28-07-2018 - 07:57

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN BAN - MỘT NHÂN CÁCH VÀ TÀI NĂNG TỎA SÁNG

Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Ban, sinh ngày 12/10/1940 tại Tiên Điền – Nghi Xuân – Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghi Xuân.

            Ông là hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, hiện nay là Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Nghi Xuân. Và đặc biệt hơn, ông là hậu duệ của dòng dõi họ Nguyễn Tiên Điền. Cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Ban cứ như một lữ khách, miệt mài đi tìm những câu hò, điệu ví, câu Kiều, làn điệu Ca trù sau lũy tre làng. 
           Năm 1978 khi đang là giáo viên Trường Nghệ thuật Việt Bắc, Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Ban được điều về công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Với 6 năm làm cán bộ giảng dạy, rồi Trưởng phòng Giáo vụ của nhà trường, ông luôn được các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh trân trọng, quý mến. Ngoài công tác quản lý và giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật, ông đã dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, sáng tác các loại hình nghệ thuật truyền thống vùng Nghệ Tĩnh. 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ban


         Sau sự kiện kịch ngắn Hoa rừng và đối ca dân ca Nghệ Tĩnh “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng” dành được Huy chương vàng Liên hoan Dân ca toàn quốc, Nguyễn Ban mới trở nên nổi tiếng. Hai tiết mục này được hầu hết 27 huyện thị của tỉnh Nghệ Tỉnh lúc bấy giờ cũng như Đoàn Văn công tỉnh, Văn công Quân khu thi nhau dàn dựng; được Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục trong một thời gian dài. 
         Năm 1984, vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân cùng lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh đích thân sang Trường Trung học VHNT Nghệ Tĩnh xin ông về làm Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghi Xuân. Thật lòng thì ông cũng không muốn về huyện, khi ở trường đang được các thầy và trò yêu mến. Nhưng khi nghe nói đến Nghi Xuân lâu nay mất trắng trong các mùa hội thi, hội diễn của tỉnh, bởi hồi ấy, cả nước lên cơn sốt nhạc nhẹ. Bất kỳ ở đâu, trên sân khấu, nơi hội họp, đám cưới hoặc lễ hội…cứ có tổ chức ca hát là nhún nhảy, là kèn trống om sòm. Ai đưa dân ca vào hát những nơi đó thì bị coi là lạc hậu, bê trễ! Nguyễn Ban đã rất trăn trở, nghĩ về  trách nhiệm của mình với quê nhà, nên ông quyết định từ bỏ tình cảm riêng tư của mình, về quê xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ huyện nhà. 
        Vừa về “nhậm chức” Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, ông đã hoạch định nhiệm vụ đầu tiên của mình là phải đưa các loại hình Dân ca Nghệ Tĩnh như Ca trù, Trò Kiều, Ví, Giặm, Hát ru, Lẩy Kiều… “trở về” với mảnh đất Nghi Xuân! ông đã ra Bắc, vào Nam để sưu tầm kịch bản Trò Kiều và các làn điệu Ca trù; sáng tác, dàn dựng hàng trăm tác phẩm là kịch hát, tổ khúc Dân ca Ví, Giặm; khôi phục các phong tục, lễ hội dân gian tưởng đã mai một trên đất Nghi Xuân như lễ hội Sỹ - Nông – Công – Thương…
        Cũng bắt đầu từ đây, các đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, trường học…bắt đầu trở lại đưa các loại hình Dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu. 
          Năm 1985, lần đầu tiên huyện Nghi Xuân tổ chức được Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn huyện. Theo Quy chế Hội diễn thì bắt buộc phải có cơ cấu ít nhất 50% là tiết mục Dân ca Nghệ Tĩnh. Dĩ nhiên là các xã, thị trấn buộc lòng phải tuân theo. Thế rồi trong toàn bộ chương trình hội diễn lần ấy thì các tiết mục Dân ca Nghệ Tĩnh của các đơn vị hầu hết đều là con đẻ tinh thần của tác giả và đạo diễn Nguyễn Ban, tiết mục nào cũng cũng hay và đạt giải cao. Từ đó, các địa phương, đơn vị trong tỉnh trở lại hào hứng với hát Dân ca Nghệ Tĩnh và xem Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Ban là người thầy số một của phong trào nghệ thuật quần chúng. Đơn “đặt hàng” trở nên quá tải với ông, dẫu rất muốn san sẻ công việc này cho người khác mà đâu có dễ.
           Năm 1995, tân trưởng Phòng VHTT đã trực tiếp sang đặt vấn đề với Phòng Giáo dục huyện Nghi Xuân về việc đưa dân ca vào trường học, ông nhận được sự đồng tình cao. Từ đó, ông liên tục chủ trì mở các lớp Tập huấn đàn, hát, viết lời mới cho Dân ca Nghệ Tĩnh, bồi dưỡng cho các giáo viên âm nhạc, giáo viên có năng khiếu, nhằm nhân rộng phong trào ra toàn huyện. 
           Năm 1998, được sự giúp đỡ của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin, huyện Nghi Xuân chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn Trung ương và tỉnh tổ chức Hội thảo Ca trù Cổ Đạm. Đây là một sự kiện vượt quá tầm của một huyện và theo đó, các CLB Ca trù Cổ Đạm, CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ, CLB Trò Kiều Tiên Điền, CLB Trò Kiều Xuân Liên lần lượt ra đời. Nhờ cái đà này, năm 2000, lần đầu tiên huyện Nghi Xuân tổ chức thành công chương trình“Liên hoan Tiếng hát học đường” và liên hoan này được duy trì hai năm tổ chức một lần cho đến nay vẫn được phát huy tốt. 
         Quả là “mưa dầm thấm lâu”, Dân ca Nghệ Tĩnh trên đất Nghi Xuân ngày càng được phát triển và khẳng định thương hiệu “cái nôi văn hóa” của tỉnh. Từ các em học sinh mầm non, đến các cụ cao tuổi, càng yêu thêm các làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh của quê hương mình. Có thể nói Nghệ nhân - Nghệ sỹ Nguyễn Ban là người đã có công đưa Dân Ca vào trường học sớm nhất trên đất Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, để Dân ca Nghệ Tĩnh được mãi mãi trường tồn với quê hương và dân tộc.  

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ban tại trại sáng tác VHNT năm 2017 ở Nghi Xuân

          Trải qua gần 60 năm lao động nghệ thuật, Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Ban đã dành cả cuộc đời cho Dân ca Nghệ Tĩnh. Năm nay, ông đã bước sang tuổi bát tuần, nhưng người nghệ nhân, nghệ sỹ này vẫn tiếp tục gồng mình vượt qua tuổi tác và bệnh tật; tranh chấp với thời gian, để cho ra những tác phẩm Dân ca dí dỏm tinh túy và đượm nét nho nhã và không ngừng trao truyền từng câu Ví Giặm, từng làn điệu Ca trù, từng câu Lẩy Kiều, Chèo Kiều, Hát Kiều…cho lớp trẻ.
        Với tài năng, tâm huyết và những cống hiến to lớn trên các lĩnh vực bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể nói chung, Dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng, Nghệ nhân – Nghệ sỹ Nguyễn Ban đã được tặng nhiều giải thưởng cao về văn học, nghệ thuật. Tiêu biểu như: Huy chương vàng kịch ngắn Hoa rừng; đối ca Dân ca Nghệ Tĩnh Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng; tác phẩm Ca trù lời mới Nước vì dân - Huy chương vàng tại các Liên hoan Dân ca toàn quốc năm 1985, 1998, 2014, cùng với nhiều giải A – B tại Hội thi, Hội diễn trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.  Năm 2012, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 2015, ông được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du (giai đoạn 2010-2015). Tiếp đó, ngày 13/11/2015, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
  
         Tác phẩm dân ca tiêu biểu:

TRAI KHÔN TÌM VỢ - GÁI NGOAN TÌM CHỒNG
 (Đối ca Dân ca Nghệ Tĩnh)

Hò đi đường:
Ơ!.. Quê ta sông núi điệp trùng
Thiên nhiên cay nghiệt ta cùng gắng công
Toàn dân quyết chí một lòng
Thi đua xây dựng quê hương đẹp giàu
(Khoan ơi hỡi hò khoan, ơi hỡi hò khoan, 
…..dô khoan ta hò khoan)
Nam - Nói vần: 
Bên kia sông phải chăng làng Đặng
Đất trồng dâu nuôi tằm tôi muốn tìm sang
Đúng như lời bà tôi dặn rồi, 
Đi nửa ngày đường đến một bến đò ngang. 
Nhìn qua sông thấy rõ xóm làng. 
Thì cứ xuống đò đi sang là đến.
Thơ:     
 Nhưng lạ thay, nơi đây có thuyền có sông có bến.
 Sao không thấy  bác lái đò đón đợi khách qua sông.
Nói:     
Hay giữa lúc ban trưa trời oi bức nắng nồng.
Họ không thể chèo đò qua sông được
Cũng mảnh đất trung du sao nơi đây nắng hè cay nhiệt
Cỏ bên đường xám cháy màu xanh 
Không gian lồng lộng không một cánh chim trời chao liệng
(Gọi):     - Đò ơi!...
Nữ - Ví vọng từ xa  
Dòng Lam Giang vừa sâu, vừa rộng 
Nước đôi bờ sóng động xôn xao
Lúc ban trưa trời nặng ngọn gió Nam Lào
Hỏi anh chi bộ đội đơn vị đóng nơi nào mà đến đây?
Nam -Ví đò đưa:
Đất làng bên dù cho nắng rát
Gió nam cào cuộn bụi cát bay.
Yêu nghề mến nghiệp tới đây .
Tôi trai làng thượng hôm nay lần tìm
Nữ - Hò Nghệ: 
Hò ơ hò...Tôi tưởng lầm anh là anh bộ đội.
Thì định lái đò để khỏi đợi qua sông
 Qua sông lại lúc nắng nồng .
Hỡi con trai làng thượng 
Muốn qua sông phải lụy đò…
Nam - Hò Nghệ:      
Hò ơ hò....Trai làng thượng vẫn đi bộ đội
 Hỡi chị lái đò đừng bắt lội qua sông
Qua sông gặp lúc nắng nồng .
Xin lòng đứng có tiếc chi công lái đò.
Nữ: (Ra, ví)
Ơ!...nể lòng nỏ tiếc chi công
Hỡi con trai làng thượng định qua sông tìm gì?
Chà!....Chào  O. 
Tôi bộ đội về quê hương xây dựng thấy xóm
làng ăn no rồi nhưng mặc bền mặc đẹp thì chưa, 
Nghe nói làng bên có nghề nuôi tằm, dệt lụa, quay tơ. 
Tôi định qua đó lấy nghề về cho bà con nối nghiệp.
Nữ: (Đùa như mỉa mai) 
               Lấy nghề về cho bà con nỗi nghiệp?
Nam: (nói)
               Thực lòng là rứa, 
               O làm ơn cho tôi qua sông một tý để lấy nghề đi!
Nữ:         Qua sông một tý để lấy nghề đi?
(Giặm):
Nghe nói thật dị kỳ
Là ông nọ bà chi
Đòi sang sông lấy nghề đi
Thì qua sông răng được
Muốn xuống đò răng được (vờ đi nhanh)
Nam: Ấy chết, kìa o!...
(Giặm):
Là tôi đang ao ước
Nếu bên nớ thuận lòng
Trước là được việc công
Sau đời tư kết hợp
Việc riêng mình kết hợp
Nữ: (Nói một mình)
                 Việc riêng mình kết hợp nghĩa là....? 
                 Này! Trước mà vì việc công, thì thôi cũng được. 
                  Nhưng quê  anh làm nghề chi?
                  Mà còn đòi làm thêm nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.
Nam:         Chẳng dấu gì o
(Thơ):
    Làng Thượng quê tôi đất hai mùa trồng lúa
    Cấy cày xong là người ngồi đó việc không.
    Giờ quê tôi muốn kết hợp công nông
    Mà mê nhất là nghề trồng dâu nuôi tằm bên nớ…
Nữ:        Mê nhất bên  nớ à?
Nam:        Nhưng.... O là người bên ni hay người bên nớ.
Nữ:       (Thơ):
                   Chẳng dấu gì anh 
                    Tôi là người khi thì bên ni khi thì bên nớ
                     Nhưng đêm về tôi lại ở bên nớ mà nỏ ở bên ni.
Nam:          Người bên ni mà đêm lại ơ bên nớ nghĩa là...?
Nữ:          Nhưng mà con trai làng thượng hỏi để mần chi?
Nam:         À! Có nghĩa o là người bên ni đã có chồng nên đêm về bên nớ
Nữ:         Tôi đang ở bên ni mà cũng nỏ có chồng bên nớ.
                     Nếu anh đoán được thì mời anh xuống đò... sang bến
Nam:         Lại phải đoán được mới cho xuống đò.
Nữ:          Chớ sao !
Nam:          Thế thì o đã có chồng chưa, để tôi xin đoán?
Nữ:          Có rồi.
Nam:         (Vẻ thất vọng) Có rồi à?
Nữ:          À mà, chưa có.
Nam:         Hay quá, chưa có thực chứ?
Nữ:         Nhưng chưa, có rồi.
Nam:          Ơ!... có rồi, chưa có, lại nhưng chưa có rồi.
                     Sao mà lắt léo vậy? (suy nghĩ)
Nữ:          Thì đố mà lại....Kìa!.. trả lời đi...không thì...
Nam:          Không thì răng hả o ?
                     Không thì cởi áo ra...cởi áo ra để gửi lại làm tin à?
                     Cởi ra mà lội qua sông, chứ nắng ra ri ai đứng đây mà đợi.
Nam:          (Với khán giả) (Ví): 
      Ơ!.. khen người con gái làng bên
      Tính tình dí dỏm, nhân duyên tôi đang tìm.
       Nào ta xuống đò đi o.
Nữ:          Ơ!.. anh đã đoán được chi mô mà đòi xuống đò sang bến
Nam:           Thì o là người lái đò, nên ngày thì khi ở bên ni, khi thì bên nớ. 
                      Đến tối về nhà dệt lụa quay tơ thì chỉ ở bên nớ mà không ở bên ni, 
                      O là gái chưa chồng tôi đoán thế còn gì.
Nữ:           Gái chưa chồng!.. ừ thì cũng tạm cho là đúng.
       Nhưng trời nắng ra ri lòng sông lại rộng
       Gió Nam cào lồng lộng nhọc mái chèo qua
        Nếu anh đoán được điều thứ 3 thì em...
        À…tôi xin đưa nghề qua bên đó... 
Nam:            Ôi em, à o... đưa nghề qua bên anh! 
                        Nghe em nói lòng anh mừng khôn tả...  
                      Nhưng trời nắng ra ri đố câu gì cũng dễ dễ tí thôi. 
                       Nhớ thương nhau trời nắng toát mồ hôi, 
                       Đố khó quá suốt đời hối tiếc (đó).
Nữ:           Vâng!.. dễ thôi... dễ với người thông minh hiểu cách
                       Khó với người ngốc nghếch đũa mốc mâm son
Nam:           Ôi! Ngốc nghếch đũa mốc mâm son
                       Em không tìm được cái lời nào êm ái tí thì hơn
Nữ:            Còn với anh thì cứ nói đúng là hơn.
                       Em chiếu cố 99% không thì ai nỏ tiếc.
Nam:           Chiếu cố 99%...Thôi được. 
                       Bố tôi từng thắng Pháp, Tôi thắng Mỹ nam nào.
                       Giờ không lẽ một cô gái làng dâu mà phải chắp tay để....
                       Nào o đố đi
Nữ:           Anh nghe cho rõ.
(Giặm nối):
     Nông suy bách nghệ bại
    Nghệ bài tại nông suy
    Anh thử tính cách gì
    Đừng nông suy nghệ bại
    Đừng mọi nghề thất bại.
Nam:          (Giặm:)          
   Rứa thì o với tôi ta xích lại
    Kết hợp cả hai nghề
   Lúa với lụa hết chê
   Ăn no rồi mặc đẹp
   Ăn no cần mặc đẹp. 
Nữ:         Nhưng anh gì ơi!...
Nam:        Lại còn gì nữa nào ?
Nữ:       (Hát khuyên):  
Ruộng đất quê em cấy cày vất vả
Quanh năm 2 vụ thật khó cấy trồng
Chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập
Chuyên canh nông nghiệp năng suất nỏ cao
Không lẽ cứ đâm lao đâm lao rồi thua thiệt
Nam:      Việc nhà nông giờ đây cần kết hợp
Phải tính toan cho vẹn cả đôi đường
Cây công nghiệp lợi hơn, ta đem làm chủ đạo.
Còn như nông nghiệp xen vụ cấy trồng
Việc kết hợp công nông hai quê mình như một.
Nữ:      Ôi!.. Nghe anh nói em vui trong dạ
Phải kết hợp caấy trồng như các xã xung quanh
Con trai làng Thượng quả là thông minh.
Xin mời anh xuống đò để em đưa sang bến.
Nam:      Ơ!.... Dừ thì tôi chẳng cần qua sông mần chi nữa…
Nữ:      Kìa !.. Sao vậy anh?
                 Mong o giữ đúng lời đã hẹn
Nam:        
Nói đúng rồi mời em đến quê anh
Để đêm đêm những câu ví ân tình
Trai trục lúa, gái quay tơ,
 Uốn lượn trong đêm vọng câu hò, ví, giặm
Nữ:      (Thơ):
 Lời thể hứa lòng em xin nguyện
Nhưng việc trăm năm hò hẹn sao chỉ đứng giữa đàng
Em còn phải về thưa với mẹ cha, bè bạn, họ hàng
Xin mời anh xuống đò sang bến, để xóm làng biết tên.
Nam:     (Ví):
 Ơ!.. qua sông thì phải lụy đò
Tối trời thì phải lụy o bán dầu 
Tôi mến nghề tơ tằm dệt lụa trồng dâu
Dù cho tam tứ sông tôi cũng lội
Tám chín mười đèo tôi cũng qua.
Nữ:      (Ví):
                  Ơ!.. Yêu tằm qua bến thăm nong
                  Nong bao nhiêu kén, ta mặn nồng bấy nhiêu./.


 

. . . . .
Loading the player...