Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu bài viết " Nhạc đồng quê" của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt (Đọc Nhạc đồng quê, tập truyện thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 2018; Mẹ cười, tập thơ thiếu nhi, Nxb Hội nhà văn của Nguyễn Văn Thanh)
Sau tập thơ viết cho thiếu nhi Quả từ đâu ra (Nxb Hội nhà văn, 2016), Nguyễn Văn Thanh ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tiếp 2 tập sách xinh xắn,đáng yêu: Mẹ cười (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2018) và Nhạc đồng quê (Nxb Kim Đồng, 2018). Đọc hai tập sách nhỏ, chúng ta hiểu rằng tác giả đang có cả một gia tài chất liệu thiên nhiên của đồng quê, làng quê và sự am hiểu sâu sắc về nó để trò chuyện với các em bằng những bài thơ vừa ngộ nghĩnh, hài hước vui tươi trong tư duy, hình ảnh vừa tinh tế, nhẹ nhõm tươi mới trong cảm xúc và những câu chuyện đồng thoại hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt của các em.
Tập thơ Mẹ cười gồm hơn 50 bài thơ, tác giả đã tạo ra được một không gian đồng quê thật đủ đầy, sinh động để các em có thể tìm thấy những điều thú vị trong đó: sở thích, hoạt động, tính cách của chú mèo, chú chó, đàn gà, đàn vịt, bác chim sâu, anh chích chòe, bông hoa dại…Từ con ngõ, vườn nhà, dẫn ra cánh đồng xanh mát, nơi mỗi bước chân đều có thể khám phá, cảm nhận ra bao điều mới mẻ. Ngoài thiên nhiên còn là cuộc sống sinh hoạt ở quê, với bố mẹ, ông bà, bạn bè, trường học... Tất cả đều gắn với một cái nhìn hiền hòa, bình yên, vui tươi: “Chích chòe cùng Gà trống/ Thức giấc từ tinh mơ/ Gọi mọi người: Dậy! Dậy!/ Một ngày mới đang chờ/ Bờ tre chim Cu Gáy/ Giục lúa đồng trổ bông/ Chào mào mừng rối rít/ Tìm ổi chín vườn ông/ Ơ kìa, cô Mèo Mướp/ Rửa mặt ngoài hàng hiên/ Đợi mặt trời thả xuống/ Tia nắng vàng đầu tiên (Ngày mới quê em), Mẹ Ngan chăm chỉ ấp/ Trứng nở ra ngan con/ Như những hạt nắng nhỏ/ Rúc rích bên lối mòn (Ngan mẹ và ngan con),Ơ sao mùa gặt đến/ Liềm hái ở nhà đây/ Trâu nằm mát bóng cây/ Chẳng có gì vội vã/… Gốc rạ phơi lởm chởm/ Tiếng xình xịch vang đồng/ Rơm bay thành cầu vồng/ Thóc tìm vào bao tải/.. Ơ đây rồi lời giải/ Rất nhanh phải không nào/ Cơ giới hóa đã vào/ Đồng quê em rồi đó (Lời giải)… Khả năng quan sát, cảm nhận và phát hiện là điều hết sức quan trọng trong tư duy, tâm hồn của lứa tuổi thiếu nhi. Bằng vào tình yêu thiên nhiên, bằng vào sự quan tâm thật cụ thể đến tất cả những sự vật, sự sống dù bé nhỏ trong đời sống hàng ngày, tác giả hướng các em nhỏ đến cách quan sát thế giới xung quanh, cảm nhận được sự phong phú, tươi mới và rộng mở của nó. Viết thơ cho thiếu nhi, Nguyễn Văn Thanh rất chú ý đến việc bồi đắp cho các em năng lực cảm xúc, tư duy.Các bài thơ trong tập, chủ yếu tác giả sử sụng thơ 5 chữ, một thể loại ngắn gọn dễ nhớ, dễ thuộc, nhí nhảnh vui tươi mà lại bắt đầu có chất suy tư rất thích hợp để truyền tải thông điệp về tình yêu, sự trân quý thiên nhiên, cỏ cây hoa lá và cuộc sống bình dị thường ngày. Trong xu hướng chung, trẻ em kể cả nông thôn và thành thị đang ngày càng xa dần thiên nhiên, ký ức về cỏ cây hoa lá, nắng mưa bốn mùa phai nhạt thì tác giả và những người cùng thời, khi viết cho các em, vẫn muốn tái tạo ký ức đẹp đẽ đó, duy trì nguồn mỹ cảm đó trong tâm hồn, nhận thức của các em.
Tập truyện Nhạc đồng quê do NXb Kim Đồng mua bản quyền xuất bản được trình bày bìa và hình minh họa rất đẹp, rất có hồn, thể hiện được đúng tinh thần vui tươi, hồn nhiên, trong sáng và giàu ý nghĩa nhân văn, giáo dục của những truyện đồng thoại cho trẻ em. Nhạc đồng quê và Mực là hai cốt truyện vận dụng triệt để hình thức truyện đồng thoại, mượn “tiếng chim lời thú”, giàu trí tưởng tượng, nghộ nghĩnh, thú vị, phù hợp với tâm lí tuổi thơ. Trong khu vườn rậm rạp, um tùm cây cối, chim chóc về trú ngụ của gia đình ông Thàng có gia đình Chích Chòe, nhân vật chính trong truyện, sinh sống. Các bạn đọc nhỏ tuổi bị lôi cuốn bởi câu chuyện của gia đình họ, từ lúc 4 anh em nhà Chích Chòe được sinh ra, bố mẹ phải vất vả nuôi nấng, cho đến lúc lớn lên, đi học, tự mình bay nhảy, hiểu được cuộc sống xung quanh… Với trí tưởng tượng vô cùng dồi dào, cùng cách kể chuyện sinh động, nhẹ nhàng, câu văn, hình ảnh đẹp, tinh tế và được chăm chút kỹ lưỡng, tác giả đã dựng lên được một câu chuyện thực sự sống động. Người đọc như được nhập vai vào câu chuyện của nhà Chích Chòe, cùng bay nhảy, vui chơi, làm việc, học hành với nhà Chích Chòe. Hơn thế, cùng buồn vui lo lắng, đồng cảm cùng tháng nắng ngày mưa cũng như niềm vui, cuộc sống an hòa mà cuối cùng gia đình Chích Chòe có được. Bạn đọc nhỏ tuổi theo dõi câu chuyện sẽ cảm nhận được cuộc sống bản thân mình trong đó. Câu chuyện nhà Chích Chòe là câu chuyện về cuộc sống gia đình bình thường đang diễn ra hàng ngày xung quanh, có màu sắc của cuộc sống hiện đại (Chích Chòe anh cũng có lúc sa đà nghiện game khiến bố mẹ lo lắng)…Bằng một cách nhẹ nhàng và “khá thông thái”, tác giả đã truyền những xúc động cho các em: cuộc sống có niềm vui, nỗi buồn, có lúc vất vả lo toan, có lúc thảnh thơi vui vẻ… Sau tất cả gia đình Chích Chòe có một mùa đông ấm áp, yênbình: “Nhà Chích Chòe không đi tránh rét. Nhà Chích Chòe dọn tới làm tổ trong bụi đuôi, tránh những cơn mưa gió cuối mùa đông và ngóng đợi mùa xuân đến. Cả nhà Chích Chòe vấn quấn quýt bên nhau. Sáng sáng, chúng bay xuống vườn rau tìm sâu, bắt rệp, chiều về, trong chiếc tổ ấm áp, chúng ngồi bên nhau ôn lại bao kỷ niệm vui buồn đã qua…”. Trên hết, chuyện nhà Chích Chòe gợi cho các em biết về sự cố gắng, nỗ lực, cách cư xử nhân ái, đối tốt với mọi người, biết yêu thương nhau và biết yêu mến cuộc sống… Một khúc nhạc đồng quê trong trẻo ấm áp và đầy xúc cảm.
N.T.N