20-06-2013 - 16:41

Lục thập - Thơ của Nguyễn Bá Thành, NXB Văn học 2012

XIN CÙNG BÈ BẠN CHO TA GIÃI BÀY
Đọc Lục thập - Thơ của Nguyễn Bá Thành, NXB Văn học 2012.

 

                                               TÔN PHƯƠNG LAN
 

Không phải sáu mươi tuổi anh mới làm thơ mà cho đến sáu mươi tuổi anh mới xuất bản tập thơ đầu với tên gọi Lục thập, bao gồm những bài thơ anh viết từ thuở còn là sinh viên cho tới nay.
Tôi học trước anh hai khóa nhưng cùng ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp, cùng đồng hương Hà Tĩnh tuy một người ở huyện giáp Lào, một người ở sát biển Đông. Quê tôi có tên trên bản đồ du lịch: Thiên Cầm- Cửa Nhượng. Còn quê anh có tên trên bản đồ thời tiết mùa hè: Hương Khê.
Nguyễn Bá Thành nhìn bề ngoài là con người không có cái hấp dẫn của người đẹp trai nhưng lại có vẻ dễ gần của con người chất phác. Những bạn bè anh đều biết, học chưa xong Đại học, năm 1972, nhập ngũ, anh được cấp trên gửi đi học tên lửa ở Liên xô. Năm 1976, xuất ngũ, anh về học tiếp rồi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. So với bạn bè cùng trang lứa, anh bảo vệ luận án Tiến sỹ sớm, được phong học hàm Phó Giáo sư sớm, là người Chủ nhiệm Khoa Văn khi tuổi còn trẻ và từng làm Tổng biên tập Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia. Biết hơn là chuyện khi kinh tế thị trường bung ra, vợ anh làm ăn bị vỡ nợ. Tài sản của gia đình bị xiết, rồi vợ chồng anh chia tay. Anh phải gây dựng lại cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Và gần đây là anh tái kết hôn. Tập thơ như một thứ nhật ký tâm hồn về những sự kiện của bản thân và gia đình anh ngoài những nghĩ suy về lý tưởng trước đây và về thời cuộc sau này, như mọi người cầm bút khác.
Là một chuyên gia nghiên cứu về thơ Việt Nam đương đại, về thơ Chế Lan Viên, nghĩa là các lý luận về lĩnh vực này anh không xa lạ. Vậy nhưng anh lại chọn một cách thể hiện mình trong thơ khá là dân dã. Cũng có lúc ồn ào, nhiều khi cũng đắng đót, có khi hóm hỉnh, chua chát. Tất cả các trạng thái tình cảm đó được anh bộc bạch để đến với đối tượng tiếp nhận không kén chọn, theo con đường ngắn nhất.  
Nguyễn Bá Thành rất có ý thức về gia đình, Tổ quốc. Những năm đi học ở Liên xô, anh luôn nghĩ về đất nước quê hương, về gia đình, đau đáu nỗi niềm thương quê nghèo đang bị chiến tranh tàn phá, về mẹ cha một nắng hai sương nhưng quanh năm vẫn thiếu đói. Cái tinh thần mà Chế Lan Viên viết “Ăn một miếng cơm cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” thấm đẫm trong loạt bài viết trong thời gian đó như Tập trận trên sa mạc, Chiều Bacu, Thao thức, Cối xay tre, máy bay và tên lửa... với chất giọng sử thi. Cũng như sau này, trở lại với đời thường những vấn đề thế sự trong thơ anh trở thành nhức nhối với một giọng trào lộng như kiểu ông đồ thời trước.   
Trong Lục thập, thế giới nhân vật phong phú nhất là những người ruột thịt của anh. Nguyễn Bá Thành muốn đưa đại gia đình của anh vào thế giới nghệ thuật thơ của mình, muốn thơ mình ghi lại “chân dung” những người thân từ các góc nhìn khác nhau, mà từ các mối quan hệ đó, một chân dung chính Nguyễn Bá Thành đã hiện lên khá rõ. Và giọng thơ dân dã là một lợi thế trong vai trò cầu nối để anh trải lòng, đưa thơ anh - tấm lòng anh đến với những nhân vật đó, với những độc giả có thể nói là không khó tính. Anh vẽ chân dung Ông nội, Bà nội, Ông ngoại, Bà ngoại, Cha tôi, mẹ (Đưa mẹ về quê, Văn tế mẹ) với ý thức không chỉ cho mình mà còn cho con cháu biết và nhớ về nguồn cội, tri ân các đấng sinh thành. Những con người ấy mang đậm cốt cách của con người xứ Nghệ, mang rõ dấu ấn của lịch sử đất nước thời mà họ sống: gian lao, cơ cực. Không ai giống ai nhưng chắc chắn trong số chúng ta, có thể nhìn thấy bóng dáng ông bà, cha mẹ của mình. Anh trải tấm lòng xót thương về đứa em trai hy sinh trong chiến tranh nhất là mỗi năm khi xuân về, khi đến ngày giỗ, thấy anh em mỗi người một cơ ngơi cả / Mình em không nhà không cửa / Cô hồn rày đó mai đây. (Giỗ em).
Ít có người viết nào bộc bạch những chuyện riêng tư  một cách lộ diện trong thơ như Nguyễn Bá Thành. Thông thường người viết nếu có thì chỉ đưa vào một ít, nói năng cũng xa xôi hơn và vì thế mà một số tác phẩm hình thành yếu tố tự truyện. Hoặc nhà văn viết hẳn ra là tiểu thuyết-tự truyện. Thậm chí trong hồi ký, người viết cũng có thể lược bỏ một số sự kiện nếu thấy không nhất thiết phải đưa vào. Nguyễn Bá Thành có thể nói là “dũng cảm” hơn khi phơi hết chuyện gia đình riêng lên trang giấy. Giấc mơ giàu sang đã đốt lòng vợ anh ngày tháng. Chị nhất quyết gia nhập thương trường và kết quả là vỡ nợ “Đồ đạc khuân hết ráo/ Rồi họ chiếm cả nhà/ Anh ôm cặp đi ra/ Con khóc lên khóc xuống…Em ơi em kinh hãi/ tiền lãi trả bằng lương/ Một giáo sư bình thường/ Hai trăm năm mới hết (Kể chuyện làm ăn). Anh và vợ sau sự kiện động trời ấy, đã phải chia tay: Một đời làm lụng khổ công / Về già lại hóa tay không từ đầu. / Không khanh tướng, chẳng công hầu / Không nhà không vợ, không trâu, không cày (Chia tay không tiền). Bài Gửi người vợ cũ cho ta hiểu: đây là một cuộc chia tay bất đắc dĩ. Xót xa. Đau đớn. Nhưng “đã chấp nhận cuộc chơi, có thành thì có bại”. Rồi thời gian cũng làm liền miệng những vết thương. Ngót mười lăm năm sau anh lập lại gia đình với một người phụ nữ cũng một mình nuôi con. Cái gia đình “rổ rá cạp lại” đó trở nên hạnh phúc bởi mỗi người đều chấp nhận và thông cảm nhau, bởi một ông bố trụ cột gia đình, thấm thía nỗi đời sau những mất mát, đổ vỡ, sau mười mấy năm cuộc sống đơn côi, chèo chống phục hồi, đã tỏ ra là người trải đời, thấu hiểu và và chấp nhận những “nghịch lý đời thường” mà người vợ mới đặt anh vào. Có thể thấy vị chát đắng của tình yêu, của hôn nhân bởi cái sự thật tréo ngoe khi một người đàn ông có vợ mới cưới mà vẫn chăn đơn gối chiếc, vẫn một mình một bóng trong căn phòng hạnh phúc Vợ ơi sao vợ không về/ Để chồng vò võ đêm khuya một mình?/ Giá như xô lệch đã đành/ Đằng này bát đĩa vẫn lành vẫn nguyên. Hỏi rồi tự trả lời, tự vạch phương án cho một gia đình hòa hợp Ruột bầu vợ húp chồng chan/ Râu tôm mỗi đứa ta san cho đều. (Tân “tân hôn biệt”, Vợ về với con, Sum họp một nhà). Độc giả đã từng rất xúc động về tình cảm của người con dâu đối với Mẹ chồng của Xuân Quỳnh, với một Chồng chị chồng em của Đoàn Thị Lam Luyến, giờ đây, sẽ có những chia sẻ, đồng cảm đối với Nguyễn Bá Thành khi anh viết về vợ cũ, vợ mới, về các con dâu, về thông gia với một tấm lòng yêu thương, trân trọng đầy nhân hậu mà người đời không dễ có. Cũng thật vui khi người đời đang “dùng tiền để chạy chức, dùng chức để kiếm tiền” thì ông Tổng biên tập này lại Chạy thôi chức: Từ chức từ quyền từ bổng lộc / Bỏ danh bỏ lợi bỏ chính trường / Hỏi rằng vì cớ chi ông chạy / Ông rằng: nhàn rỗi ấy đế vương!
Thơ viết về đề tài thế sự cũng là một mảng quan trọng trong Lục thập và gây được ấn tượng. Nếu như trước đây, anh cầm súng lên đường với tâm hồn nhẹ bỗng của một thanh niên say lý tưởng thì giờ đây, sao trĩu nặng? Tâm sự một đảng viên ở đây có lẽ là của không chỉ riêng anh. Bởi nạn hối lộ (Phong bì cấp II), nạn vô cảm, xa rời những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống của người cầm bút (Thờ ơ thơ, Thơ anh thơ em), bởi sự buồn cười của việc ra đề thi Đại học (Đề thi môn Văn), của sự chuyển đổi giá trị (Cảm ơn bác biếu rượu Nga, Đời em và đời con của em)… đang đặt ra như một vấn nạn xã hội. Với một giọng nhẩn nha, tưng tửng, anh ngẫm về thế sự, những việc diễn ra hàng ngày “mắt thấy tai nghe”. Ở mảng thơ này chất hu mua rất rõ. Nhiều khi bù lại sự dễ dãi ở đầu bài thì tính triết lý, chất trào phúng, sự bất ngờ thường nằm ở hai câu kết. Chẳng hạn Phong bì sắc nhọn như dao / Cắt đứt mọi thứ hàng rào kỷ cương (Phong bì cấp II). Hoặc Thơ ngáp ngắn, thơ nằm dài / Mặc cho cái ác, cái sai hoành hành (Thờ ơ thơ). Thơ anh thơ em lấy cảm hứng từ “vấn đề nữ quyền” đang nổi lên từ một số nhà thơ nữ thế hệ 8x. Vấn đề đó về một phương diện nào đó là rất chính đáng. Nhưng nếu thơ chỉ có thế thì liệu có để cho chúng ta suy nghĩ? Và đặt bài này bên Thờ ơ thơ thì rõ ràng đây không còn là một vấn đề chơi chữ, tạo sự đối lập  để câu khách! Bài Quê hương họa thơ Đỗ Trung Quân là một bài đậm chất Nguyễn Bá Thành: đối lập với những hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ trong thơ Đỗ Trung Quân là một quê hương vất vả vì chiến tranh, vì thiên tai, vì đói nghèo mà bản thân, gia đình anh đều đã trải. Cho đến tuổi ngoài sáu mươi, ký ức tuổi thơ như sống lại mỗi khi nghe tin quê nhà bị lũ lụt, thiên tai, mỗi dịp tết hè vẫn trở về hương khói cho ông bà, tổ tiên. Và cũng lại đầy chất hu mua trong hai câu kết Quê hương con luôn luôn nhớ / Nhưng con sống ở quê người. Một bất ngờ cho những ai thuộcbài thơ này, từng hát bài hát mà ca từ của bài thơ trên đã được Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Nhưng đây là một thực tế của nhiều người dân xứ Nghệ. Không sống ở quê không chỉ vì mưu sinh ở đấy khó khăn hơn, điều kiện sống ở đấy thiếu thốn hơn, vì thiên nhiên ở đấy khắc nghiệt hơn. Mà chính vì sống ở quê người nên càng cảm nhận rõ hơn cái khắc nghiệt của dải đất miền Trung với những thiên tai, địch họa là một trở ngại không nhỏ cho cuộc sống và sự phát triển của mỗi cá nhân.
Lục thập thích hợp với những độc giả dễ tính vì ở đấy là những mảnh đời cụ thể, rất đời thường, những chuyện đời của nhiều gia đình mà không phải ai cũng tìm ra sự đồng cảm, cách xử lý nhẹ nhõm như Nguyễn Bá Thành, được thể hiện một cách giản dị. Đương nhiên, lắm khi thơ anh thiếu đi sự tinh lọc cần thiết. Ranh giới giữa cái giản dị và dễ dãi trong cách thể hiện có đôi khi còn mỏng. Còn những câu thơ chưa được gọt rũa. Rất có thể anh làm thơ là để giãi bày, và đối tượng cần chia sẻ là những người độc giả không khó tính. Về thơ, anh đã không đầu tư như chuyên ngành lý luận phê bình. Hơn nữa, cũng khó có thể nói rằng anh lựa chọn lối viết này hay lối viết này phù hợp với cái tạng có ít nhiều chất đồ ở con người xứ Nghệ như anh. Dù sao mục tiêu của mọi người cầm bút là phấn đấu để có tác phẩm hay. Tôi chắc anh và nhiều người khác đồng ý với quan điểm này của tôi. Cái tình là quan trọng nhưng trong nghệ thuật để có những bài thơ hay cũng còn cần thêm những cái khác .
Lục tuần là một đứa con tinh thần của Nguyễn Bá Thành. Đặt nó bên các công trình nghiên cứu khác của anh, nó là một bản sao bổ sung vào chân dung, tính cách anh. Như dưới mái nhà hiện hữu của anh có các con cùng được hưởng sự đối xử công bằng từ cha mẹ. Tôi nghĩ là thế và tôi đọc nó bằng tấm lòng trân trọng.
 

                       Quan Nhân - Hà Nội,  Trung tuần tháng 6 năm 2013
TPL
. . . . .
Loading the player...