Đã kề cận cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng nghệ nhân Trần Văn Hoàng, thôn Trung Hậu, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ vẫn miệt mài với những câu ca, điệu ví, vần thơ ca ngợi đất và người nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Với những đóng góp tích cực của mình trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, năm 2017, ông Trần Văn Hoàng đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian
Nghệ nhân Trần Văn Hoàng
Nghệ nhân Trần Văn Hoàng sinh ra và lớn lên làng Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh(1). Mảnh đất này xưa kia nổi tiếng với nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm. Xuất phát từ địa văn hóa làng xã và nghề nghiệp, con gái Yên Hồ được ca tụng rất nhiều về sự đoan trang, chung thuỷ, xinh đẹp bằng các câu như: Muốn ăn xôi nếp đỗ chà/ Muốn xem gái đẹp thì ra Yên Hồ hoặc Trai Đông Thái, gái Yên Hồ…
Đối với bà con nhân dân xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, những làn điệu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hay những vần thơ do nghệ nhân Trần Văn Hoàng sáng tác được xem như là một món ăn tinh thần, đã trở nên quen thuộc với họ. Những tác phẩm “tự biên, tự diễn” của nghệ nhân Trần Văn Hoàng đã đi sâu vào đời sống của người dân nơi đây, bởi trong đó, có vẻ đẹp của con người; có màu sắc của đồng quê và có tình yêu của một nghệ nhân luôn nặng lòng với quê hương, xứ sở.
Nhờ duyên trời định và cái mã hào hoa phong nhã cùng với tài hát hay, bẻ chuyện giỏi, nghệ nhân Trần Văn Hoàng đã lọt vào mắt xanh của người đẹp Bùi Thị Liễu - cô gái con gái cùng làng cũng là người mê hát dân ca Nghệ Tĩnh. Họ quen nhau trong những đêm hát phường, hát hội và yêu nhau tha thiết.
Hai vợ chồng ông Hoàng bà Liễu sống với nhau đến nay đã được hơn 40 năm, giờ đây họ có 3 người con đều đã trưởng thành. Các con cháu trong nhà lớn lên cùng câu hát dân ca ngọt ngào của truyền thống gia đình. Điều đặc biệt là các thành viên trong gia đình nghệ nhân Trần Văn Hoàng từ ông, bà, cha, mẹ, cháu nội, cháu ngoại hầu hết đều hát hay và hay hát dân ca ví Giặm Nghệ Tĩnh. Tiêu biểu có anh Trần Văn Hùng (con trai), Trần Văn Dũng (con trai), Trần Khánh Linh (cháu nội), Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cháu ngoại) đã dành các giải cao trong các cuộc Liên hoan, hội thi các cấp và Nguyễn Thu Trang (cháu ngoại) tham gia giải Việt nhí.
Sau những năm tháng trong quân ngũ và cống hiến cho Ty Ngoại Thương Nghệ Tĩnh, năm 2006 nghệ nhân Trần Văn Hoàng về hưu và tham gia Hội Người cao tuổi của xã. Ông được mọi người tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, phụ trách mảng văn hóa xã hội. Năng nổ, nhiệt tình trong mọi việc, ông luôn hoàn thành tốt công tác của hội. Bên cạnh đó, nghệ nhân Trần Văn Hoàng vẫn sống trọn với niềm đam mê của mình, vẫn miệt mài cho ra những tác phẩm mới với đủ thể loại: Hò, vè, ví, giặm…và cả những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Những tác phẩm dân ca lời mới ngọt ngào, tình tứ và sâu lắng của ông giúp cho niềm đam mê dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được lan tỏa trong cộng đồng làng xã.
Rất nhiều người yêu thích các sáng tác của ông, đặc biệt là các cụ cao tuổi, bởi trong tác phẩm của nghệ nhân Trần Văn Hoàng, với cách thể hiện làn điệu và âm nhạc uyển chuyển, ca từ chải chuốt, nhờ vậy khán giả cảm nhận được vẻ đẹp của con người Yên Hồ, sự đổi mới, phát triển của thôn xóm cũng như tình yêu dành cho quê hương, đất nước. Sản phẩm do nghệ nhân Trần Văn Hoàng sáng tạo ra, gần như tham gia vào mọi hoạt động của địa phương, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nghệ nhân Trần Văn Hoàng đã bỏ tiền túi của mình để làm một đĩa CD gồm rất nhiều các sáng tác của ông về chủ đề nông thôn mới, và đã được xã sử dụng để phát trong mỗi lần đi tuyên truyền nông thôn mới ở các thôn xóm. Thường thì khi biến những nội dung về chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước vốn khô cứng thành những làn điệu dân ca ví, giặm mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc và ai cũng có thể hát được, đó là cách thức mà các thành viên của câu lạc bộ xã Yên Hồ áp dụng để tuyên truyền pháp luật trong thời gian qua. Tuyên truyền pháp luật thông qua dân ca ví, giặm không chỉ làm mới, phong phú thêm nội dung của di sản văn hóa phi vật thể mà còn góp phần tích cực và nâng cao hiệu quả trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2014 đến nay, nghệ nhân Trần Văn Hoàng liên tiếp được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm (phụ trách chuyên môn) của Câu lạc dân ca Ví Giặm xã Yên Hồ. Đến thời điểm này, ông không thể nhớ nổi mình đã cho ra bao nhiêu tác phẩm nữa, chúng tôi phải lần lượt gợi mở những tác phẩm đã tham gia Liên hoan dân ca Ví Giặm cấp tỉnh, cấp huyện; những chương trình đã phát sóng truyền hình…để ông nhớ. Đó là các Tổ khúc dân ca và ca khúc phát triển như “Đất học Yên Hồ”, “Duyên nợ hai làng”, “Khí phách nghĩa vương”,“Duyên tình đôi quê”, “Nhịp cầu yêu thương”; “Sắc cảnh Yên Hồ”; “Duyên tình sông La”, “Quê tôi ngày mới”, “Yêu sao điệu ví quê mình”; “Tình quê”, “Đền ơn cha, mẹ, cô, thầy”….
Phần vì niềm đam mê đã sâu vào máu thịt, phần vì trách nhiệm với Câu lạc bộ dân ca, bởi vậy mà đã ở cái tuổi thất thập, nghệ nhân Trần Văn Hoàng vẫn miệt mài với với những làn điệu ví giặm. Ông say sưa sưu tầm, biên tập, soạn lời mới và còn say sưa hát nữa. Thật là khó phát hiện ra sự chênh lệch về tuổi tác và giọng ca giữa chuyên nghiệp/ không chuyên nghiệp khi nghe và xem tổ khúc dân ca do ông soạn lời “Duyên nợ hai làng” với một ca sĩ chuyên nghiệp ở Đoàn Văn công Quân khu IV – NSUT. Ngọc Hà. Tiết mục này đã được phát sóng nhiều lần trên kênh Truyền hình Hà Tĩnh, để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
NNDG. Trần Văn Hoàng và NSUT. Ngọc Hà Trình diễn Tổ khúc dân ca “Duyên nợ hai làng”
Mỗi lần, Câu lạc bộ dân ca xã Yên Hồ tham gia hội thi hoặc biểu diễn thì ngoài sáng tác lời mới theo chủ đề, ông kiêm luôn việc dàn dựng, đạo diễn cho chương trình đó, bởi cấp ủy, chính quyền rất tin tưởng vào tài năng và nhiệt huyết của ông. Hơn nữa, Trần Văn Hoàng là một nghệ nhân chỉ biết cống hiến chứ không biết đòi hỏi, nên Câu lạc bộ cũng không phải lo lắng gì về vấn đề chuyên môn và các khoản tiền nong, khi có nghệ nhân Trần Văn Hoàng vào cuộc.
Những tác phẩm thơ ca của nghệ nhân Trần Văn Hoàng đã đến với rất nhiều trường học và các lân cận; được diễn ở rất nhiều hội thi, góp phần lớn trong việc bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, ông đã dành nhiều thời gian để thực hiện công tác truyền dạy dân ca Ví Giặm cho các cháu thiếu nhi, học sinh các cấp.
NNDG. Trần Văn Hoàng (thứ 2 trái sang) tại Lễ vinh danh Những người có công bảo tồn và phát huy dân ca Ví Giặm, 2018 - Ảnh: Linh Châu
Với sự tận tụy, miệt mài trong việc gìn giữ và phát huy di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, những đóng góp của nghệ nhân Trần Văn Hoàng đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Vinh dự hơn nữa, tháng 8 năm 2018, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Với ông, những phần thưởng cao quý này là vô giá, nhờ vậy ông càng say sưa, gắn bó với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Người dân Yên Hồ cho rằng: ông Hoàng “càng già, càng dẻo, càng dai”. Mong ước của nghệ nhân Trần Văn Hoàng là được trao truyền hết vốn cổ của cha ông cho lớp trẻ; làm sao để người dân lao động có “sân chơi” bổ ích, để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được trường tồn và lan tỏa rộng rãi./.
Phan Thư Hiền
_________________
(1) Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đời Trần gọi là Bà Hồ, sang đời Lê gọi là Bình Hồ. Đời Tây Sơn (1789) để tránh tên húy của Quang Trung, nên đổi Bình Hồ thành Yên Hồ. Xưa kia, làng Yên Hồ nổi tiếng trong tổng, trong huyện với 2 biểu tượng Dăm Bút và Dăm Nghiên. Mặc dù ngày nay không còn nữa nhưng theo sử sách chép lại thì Dăm Bút dài 90m, hai đầu nhọn hình bút lông, ở giữa phình ra rộng 6m, phía trước Dăm Bút là Dăm Nghiên hình lòng chảo, mỗi khi trời mưa, nước đọng ở giữa, trông như cái nghiên mực. Đây chính là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân Yên Hồ, nơi học hành, thi cử đỗ đạt bậc nhất châu Hoan xưa. Một thầy địa lí người Trung Quốc cho rằng Yên Hồ có thế đất Điểu linh (Con chim linh thiêng) hai cánh là hai làng Nội Diên và Yên Phúc, Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La. Con sông La trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng Nội Diên và Yên Phúc phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ “Tâm”, đây là cái thế bền vững muôn đời.