13-06-2024 - 01:58

Mấy kỷ niệm về Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh (20/7/1934 - 20/7/2024), 10 năm ngày mất (21/10/2014 - 21/10/2024) của Đại tá, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Mấy kỷ niệm về Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh” của tác giả Ngô Vĩnh Bình – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

       Nhà anh ở bên này sông Đuống, ngay trong khu tập thể nhà máy gỗ - diêm (nay thuộc phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội). Lần ấy, cách nay đã ba bốn mươi năm tôi dong xe đạp đạp theo dọc đường số một từ “phố nhà binh” - Lý Nam Đế đến thăm anh. Anh đang lững thững đi dạo dưới một giàn gấc quả rất sai và đang độ chín... Chúng tôi ngồi đối diện với nhau bên cái của sổ con nhìn ra những chân mạ đang kỳ “bánh tẻ” xanh đến lạ lùng. Cảnh sắc ấy làm tôi liên tưởng tới những vần thơ sắt lửa của anh in trong hai tập Gió vào trận bãoĐêm Quảng Trị, anh viết trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất. Mới vậy đấy mà đã “xa lắm rồi anh ơi”!. Hôm ấy, dù anh đã bước vào tuổi 50, vậy nhưng tóc chưa ngả màu sương và cái cười thì vẫn trẻ trung, hào phóng... Vậy mà hôm nay, anh đã đi về nơi rất xa, xa lắm!

     Phạm Ngọc Cảnh (còn có bút danh khác là Vũ Ngàn Chi) thuộc lớp nhà thơ xuất hiện ở những năm sắp vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ, nhưng cuộc đời cầm súng của anh thì sớm hơn. Anh tạm biệt cái thị xã Hà Tĩnh nhỏ và nghèo quê anh vào bộ đội lúc còn ở tuổi 13 và khoác áo lính liên tục từ đó tới ngày về hưu với quân hàm Đại tá, tổng cộng hơn bốn mươi năm dòng dã, đi gần trọn cả ba cuộc chiến tranh vệ quốc. Bây giờ bạn đọc biết anh là người làm thơ, nhưng đã có một thời người ta biết anh là một diễn viên kịch nói, một diễn viên khá quen thuộc với khán giả của Đoàn kich Quân đội những năm sáu mươi, ví như vai Trung úy Phương trong vở Nổi gió...

    Hãy khoan nói về quãng đời hoạt động sân khấu của anh để nói về một Phạm Ngọc Cảnh – nhà thơ, dẫu biết rằng anh duyên, nợ với sân khấu, với văn xuôi không ít.

    Phạm Ngọc Cảnh yêu thơ và làm thơ từ khi nào?. Điều đó chính anh cũng không còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng những năm 1957 – 1958 ở khu văn công quân đội có một diễn viên trẻ rất ham đọc các sách báo văn nghệ. Anh theo dõi không sót một số tạp chí Văn nghệVăn nghệ quân đội nào. Tôi còn lưu giữ được tờ tạp chí Văn nghệ số 20 (tháng 1-1959). Trong đó cái tên Phạm Ngọc Cảnh xuất hiện lần đầu, không phải dưới bài thơ mà là dưới mấy dòng rất ngắn trong mục Bạn đọc với Văn nghệ. Anh viết rằng: “nhìn cuộc sống như chuyến xe tốc hành mà chưa thấy cuộc sống đó trên báo chí tôi rất sốt ruột”. Có phải vì sự “sốt ruột” đó mà anh đến với thơ?. Có phải vì anh yêu cuộc sống mà anh yêu thơ?. Và, dường như sau cái lần “sốt ruột” đó, người ta thấy anh bắt đầu bước vào cuộc đời thơ. Cái tên Phạm Ngọc Cảnh tên giàu nữ tính ấy đồng thời được ghi vào trong các bảng phân vai và ký dưới các bài thơ. Thơ Phạm Ngọc Cảnh xuất hiện đều đều vừa như một sự chỉn chu, kiên nhẫn lại vừa như có sự bứt phá, khác người. Cùng làm thơ một lớp với anh dạo ấy đã có không ít người bỏ cuộc. Anh thuộc số rất ít người giữ được tấm lòng trước sau và hết mình với thơ. Anh tâm sự: “Ba bể, bốn bên của thơ đều rộng, chăm đi mà chẳng dễ thấy bờ”. Đến năm này Phạm Ngọc Cảnh đã in cả chục tập thơ. Tiêu biểu là các tập: Gió vào trận bão (in chung với Ngô Văn Phú, Hoài Anh - 1967), Đêm Quảng Trị (bút danh Vũ Ngàn Chi -1972). Ngọn lủa dòng sông (1976). Một tiếng Xa-ma-khi (in chung với Xuân Miễn, Duy Khán - 1981), Lối vào phía bắc (1982), Trăng sau rằm (1985), Đất hai vùng (1986), Nhặt lá (1995), Miền hương lặng (1992),  Bến tìm sông (2001), Khúc rong chơi (2002), Thơ Phạm Ngọc Cảnh (tuyển, 2003, 2013)... Và cũng có lẽ không có một tờ báo nào được xuất bản từ những năm bảy mươi đến hết thế kỷ XX vắt sang những năm đầu của thế kỷ này mà thiếu vắng thơ anh, tên anh. Tôi có lần bảo với anh cái ý ấy. Anh cười và nói rằng: các cụ dạy “quí hồ tinh bất quí hồ đa”, nhưng anh nói anh chủ trương “dĩ đa vi tinh”, nghĩa là phải làm thật nhiều để lọc lấy ít. Và anh nói thêm, mình có trăm bài, tức là mình có rất nhiều sự lựa chọn, có thể mạnh tay bỏ đi tới 90 bài, nhưng chỉ có 10 bài thì sự lựa chọn ít lắm, chắc gì dám bỏ đi 9 bài?... Và quả đúng như thế, cả đời Phạm Ngọc Cảnh đã sống cùng thơ, trăn trở cùng thơ; và thơ đã không phụ anh. Anh có nhiều bài thơ câu thơ sống được cùng năm tháng, trong số ấy có bài được những người yêu thơ chép vào sổ tay, đưa vào các tuyển thơ hay, in trong sách giáo khoa, đưa lên các diễn đàn văn chương luận bàn như các bài Sư đoàn, Trăng lên, Đêm Quảng Trị (bút danh Vũ Ngàn Chi), Lý ngựa ô- khúc sau cùng... và chùm Thơ ngoài thơ.

     Trăng lên anh làm năm 1984 là bài thơ viết về Bác dung dị và thành kính, tha thiết và giàu nhạc điệu. Có thể xem đây là một trong số những bài thơ hay viết về Bác. Vầng trăng Lăng Bác đẹp như vầng trăng cổ tích và Bác của chúng ta lại rất gần gũi đời thường, hai hình ảnh Bác và trăng gần gụi và cùng toả sáng:

       ... Con thấy cõi vô biên

       Không như lòng đã nghĩ

       Khi gặp nét thần tiên

       Trong khuôn vàng dung dị

       Trong lăng Bác chợt nghỉ

       Như sau mỗi việc làm

       Trăng ơi trăng biết thế

       Nên trăng bước nhẹ chăng!

     Bài thơ đã gieo vào lòng người đọc một nỗi xúc động, một niềm thành kính thiết tha. Ngay khi bài thơ mới viết xong, nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhạc và cho đến tận hôm nay bài hát Vầng trăng Ba Đình (nhạc Thuận Yến, thơ Phạm Ngọc Cảnh) vẫn là một trong những bài hát hay nhất viết về Bác Hồ được nhiều thế hệ người nghe ưa thích.

      Giữa những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử vừa qua, trong không khí đồng chí đồng bào cả nước đang tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi đã có dịp ngồi cùng với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm - nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng hiện là CCB ngụ tại phường Cống Vị (quận Ba Đình – Hà Nội) với tôi và thường đi tập thể dục buổi sáng trong công viên Thủ Lệ cùng tôi. Ông là một người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Nam - Lào, Tây- Nam Bộ, hai lần làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia và có 30 năm vinh dự là người lính làm nhiệm vụ “giữ yên giấc ngủ cho Người ”.

     Thiếu tướng bùi ngùi xúc động mở đầu câu chuyện: “Nếu như hôm nay (ngày anh vinh dự nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và cả nước Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ) có mặt đại tá - nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, đại tá – nhạc sĩ Thuận Yến, thiếu tướng – nhạc sĩ An Thuyên... những văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng bộ đội bảo vệ Lăng Bác suốt hơn 40 năm qua! Không bao giờ còn được gặp các anh nữa, nhưng dường như ngày nào; nhất là trong những ngày Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác tôi cũng được xem và nghe những tác phẩm của các anh…”. Nghe vậy, tôi muốn minh hoạ thêm ý của tướng Lâm rằng, không chỉ ông mà cả tôi, dẫu đã không còn ở “phố nhà binh” – con phố nằm không xa Lăng Bác, nhiều tối vẫn đưa cháu nội đi xem các chú bộ đội tiêu binh đứng gác dưới trăng... Và trong bát ngát quảng trường Ba Đình âm hưởng của bài hát Vầng trăng Ba Đình (Nhạc Thuận Yên phổ bài thơ Trăng lên của anh Cảnh) như cứ vang lên:

       Trăng lên kìa trăng lên

       Quảng trường dâng biển sáng

       Ơi vầng trăng, vầng trăng Ba Đình

       Mênh mông, mênh mông, mênh mông và thiêng liêng…

    Là một người có may mắn làm việc cùng một đơn vị với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong nhiều năm, tôi được biết sau khi rời sân khấu kịch anh đã từng lăn lội ở chiến trường Trị - Thiên, rồi có mặt tít trên Tây Nguyên, tận ngã ba Đông Dương xa xôi và ác liệt. Cũng lại có một dạo, có dễ đến gần mười năm anh làm biên tập viên rồi phụ trách phần thơ của Tạp chí  Văn nghệ Quân đội. Trong thời gian “trấn giữ” cửa thơ nơi “nhà số 4”, anh  đặc biệt chú ý đến những mầm non văn nghệ trẻ, các cây bút thơ chiến sĩ đang rèn luyện học tập và chiến đấu ở các đơn vị cơ sở. Anh vừa chỉ cho họ về nghề, vừa động viên họ trên tình bạn bè, đồng chí. Bây giờ nhiều cây bút trẻ dù đã thành danh ở Tuần báo Văn nghệ, báo Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản QĐND và nhiều địa phương khác trên cả nước... vẫn còn giữ nguyên những kỷ niệm đẹp về anh. Vào dịp tháng bảy một năm chúng tôi có nhận được một lá thư của một bạn viết đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thêm tư liệu về nhà thơ – liệt sĩ Vũ Đình Văn - nguyên là một trắc thủ tên lửa. Năm 20 tuổi, Vũ Đình Văn cùng đơn vị hành quân vào miền Trung “đón lõng” B52. Gần một năm nơi chiến trường ác liệt, rất nhiều đồng đội của Văn cùng ra đi từ giảng đường đại học đã hy sinh, nhưng anh vẫn nguyên lành trở về. Nhưng trong những ngày cuối cùng của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Hà Nội, Vũ Đình Văn đã ngã xuống và mang theo những khát vọng dở dang của tài thơ 22 tuổi. Trong lá thư ấy có kể về những lần nhà thơ trẻ đến “nhà số 4” và cùng anh Phạm Ngọc Cảnh trò chuyện rất bình đẳng tâm đắc về thơ, bất luận tuổi tác cấp bậc, thâm niên nghề nghiệp...

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (ngoài cùng, bên trái) cùng các cán bộ, BTV Tạp chí VNQĐ. Ảnh: vannghequandoi.com.vn

      Phạm Ngọc Cảnh còn được coi một trong số không nhiều nhà thơ có tài diễn thuyết, làm MC. Anh đã có hàng trăm buổi đăng đàn nói chuyện thơ với công chúng. Anh nói với sinh viên văn khoa các trường đại học, nói với các thày cô giáo giảng dạy văn học ở các trường phổ thông... và  có nhiều buổi khác anh dành thì giờ để tâm đắc với các cụ về hưu, các cựu chiến binh. Anh cũng chẳng chối từ khi đứng trước hàng trăm học trò nhỏ. Nhưng có lẽ nhiều hơn cả là các buổi nói chuyện với cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Anh đến các học viện, nhà trường, lên vùng biên giới phía bắc, vào thành phố Hồ Chí Minh, ra biên giới Tây - Nam và sang cả chiến trường Cămpuchia... gặp gỡ các chiến sĩ và tâm sự cùng họ. Biết anh là người hóm hỉnh và có duyên với công chúng, tôi đùa nói anh là “ông Maia của Việt Nam”. (Maia - nhà thơ Xô viết Maiacốpxki chủ trương “đưa thơ ra quảng trường” và “xuất bản miệng” thơ).

       Một con người trẻ trung và giàu nhiệt huyết với thơ, với đời, với người lính như vậy có ai biết, ai ngờ lại lâm vào những hoàn cảnh quá éo le! Sau cả chục năm chăm sóc vợ - chị Tỵ, người con gái làng Bưởi (anh có bài thơ Con rể làng Bưởi rất hay), một nữ văn công một thời xinh đẹp mắc trọng bệnh lại đến chính anh mắc bạo bệnh ấy!. Và, sau những năm tháng gồng mình chống trả bệnh tật, “vịn câu thơ mà đứng dậy”… nhà thơ của chúng ta đã ra đi để lại trong người thân và bè bạn một niềm thương tiếc lớn!.

                                                   

   Hà Nội, tháng 10 năm 2019

N.V.B

. . . . .
Loading the player...