Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNt Hà Tĩnh
- Ngày tháng năm sinh: 05 - 08 -1960
- Quê quán:Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
- Nơi thường trú hiện nay: Thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
- Hội viên Hội LHVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành: VNDG. Năm kết nạp: 2020
- Địa chỉ liên lạc hiện nay: Nhà số 5, Ngõ 2, Đường Lê Văn Diễn, Thị trấn Tiên Điền Điện thoại: 0839256567. Email: dangviettuong@gmail.com
Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản: Nhiều tác phẩm đã được in trên báo, tạp chí địa phương
Giải thưởng: Giải 3A, Hội VVDG Việt Nam (Làng cổ Hà Tĩnh tập 2, viết chung cùng các tác giả)
Tác phẩm tự chọn
LÀNG CỔ TẢ AO*
Làng Tả Ao xưa, phía bắc giáp sông Lam, phía nam giáp xã Xuân Viên và Mỹ Dương ( tức Xuân Mỹ), đông nam giáp xã Tiên Điền, đông bắc giáp làng Uy Viễn, phía tây giáp làng Tiên Cầu. Tả Ao là một làng cổ, có tên trong sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư. Sách này ghi chép nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở huyện Nghi Xuân trong chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1653- 1663) có chép sự kiện diễn ra ở làng Tả Ao: “Khi ấy bọn Thời Hiến, Văn Tuyển qua cửa biển Hội Thống do đường Tả Ao huyện Nghi Xuân mà tiến đánh vào giặc”. Tên làng Tả Ao được đề trên văn bia trùng tu đền thờ Tam tọa Lý Đại Vương là Uy Minh Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, đều là hoàng tử của vua Lý Thái Tổ. Từ những năm 1677- 1679 Thượng tướng quân Khuông Lộc hầu là Đặng Đình An, đứng đầu quan viên toàn huyện Nghi Xuân trùng tu đền. Sau khi hoàn thành, vua Lê sai tiến sĩ Đông các Đại học sỹ Dực quận công Hồ Sỹ Dương, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu soạn văn bia ghi công trạng Lý Đại Vương là Nhật Quang, con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ và việc trùng tu đền, lập bia vào năm 1679.
Tư liệu viết về làng Tả Ao khá nhiều, nhưng không có tài liệu nào nói đến niên đại lập làng. Trong lịch sử hình thành và phát triển làng xã ở huyện Nghi Xuân làng Tả Ao được thành lập vào giai đoạn nào đang là một câu hỏi chưa được giải đáp. Nhưng có một điều có thể khẳng định, chắc chắn làng Tả Ao được thành lập khá sớm ở huyện Nghi Xuân. Có lẽ đã quá lâu, những câu chuyện về lập làng không ai còn nhớ nữa, tài liệu ghi chép lại cũng bị thất lạc, mất mát nên rất khó xác định sự kiện lập làng và quá trình phát triển của làng Tả Ao: Có đổi tên lần nào không? Mấy thôn xóm? Quá trình điền dã, người dân Tả Ao chỉ nhớ tên gọi các thôn xóm gần đây: Xuân Thủy, Bào An, Bàu Sen, Làng Trại, Cầu Rọn, Liễu Hàng, Đồng Dưng, Đồng Rỏi và bến đò cổ Giang Đình. Tên đồng đất nhiều dấu ấn như Bãi Tập, Bản Lầu, Cửa Phủ, Cửa Triều, Quảng Mồ, Cổ Ngựa. Xung quanh những tên đồng đất là những huyền thoại dân gian ly kỳ, cuốn hút nhiều thế hệ…
Tuy nhiên qua nhiều tài liệu địa chí, lịch sử của các nhà nho, học giả ghi chép trong các sách như Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn, Lịch sử Nghệ Tĩnh…ta có thể xác định làng Tả Ao được thành lập muộn nhất cũng vào thời Lý. Nhiều khả năng làng Tả Ao được tạo lập trong thời kỳ Lý Nhật Quang vào trấn thủ Nghệ An. Năm 1041, Uy Nhân hầu Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được vua Lý Thái Tông xuống chiếu bổ làm tri châu Nghệ An. Giai đoạn này các vua nhà Lý rất tích cực, tác động tới việc phát triển kinh tế- xã hội, lập làng mạc, tổ chức khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp rất khẩn trương. Trong thời gian làm quan cai quản Nghệ An bao gồm cả Hà Tĩnh bây giờ, Lý Nhật Quang đã tổ chức khai mở được 5 châu, 22 trại, 56 sách, số làng xã này đều tập trung tại ven bờ sông La, sông Lam. Những nơi Lý Nhật Quang có công khai phá, mở mang, lập làng, sau khi ông mất dân đều tưởng nhớ, lập đền thờ, tôn làm Thành hoàng. Làng Tả Ao là 1 trong số 30 điểm thờ Lý Nhật Quang ở Nghệ Tĩnh. Lịch sử Nghệ Tĩnh chép: Thời kỳ này kinh tế đã phát triển, làng Tả Ao trù phú, dân cư đông đúc, thôn xóm sầm uất. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nghề sản xuất gốm có nhiều tiến bộ về chế tác, xuất hiện trung tâm sản xuất gốm tại làng Tả Ao. Có thể khẳng định, vào thời Lý, làng Tả Ao trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa ở huyện Nghi Xuân.
Tả Ao là một di chỉ khảo cổ học, ven bờ sông Lam các nhà khảo cổ học phát hiện công cụ đá mài một mặt, gốm Đông Sơn, đặc trung nền văn hóa Sơn Vi thuộc hậu kỳ đá mới có gốm. Tại làng Tả Ao họ cũng đã phát hiện được dấu vết lò luyện sắt thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở khu vực làng Trại. Những lò này có hình tròn, đường kính là 1,4m. Thành lò có độ dày 8- 10cm. Lò cao 40- 60 cm. Lò luyện sắt thời Hùng Vương này thường được xây trên những gò đất cao nhằm lợi dụng sức gió, nhất là gió Lào trong mùa hè. Hiện nay ở khu vực từ làng Trại, đồng Rấy đến chùa Ba Lòi vẫn còn rất nhiều xỉ sắt. Người dân Tả Ao giải thích: Làng Trại là nơi binh lính đóng đồn trại, luyện sắt, rèn vũ khí đánh giặc, nhưng không rõ thời đại nào trong lịch sử nước ta.
Những phát hiện của các nhà khảo cổ học đã khẳng định: từ buổi Hùng Vương dựng nước, con người đã cư trú trên đất Tả Ao. Bên cạnh những phát hiện trên, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy gốm Hán, gạch ngói thời Tùy- Đường, mảnh lá đề, tượng rùa, chì lưới bằng đất nung đặc trưng văn hóa thời Lý, đầu rồng đất nung tại khu vực đền Huyện, khuôn giếng thời nhà Trần, nhiều đồ gốm các triều đại Lý- Trần- Lê- Nguyễn. Dưới lòng đất làng Tả Ao, dọc theo bờ sông có nhiều đống gạch ngói đổ nát, kéo dài từ đền Huyện đến chợ Giang Đình độ khoảng 1km. Có lẽ những gạch ngói ở làng Tả Ao là dấu vết phố xá, thành lũy của các triều đại trước, nhưng chưa rõ ở giai đoạn nào trong lịch sử nước ta.
Giải thích về những tên đất “cửa Triều” “cửa Phủ”, “bản Lầu” “Bãi Tập” và những gạch ngói cổ bị vùi trong lòng đất Tả Ao, cụ Lê Văn Diễn tác giả sách Nghi Xuân Địa Chí cho rằng: Có lẽ vào thời thuộc Minh, phủ lỵ Nghệ An đóng ở đây để bác bỏ quan điểm đó là di tích của nhà Hồ. Cụ Lê Văn Diễn giải thích: “Dấu tích đó là di tích nhà Hồ thì chắc không đúng bởi vì hồi đó họ Hồ vội vàng chạy trốn vào Nam, làm sao xây kịp dinh thự ở đây?” Quan điểm của Lê Văn Diễn cũng chưa đủ cơ sở khẳng định phủ lỵ Nghệ An đóng ở làng Tả Ao. Lịch sử Nghệ Tĩnh và nhiều chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” khẳng định thời thuộc Minh phủ lỵ thành Nghệ An đóng ở vùng Triều Khẩu ( núi Thành, Hưng Phú- Hưng Nguyên- Nghệ An). Năm 1419, Phan Liêu ngụy quan của giặc Minh, giữ chức phó sứ ti án sát Giao Chỉ, trực tiếp kiêm nhiệm tri phủ Nghệ An, không chịu nổi sự ngược đãi sai khiến của giặc Minh và ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của quần chúng đã thức tỉnh lòng yêu nước, cùng Thiên hộ Trần Đài lãnh đạo binh lính nổi dậy quay giáo chống giặc Minh, đánh chiếm huyện Nha Nghi (Nghi Xuân) làm căn cứ chiến đấu. “Cửa Phủ” “Bản Lầu” “Bãi Tập” chắc liên quan đến cuộc nổi dậy của Phan Liêu và binh lính Nha Nghi. Tuy làng Tả Ao cũng không phải cửa sông, nhưng từ “Cửa Triều”là nghĩa của từ “Triều Khẩu”, tên địa danh trị sở Nghệ An đóng cũng là nơi cha con Phan Quý Hữu, Phan Liêu làm quan cho giặc Minh. Mảng di tích trên đất Tả Ao theo chúng tôi là căn cứ tạm của Phan Liêu, Trần Đài xây dựng trên cơ sở đồn trú của người Minh. Từ làng Tả Ao, nghĩa binh Phan Liêu đánh phá các châu huyện và tấn công phủ thành Nghệ An.
Chuyện lưu truyền trong dân gian, tin Phan Liêu nổi dậy ở làng Tả Ao, truyền về Đông Quan, giặc Minh sai Lý Bân kéo quân cứu viện cho thành Nghệ An, đánh vào căn cứ của nghĩa quân Phan Liêu, Trần Đài. Được Lý Bân tăng viện, giặc Minh dưới sự chỉ huy của Mã Kỳ phản công mạnh thành 2 gọng kìm vây đánh căn cứ Tả Ao. Phan Liêu phải rút quân lên châu Ngọc Ma (Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang) tiếp tục hoạt động. Đến khi Lê Lợi vây đánh thành Trà Lân, ông đem toàn bộ lực lượng gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn. Sách Nghi Xuân địa chí và gia phả họ Phan làng Phan Xá chép chuyện Lý Bân đem quân về làng này lùng bắt Phan Nhân, sinh viên thời thuộc Minh, là anh em họ với Phan Liêu nhưng giặc đã không bắt được ông. Tránh sự truy lùng của giặc Minh, Phan Nhân phải trốn lên rừng núi, năm 1425 ông đã đến Trà Lân gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, theo Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh đô hộ. Hai sự kiện này chứng minh vào năm 1419, quân Minh do Lý Bân, Mã Kỳ chỉ huy đã tàn phá tan hoang các làng Tả Ao, Phan Xá để lại những đống gạch đổ nát trong lòng đất. Gần đây, vào năm 1994, nhân dân đi tìm đồ cổ, phát hiện rất nhiều gốm sứ gồm bát, đĩa, thạp cung đình Trung Quốc thời Nguyên- Minh cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, lẫn với gốm sứ thời Trần- Hồ tại các làng Phan Xá, Mỹ Dương, Tả Ao, Uy Viễn, Tiên Cầu và Xuân Viên. Nhưng tập trung nhất là Tả Ao, Phan Xá và Uy Viễn cổ.
Trong quá trình phát triển, làng Tả Ao từng nhiều lần trải qua binh hỏa. Thời Lê sơ làng Tả Ao được chọn làm địa điểm đóng trị sở huyện lỵ Nghi Xuân. Hiện nay có cánh đồng được đặt tên là đồng Huyện. Đền thờ Lý Nhật Quang cũng gọi là đền Huyện. Văn bia đền Huyện có chép thời Thịnh Đức- Vĩnh Thọ (1653- 1662) bọn “giặc Ô” tức chúa Nguyễn ở Đàng trong- ngông nghênh khua chiêng, gõ trống vang lừng kéo đến đánh phá lỵ sở và các làng mạc ven sông Lam, dân sợ hãi đua nhau tháo chạy. Lịch sử cũng chép chúa Nguyễn Phúc Tần sai Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ chiếm đóng, lập đồn trại trên núi Lần, bấy giờ từ bờ nam sông Lam trở vào gọi là Nam Hà. Đến cuối năm 1660, Trịnh Căn chia quân làm 3 đường tiến đánh chúa Nguyễn, phá được lũy và đốt hết doanh trại, đuổi quân Nguyễn đến xã Hoa Viên. Quân Trịnh thu được voi ngựa, khí giới rất nhiều và rút sang bờ bắc. Quân Nguyễn thu nhặt tàn quân lui về giữ huyện Nghi Xuân. Tháng 11 năm ấy, Nghi Quốc công Trịnh Căn sai Lê Thời Hiến, Hoàng Nghĩa Giao, Lê Sỹ Triệt, Nguyễn Năng Thiệu, Đặng Tiến Thự chia đường đánh quân Nguyễn ở làng Tả Ao. Thừa thế thắng trận chia làm hai đường, đuổi quân Nguyễn chạy vào nam. Lê Thời Hiến đuổi theo đường biển qua xã Cương Gián. Hoàng Nghĩa Giao đuổi theo đường bộ đi các xã Lũng Trâu, eo Màn Trường sang huyện Thiên Lộc.
Quân Trịnh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi làng Tả Ao và huyện Nghi Xuân, nhân dân di tản trở về bình an vô sự. Nhưng trong chiến tranh Trịnh- Nguyễn, chắc chắn làng Tả Ao đã bị tàn phá nặng nề, điều này được văn bia đền Huyện ghi rõ đền miếu đổ nát: “ở chốn gò đồi cựu chỉ như đã bị chôn vùi, chỉ còn dấu vết những mảnh đá vụn lên rêu. Tuy nhiên trong túp lều tranh vẫn còn hương khói…”Khôi phục những vết thương trong chiến tranh, năm 1677 Khuông Lộc hầu Đặng Đình An cùng nhiều quan viên, chức sắc huyện Nghi Xuân phụng mệnh vua Lê trùng tu đền thờ Tam tọa Lý Đại Vương.
Theo Nghi Xuân địa chí, vào năm 1791 thời Tây Sơn, “trộm cướp” đột nhập vào huyện lỵ, giết chết tri huyện Hà Văn Tiếu. Sự kiện này đặt dấu chấm hết việc đặt lỵ sở huyện Nghi Xuân ở làng Tả Ao. Từ đó huyện lỵ chuyển dịch không ổn định, đến năm đầu Gia Long (1802) tri huyện Nguyễn Hữu Tích đã dời về phía nam chợ Giang Đình và tồn tại đến ngày nay.
Cũng như Tiên Điền, làng Tả Ao là đất văn vật, sinh ra và nuôi dưỡng nhiều người kỳ tài nổi tiếng từ đời này sang đời khác. Đó là thầy địa lý Vũ Đức Huyền, (dân gian lấy tên làng Tả Ao đặt tên ông) nhân vật được dân gian tôn xưng là thánh sư địa lý Tả Ao của nước Nam với nhiều huyền thoại rất thú vị. Là một người có thật, giỏi bơi lội, không tham lam vàng bạc, rất hiếu học, do cứu được một người Tàu đuối nước ở bến đò Phù Thạch nên được mời sang Trung Quốc học thuật phong thổ, địa lý. Ông có gắng học tập thành tài. Khi về nước đi chu du khắp 4 trấn, gần 20 năm. Theo Nghi Xuân địa chí, có nhiều nhân vật địa vị lớn như thượng thư, phò mã, cung phi đến người địa vị nhỏ như “trung trường, cự phú” nhờ ông xem phong thủy, lấy hướng nhà hoặc huyệt mộ đều ứng nghiệm. Tuy nhiên trong nhiều giai thoại đặt đất, cụ Tả Ao thường phê phán thói hiếu danh, trục lợi như chuyện lấy hướng đình làng Bồ, làng Đinh, lấy mạch Giếng Kẻ cảnh cáo thói keo kiệt của nhà giàu và đề cao việc tu nhân tích đức của nhân dân lao động. Đáng tiếc dòng họ của cụ Tả Ao mất hay còn không ai biết, đền thờ cũng bị đập phá, chỉ nghe Tả Ao truyền lại nhiều cuốn sách phong thổ, địa lý trong dân gian. Căn cứ vào những chuyện hoạt động sinh thời của Tả Ao như việc nhờ cụ đặt huyệt mộ, một phú ông đã bắt được tướng Mạc Kính Độ nạp cho nhà Lê, nên có thể xác định cụ Tả Ao sống vào thời kỳ nhà Mạc sụp đổ, Lê- Trịnh cầm quyền, thống nhất Bắc Nam, trở về kinh đô Thăng Long đầu thế kỷ XVII.
Làng Tả Ao nổi tiếng võ nghệ, trong dân gian người Nghi Xuân có câu “Sắc như dao đến Tả Ao cũng lụt”. Nguyễn Nhân Hiền có sức mạnh và mưu lược, tuổi trẻ rong chơi giang hồ. Thời loạn nhà Mạc, chúa Triết vương Trịnh Tùng (1550- 1623) về Thanh Hóa, ông mang kiếm xin theo chúa Trịnh đi đánh dẹp nhà Mạc, lập công lớn, được sắc phong “Tuyên lực Kính thận Dương võ Uy dũng công thần”, phong chức “Hữu hiệu điểm” tước Lộc Xuyên hầu, vua ban cho 3 thớt ruộng ở cánh đồng Cồn Rò, tặng chức Tham đốc, về sau con cháu của Lộc Xuyên hầu là Phụ Phượng, Tôn Hân, Tôn Kỳ, Tôn Phan…tiến thân theo đường khoa cử. Ba cha con, ông cháu đều thi đỗ hương cống, cử nhân, làm quan cho nhà Lê.
Nguyễn Phụ Phượng, cháu nội Lộc Xuyên hầu, năm 22 tuổi, thi đỗ khoa Giáp Tý (1684), niên hiệu Chính Hòa thứ 5, được bổ chức Điển bạ, năm Nhâm Dần (1722) đời Thái Bảo thăng Tri huyện Hưng Nguyên. Nguyễn Tôn Kỳ, con Phụ Phượng, đỗ khoa thi hương năm Ất Dậu (1705) niên hiệu Vĩnh Trị khi 29 tuổi, được sung vào hàng thị nội văn chức. Về sau ông xin nghỉ việc quan, ở nhà dạy học. Toản quận công Nguyễn Khản là học trò của ông. Nguyễn Tôn Phan, con Tôn Kỳ, 33 tuổi thi đỗ đầu xứ, bổ là Huấn đạo xứ Thăng Hoa (Thăng Bình- Quảng Nam), sau đó chuyển về làm Tri huyện La Sơn (Đức Thọ).
Bên cạnh đó, người xã khác di cư đến làng Tả Ao cũng đỗ đạt cao như Lê Đăng Truyền, Đậu Minh Dương, quê ở làng Tiên Bào. Lê Đăng Truyền, đậu tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh, được cử lên ải Nam Quan đón tiếp sứ nhà Thanh. Đậu Minh Dương cùng Đặng Ngự sử người trong làng là 2 trong số 4 người đương thời gọi là “Nghệ An tứ hổ”. Năm Mậu Tý (1708), đời Vĩnh Thịnh mới 26 tuổi thi đậu, được xếp vào loại đứng đầu trong số người dự thi vào mùa xuân, đỗ tam trường hạng ưu. Năm Canh Dần, đậu Hoành từ, được sung vào hàng thị nội văn chức, cuối đời ông làm quan đến chức Lang trung bộ Hộ. Đậu Tuấn Thanh là con Đậu Minh Dương, thi đậu khoa Nhâm Tý (1732) niên hiệu Long Đức được bổ làm Tri huyện Phụng Thiên vào năm Quý Dậu (1753), năm Bính Tý (1756) đổi làm Tri huyện Hưng Nguyên. Tú tài Lê Doãn Địch, làm quan đến chức Tri huyện, tính hòa hiệp, thích xuất của lo việc xây dựng miếu thờ hội Tư văn, hiến đất đai của mình làm ruộng tế, theo sử sách để lại ông được hội Tư văn ghi chép lên văn bia. Nhưng hiện nay văn bia này đã bị thất lạc, mất mát, rất đáng tiếc.
Làng Tả Ao được tạo lập bởi các dòng họ Nguyễn, Đặng, Võ, Hồ, Hoàng, Trần, Lê, Phan, Đậu, Cao, Ngô, Đinh, Lương…như hiện nay. Dòng họ nào đầu tiên đến khai phá lập làng Tả Ao, không có tài liệu nào ghi chép. Họ Nguyễn, con cháu hậu thế võ tướng Nguyễn Nhân Hiền, lập nghiệp ở làng Tả Ao từ nửa sau thế kỷ XVI, đến nay truyền được 18 đời, từ 450- 500 năm. Hiện nay đang có di tích nhà thờ, bài vị và đồ tế khí ở thôn Hồng Khánh, xã Xuân Giang.
Làng Tả Ao thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng chung với toàn huyện Nghi Xuân, gọi là đền Huyện. Bên cạnh đền Huyện, phía tây có đền Phụ Quốc, khi sinh thời thần theo Lý Nhật Quang đi đánh giặc. Phía nam xóm Bàu Sen có đền Nghè, đền thờ cụ Tả Ao ở xóm Xuân Thủy. Đồng Rỏi cũng có đền thờ thần, gọi là đền Quan Phó hiệp, tế lễ vào ngày 10/6 âm lịch. Đồng Đưng, có đền Nghè. Hệ thống chùa chiền có chùa Tháp, chùa Ba Lòi, chùa Vạn Giác, bờ sông có miệu nhưng tất cả là phế tích. Hệ thống nhà thờ các dòng họ, hiện nay có nhà thờ họ Nguyễn, họ Lê, họ Hồ, họ Cao, họ Đậu, họ Đinh…Nguồn gốc các dòng họ, nhờ những ghi chép trong gia phả và các tài liệu, địa chí, lịch sử xác định được vài phác thảo các dòng họ di cư đến làng Tả Ao. Họ Hồ là hậu duệ của Hồ Tông Thốc, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, họ Lê, họ Đậu người Tiên Bào, họ Hoàng ở Tiên Điền, họ Đặng ở Uy Viễn, họ Đinh từ xã Đan Hải, huyện Nghi Xuân di cư đến làng Tả Ao. Họ Đậu ở xóm Đồng Rỏi (Hồng Thịnh) nguyên là họ Lê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, đổi sang và tìm về làng Tả Ao lập nghiệp.
Tả Ao là một làng cổ có bề dày lịch sử lâu đời, là một trong những trung tâm chính trị- kinh tế nổi tiếng từ thời đại Lý- Trần. Có thể khẳng định làng Tả Ao là một trong các làng được lập sớm nhất huyện Nghi Xuân. Nhưng đến nay, trải qua thăng trầm, thiên biến vạn hóa, hầu hết văn hóa phi vật thể cũng như văn hóa vật thể đã bị mai một. Từ khi thành lập đến nay, trước Cách mạng tháng 8/ 1945 làng Tả Ao có đổi tên lần nào không cũng chưa rõ. Năm 1945, sau Cách mạng tháng 8, Việt Minh chủ trương bỏ cấp tổng thành lập xã mới, làng Tả Ao nhập với các làng Tiên Cầu, Khải Mông, thôn Ngọc Lâm và thôn Cẩm Mỹ, đặt tên là xã Giang Nam. Sau đó Giang Nam được sáp nhập với An Lạc gồm Gia Hòa, Trung Lộc, Thượng Thôn, đổi tên thành xã An Giang, kéo dài 5 km. Năm 1954, Liên khu ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV chủ trương tách xã lớn thành xã nhỏ. Xã An Giang tách ra, nhập thêm 2 thôn của xã Uy Viễn quê hương cụ Nguyễn Công Trứ, đặt tên là xã Xuân Giang, gồm thôn Võ Trạch, Tăng Phúc, của xã Uy Viễn, Tả Ao, Tiên Cầu, Cẩm Mỹ, Ngọc Lâm. Năm 1988, huyện cắt một phần đất Võ Trạch, Tăng Phúc nhập với đất Văn Liêu và Văn Trường để thành lập đơn vị hành chính mới là thị trấn Nghi Xuân, nhưng di tích Nguyễn Công Trứ thuộc địa dư xã Xuân Giang.
Làng Tả Ao có bến đò Giang Đình, chung với làng Uy Viễn từ lâu đời. Trong dân gian có câu phương ngữ: “ Uy Viễn làm sao, Tả Ao làm vậy”, để cắt nghĩa sự gắn kết của hai làng. Bến đò Giang Đình là một thắng cảnh trong 8 cảnh đẹp của huyện Nghi Xuân. Chúng tôi nghĩ xa xưa khi mới lập hương thôn, các xã Tả Ao, Uy Viễn chỉ là một làng. Trong quá trình phát triển, dân cư đông đúc, vậy nên do nhu cầu của xã hội thời ấy đã tách ra thành các làng riêng biệt. Nhưng giữa các làng vẫn có mối quan hệ rõ nét, bến đò và tế chung, thờ chung Đại vương Lý Nhật Quang làm Thành hoàng./.