21-12-2019 - 06:20

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng trưởng thành từ phong trào "Tiếng hát át tiếng bom"

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng sinh ngày 01 tháng 10 năm 1949 tại xã Cẩm Thành (1), Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Chị là một trong những người người tham gia thực hành dân ca Nghệ Tĩnh trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và là một trong những thành viên tích cực của Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh - nơi chị trú quán hiện nay.

        

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng

        Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng vẫn không phai mờ kỉ niệm về những lần tham gia biểu diễn phục vụ các chiến dịch “Tiếng hát át tiếng bom” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  

         Năm 1968, nhờ có năng khiếu văn nghệ nên Nguyễn Thị Hồng Hưởng được Phòng Văn hóa  huyện Cẩm Xuyên gửi đi đào tạo lớp dân ca ngắn hạn do Ty Văn hóa (nay là Sở VHTT&DL) tổ chức và được trực tiếp Nhạc sĩ Lê Hàm truyền dạy cho hát các làn điệu dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh gốc. Sau đó, chị về tham gia Đội Văn nghệ tuyên truyền lưu động của huyện, đi phục vụ “kháng chiến kiến quốc” trên địa bàn toàn huyện, nhất là các xã chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Năm 1969, chị tham gia phong trào “phụ nữ ba sẵn sàng”,  vận chuyển lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội bằng xe thồ đi từ Cẩm Xuyên đến các xã Thạch Tiến, Tượng Sơn…ở Thạch Hà. Lý tưởng cao đẹp nhất của tuổi trẻ Hà Tĩnh hồi bấy giờ là được ra trận, được cầm súng, chí ít cũng được mang hạt lúa củ khoai và lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho các anh bộ đội ăn no, phấn khởi đánh thắng kẻ thù xâm lược. Với những đóng góp của mình trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom” Nguyễn Hồng Hưởng được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

        Thời trẻ, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng là một cô gái mạnh mẽ, hoạt bát, đằm thắm và có duyên. Mỗi khi chị hát, người xem như bị hút hồn. Đặc biệt, người nghệ nhân này có lối diễn xuất dí dỏm, hài hước, hồn nhiên và giọng hát dân ca Nghệ Tĩnh khá điêu luyện. Nhờ vậy, chị đã thể hiện rất thành công trên các sân khấu lớn, nhỏ của trung ương và địa phương. Đáng ghi nhớ là năm 1969, Đội Văn nghệ tuyên truyền lưu động của huyện Cẩm Xuyên được cử đi phục vụ Đại hội Công - Nông - Binh toàn tỉnh, tổ chức tại xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Sau đó, chị lấy chồng về thị xã (nay là thành phố) Hà Tĩnh.

          Nhờ tình yêu nghệ thuật cùng với những năm tháng tham gia phong trào “Tiếng hát, át tiếng bom”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng may mắn được đồng hành với các nhạc sĩ, nghệ sĩ có tên tuổi ở tỉnh như Vi Phong, Lê Hàm, Phan Lương Hảo, Hoàng Vinh trên những nẻo đường quê hương và được họ tập cho hát và biểu diễn một số tiết mục dân ca Ví Giặm, tiêu biểu như Đôi bồ dân công; Bên phà Bến Thủy, Gái Núi Nài, Áo xanh càng thắm, áo nâu càng dòn, O du kích nhỏ, Thần Sấm ngã,  Ngọn roi trâu…để đi phục vụ hát cho các chiến sĩ, dân công hỏa tuyến tại các tuyến lửa cam go thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước như Linh Cảm, Khe Sanh, Ngã ba Đồng Lộc, Bến Thủy…Và những tiết mục này đã từng ngày, từng ngày ngấm vào máu thịt của chị. Mở mắt ra là hát, ăn cơm cũng hát, đi đường cũng hát, trước khi ngủ cũng hát…

       Ở địa phương, hễ có diễn đàn sinh hoạt gì cần giao lưu hay phục vụ nhiệm vụ chính trị là ban tổ chức yêu cầu chị hát…Sau này, khi chiến tranh kết thúc, cũng nhờ các tiết mục này được cấp ủy, chính quyền cho đầu tư phục dựng lại, nên câu lạc bộ phường Nam Hà và bản thân nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng đã dành được nhiều giải thưởng cao tại các  Liên hoan, Hội thi các cấp.

       Và một trong những lí do khác nữa, Nguyễn Thị Hồng Hưởng sớm đến với hát dân ca Nghệ Tĩnh và trở thành nghệ nhân dân gian là nhờ truyền thống văn hóa gia đình hai phía nội – ngoại. Nhà chị, cả ông, bà và bố mẹ cũng nhờ đi hát phường hát hội mà nên duyên đôi lứa. Chị và các em trong nhà có năng khiếu hát Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh cũng là nhờ có sự truyền dạy của ông bà, cha mẹ.  Nhờ sự trao truyền của những bậc lão thành trong nhà, chị đã biết hát và trình diễn được rất nhiều làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Khi lấy chồng về thành phố Hà Tĩnh, nhờ có năng khiếu văn hóa văn nghệ nên chị Hưởng được chính quyền phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh cử làm cán bộ Dân số kế hoạch hóa gia đình phường. Đây cũng là một cơ hội tốt để tình yêu dân ca ví giặm ngày càng sâu sắc trong chị.

          Để làm tốt công việc được giao, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng đã dùng nghệ thuật sân khấu hóa dân ca Ví Giặm (vận dụng lời cổ, soạn lời mới) để tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Nếu như ngày xưa chị hát bài Giặm kể Thần sấm ngã thành công để lại dấu ấn với vai diễn “O du du kích nhỏ”, thì nay chị lại tiếp tục làm cho khán giả cười bò lăn bò toài mỗi khi chị hóa thân vào một số vai nam diễn viên. Bây giờ xem lại những hình ảnh này chị lại thấy càng say sưa hơn với nghề mà mình đã chọn. Nhiều năm qua, trên địa bàn phường Nam Hà hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm vấn đề sinh đẻ, trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của chị Hưởng.

         Dù việc nhà, việc nước khá bận rộn nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian để đi sưu tầm lời cổ trong dân gian và khôi phục các không gian diễn xướng truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh mà cha ông ngày xưa đã thực hiện qua lời kể của bố chồng và mẹ chồng. Kết quả chị đã sưu tầm được hàng ngàn câu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lời cổ, làn điệu cổ như: Ví phường vải, Ví phường cấy, Ví phường đan, Ví đò đưa sông La, sông Lam, Hát Giặm ru, Giặm kể, Giặm cửa quyền, Giặm nối, Giặm Đức Sơn, …và một số làn khác như Làn khuyên, Hò sông nước, Hát ru, Phụ tử tình thâm…

       Với tình yêu dân ca Ví Giặm và năng khiếu trời phú, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng đã dành được một số thành tích và giải thưởng tiêu biểu như sau: Năm 1995, đạt giải A, Liên hoan đàn hát dân ca toàn tỉnh với tiết mục Phụ tử tình thâm; năm 2000, dành được giải B Liên hoan Dân ca Nghệ Tĩnh toàn thành phố với tiết mục Một lòng đợi bạn – Tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh; năm 2001 được giải A, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng  của Bộ Thương mại với tiết mục  Nhịp cầu thương mại – kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh; năm 2002, đạt Giải B Liên hoan Dân ca toàn tỉnh với tiết mục đối đáp dân ca lời cổ; năm 2012, Giải A, Liên hoan Đàn hát Dân ca toàn thành phố với tiết mục Đêm trăng hò hẹn – không gian diễn xướng Hát ví phường nón – tập thể; năm 2014, Giải A Liên hoan CLB dân ca toàn tỉnh với tiết mục Giặm kể Thần sấm ngã; năm 2016, Giải B Liên hoan CLB dân ca liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh với tiết mục Duyên phường vải (NNUT Thanh Minh soạn lời)...cùng với rất nhiều giải thưởng khác. Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng đã rất say sưa với việc sáng tác lời mới ca ngợi quê hương, đảng, Bác, đất nước đổi mới…chị đã cung cấp nhiều tiết mục cho câu lạc bộ phường Nam Hà biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn thành phố.

NN.Nguyễn Hồng Hưởng (trái) và NN.Kiều Thanh sau khi biểu diễn “Thần sẫm ngã”

          Những năm gần đây, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh thường tổ chức cho đi trình diễn, quảng bá dân ca ví giặm tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng dân tộc học và một số địa phương trong tỉnh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Hưởng và một số nghệ nhân tiêu biểu khác trong tỉnh được mời tham gia trình diễn. Đồng thời, một số tiết mục Dân ca Ví, Giặm của Câu lạc bộ phường Nam Hà do chị trực tiếp tham gia được Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Tĩnh ghi hình và phát sóng nhiều lần. Và mỗi khi hình ảnh chị xuất hiện trên sân khấu hoặc màn ảnh nhỏ, khán giả lại rộ lên “O du kích nhỏ” đây rồi!

                                                                                                  P.T.H

________________

     1. Cẩm Thành là xã thuần nông nằm ở phía Bắc huyện Cẩm Xuyên. Từ bao đời nay, cuộc sống của gần người dân chủ yếu chỉ trông chờ vào hạt lúa củ khoai, mớ rau, con cua, con cá trên đồng. Khi công trình  thủy nông Kẻ Gỗ phát huy tác dụng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, người dân Cẩm Thành đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào  sản xuất, đưa năng suất sản lượng lúa lên gấp đôi, gấp  ba so với trước. Sau 4 năm chung sức đồng lòng, bằng niềm tin, sức mạnh và nhiệt tình của cán bộ, nhân dân, xã Cẩm Thành đã trở thành điểm sáng mới trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

. . . . .
Loading the player...