28-09-2021 - 00:39

MẶT TRỜI BÉ CON VÀ TRÁI TIM NGƯỜI MẸ QUA À ƠI TAY MẸ CỦA BÌNH NGUYÊN

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Dương Thị Huyên, giáo viên Trường THCS Lê văn Thiêm, Tp. Hà Tĩnh về bài thơ "À ơi tay mẹ" của Bình Nguyên

 

 

MẶT TRỜI BÉ CON VÀ TRÁI TIM NGƯỜI MẸ QUA

 À ƠI TAY MẸ CỦA BÌNH NGUYÊN

 

Đã qua bao mùa mưa nắng, đã chứng kiến bao đổi thay của một cuộc đời, đã hai lần làm mẹ nhưng mỗi lần nghe âm điệu À ơi cất lên tôi lại rưng rưng. Rưng rưng bởi thanh âm ấy quá đỗi ngọt ngào, quá đỗi thân quen mà ta chưa từng khám phá hết vỉa tầng sâu kín của nó. Rưng rưng bởi đằng sau thanh âm ấy ta là một đứa con bé bỏng được gói tròn tất cả yêu thương của mẹ. Và cũng sau thanh âm ấy là những tình yêu thương vô bờ bến ta dành cho sinh linh bé nhỏ của mình. Bà ru mẹ, mẹ ru con. Quy luật muôn đời vẫn vậy. Những cảm xúc ấy một lần nữa trở lại tha thiết với tất cả chúng ta qua bài À ơi tay mẹ của thi sĩ Bình Nguyên.

Bình Nguyên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, nhà thơ của cố đô Hoa Lư quen thuộc với độc giả qua những câu thơ lục bát hay, một thể thơ có thể dễ viết nhưng rất khó để viết hay. Nhiều câu thơ lục bát của Bình Nguyên găm vào trí nhớ bạn đọc thật khó quên như: “Trời cho em có thế thôi. Anh về bấu cỏ xước mười ngón tay”; hay “Có người thương nhớ cỏ may. Nhớ thương như cỏ găm đầy chiêm bao” (Nhớ quê). Và ta không thể không nhắc đến thi phẩm À ơi tay mẹ.

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

Bài thơ mở ra bằng một hình ảnh rất cụ thể, rất chân thực: bàn tay mẹ. Trên thế gian này có điều gì kỳ diệu hơn đôi bàn tay mẹ, đôi bàn tay gầy gầy, xương xương. Nhưng chính đôi bàn tay ấy giặt sạch chiếc áo ta mặc, đánh bóng đôi dày ta mang, thắp sáng ngọn đèn trên bàn học rồi nhẹ nhàng lau nước mắt mỗi khi ta vấp ngã. Như vậy, hình ảnh đôi bàn tay mẹ cụ thể, hữu hình nhưng lại ẩn chứa đằng sau đó là những giá trị lớn lao, kỳ diệu, giá trị của tình yêu thương – tình mẫu tử. Không chỉ dừng lại ở đó đôi bàn tay nhỏ bé, thô kệch của mẹ lại trở nên mạnh mẽ, lớn lao khi chắn mưa, chắn bão, để làm nên hạt gạo trắng ngần vỗ về, nuôi nấng đời con. Nét tài hoa từ việc khơi gợi ý thơ qua hình thức lục bát đã khơi gợi bản ngã trong tâm hồn nhà thơ Bình Nguyên. Anh đã chạm đến tình cảm nhân bản nhất, giá trị nhân văn sâu sắc nhất trong tâm hồn mỗi con người. Và cũng để từ đó âm điệu lời ru được cất lên:

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi

Lời ru quen thuộc bắt đầu bằng âm diệu ngọt ngào À ơi. À ơi là tiếng đệm trong lời ru. Ta đã từng bắt gặp trong nhiều lời hát ru ngân nga, quen thuộc:

  • À ơi

Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

  • À a à ơi.

Trưa hè bên chiếc võng đưa.

Mẹ ru con ngủ giữa trưa bóng tròn.

- À ơi…

Mạ ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà mạ đâu

  • À ơi…

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều

À ơi trong bài thơ được lặp lại nhiều lần. Tiếng ru đã trở thành đề tài cho rất nhiều bài thơ, bài hát. Có ai lớn lên mà không đọng mãi trong lòng tiếng ngọt ngào của mẹ ru con. Nghệ thuật điệp ngữ tạo nên âm hưởng êm đềm, nhịp nhàng, đều đặn, ru vỗ của tình mẹ dành cho con. Nếu ở những câu trên gợi đến đôi bàn tay mạnh mẽ, gẳng gỏi làm nên mùa vàng thì trong những câu thơ này bàn tay mẹ dịu dàng biết mấy. Bàn tay ấy đang cần mẫn bên vành nôi thơ bé, mềm mại đưa cánh võng yêu thương nâng giấc cho con. Lời ru cất lên từ trái tim với đôi mắt mong chờ, khao khát. Mẹ mong con từ sự đẹp đẽ, hồn nhiên ấu thơ hôm nay sẽ lớn lên, trưởng thành. Từ cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái mặt trời bé con của ngày hôm nay sẽ khôn lớn. Từ ngôi nhà bé nhỏ bàn chân con sẽ bước lên trên mọi dặm dài của đất nước, sẽ đến những nơi cha mẹ chưa từng được đến, sẽ khai phá, sẽ dựng xây và cống hiến cho đời.

          Trong bài thơ này, người đàn ông đi qua hơn nửa đời người đã hóa thân, nhập vai vào người mẹ - nhân vật trữ tình trong bài thơ để gọi đứa con bé bỏng bằng các từ ngữ: cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái mặt trời bé con, cái khuyết - những hình ảnh lớn lao, vĩnh hằng, vững bền của thiên nhiên vũ trụ. Hệ thống từ ngữ, hình ảnh đó cho người đọc thấy được sự yêu thương vô bờ, sự nâng niu, trìu mến của người mẹ dành cho con. Trên thế gian này hẳn có bao điều lớn lao, kỳ vĩ nhưng với mẹ, con là tất cả. Con là nguồn sống, là niềm hạnh phúc, là tất cả niềm hy vọng của mẹ. Đúng nửa thế kỷ trước ta đã từng bắt gặp tiếng nói tri âm, đồng điệu ấy của một người mẹ dân tộc Tà ôi miền Tây của Thừa Thiên Huế hát ru con – đứa bé đang lớn lên trên lưng mẹ trong thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng

(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

Cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái mặt trời bé con,… con là cả vũ trụ bé bỏng mà mẹ muốn nâng niu, nâng giấc trong vòng tay. Nét dung dị của thơ Bình Nguyên dần dần được bay bổng, hòa trộn với sắc cảm của không gian huyễn hoặc, đẹp đẽ, rộng lớn mênh mông làm nên những câu thơ hiện đại đáng ghi nhận.

         Không dừng lại ở đó, trong bài thơ này Bình Nguyên còn gây ấn tượng khá độc đáo với bạn đọc qua những câu thơ mang tính triết lý. Anh đã vượt qua cái hiện thực để đậu trên đôi cánh ảo mộng, bay lên trong giấc mơ thi ca bằng những câu thơ giàu chất suy tưởng về lời ru, về tình mẹ thao thiết chảy trong trái tim mỗi đứa con:

          Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái mặt trời bé con

Mai sau bể cạn non mòn

À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

Bàn tay mẹ - bàn tay mong manh đầy vết chai sần in sẹo của thời gian năm tháng hao gầy như có phép nhiệm mầu. Nhưng bàn tay biết hát ru diệu kỳ của mẹ không phải là phép nhiệm mầu của ông Bụt, bà Tiên trong thế giới huyễn hoặc của truyện cổ tích mà đó là phép nhiệm mầu đã sinh ra từ những việc chịu đựng nỗi vất vả, trải qua nhiều mưa nắng, nguyện hi sinh cả cuộc đời mà không màng đến bản thân. Bàn tay ấy đã chống đỡ, gặp phải biết bao gian khó để mang đến cho người con một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Bàn tay mẹ chắn mưa sa, chặn bao qua mùa màng, bàn tay thức cả một đời.  Mai sau dù có thế nào tay mẹ vẫn còn hát ru, ru cho mềm ngọn gió thu, cho tan đám sương mù, cho con lớn khôn. Không một sự yêu thương, bảo bọc nào có thể lớn hơn vòng tay mẹ. Chính đôi bàn tay nhỏ bé của người phụ nữ ấy đã đổ mồ hôi, đã tần tảo sớm hôm vì các con. Bàn tay mẹ tuy nhỏ bé nhưng đã nuôi lớn đàn con. Đôi bàn tay ấm áp đầy yêu thương ấy đã bế chúng con từ khi còn thơ. Bàn tay ấy dìu dắt chúng con từ những bước đi chập chững đầu tiên khi vào đời. Bàn tay ấy là cả một tình yêu thương bao la như một nhà thơ từng viết:

Bàn tay mẹ

Vì chúng con

Từ tay mẹ

Con lớn khôn

Với cảm xúc trào dâng, giọng thơ cứ ngậm ngùi, gieo vào lòng người những nỗi niềm bâng khuâng đến da diết; ý thơ toát lên nỗi niềm suy tư, chiêm nghiệm, trở trăn, lo toan:

Ru cho sóng lặng bãi bồi

Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu

Ru cho nín cái cơn đau

À ơi mẹ chẳng một câu ru mình.

Ở đây, ta bắt gặp sự đồng điệu của Bình Nguyên với Nguyễn Duy, dù phong cách viết giữa hai nhà thơ khác nhau. Sự đồng điệu ấy thể hiện ở câu thơ:

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

hay là
        Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
        Bà ru mẹ... mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.

Dường như có tiếng thở dài đang bị nén lại, dường như có chút gì đó ân hận, có chút gì áy náy còn day dứt trong lời mẹ ru. Đời mẹ đã trải qua bao bão giông, mưa nắng, bao đau đớn, đắng cay. Dường như qua lời ru con có thể cảm nhận được đầy ắp hình bóng, tình cảm và sự hy sinh của mẹ. Và cũng chính vì vậy, chúng ta – những đứa con, mặc dù đã “đi trọn kiếp người” nhưng “vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru” bởi cái lẽ ở đời mà mẹ từng ru dài rộng lắm, sâu sắc lắm; bởi bao nhiêu “lẽ đời” là bấy nhiêu tâm sự mà thế hệ những người bà, người mẹ gửi gắm trong lời ru.

         Như vậy, đến đây hình ảnh đôi bàn tay mẹ biết hát ru trong À ơi tay mẹ trở thành hình ảnh biểu tượng nghệ thuật. Biểu tượng cho những gian truân, vất vả mà người mẹ đã trải qua và đồng thời đó biểu tượng cho sự dịu dàng, ấm áp của tình mẫu tử thiêng liêng, vĩ đại của người mẹ dành cho người con bé bỏng của mình, biểu tượng cho sức mạnh kỳ diệu, mầu nhiệm của tình yêu thương, đức hy sinh thầm lặng của mẹ. Đó cũng là tình cảm chân tình từ đáy lòng nhà thơ khi nghĩ với người mẹ thân yêu. Bài thơ nhẹ nhàng đến với trái tim người đọc còn bởi những giá trị nhân văn, giá trị truyền thống dân gian từ ngàn đời nay. Hơn nữa nó không chỉ là một giọng thơ dịu dàng, đằm thắm, mà còn đọng lại triết lý nhân văn của tình mẫu tử. Đó chính là những giá trị tận cùng của thơ ca mà người nghệ sĩ luôn khao khát tìm kiếm như anh đã viết: “Khi nhận ra cuộc đời như dồn lại. Muốn bước thật dài, muốn chảy như sông”. Nhiều điều mới lạ đang mở ra trước mắt. Và, những lời ru của mẹ sẽ hiện về để chạm đến thiên đường của thi ca.

 

       Huyên Dương, GV Trường THCS Lê Văn Thiêm, TP Hà Tĩnh


 

 

 

. . . . .
Loading the player...