27-06-2020 - 23:30

Tác giả Đặng Thúy Hằng

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Đặng Thúy Hằng, hội viên Hội LHVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Văn nghệ dân gian

                              

  Ngày tháng năm sinh: 26 - 12 - 1975

Quê quán: Đức Châu, Đức Thọ, Hà Tĩnh

Nơi thường trú: Khối phố 7, Phường Đại Nài, Tp. Hà Tĩnh.

Nơi công tác: Tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du, Hà Tĩnh   

Hội viên Hội Liên hiệpVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành:  Văn nghệ dân gian.  Năm kết nạp: 2016

Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Địa chỉ liên lạc:Trường  Cao đẳng Nguyễn Du, Hà Tĩnh . ĐT: 0983451338.   Email: danghanght@gmail.com                                                  

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:

- Danh tướng Lê Khôi với quê hương Hà Tĩnh, (In chung, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2009)

-  Lễ hội đền Lê Khôi trong đời sống văn hóa của cư dân ven biển Thạch Hà, Lộc Hà, Hà Tĩnh (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 125, 2010)

- Đặng Thị Thúy Hằng  “Vài nét về biến đổi văn hóa vùng ven biển Hà Tĩnh”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Số 356, 2014) 

  Tác phẩm tự chọn:

 

VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA CƯ DÂN VÙNG CỬA NHƯỢNG – CẨM NHƯỢNG, CẨM XUYÊN HÀ TĨNH TỪ GÓC ĐỘ TÍN NGƯỠNG 

          Cửa biển Kỳ La (xưa), cửa Nhượng (ngày nay) thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, cách bãi tắm Thiên Cầm không xa, khoảng một cây số về phía Nam. Cẩm Nhượng với tên gọi cũ là làng Nhượng Bạn, cái tên “Nhượng Bạn” có nhiều lý giải khác nhau từ các nhà khoa học, nhưng theo người dân bản địa “Nhượng Bạn” tức là vùng đất được nhường “bờ đất được nhường”, gắn với truyền thuyết bà Hoàng Càn dưới thời nhà Trần, Bà là cung phi của vua Trần Khoáng, nhờ có Bà Càn thương lượng với dân làng lân cận nhường cho dân chài một rẻo đất để ở, vì thế mới có tên làng Nhượng Bạn, sau khi Bà Hoàng Càn mất, để tưởng nhớ công lao của Bà, người dân nơi đây đã lập đền thờ Bà ở làng, ngôi đền đã bị bom mỹ tàn phá trong chiến tranh, nay Bà được hợp tự về thờ chính trong ngôi đền Cả của xã.

          Cẩm Nhượng có diện tích 277,13h.a; chủ yếu là đất cát, đất mặn; Phía Bắc giáp thị trấn Thiên Cầm, phía Tây giáp sông Lạc Giang, phía Nam giáp xã Cẩm Lĩnh, phía Đông giáp biển Yến Hải (còn gọi là biển Én). Theo sách Địa chí Cẩm Nhượng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã gồm có các vạn: Vạn Xăm, Vạn Rút, Vạn te, Vạn Nốc Câu trong đó chỉ trừ vạn Nốc Câu (thuộc nhóm người Bồ Lô Xuân Hồi) là sinh sống dưới thuyền, còn các vạn khác dân cư sống trên đất liền, mặc dù sống trên đất liền nhưng các vạn này nhà nào cũng có thuyền, hàng ngày nguồn lao động chính của gia đình vẫn sinh hoạt trên thuyền để đi đánh cá.Tên gọi các vạn (Xăm,  Rút, Te, Nốc Câu) chính là tên các loại ngư cụ mà vạn đó chuyên dùng để đánh bắt cá. Hiện nay, xã Cẩm Nhượngcó trên 70% cư dân sống bằng nghề đánh bắt, số còn lại chuyển sang các nghề dịch vụ có liên quan đến biển. Quá trình tồn tại của xã từ năm 1945 đến nay tên thôn, tên xóm đã qua nhiều lần đổi thay, đến năm 2012, với phong trào xây dựng Nông thôn mới xã Cẩm Nhượng chia thành 11 thôn: Phúc Hải, Liên Thành, Tân Dinh, Tân Hải, Lâm Hoãn, Xuân Nam, Xuân Bắc, Trung Hải, Hải Bắc, Nam Hải, thôn Chùa.

Về đời sống kinh tế của cư dân Cẩm Nhượng từ xưa đến nay chủ yếu là kinh tế biển, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi không phù hợp với thổ nhưỡng và diện tích đất đai chật hẹp ở Cẩm Nhượng, người dân kể rằng, ngày trước trong xã có vài chục mẫu ruộng chua, nặng phèn nhân dân vẫn cày cấy trên đó, nhưng do đem lại thu hoạch thấp nên về sau không cày cấy mà chuyển làm đất ở. Hiện nay trong xã chỉ còn trồng một số cây ăn quả như Na, khế và cây có bóng mát như Xi lau, keo; mọi nhu cầu sinh hoạt cho cuộc sống hàng ngày của cư dân ở đây như gạo, rau,… chủ yếu mua từ các địa phương khác, cuộc sống của họ quen với cảnh “Gạo chợ, nước sông”.

Ngành nghề truyền thống của cư dân Cẩm Nhượng chủ yếu là đánh bắt, chế biến hải sản và một số nghề thủ công phục vụ cho việc đánh bắt và chế biến hải sản, ngày nay có thêm các dịch vụ nghề biển, dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động ra nước ngoài (chủ yếu làm nghề biển trên các con tàu đánh cá của Hàn Quốc, Đài Loan,…). Phương thức đánh bắt truyền thống của cư dân Cẩm Nhượng, gồm có: Lưới Rút, nghề Xăm, lưới Mười, nghề te, nghề câu, nghề thả bóng, nghề Vó màu sáng (các phương thức và phương tiện đánh bắt cácủa ngư dân),…Chế biến hải sản truyền thống, gồm có: Làm nước mắm (mắm lù, mắm chượp, mắm tôm; mắm lù, mắm chượp là các cách thức chế biến nước mắm), nướng cá. Nghề thủ công truyền thống có nghề đóng thuyền và nghề đóng thùng (nghề đóng thùng ngày nay không còn vì nước mắm ngày nay chủ yếu được chế biến bằng thùng nhựa). Riêng nghề đóng thuyền xuất hiện khá sớm và có tiếng ở Cẩm Nhượng, thợ đóng thuyền chủ yếu là người địa phương, và một số thợ từ Nghi Lộc tỉnh Nghệ An vào. Nguyên liệu dùng để đóng thuyền là gỗ săng lẻ, đó là loại gỗ nhẹ, chịu nắng, chịu nhiệt tốt, còn gỗ táu, sến dùng làm công đà, thoen. Kỹ thuật đóng thuyền ở Cẩm Nhượng có điểm khác với các tỉnh phía nam, ở các tỉnh phía nam khi đóngthuyền người thợ định hình tạo khung trước rồi mới ghép ván, còn ở Cẩm Nhượng khi đóng thuyền lại dựng lần lượt từ đáy lên ván đe sao cho thật khít, rồi dùng dây thừng đánh con néo để ép gỗ lại với nhau, người thợ định hình từng lớp cho con thuyền và dùng đinh sắt chốt lại, sau đó người thợ mới ráp công, đà, thoen (bộ khung), cuối cùng người thợ dùng tràm xảm kín để nước không thể thấm vào thuyền được, họ cho rằng làm như vậy thuyền mới vững chắc. Trước đây thợ đóng thuyền nổi tiếng ở Cẩm Nhượng có các dòng họ Trần, Nguyễn, cố Bảo Cưu, cố Nguyệt Nhật,…Ngày nay, thợ đóng thuyền ở Cẩm Nhượng không đóng các con thuyền lớn mà chỉ sửa chữa các thuyền mành, thuyền câu,…còn những thuyền đánh cá lớn được đặt mua ở các tỉnh phía nam. Bên cạnh nghề đóng thuyền và đóng thùng, ở xã Cẩm Nhượng còn có nghề làm muối, ngày xưa nghề làm muối ở Cẩm Nhượng được Địa chí Cẩm Nhượng ghi lại có 2 cách: Cách thứ nhất, người dân dùng nồi đồng hoặc nồi đất to, lấy củi đun cho đến khi nước bốc hơi cạn hết chỉ còn lại muối; cách thứ hai là làm muối bằng ô chạt (kỹ thuật làm muối bằng cách đắp đê dẫn nước vào ruộng chạt, lọc đất chạt bằng nước mặn, phơi nước đó dưới nắng để bốc hết hơi nước còn lại muối), ngày nay kỹ thuật làm muối bằng ô chạt vẫn được các Diêm dân ở Cẩm Nhượng thực hiện, tuy nhiên đã có nhiều cải tiến hơn so với trước.

Từ sau năm 1945 lại nay, nghề cá ở Cẩm Nhượng trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ chỗ đánh bắt theo mô hình hộ cá thể (từng gia đình đánh bắt độc lập), đã phát triển thành mô hình Hợp tác xã-mô hình khá phổ biến trong thời kỳ bao cấp. Ngày nay, dưới tác động của Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và phong trào Xây dựng nông thôn mới, mô hình đánh bắt cá đã có những thay đổi khá lớn, Nghiệp đoàn nghề cá của xã được thành lập, số lượng tàu đánh bắt lên tới 150 tàu, các tàu được trang bị phương tiện hiện đại với công suất lớn, có những tàu đánh bắt lên tới trên 90CV(công suất tính theo sức kéo “Sức ngựa”), thực hiện Chương trình biển đảo của quốc gia, xã còn lập ra các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, vào đầu mùa đánh bắt cá chủ các tàu đánh cá tổ chức nhóm họp “đội bạn thuyền” để chuẩn bị cho những chuyến đánh bắt xa bờ,…Hiện nay, ở Cẩm Nhượng các doanh nghiệp phục vụ hậu cần nghề cá đang phát triển mạnh, nghề đánh bắt cá vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho cư dân, tuy vậy nghề đánh bắt cá không phải là nghề thu hút đối với lớp trẻ trong xã hiện nay.

          Về đời sống văn hóa: Do đặc điểm của vùng đất cư trú và đời sống kinh tế đa dạng như vậy, về đời sống văn hóa của cư dân Cẩm Nhượng cũng biểu hiện rất phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Trong khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến đời sống văn hóa tín ngưỡng cổ truyền của cư dân Cẩm Nhượng qua các nguồn tư liệu đã viết và tư liệu khảo sát thực tế do người dân cung cấp, cho thấy rằng: bên cạnh cuộc sống bấp bênh của nghề biển, với cảnh đầu sóng ngọn gió, cư dân Cẩm Nhượng còn có đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh thể hiện tính cố kết cộng đồng chặt chẽ và mang đậm bản sắc tín ngưỡng của cư dân vùng biển, đó là các tín ngưỡng: thờ cúng tổ tiên (tổ tiên ông bà cha mẹ- người có công sinh thành, dưỡng dục), tín ngưỡng thờ thần biển (cá Voi-vị thần gắn với truyền thuyết nhà Phật, luôn che chở cứu giúp ngư dân khi gặp sóng to, bão tố ngoài khơi, hiểm nguy đến tính mạng), tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng (người có công thành lập làng và thờ các Tổ nghề-người có công truyền dạy nghề cho dân), tín ngưỡng thờ người có công với nước với dân, đó là các danh tướng qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Trong số các tín ngưỡng này, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của cư dân Cẩm Nhượng cũng giống với cư dân các vùng miền khác trong nước, đó là hệ thống bàn thờ tổ tiên được bài trí tại nhà riêng, thuyền riêng (khi họ chưa lên bờ); còn các tín ngưỡng thờ cúng khác thờ tại đền, đình và miếu. Tuy hiện nay hệ thống đền, đình, miếu ở xã Cẩm Nhượng hầu hết đã bị tàn phá trong chiến tranh, hoặc bị xói lở do sóng biển, nhưng với tiềm thức của ngư dân và qua tư liệu Địa chí Cẩm Nhượng có thể khái quát như sau:

Về kiến trúc đình, trước năm 1945 có các ngôi đình khá nổi tiếng như: Đình Chợ Mai (thờ Thượng tướng đô đốc Nguyễn Thân-danh tướng thời Lê, đình cũng là nơi sinh hoạt của giáp Thượng và giáp Cả), đình làng Trung (nơi sinh hoạt của làng Trung, thờ ông Văn Hiền-người chịu chết chém để đổi lại sự bình yên cho dân làng Cẩm Nhượng trước sự bức bách của Triều đình), đình làng Đương (thờ bà Hoàng Càn-người có công thành lập làng, nơi sinh hoạt của giáp Thượng), đình làng Xuân (nơi hội hè của giáp Xuân, thờ ông Đông Đạo-Tổ nghề, có công chế tác ra chiếc bánh lái của thuyền đánh cá và dạy người dân làm nghề đánh cá), đình làng Vạn (nơi sinh hoạt của giáp Vạn, thờ danh thần Cương Khấu, đồng thời cũng là nơi diễn ra lễ cầu đảo-cầu mưa vào những năm hạn hán). Như vậy, các ngôi đình cổ của xã Cẩm Nhượng gắn với sinh hoạt của các làng và mang tên các làng trong xã Cẩm Nhượng.

Về kiến trúc đền thờ có: Đền cả (thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi-một danh tướng dưới thời Lê- gọi Lê Lợi bằng chú ruột, trên đường đánh giặc Chiêm Thành trở về lâm bệnh nặng mất tại Cửa Sót thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, thi hài ông được an táng ở Cửa Sót, Lê Khôi cũng là người từng trấn giữ vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh vào thời đất nước còn diễn ra chiến tranh với giặc Chiêm Thành nên ông có ảnh hưởng rất lớn đối với cư dân ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh; người thứ hai được thờ ở đền Cả là Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu- Bà là cung phi vua Trần Duệ Tông, theo vua đi bình Chiêm Thành và đã anh dũng hy sinh để cứu nhà vua, thi hài Bà được an táng tại Cửa Khẩu kỳ Anh, Hà Tĩnh); Đền bà Hoàng Càn (Bà được tôn thờ là Thành Hoàng Làng và còn được thờ ở đình làng Đương như đã giới thiệu ở phần trên); Đền Tam tòa (thờ: Lý Nhật Quang, Lý Đạo Thành, Lý Thế Giai- ba vị tướng thời Lý, có công dẹp loạn, củng cố nền độc lập, thống nhất đất nước); Đền Thượng Phủ (thờ danh tướng Tả đô đốc hải quân thời Lê).

Về miếu thờ, có: Miếu Đông Đạo (Thành Hoàng Làng-Tổ nghề đánh cá, vị thần được thờ ở đình làng Xuân), miếu Văn Hiền (thờ ông Văn Hiền-vị thần được thờ ở đình làng Trung), miếu Trúc Lĩnh (thờ ông Trúc Lĩnh-Thành Hoàng Làng,Tổ nghề dạy nhân dân làm muối), miếu Cá Ông (thờ cá Voi, tín ngưỡng phổ biến của cư dân vùng biển).

Trong số các cơ sở tín ngưỡng nêu ra trên đây, hiện nay (năm 2013) ở Cẩm Nhượng chỉ còn lại miếu cá Ông, miếu Văn Hiền và đền Cả (đền Cả được trùng tu năm 2008). Ở đền Cả hiện nay, ngoài thờ danh tướng Lê Khôi, Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền còn thờ cúng tất cả các vị thần được tôn thờ trước đây của xã Cẩm Nhượng do cơ sở thờ cúng đã bị hư hỏng, xói lở, hoặc bị tàn phá trong chiến tranh. Mặc dù, cho đến nay các cơ sở tín ngưỡng của xã Cẩm Nhượng không còn đầy đủ về số lượng, song về phương diện phi vật thể biểu hiện trong quan niệm của cộng đồng và các nghi thức, nghi lễ cúng tế trong các dịp lễ hội vẫn còn tồn tại. Theo Địa chí Cẩm Nhượng, toàn xã có 9 lễ hội khác nhau, các lễ hội được diễn ra trong một không gian thiêng nhất định. Có những lễ hội diễn ra ở đình, ở miếu, ở đền, cũng có những lễ hội diễn ra với phạm vi khá rộng như lễ hội Đua thuyền ở đền Cả, lễ hội Đám chay, rước tướng ở đình Chợ Mai, …Bài viết xin giới thiệu ba lễ hội tiêu biểu, góp phần làm rõ đặc điểm đời sống văn hóa tín ngưỡng của cư dân Cẩm Nhượng, từ đó xác định những nét riêng, bản sắc của cư dân nơi đây.

          Lễ hội cầu ngư chúc Phật: Lễ hội diễn ra tại miếu cá Ông vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, vì diễn ra vào ngày 8 tháng 4 là ngày Phật Đản nên mới có thêm phần “chúc Phật” vào sau lễ hội cầu ngư của cư dân Cẩm Nhượng, lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, ngoài mục đích tưởng nhớ, đền đáp công ơn cứu giúp của Đức Ngư Ông đối với người đi biển, cầu được mùa (mùa vụ cá nam), lễ hội cũng là dịp để ngư dân thể hiện tính tương trợ, tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng và những sinh hoạt văn hóa tinh thần của địa phương. Sau phần lễ và đan xen trong phần lễ là những sinh hoạt văn hóa dân gian hát, diễn xướng nghệ thuật…những yếu tố này mang đậm sắc thái biển, đáng chú ý nhất trong lễ hội là trò diễn Chèo cạn (hình thức cách điệu của chèo thuyền) được diễn ra sau nghi lễ cúng tế Ngư Ông. Diễn xướng Chèo Cạn được tổ chức như sau: Đội quân chèo cạn có khoảng 22-24 người, tuổi đời khoảng 25-40 chia thành hai mạn đứng sóng đôi, người trẻ đứng ở phía gần “mũi”, trung tuổi đứng ở phía “lái”. Một người ở “mũi” thuyền tay cầm cờ phất nhịp, một người đứng ở “giữa thuyền” làm nhiệm vụ tát nước vừa cầm cần câu giả vờ câu cá. Đội chèo trình diễn bài chầu văn ca ngợi ơn đức của Ngư Ông và những khát vọng của ngư dân trên biển mong muốn được bình an, có được nhiều tôm cá,…khi tổng mũi hát xong, tất cả đội chèo hò theo “Khoan hỡi chư hò là hò khoan, là hải hò khoan….là hải hò khoan”…; tổng mũi xướng tiếp, đội chèo lại tiếp tục hò theo “Khoan hởi hò khoan” ... rồi vừa chèo vừa bước rất đẹp. Kể từ năm 1945 đến nay, lễ hội cầu ngư ở Cẩm Nhượng vẫn được tổ chức hàng năm, ngoài các nghi lễ và trò chơi truyền thống còn có các trò chơi mang hơi thở của cuộc sống mới như: Bóng chuyền, kéo co,…riêng trò diễn Chèo cạn mới được phục hồi năm 2011, các đạo cụ trình diễn trong lễ hội đẹp và rực rỡ hơn xưa. Hiện nay, nhận thấy Trò diễn Chèo cạn (Hò Chèo cạn) là một sinh hoạt văn hóa dân gian có giá trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Hò chèo cạn” là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

          Lễ Hội đua thuyền: được tổ chức ở đền Cả vào rằm tháng 6 âm lịch hàng năm, vào thời gian này ở ven biển miền Trung thường có nhiều ngày trời đẹp, biển lặng không có sóng to gió lớn rất thuận lợi cho các thuyền đua tài. Để tham gia vào Hội đua thuyền, nhân dân Nhượng Bạn trước đây nô nức chuẩn bị hàng tháng. Trước ngày vào hội, họ tổ chức nhóm họp, xét chọn trong số các chủ thuyền đại diện cho các thôn và hội các lái, mỗi làng (giáp) là một đơn vị thi đua, 6 chủ thuyền đại diện cho 6 làng (làng Thượng, làng Trung, làng Vạn, làng Đương, làng Xuân, làng Cả) có phẩm chất đạo đức, có uy tín, có đủ điều kiện và phương tiện, có khả năng và biết tổ chức đứng ra tuyển chọn các thuyền bơi, những thuyền bơi tham gia cuộc thi phải tốt, nhẹ để bơi nhanh, lúc này khắp các thôn công việc được tiến hành, một không khí thi đua dấy lên khắp trong làng xóm, làng thì đóng thuyền mới, làng sửa chữa thuyền cũ,…khi công việc chuẩn bị xong, các thuyền bước vào tập luyện.

          Đến ngày hội, vào khoảng 2 giờ chiều, nhân dân rước kiệu ở đền Cả xuống một chiếc thuyền to để thần “Ngự giá”, trên kiệu là hai long ngai của Lê Khôi và Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, hai long ngai được mặc áo, đội mũ uy nghiêm, linh thiêng, thuyền Ngự được chèo ra ngoài cửa biển, đến vị trí có khả năng trông thấy biển Cửa Sót (nơi thờ chính danh tướng Lê Khôi) và cửa Khẩu (nơi thờ chính bà Nguyễn Thị Bích Châu) thì quay vào bờ, hai vị thần “Ngự giá” trên thuyền Ngự để chứng giám cuộc đua thuyền của 6 đội thi. Trong quá trình đua, tiếng reo hò, tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng tù và,… vang lên giục giã. Khi cuộc đua kết thúc, trên những chiếc thuyền được giải (nhất, nhì, ba) trầu rượu được bày la liệt, tiếng cười, tiếng reo hò vang lên rồi lần lượt đến trước thuyền Ngự nhận giải và tạ ơn thần linh. Sau cuộc đua, những làng đoạt giải về làm lễ tạ ơn thần linh ở làng mình, tổ chức liên hoan mừng thắng lợi, làng mời thêm phường hội, phường ca trù về hát góp vui,…

          Lễ hội đua thuyền ở Cẩm Nhượng vừa là hoạt động có tính thượng võ, xưa kia Cẩm Nhượng giữ vị trí quan trọng trên dải đất ven biển miền Trung, ngoài việc đánh bắt trên sông, biển, nhân dân còn phải rèn luyện sức khỏe để chống lại hành động cướp bóc, phá hại của bọn cướp biển và giặc ngoại xâm; đồng thời đua thuyền cũng là hoạt động nhằm rèn luyện sự dẻo dai trước sóng, gió, bão tố của biển cả với cuộc sống đánh bắt lênh đênh trên biển; cũng là biểu hiện khát vọng của ngư dân về một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, dân làng vào lộng ra khơi làm ăn được thuận buồm xuôi gió,…Ngư dân quan niệm, cứ năm nào cuộc đua diễn ra tốt đẹp thì năm đó việc đánh bắt cá của dân làng gặp nhiều may mắn và cuộc sống được yên lành. Ngày nay, với nhiều lý do mà lễ hội đua thuyền không được tổ chức đều đặn hàng năm, nhưng đây là lễ hội có ý nghĩa với ngư dân và là sinh hoạt văn hóa dân gian có giá trị.

          Lễ hội đám chay, rước tướng: diễn ra tại đình Chợ Mai ba năm một lần (vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu )từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch. Vào những năm diễn ra lễ hội, công việc được các cụ cao niên trong làng họp bàn bạc và phân công việc trước khi lễ hội diễn ra một tháng (bắt đầu từ lễ Thượng nguyên), đầu tiên là tạo ra 5 ông tướng và một Bà La Sát bằng giấy, việc chọn thợ làm 5 vị tướng này rất kỳ công, phải là thợ giỏi ở các nơi, trong vòng một tháng khoảng chục người thợ phải hoàn thành 6 pho tượng, kể từ ngày bắt tay vào làm tượng, các vị chức sắc trong làng đều tập trung ở đình chợ Mai suốt ngày đêm để chuẩn bị công việc. Vào những ngày này, dưới gốc đa sân đình người ta đặt một chiếc bàn và thắp hương, nhân dân qua lại để vào đó nắm gạo, củ khoai, cái bánh, quả chuối,…đến chiều những thứ này được đưa vào nấu nướng để cúng thập loại, sau đó người ta lấy muối rắc ra xung quanh, bởi trong nhân dân quan niệm rằng sắp tới ngày làm chay, các linh hồn lang thang thường về kiếm ăn…

Vào ngày lễ hội (từ 12 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch) diễn ra nhiều nghi lễ như: Ngày 12 làm Lễ Phóng sinh (thả chim sống, cá sống, cua sống, …xuống cửa bể), ngày 13 làm lễ “Thỉnh kinh” (Rước kinh từ chùa Yên Lạc, một ngôi chùa trong xã), ngày 14 làm lễ “Đàn oan” mở cửa ngục và làm lễ “tiếp linh” đưa linh hồn về siêu linh tịnh độ, ngày 15 làm lễ rước tướng. Sau các nghi lễ, kinh sách và các vị “tướng” đã được rước và tập trung về đình Chợ Mai bài trí đúng theo quy định của nghi thức truyền thống, đến tối 15 các nhà sư bắt đầu làm lễ cúng Chay,…Lễ Hội đám chay, rước tướng là lễ hội đông nhất và vui nhất ở làng Nhượng Bạn xưa, với ý nghĩa nhân văn: Cầu siêu, cứu vớt những vong linh lang thang trôi dạt trên biển do bị đắm thuyền (ngày xưa ngư dân làng biển Nhượng Bạn đi đánh cá thường gặp bão to sóng lớn gây ra biết bao vụ đắm thuyền, chết người nên họ phải làm chay để cứu rỗi vong linh những người gặp nạn). Các nghi lễ diễn ra trang nghiêm linh thiêng, không chỉ thu hút nhân dân trong xã mà cả nhân dân ở nhiều địa phương khác về dự. Lễ hội đã toát lên ý nghĩa tích cực, nhân đạo gắn với cuộc sống lao động của cư dân vùng biển nơi đây với ước vọng lớn lao là mong cho trời yên biển lặng, cuộc sống bình yên, làm ăn thuận chèo, mát mái. Đã từ lâulễ hội Đám Chay, rước tướng không còn được tổ chức ở Cẩm Nhượng, nhưng đây là lễ hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần có kế hoạch phục hồi trong xã hội Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa.

Qua hệ thống cơ sở tín ngưỡng và các lễ hội truyền thống của cư dân Cẩm Nhượng, phần nào đã phác thảo lên bức tranh về đời sống văn hóa tinh thần phong phú và sinh động của một làng biển ở Hà Tĩnh. Trong số các tín ngưỡng thờ cúng ở Cẩm Nhượng, ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các tín ngưỡng còn lại mang đậm bản sắc văn hóa biển, văn hóa của một làng ven biển, gắn với đời sống kinh tế đánh bắt. Do xuất phát từ đời sống kinh tế đánh bắt lênh đênh trên biển đã giúp ngư dân Cẩm Nhượng biết cảm nhận dẫn đến biết trân trọng giá trị của cuộc sống sum vầy bên cộng đồng trên bờ, họ nâng niu xây dựng một cuộc sống cộng đồng trên bờ với những sinh hoạt tín ngưỡng phong phú, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới các vị thần mà họ quan niệm và tin tưởng sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ, là thể hiện khát vọng, mong ước của ngư dân làm nghề đánh bắt. Các tín ngưỡng này cũng là biểu hiện của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần sẻ chia, đồng cảm, …những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cần có định hướng bảo tồn và phát huy trong thời đại Công nghiêp hóa, Hiện đại hóa, hướng tới xây dựng và phát triển nền văn hóa của cư dân biển Việt Nam mang đậm đà bản sắc dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đổng Chi (chủ biên) (1995), Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An - Vinh.
  2. Thái Kim Đỉnh (chủ biên) (2005), Lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh, Nxb Sở Văn hóa thông tin Hà Tĩnh.
  3. Thái kim Đỉnh (chủ biên) (2007), Làng cổ Hà Tĩnh, Nxb Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh và Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh.
  4. Phạm Lê (Chủ biên) (2008), Địa chí Cẩm Nhượng, Nxb Hà Nội.
  5. Bùi Dương Lịch (1993), Nghệ An ký, dịch và chú Nguyễn Thị Thảo, hiệu đính Bạch Hào, Nxb Khoa học xã hội.

 

 

. . . . .
Loading the player...