09-09-2019 - 17:30

Ngụ ngôn tháng Tư - Sự biến hóa của ngòi bút

Tạp chí Hồng Lĩnh số 157 giới thiệu bài viết "Ngụ ngôn tháng Tư - Sự biến hóa của ngòi bút" (Đọc Ngụ ngôn tháng Tư, tập truyện ngắn, Trần Thị Tú Ngọc. Nxb Dân trí, 2019) của tác giả Nguyễn Trần Vũ.

 

Tôi cầm trên tay cuốn Ngụ ngôn tháng Tư vào một ngày cuối hạ, trời nóng như đổ lửa và gió lùa trên những hàng cây xơ xác vì oi ả nắng. Thế nhưng, lật giở từng trang sách, tâm hồn tôi bỗng dịu lại, lúc thanh tĩnh nhẹ nhàng, lúc lặng đi trong những câu chuyện đầy xúc động. Ngụ ngôn tháng Tư, tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Trần Thị Tú Ngọc, một cuốn sách nhỏ nhưng thực sự lay thức trái tim.

Trần Thị Tú Ngọc là một cây bút trẻ của văn xuôi Hà Tĩnh bên cạnh các tác giả đã quen thuộc với bạn đọc như Tống Phú Sa, Trần Quỳnh Nga… Những ai từng đọc truyện của chị sẽ nhận thấy một chất văn đẹp, dày, mịn phủ lên những lớp chuyện giàu tính nhân văn, giàu biến hóa, thể hiện một nhân sinh quan sâu sắc từ điểm nhìn mới lạ. Ngụ ngôn tháng Tư với cái nhìn đa dạng, đa chiều, nhiều cách thức biểu đạt đã thể hiện được lối viết biến hóa tài tình nhưng đầy sức nặng đó. Mười bốn truyện ngắn với nhiều lối thể nghiệm khác nhau từ các đề tài, tập trung thành ba mảng chủ yếu. Đó là mảng lịch sử với các truyện ngắn chắc tay như Chiều Cổ Loa nổi gió, Sầu thiên thu, Giấc mơ người xa xứ, Hoa nơi viễn xứ…, mảng  hơi thở cuộc sống đương đại với các truyện ngắn trẻ trung, lôi cuốn: Để gió cuốn đi, Đi về phía chân trời, Chiếc Porsche màu ánh bạc, Ảo ảnh đêm, Lung linh như nước..., mảng hiện thực kì ảo với không khí liêu trai của Mộng hồ lySói đỏ núi Ba Đầu.

Có thể nhận thấy nét nổi bật của truyện ngắn Trần Thị Tú Ngọc là những câu chuyện giàu sức nặng, thể hiện một nhân sinh quan sâu sắc. Phần “chuyện” trong truyện ngắn của chị  phải nói là rất dày, nhiều lớp, buộc người đọc phải vừa đọc vừa suy ngẫm. Việc lựa chọn bối cảnh, mô tả, từ ngữ và đặc biệt là thoại của chị rất chỉn chu, sạch sẽ, cẩn trọng, giàu tính tượng trưng. Tác giả luôn xây dựng được một không gian truyện nhất quán ở mỗi mảng đề tài, cái không gian ấy hiển hiện trước mặt người đọc, ma mị, huyễn hoặc như “từ trong hang luôn có luồng khí trắng bốc ra cùng với hơi lạnh buốt thấu tim gan; hay hiện đại sang trọng“lúc hoàng hôn, trong ánh mặt trời sắp lặn, đài phun nước sáng rực lên” bên ngoài khu resort; là “Thăng Long thưở ấy phảng phất nét u hoài của kinh thành cũ” trong bối cảnh lịch sử. Chất văn ở Ngụ ngôn tháng Tư hầu hết đều rất đẹp, mềm mại, mịn màng, sâu lắng. Không gian truyện khi lung linh, khi bảng lảng mơ hồ. Nhiều truyện ngắn được xây dựng theo lối viết đan xen điểm nhìn giữa các nhân vật như Ảo ảnh đêm, Ngụ ngôn tháng Tư,…, đan xen không gian và thời gian như Chiều cổ Loa nổi gió, Qua ngày gió nổi…làm câu chuyện trở nên mới lạ, hấp dẫn.

Nét độc đáo của Trần Thị Tú Ngọc là sự linh hoạt của ngòi bút được chắp cánh bởi trí tưởng tượng phong phú. Trong mảng truyện lịch sử, ta có thể bắt gặp ở Chiều Cổ Loa nổi gió khúc ca bi tráng nhưng đầy tự hào của những người con đất Việt xả thân vì đất nước, “máu quân sĩ đổ xuống thấm đẫm các vòng thành”, để “Loa thành đã dấu trong nó mọi điều bí mật”, đau xót khi “Hậu thế làm sao biết được huy hoàng và mất mát ở Cổ Loa”. Truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy và một thời kỳ lịch sử Âu Lạc được nhìn dưới một góc nhìn khác, mới mẻ, sắc sảo, trực diện khiến độc giả không khỏi giật mình. Sầu thiên thu khắc họa những day dứt của nhân vật lịch sử Trương Quang Ngọc, nên làm gì, nên lựa chọn như thế nào trước những khoảnh khắc trọng đại của vận mệnh. Giấc mơ người xa xứ là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa nàng Cầm với Nguyễn Du giữa Thăng Long dâu bể, Hoa nơi viễn xứ là cuộc đời nàng công nữ Ngọc Vạn với nhưng xen vào đó là suy niệm vô cùng thấm thía “Lịch sử chói lọi tên tuổi các đấng quân vương, lẫy lừng uy dũng các vị đại tướng. Lịch sử có khi nào nhắc đến những người lính nông dân mang gươm đi mở cõi thuở đầu tiên”. Điều đặc biệt là ở mảng này, Trần Thị Tú Ngọc thường thêm vào các trường đoạn chính sử gắn với bối cảnh câu chuyện mà tác giả rất kỳ công nghiên cứu làm cho tác phẩm vừa đạt được dụng ý tác giả, vừa giàu tính thuyết phục và mở mang cho người đọc nhiều kiến thức sử học bổ ích.

Trong mảng đề tài hiện đại, Trần Thị Tú Ngọc mang đến hơi thở hiện thực với những thân phận con người trong cuộc sống đầy rẫy cạm bẫy và cám dỗ. Có thể kể ra các truyện ngắn tiêu biểu như Để gió cuốn đi, Lung linh như nước, Ảo ảnh đêm với cách cài cắm đầy bất ngờ thú vị. Điều hơi đáng tiếc là ở mảng này có lẽ do còn thiếu chất liệu nên tác giả vẫn còn để lọt một hai truyện hơi mỏng với những chi tiết chưa thực sự thuyết phục và sắc sảo.

Ở mảng hiện thực kì ảo, với Mộng hồ lySói đỏ núi Ba Đầu, ta bắt gặp một không gian kỳ bí, huyền ảo, liêu trai. Sói đỏ núi Ba Đầu là câu chuyện về cuộc chiến giữa người thợ săn già Nguyễn Hạng với con Sói đỏ đầy hồi hộp, gay cấn đến nghẹt thở, giàu chất điện ảnh. Người đọc chờ đợi từng diễn biến như chờ đợi từng thước phim hành động. Mượn tích Hồ nguyệt cô hóa cáo, Mộng Hồ ly viết về mối tình ngang trái của loài Yêu hồ tu luyện nghìn năm, vì tình yêu mà đến giây phút cuối cùng bị “chết đau đớn dưới lốt cáo trước mặt người yêu”. Điều hay nhất trong mảng này đó là Trần Thị Tú Ngọc đã khéo léo dùng ngòi bút để thể hiện những trăn trở đối với môi trường theo đúng xu hướng văn học sinh thái hiện nay.

  Tiêu biểu nhất trong tập này chính là truyện ngắn Ngụ ngôn tháng Tư, một câu chuyện chạm đến trái tim đã được lựa chọn đặt tiêu đề cho tập sách. Phải nói rằng đây là một truyện ngắn quá đẹp, đẹp về văn, về chuyện, về khả năng lay động tâm thức người đọc. Trần Thị Tú Ngọc viết một câu chuyện tình nhưng không phải chuyện tình. Mượn câu chuyện đi tìm “bông súng đỏ”, tác giả đã lồng ghép về những ám ảnh hậu chiến, những mất mát chiến tranh vùi lấp trong tâm khảm người đang sống, những định kiến, những thổn thức trong không gian man mác miền sông nước.“Giữa dằng dặc chiến tranh tơi bời đạn lửa, những nỗi niềm nho nhỏ bị vùi lấp đi tuyệt mù vô tăm tích. Giờ có tìm cách khơi gợi lại cũng chỉ là một khoảng trống mênh mang, mất mát, hoang hoải như cánh đồng mùa nước lên sóng gợn tới chân trời.”

  Cái đặc sắc của truyện còn ở chỗ Trần Thị Tú Ngọc đã nhập vai hoàn chỉnh cho tác phẩm mang đậm hơi hướng Nam Bộ, thổi hồn cốt sông nước miền Tây vào câu chuyện rất tự nhiên, uyển chuyển, tài tình. Phải có một xúc cảm mãnh liệt và một ngòi bút vô cùng tinh tế tác giả mới có thể làm được điều đó. Truyện ngắn Ngụ ngôn tháng Tư được giới chuyên môn đánh giá là một thành công của tác giả khi khai phá mảng đề tài chưa được nhiều người viết là Chiến tranh biên giới Tây Nam. Chính vì vậy năm 2017, chùm truyện ngắn Ngụ ngôn tháng Tư, Mộng hồ lyChiều Cổ Loa nổi gió đã vinh dự được Tạp chí Văn nghệ Quân đội - Tổng cục Chính trị trao tặng thưởng cho chùm truyện ngắn xuất sắc của năm như một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của chị. Là cây bút trẻ, Trần Thị Tú Ngọc còn cả một chặng đường dài phía trước để từng bước trau dồi ngòi bút của mình. Với tập truyện đầu tayNgụ ngôn tháng Tư, ta có thể nhận thấy những tín hiệu lấp lánh đáng để mong chờ và hy vọng./.

                                                                                                            N.T.V

. . . . .
Loading the player...