Nhân dịp sắp đến ngày Quốc tế dành cho thiếu nhi 1/6/2013, nhà thơ Ngọc Phú chắc sẽ làm ngạc nhiên bạn đọc khi cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tập thơ “ Mùa chim” do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành vào tháng 5/2013.
Mùa chim- tập thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Phú
Nguyễn Ngọc Phú được mệnh danh là là nhà thơ của biển. Thật chưa công bằng khi được biết ngoài cái ầm ào, thẳm sâu của sóng được viết bằng tâm thức của một đời trai gắn bó với làng chài, anh vẫn có được những thành công khi khai thác những vùng đề tài khác như khi viết về khúc tráng ca Ngã ba Đồng Lộc, những bài thơ viết về quê. Nhân dịp sắp đến ngày Quốc tế dành cho thiếu nhi 1/6/2013, nhà thơ Ngọc Phú chắc sẽ làm ngạc nhiên bạn đọc khi cho ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi tập thơ “ Mùa chim” do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành vào tháng 5/2013.
“Mùa chim” chỉ vẻn vẹn gồm 45 bài. Thi liệu được tác giả đưa vào tập thơ là những cây, con, hiện tượng tự nhiên quanh mình mà bất cứ ai cũng gặp:, Cào cào, ve sầu, cá, cua càng, mực, chuồn chuồn, vịt, cây rơm, cây gạo, cây buồm, võng, mắt lưới.., cho đến những sự vật được gọi tên theo trí tưởng tượng của người viết: Hoa nắng, Cơn mưa mặc áo, Hạt điện, Quả đêm, Quả trăng, Tóc suối... Cho dẫu viết về cái gì, anh cũng tạo được bất ngờ bởi sự phát hiện độc đáo, của một cái nhìn ngơ ngác, non tơ, giàu chất đồng thoại: “ Nắng sàng qua mắt lá- Chấp chới nở thành hoa- Chú chuồn kim xâu chỉ- Thêu nắng lên mái nhà” ( Hoa nắng), “ Cây rơm không có lá - Nở một giấc mơ vàng- Cọng rơm gầy gò quá – Nuôi chín bao mùa màng” ( Cây rơm), “ Cua càng đi hội- Cõng nồi trên lưng - Vừa đi vừa thổi- Mùi xôi thơm lừng” ( Cua càng thổi xôi), “ Biển là tờ giấy thấm- Ngấm từ đêm sang ngày- Mặt trời là cục tẩy- Xoá tan bao màu mây” ( Biển và mặt trời), “ Chùm đèn trong phố nhỏ- Chín không bao giờ mềm- Quả thức khi em ngủ- Mới gọi là: Quả đêm” ( Quả đêm).
Sự nhặt nhạnh, gom góp những chi tiết có sức gợi cộng với trí tưởng tượng phong phú khiến mọi vật quanh ta hiện lên non tươi, sống động và luôn mang chở nhiều ý nghĩa. Thơ cho thiếu nhi của Ngọc Phú ít tính truyện, trừ bài “ Đánh giặc giả” gần trùng với phát hiện của một nhà thơ khác, chỉ khác chi tiết cuối gây bất ngờ vì một bên “ dẫm phải ổ kiến vàng” còn ở đây là “bất chợt tiếng diều sáo” khiến trò chơi không diễn ra đúng kịch bản mà đưa những đứa trẻ trở về một sự thật trần trụi hay thơ mộng hơn.
Có ai đó đã cho rằng: Viết cho người lớn đã khó, viết cho trẻ em lại càng khó hơn. Danh hoạ Picatxo cũng từng chiêm nghiệm: “Cần có thời gian lâu dài để trở thành trẻ nhỏ”. Nhà thơ Ngọc Phú đã tạo được dấu ấn riêng của mình trong những thi phẩm viết về những chủ đề rộng lớn của biển cả, Tổ quốc, quá khứ anh hùng của quê hương, dân tộc. Hy vọng “ Mùa chim”- một ấn phẩm của nhà thơ Ngọc Phú sẽ là món quà quý cho bạn đọc tuổi thơ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!