Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 trân trọng giới thiệu bài viết “Một ngôi làng – Ba di sản văn hóa thế giới” của tác giả Lê Trần Sửu và Lê Hoài Thương
Làng Trường Lưu (nay gọi là Kim Song Trường), một làng quê bình dị nằm ở chân núi Cài, tên chữ là Sài Sơn, nổi danh ở đất Hoan Châu với danh hiệu “Sài Sơn - Tứ Diện Giai Công Hầu (Sài Sơn bốn mặt gặp Công thần).
Trong làng, dòng họ lớn nhất là dòng họ Nguyễn Huy, một đại vọng tộc vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1495), có Nguyễn Uyên Hậu thi đậu Ngũ Kinh bác sĩ vào thời điểm đó.
Đến đời thứ 10 là Nguyễn Huy Oánh, con trai Nguyễn Huy Tựu. Tuổi trẻ, Nguyễn Huy Oánh thông minh, đỉnh ngộ, lên 6 tuổi được cha rèn cặp theo nghiệp đèn sách, lên 10 tuổi bắt đầu được thụ giáo nhiều đại danh nho, năm 20 tuổi đỗ đầu khoa thi Hương Nhâm Tý (1732), ra làm tri huyện, tri phủ ở Cao Bằng nhưng vẫn kiên trì đèn sách, 15 năm sau, khoa thi Mậu Thìn, Cảnh Hưng thứ 9 (1748), đỗ Đình Nguyên Thám hoa lúc 38 tuổi, khai môn bậc đại khoa cho dòng họ Nguyễn Huy, định danh từ đây cho đến ngày nay.
Sau khi thi đỗ Thám hoa, Nguyễn Huy Oánh được giao nhiều trọng trách của triều đình. Ông là vị quan cần mẫn, tài năng. Khi làm quan võ ở nơi biên cương, ở vùng ven biển dẹp yên giặc giã, khi là vị quan văn làm giám khảo các kỳ thi Hương ở các liên tỉnh, làm phúc khảo , giám khảo rồi đề điện các kỳ thi Hội ở kinh đô và được cân nhắc là người đứng đầu Quốc Tử Giám – Trường Đại học duy nhất của đất nước kiêm dạy học cho thế tử Trịnh Sâm.
Năm 1783, Nhà Chúa muốn trao chức Tham Tụng cho ông để ông giúp ổn định tình hình nhưng ông kiên quyết từ chối, xin về quê sinh sống, mở rộng thêm Phúc Giang thư viện, tàng thư lớn của dòng họ và xây dựng “Trường Lưu học hiệu” một trường đại tập đào tạo cử nhân – tiến sĩ, biến ngôi làng Trường Lưu bé nhỏ, ở xa nơi đô hội thành một trung tâm văn hóa và học vấn của cả nước.
Về Phúc Giang thư viện ngoài việc thu gom, bổ sung thêm nhiều đầu sách quý, ông đã tự tay thảo ra “Phúc Giang thư viện khải nông” gồm những quy lệ rất chặt chẽ, tiến bộ, ngày nay vẫn còn giá trị thực tiễn. Ông đã đặt lên hàng đầu ý nghĩa to lớn của thư viện:
“Nối nguồn thơm từ Khổng Từ/ Rạng sống tốt bởi Núi Vi
Lấy văn trồng người mở kế trăm năm”
Về “Trường Lưu học hiệu” Nguyễn Huy Oánh đã xây dựng một trường đại học tư thục với mấy trăm học trò bốn phương về đây học hành, dùi mài kinh sử.
Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã phải lo liệu nơi ăn chốn nghỉ, giấy bút, đèn dầu rồi tổ chức lên lớp, sát hạch, giữ kỷ cương nền nếp của một trường Đại học tư thục thực sự chất lượng và có kết quả cao trong thi cử.
Từ lò đào tạo “Trường Lưu học hiệu” đã có 30 học trò đậu Tiến sĩ, hàng trăm học trò đậu cử nhân, hàng ngàn người đậu Tú Tài Hán học. Nhiều học trò đã trở thành các vị hiền tài của đất nước trong thế kỷ 18, 19, tiêu biểu như Phạm Nguyễn Du, Phạm Quý Thích…
Mộc bản trường học Phúc Giang đã được Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi danh vào danh mục Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh tư liệu
Để phục vụ cho việc học tập, thi cử ngoài những sách, tài liệu tại Phúc Giang thư viện chứa đựng hàng vạn quyển sách tài liệu quý, Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh còn chỉ đạo xưởng in ấn đặt ngay trong Phúc Giang học hiệu in ấn thêm những tài liệu tham khảo của các bậc đại nho, danh sĩ, triết gia nổi tiếng của Trung Hoa - Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Hàng mấy nghìn mộc bản gỗ thị đã được khắc in ở Phúc Giang thư viện và Trường lưu học hiệu, được lưu giữ ở Phúc Giang đã được UNESCO công nhận là những tài liệu phục vụ việc giáo dục khoa chữ chọn nhân tài cho quốc gia Đại Việt thời Hậu Lê để cùng với những di sản tư liệu thế giới khác như mộc bản triều Nguyễn 2009, Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long (2011), thơ văn khắc trên kiến trúc Cung Đình Huế (2016) chứng minh tính văn hiến của Quốc gia văn hiến văn hoá Đại Việt Việt Nam. Đó là Di sản văn hoá thế giới thứ nhất của làng Trường Lưu.
Năm Quý Dậu (1765) Nguyễn Huy Oánh được thăng chức Thiêm đô ngự sử và được cử làm Chánh Sứ dẫn đầu phái bộ sứ đoàn Việt Nam sang tuế cống nhà Thanh Trung Quốc.
Lộ trình của hành trình sứ bộ Việt Nam được chánh sứ Nguyễn Huy Oánh dẫn dắt cụ thể với những điểm tạm dừng, những điểm nghỉ ngơi đón tiếp, Chánh sứ Việt Nam ghi rõ địa danh theo bản đồ và nhiều hình ảnh thông tin phong phú quý giá, những cảnh cụ thể, những con người cụ thể với những thái độ, quan điểm ngoại giao cụ thể. Với phái bộ Việt Nam là luôn giữ đúng tư thế đại diện cho đất nước, độc lập, tự chủ, làm cho triều đình Đại Hán phải nể trọng, góp phần giữ sự hoà hiếu giữa hai dân tộc Việt Trung. Với các phái bộ Trung Hoa là sự chan hoà, nồng ấm, đối đãi chân thành trước sự uyên bác, trí tuệ nhưng khiêm nhường của phái bộ Việt.
Hoàng Hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: Báo HT
Tập Hoàng Hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) của Nguyễn Huy Oánh chấp bút diễn tả lại cuộc đi sứ rất đặc biệt của đoàn sứ bộ Việt Nam và cũng là quyển sách hiếm có trong công cuộc bang giao thế giới. Hoàng Hoa sứ trình đồ trở thành lưu bút đặc biệt của Việt Nam và cũng là một tập lưu bút đặc biệt của quan hệ ngoại giao trên thế giới. Nó đã trở thành Di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận năm 2018. Đó là di sản văn hoá thế giới thứ hai của làng Trường Lưu.
Ngày 26/11/2022, ủy ban ký ức thế giới UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương (MOWCAP) họp lần thứ 9 đã bỏ phiếu bầu chọn “Văn bản Hán Nôm làng Trường lưu (1689-1943) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) là bộ sưu tập gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ Nguyễn Huy, Trần Vân, họ Hoàng Vân tại làng Trường Lưu trong đó có 26 sắc lệnh của Hoàng đế triều đình Lê và nhà Nguyễn nhằm tôn vinh, tặng phong chức tước cho một số dân làng Trường Lưu, 19 văn bản giao dịch giữa cơ quan của nhà Nguyễn với người dân Trường Lưu và 3 bức trướng tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt. Toàn bộ tư liệu đều viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên giấy dó đặc biệt và lụa trong thời gian 1689-1943, đặc biệt có 6 tư liệu có nội dung về bình đẳng giới gồm 5 sắc phong vinh danh phụ nữ.
Các tư liệu này là những bằng chứng xác thực lịch sử của một thời kỳ trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, chính trị, danh nhân, đặc biệt là bình đẳng giới và vinh danh người phụ nữ, đề cao truyền thống học hành và tôn trọng người cao tuổi.
Các tư liệu trên được giáo sư tiến sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy chủ trì sưu tầm cùng với tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
L.T.S - L.H.T