập ra hàng chục tờ báo ở ngoài nước và trong nước, trong đó có tờ báo “Thanh niên” là tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Qua tư liệu và các thông tin từ thực tiễn cùng với việc lăn lộn trong giới công – nông, với các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra ở đâu cũng có kẻ áp bức và người bị áp bức. Đó là một thực tế, là chất liệu sống để Người viết ra những bài báo bênh vực lớp người khốn khổ dù họ là dân tộc nào, màu da gì, Hồ Chí Minh nhận thấy té ra đi xâm lược Việt Nam, nhưng do bị nhà cầm quyền Pháp bưng bít thông tin nên người dân Pháp hiểu rất ít về Việt Nam, về Đông Dương, họ chỉ biết chung chung có một “xứ An Nam, xứ Đông Dương đâu đó trên thế giới”! Để cho người dân Pháp biết rõ sự thật ở Việt Nam, Người đã dùng phương tiện truyền thông là báo chí. Người đã viết nhiều bài báo tố cáo thực trạng ở Việt Nam, ở Đông Dương đăng trên các báo “Đời sống thợ thuyền”, “Nhân loại”… Thấy được vị trí của báo chí là một công cụ, là vũ khí đấu tranh cách mạng, nên từ một người hoạt động cách mạng Người đã đến với báo chí. Năm 1922 Người đã lập ra tờ báo “Người cùng khổ”, một tờ báo cách mạng mang tính quốc tế nhằm tố cáo cho thế giới biết về nỗi cơ cực của người lao động và sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị. Số báo đầu tiên của báo “Người cùng khổ” ra mắt bạn đọc vào ngày 01/4/1922, được viết bằng ba thứ tiếng Pháp, Trung Quốc và Ả Rập. Thật là đặc biệt, Hồ Chí Minh vừa là chủ bút, vừa làm biên tập, vừa là phóng viên, là tác giả của nhiều bài viết ở nhiều thể loại, trong đó có nhiều bức tranh và bài viết châm biếm. Báo “Người cùng khổ” qua tay các thủy thủ vượt đại dương được đưa về truyền bá trong nước, góp phần khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của Nhân dân ta.
Năm 1924, Hồ Chí Minh về Quảng Châu (Trung Quốc) mở các lớp huấn luyện cho thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” và cho ra đời tờ báo “Thanh niên” cơ quan ngôn luận của Hội. Báo “Thanh niên” số ra đầu tiên vào ngày 21/6/1925, đến tháng 4/1927 đã ra được 88 số bằng tiếng Việt. Tháng 12/1926, Người lập ra báo “Công nông”; tháng 2/1927, Người lập ra báo “Lính cách mệnh” (tiền thân báo “Quân đội nhân dân”). Những tờ báo do Người sáng lập đều có tiêu chí chung là lên án chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh giành độc lập; là công cụ để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng đối với các dân tộc thuộc địa; chuẩn bị cơ sở lí luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới ở Việt Nam có đủ năng lực và bản lĩnh lãnh đạo Nhân dân đứng lên đánh đổ ách áp bức của thực dân Pháp và phong kiến giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân, đưa đất nước Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh là người sáng lập ra “Tạp chí đỏ” xuất bản từ tháng 6/1930, là người góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo và viết bài cho các báo của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật như báo “Búa liềm”, “Tranh đấu”… đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương đề ra đường lối chiến lược với mục tiêu hàng đầu của cách mạng là giành độc lập dân tộc. Thành lập “Mặt trận Việt Minh”, lập ra tờ báo “Việt Nam độc lập” và báo “Cứu quốc”. Các tờ báo này là cơ quan ngôn luận góp phần rất quan trọng trong việc thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh trong giai đoạn khó khăn của cách mạng ở thời kỳ tiền khởi nghĩa và đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, báo “Sự thật” được chuyển thành báo “Nhân dân” (Số ra đầu tiên ngày 11/3/1951) là cơ quan ngôn luận chính thức, gần gũi, sâu rộng và thiết thực đối với đông đảo quần chúng. Hồ Chí Minh là người cộng tác viên rất đặc biệt của báo “Nhân dân”. Chỉ tính từ ngày 11/3/1951 đến 01/6/1969 báo “Nhân dân” đã đăng 1205 bài viết của Người với 23 bút danh khác nhau.
Từ khi xuất dương đi tìm đường cứu nước cho đến giây phút cuối cùng của đời mình, bên cạnh vai trò là một nhà lãnh đạo cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn là một nhà báo sắc bén và gần gũi với mọi người. Người không có thẻ nhà báo, nhưng Người là một nhà báo vĩ đại, đối với Người cầm bút viết báo cũng là cầm vũ khí để chiến đấu của người làm cách mạng. Thật là tự hào cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có được một người đồng nghiệp tiền bối là nhà báo Hồ Chí Minh. Và hôm nay, đang rất thời sự chúng ta vẫn học tập được rất nhiều điều ở Người, từ sự nghiệp làm báo cách mạng cho đến những điều cụ thể về nghiệp vụ báo chí như mục đích viết, phong cách viết, nội dung viết, tính trung thực, tính khách quan, tính quần chúng và đặc biệt là động cơ, ý thức và đạo đức người làm báo. Đây chính là tài sản vô giá mà nhà báo Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ làm báo của chúng ta trước những biến động của thời cuộc, cũng như trước sự phát triển đa dạng và muôn màu nhiều chiều của báo chí trong sự nghiệp đổi mới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu ( đứng thứ tư bên phải sang)
cùng các đ/c lãnh đạo tỉnh dự họp BCH Hội VHNT những năm đầu tách tỉnh
. . . . .
Loading the player...