20-07-2021 - 00:20

Huyền thoại mẹ và rừng thông

Kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Huyền thoại mẹ và rừng thông” của cô giáo Trịnh Thị Nga – Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện – Hương Sơn

Ai từ nơi xa đến miền Trung vào mùa nắng cháy giữa cơn gió Lào bỏng rát, thường không khỏi than phiền về cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Gió từ  những nơi xa xôi thổi qua xứ sở Triệu Voi, vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, hút bao nhiêu cái nắng, cái nóng để phả ra hết vào “đòn gánh hai đầu đất nước”. Nhưng những ai sinh ra bên núi Nầm sông Phố, khi xa quê rồi mà chẳng réo rắt trong tâm trí hàng thông reo bốn mùa bên dãy núi Nầm trầm mặc. Rừng thông xanh kiên cường qua bao nhiêu nắng mưa lửa đạn của quân thù. Rừng thông xanh kiên cường qua những ngày nắng nóng thiêu đốt. Rừng cháy, cháy liền mấy ngày đêm, thân cây trơ trụi khóc đỏ tựa máu... Vậy mà kì lạ thay, loài cây ấy lại vẫn vạch đất khô mà hồi sinh, mà đứng dậy.

Toàn cảnh nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Nầm - Hương Sơn. Ảnh: Minh Lý

Chiều nay bên đồi thông reo nghi ngút, gió Lào thổi nhẹ hơn vì như đã mệt sau mấy ngày liên tục quạt lửa, ánh mắt mẹ miên man thương nhớ trong làn khói hương phảng phất ở nghĩa trang liệt sĩ Nầm. Nấm mộ khắc tên con mẹ. Nấm mộ này cũng khắc tên con mẹ. Nấm mộ không có tên. Nấm mộ người đồng đội của con. Nấm mộ ai bên cỏ xanh rì, nấm mộ tha hương... Ôi những nấm mộ chiều nay...

Chiều bảng lảng, chiều dần trôi. Dòng sông Phố chảy từ đại ngàn, đến bên Rú Nầm thì quanh co uốn lượn. Nước sông ngày hạ chơi vơi trong nắng và gió Lào. Mẹ ngồi trầm mặc nhìn lên hàng thông reo vi vút. Thông sống thật trường tồn. Những thân cây vươn lên mạnh mẽ đón lấy những tia nắng trong xanh nhất của bầu trời cao rộng. Có ai một chiều ngồi bên cầu Nầm, lắng nghe vi vu tiếng thông rì rào đầy huyễn hoặc trong gió? Thông ca hát tự bao giờ? Tự khi mẹ gánh những gánh chè từ vùng Sơn Thủy, Sơn Mai trĩu trịt, vượt qua làn đạn xối ở cầu Nầm, xuôi tận chợ Choi, chợ Gôi đổi cho con đọi* bánh đa, bánh đúc? Thông hát ca tự bao giờ? Từ thời các con của mẹ bé nhỏ lon ton, mỗi khi nghe tiếng máy bay Mỹ lại hốt hoảng chui xuống hầm trú nấp? Thông hát ca từ ngày xửa, ngày xưa... Ngày con trai, con gái của mẹ vừa tròn mười tám, mái tóc xanh bồng bềnh, đôi vai trần vạm vỡ và nối nghiệp cha từ giã mẹ lên đường. Mẹ ở lại với rừng thông quê hương, ở lại với đồi chè xanh mướt, ngóng trông và chờ đợi.

Mẹ yêu quê hương đất nước mình, yêu những chiều trời còn bảng lảng nắng, môi mẹ cười rung rung trong gió Lào mùa hạ, ngắm những đứa con thơ chơi chắt, chơi chuyền. Nước mát dòng sông và củ sắn, củ khoai nuôi con mẹ khôn lớn. Những đứa con của mẹ đẹp như cây thông giữa Rú Nầm vừa được tắm gội sau trận mưa đêm. Những đứa con xanh non, những đứa con mơn mởn... rạo rực và khát khao vươn lên đón nắng. Cuộc đời mẹ chắt chiu nên những đứa con. Chuyện kể tự ngày xưa, mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, nuôi dạy trăm con để chia nhau cai quản giang sơn. Bà mẹ nghèo của Thánh Gióng cũng từ nong cà, nong gạo mà nuôi con trở thành Phù Đổng. Ôi, huyền thoại nối tiếp huyền thoại, tự ngày xưa đến tận ngày nay. Những bà mẹ Việt Nam vĩ đại, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Rú Nầm có thổ nhưỡng khác những vùng đất khác. Thông nơi đây vì thế cũng có đặc trưng riêng. Không phải loài thông của xứ lạnh xa xôi nơi đất người, cũng không phải loài thông của Đà Lạt mơ huyền, cổ kính mộng mơ, bảng lảng sương mờ. Thông ở Rú Nầm chắt chiu dòng nước sông Ngàn Phố, chắt chiu chút mỡ màu từ sỏi đá, gom góp tằn tiện chút hơi ẩm trong gió và nắng miền Trung bỏng rát, rồi biến hóa thân hình sao cho lá thật nhỏ, thật nhọn. Chao ôi, cây cũng như người nơi đây, chẳng bao giờ dám hoang phí, suốt cả cuộc đời có mặt ở trần gian, là suốt cả một đời chỉ biết chắt chiu, gom góp...

Mẹ cũng vậy, mẹ cũng như thông. Để rồi những đứa con mang hình hài đẹp đẽ và tâm hồn đầy khát khao, đầy ý chí căm hờn lên đường ra trận. Mái tóc con gái mẹ dài như dòng sông Phố, đôi tay con trai mẹ rắn rỏi như thân cây thông rừng. Cuộc đời mẹ gom góp chắt chiu được gia tài ấy, mẹ dâng cho Tổ quốc của mẹ, mẹ dâng cho Tổ quốc của con.

Con ngõ này, con ngõ nhỏ nơi có hàng chè nghiêng nghiêng trong nắng, ba lần chứng kiến mẹ tiễn chồng, tiễn con trai, con gái lên đường. Rồi cũng con ngõ cô liêu ấy ấp ôm bóng mẹ liêu xiêu ba lần nhận tin dữ. Các con không về, lòng mẹ quặn đau...

Trong đôi mắt đã mờ đục vì bao dòng nước mắt tưởng cạn khô, mẹ bùi ngùi nhớ lại hình ảnh những đứa con của mẹ... Quyết tử cho tổ quốc hồi sinh! Chiều nay mẹ kể tôi nghe... Trận Thành Cổ giữa mùa hè đỏ lửa, tám mốt ngày đêm lòng mẹ như lửa cháy...Dòng Thạch Hãn rì rào sóng vỗ, có nghe lời khắc khoải của mẹ gọi tên con? Dáng các anh trên đường băng Tân Sơn Nhất, đã hi sinh rồi mà nòng súng vẫn thẳng hướng quân thù! Có phải “tên anh đã hóa thành tên đất nước”, hóa vào từng tấc đất ngọn cây, hóa vào hàng thông reo rì rào trên Rú Nầm chiều nay...Mẹ ngước nhìn hàng thông xanh vẫn rì rào ca hát, nước sông Ngàn Phố vẫn miệt mài chảy trôi, bao giờ các con mẹ quay về?

Chiều nay Rú Nầm vẫn rì rào thông reo. Những cây thông đã tái sinh từ trận cháy dữ dội mùa hè năm ngoái. Lửa cháy liền mấy ngày đêm, chỉ được dập tắt trong một cơn mưa dông bất chợt. Vậy mà loài thông trên Rú Nầm sống lại kì diệu. Một người trồng thông lấy nhựa trên Rú Nầm cho hay, thường sau đợt cháy, thông như càng hồi sinh mạnh mẽ hơn, từ lớp mùn của những thân cây khô héo trơ trụi, mầm non như được tiếp thêm sức sống mãnh liệt, nó lại vươn mình trong gió và bỏng cháy nắng miền Trung. Đời cây cũng thật kì lạ, những thân cây ngã xuống, những chiếc lá lìa cành, lại là nguồn sống cho những mầm non khác nhú lên, sinh sôi, nảy nở. Sống một cuộc đời như cây, như lá, bình dị vậy thôi mà cũng đẹp đẽ vô ngần.

Con của mẹ có thể cũng như chiếc lá, như loài cây. Con ngã xuống để đất nước mình được sống, để nắng lại xanh, khói lam chiều lại dìu dặt trên từng mái ngói, đàn em thơ lại ngụp lặn dưới dòng sông Phố hiền hòa, mênh mang. Và cả những hàng thông reo rì rào huyễn hoặc, rồi mai đây những dòng nhựa thơm lại đi khắp đất nước mình...

Đất nước hòa bình rồi, mà sao dòng lệ mẹ vẫn rơi?

T.T.N

 

______________

* Đọi: từ ngữ địa phương Hà Tĩnh, từ phổ thông là bát.

. . . . .
Loading the player...