Bìa sách Nguyễn Chí Điềm - Vị Tư lệnh Đặc công đầu tiên
Sinh ra trên quê hương Đức Thọ - Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng nên đồng chí Nguyễn Chí Điềm (Nghiêm Nghị) đã sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia hoạt động giành chính quyền ở Đà Lạt ngày 23 tháng 8 năm 1945. Từ năm 1945 đến năm 1976 đồng chí Nguyễn Chí Điềm công tác trong ngành quân đội.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Điềm trưởng thành từ người chiến sĩ đến Trung đoàn trưởng, Tỉnh đội trưởng tỉnh Bình Thuận, chỉ huy nhiều trận đánh, giỏi vận dụng chiến thuật đặc công, lập chiến công vang dội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với trọng trách Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 305, Tư lệnh Đặc công, đồng chí Nguyễn Chí Điềm đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy xây dựng, phát triển bộ đội đặc biệt tinh nhuệ chi viện kịp thời cho các chiến trường; đồng chí trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo lực lượng đặc công trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào và một số chiến dịch khác, tham gia cơ quan tham mưu chiến dịch Trị Thiên (1972), chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Với những thành tích xuất sắc, đồng chí Nguyễn Chí Điềm được Đảng và Nhà nước tặng: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Tư lệnh Đặc công Nguyễn Chí Điềm đã được nhà văn Đinh Quang Lân khắc họa sinh động trong cuốn sách “Nguyễn Chí Điềm –Vị Tư lệnh Đặc công đầu tiên”. Để viết cuốn sách này, tác giả đã giày công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng…nhưng do thời gian đã lùi xa, mà cuộc đời hoạt động, chiến đấu của đồng chí Nguyễn Chí Điềm hết sức phong phú, trên nhiều vùng miền trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập của dân tộc; vì vậy cuốn sách không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Rất mong bạn đọc lượng thứ và bổ khuyết để khi có điều kiện tái bản cuốn sách sẽ hoàn chỉnh hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Nguyễn Chí Điềm – Vị Tư lệnh Đặc công đầu tiên” với bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Sau đây là trích đoạn "Bơi dọc sông La" trích từ cuốn sách “Nguyễn Chí Điềm – Vị Tư lệnh Đặc công đầu tiên"
BƠI DỌC SÔNG LA
Tuổi ăn chơi lên 6, lên 7, tôi đã lẽo đẽo theo anh trai cùng đám bạn của anh đi chăn trâu, chăn bò trên cánh đồng quê nhà. Thuở ấy, đường làng tôi cong queo nhiều chỗ. Đường nhỏ như con rắn đi kiếm mồi bao bọc quanh làng. Tối đến, cả làng chìm trong bóng đêm. Ánh đèn dầu lạc, dầu hỏa bé như hạt ngô hắt ánh sáng mờ đục không đủ để soi rõ chùm hoa bưởi ngan ngát đưa hương bên hiên nhà. Mỗi khi trời tối đi chơi theo anh qua cây tro (cọ) nhà cố Yên, anh trai tôi khỏe, cao lớn hơn thường chạy trước và la lên: Ma! Ma trơi chúng mày ơi! Bị anh nhát ma, cả bọn chạy trước, tôi khóc ré lên chạy theo anh và đám bạn mệt muốn chết.
Mỗi chiều, khi gió nồm nam hây hẩy thổi từ biển Cửa Hội, Cửa Sót vào; theo anh chăn bò ở vùng Trạng Quan, Phát Lát hay theo vùng Vành Tréo, Cổ Ngựa....tôi thường được nghe các anh chăn bò nghêu ngao hát:
“Lanh chanh Oanh nhớp
Lớp tớp Định Ba
Hay chửi, hay la
Ông Tùng, bà Việt
Quỷ quyệt chú Huề
Ngồi lê ông Sĩ
Làm đĩ bà Châu
Đi câu chú Độ
Làm bộ Lợi Huyền
Làm quyền Chính Đò
Bắn cò ông Cửu
Nói lựu bà Lạc
Lắm bạc ông Khoan….”
Trẻ con, tôi chẳng biết anh chị chăn bò hát gì? Ý nghĩa ra sao? Nhưng được cái nghe nhiều lần, tôi đã thuộc lòng bài đồng dao nghịch ngợm nói trên tự lúc nào không biết.
Lớn hơn một chút, tôi được các anh thanh niên giải thích: Bài đồng dao nói trên do lũ trẻ chăn trâu, chăn bò làng Khổng Yên “sáng tác” tập thể để hát cho…vui miệng và chọc quê một số người trong làng để được…ăn roi!
Lớn thêm, tôi hiểu được rằng: Bài đồng dao được cấu tạo “vòng tròn”, theo lối hát bắt xắp bốn chữ. Chữ cuối câu trước có nhịp và vần điệu với chữ thứ hai của câu sau. Cứ theo cấu tạo “vòng tròn” này, bài đồng dao có thể kéo dài vô tận.
Tuy nhiên, theo các bậc trưởng lão làng Khổng Yên, trong bài đồng dao nói trên, có một số câu không đúng với thực tế. Ví như câu: “Làm đĩ bà Châu” chẳng hạn. Bà Châu có bốn người con, đủ cả trai lẫn gái. Chồng bà đi bộ đội chiến đấu chống giặc Pháp, anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Là vợ liệt sĩ, bà Châu thủ tiết chờ chồng, nuôi con khôn lớn. Bà sống cần kiệm, độ lượng và thương người…
Bà Châu thực tế là như vậy, nhưng lũ trẻ chăn trâu cứ “vô tư” gán cho bà cụm từ: “Làm đĩ bà Châu” chỉ vì câu liền kề sau đó là: “Đi câu chú Độ”. Câu trước có chữ “Châu” vì câu sau có chữ “câu” liền nhịp “âu”. Bởi đi câu cá là niềm vui mỗi ngày của “chú Độ” có thật trong làng. Các cụ cao niên còn xác nhận tập thể tác giả của bài đồng dao “vòng tròn” làng Khổng Yên là lũ trẻ chăn trâu vào giai đoạn giữa thế kỷ 20. Chúng nó nghịch ngợm, đặt ra và nghêu ngao hát cho vui, để rồi thỉnh thoảng được “ăn đòn, ăn chửi” chứ chẳng có ý ác ai, nói xấu ai bao giờ.
Theo bài đồng dao “vòng tròn” nói trên, có một nhân vật khá nổi tiếng của làng Khổng Yên: “Lắm bạc ông Khoan”. Ông Khoan hay Cu Khoan, đã là dân làng Khổng Yên thì ai cũng biết. Bởi thế, lũ trẻ chăn trâu mới ghép được “câu thơ”: “Lắm bạc ông Khoan”, còn tên cúng cơm của ông Khoan là Nghiêm Đích thì lũ trẻ mục đồng cấm có biết bao giờ.
Ông Nghiêm Đích sinh năm 1900 tại làng Khổng Yên, xã Nghĩa Yên (nay là xã Đức Yên). Cu Khoan là tên thường gọi trong nhà, là con của một gia đình nông dân làm nghề buôn bán trâu bò, nên kinh tế thuộc dạng khá giả trong làng. Lên mười tuổi, sáng dạ, Cu Khoan đã giao du rộng, bạn bè khắp nơi trong hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Xã Thịnh Quả xưa, xã Đức Tùng ngày nay nằm giữa lưu vực hai con sông lớn là sông Lam và sông La. Vùng Thịnh Quả có thể đã có người ở từ rất sớm. Nhưng phải đén thế kỷ 15 thì cư dân ở các nơi mới tụ về đây đông đúc. Bà con tập trung khai khẩn ruộng vườn, trồng tre lập làng, lập ấp. Vùng Thịnh Quả thừa hưởng dòng nước ngọt của sông Lam và sông La nên trai gái thời nào cũng đẹp có tiếng. Đồng bãi của Thịnh Quả màu mỡ. Hàng năm có nhiều trận lũ lụt của sông Lam và sông La tràn về nhấn chìm cả xã trong nước biển. Sau mùa lũ, nước rút đẻ lại trên đồng đất Thịnh Quả một lớp phù sa vàng như mỡ gà. Cả những cánh đồng rộng lớn của Thịnh Quả ánh lên màu hoàng thổ mênh mông. Bởi vậy, Thịnh Quả là điểm phát triển bậc nhất về nghề trồng mía ép đường, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, trồng cây công nghiệp như: Lạc, đậu, vừng của huyện Đức Thọ.
Đồng cỏ tươi non, mươn mướt đọng lại bao la những hạt sương long lanh như ngọc. Những đồng cỏ xanh rờn ngan ngát tận chân trời, giúp cho ngành chăn nuôi trâu bò ở Thịnh Quả phát triển. Du khách gần xa mỗi khi về Đức Thọ, không ít người ao ước được thưởng thức món thịt bò đích thực của vùng bờ bãi sông La này. Thịt bò vùng Thịnh Quả vừa mềm, vừa thơm và rất ngọt. Theo các cụ, thịt bò vùng Thịnh Quả có hương vị đặc trưng riêng, thịt có vị ngọt mát và dịu, béo ngậy nhưng ăn không ngán và không có mùi “đặc trưng” như thịt bò nhiều miền quê khác là nhờ vào đồng cỏ có tầng phù sa dày của nước ngọt do hai con sông bồi đắp.
Sau hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyến đi “tháp tùng” cha buôn trâu bò ở vùng Thịnh Quả, chàng trai mới lớn Nghiêm Đích đã xao xuyến tâm hồn trước cô gái Đào Thị Lựu. Lợi dụng lúc cha ra đồng “xem tướng” trâu bò và định đoạt giá cả cụ thể, Nghiêm Đích – tức Cu Khoan đã ngồi cả giờ bên Lựu; xem cô giúp mẹ ươm tơ, dệt lụa. Tơ, lụa vùng Thịnh Quả đẹp và có giá trị nhờ dâu ở đây lá dày, to bằng bàn tay và xanh mướt như nhung. Tằm ăn lá dâu xanh tươi non, nhả tơ vàng óng mượt, nhỏ sợi và rất mềm mại. Những sợi tơ mươn mướt, mỏng như hơi sương lại được bàn tay của các mẹ, các chị và những thiếu nữ vùng Thịnh Quả chăm chút, khéo léo và dệt tỉ mỉ đã tôn thêm thương hiệu cho tơ lụa, vải vóc xứ này. Một thời, dưới chính quyền phong kiến, tơ lụa vùng Thịnh Quả được dùng để tiến Vua; được triều đình nhà Nguyễn chọn để may áo Long Bào. Nên “thương hiệu” tơ lụa Thịnh Quả thêm phần nổi tiếng, vươn xa khắp cả “Đàng trong” và “Đàng ngoài”.
Độ tuổi trăng rằm, Cu Khoan đã phổng phao, da dẻ hồng hào, trong trang phục quân xanh áo trắng bảnh bao, có cha làm nghề buôn trâu bò nổi tiếng cả vùng, đã lọt vào mắt xanh Đào Thị Lựu. Hàng ngày, Lựu ngồi bên khung cửi dệt nên những vuông lụa óng mượt tự như làn da, ánh mắt, bờ mi của cô. Những vuông lụa mềm mại như suối tóc thiếu nữ trước gió mùa thu. Nhìn Lựu dệt vải, Cu Khoan ngỡ như đang ngồi trước cô Tấm đằm thắm, lắng sâu và nhân hậu tựa như truyện cổ tích anh đọc từ ngày ở trường làng.
Tuổi mười sáu – đôi mươi, đôi trai tài gái sắc như đã hứa hôn với nhau mà chỉ có trời đất, chỉ có trăng suông và gió từ bờ bãi sông La rười rượi thổi trong đêm chứng kiến cho hai người. Chưa bước qua tuổi đôi mươi, một chiều cuối xuân, khi hoa xoan tím ngát sau vườn, Cu Khoan e ấp nói với cha điều hệ trọng. Cuối xuân, dẫu nắng đã vàng, nhưng chút lạnh của miền Trung còn sót lại đâu đó, trên vòm cây, ngoài cửa sổ, dưới dòng sông La trong xanh hay trong trái tim mỗi người. Nhưng vì Lựu, vì tình yêu như có một ma lực hấp dẫn, đã thôi thúc, đã giúp anh nói chuyện “người lớn” với cha mình:
- Con yêu Lựu, người Thịnh Quả chạ ạ!
Mải buôn trâu bò kiếm lời nuôi thân, nuôi gia đình và nghĩ con trai mình còn nhỏ; khi nghe Cu Khoan nói chuyện yêu đương làm ông hơi bất ngờ. Ở quê ông, thời ấy nhà ai đẻ con trai ra thì bà con gọi là Cu, là Cò; con gái thì gọi là Hĩm là Bẹp. Bà con gọi vậy, bởi cũng là cách gọi thông tục dân dã kiêng kỵ theo phong tục về con trai, con gái – cách gọi ấy đơn giản, nôm na như cách gọi cái dần, cái sang, cái nong, cái nia là những vật dụng quen thuộc trong nhà.
Nghe con trai nói chuyện tình, người cha thoáng chút ngỡ ngàng rồi ông định thần lại ngay. Ký ức tuổi mười lăm của ông hiện về như cuộn phim quay chậm. Cách đây mấy chục năm, khi bước qua tuổi mười ba, ông thấy khang khác trong người, mỗi ngày, ông thấy mình cao lớn hơn, quần áo ngắn củn mỗi khi đi học, đi chơi. Gương, lược là vật vô tri vô giác với ông khi tuổi mười hai, nhưng nó đã trở thành “bạn thân thiết” khi ông bước sang mười ba tuổi. Sang tuổi mười bốn, ăn mặc, đi đứng của ông đã ý nhị hơn nhiều. Trái tim tuổi mười bốn đã có lúc dồn dập, loạn nhịp trước cô bạn gái người hàng xóm. Mười lăm tuổi, nhiều lúc ông cảm thấy bâng khuâng; vui đó, rồi buồn đó một cách vô cớ đến khó hiểu. Ở độ tuổi trăng rằm, ông thấy cuồn cuộn, ham muốn một cái gì rất thực, choán cả tâm hồn, nhưng không dễ mô tả, không dễ nói ra…
Cuốn phim dừng lại, âu yếm nhìn con trai hồi lâu rồi ông tự trách mình: Đã lâu mải lo buôn bán kiếm tiền; ông nhìn trâu, nhìn bò rất kỹ. Phải rồi, ông phải nhìn loài vật ấy thật kỹ, bởi liên quan đến đồng tiền bát gạo hàng ngày của cả gia đình. Ngắm lại con một lượt, thấy sức vóc của nó đã lớn, ông thay đổi xưng hô với con:
- Anh yêu thật rồi à?
- Vâng, chúng con đã hứa hôn với nhau và thống nhất mỗi đứa về thưa chuyện, báo cáo với cha mẹ của mình.
- Chắc chắn chứ? Người lớn đã nói với nhau, ăn với nhau miếng trầu, uống với nhau ly rượu là phải chắc như “đinh đóng cột”.
- Thưa cha, vâng ạ!
- Anh vui lên nhé! Có lúc mải làm ăn buôn bán, cha đã quên anh sắp sang tuổi đôi mươi.
Sau những nghi lễ theo phong tục cổ truyền, khi “hoa phượng đã đỏ bên trời”, đám cưới của Nghiêm Đích và Đào Thị Lựu được tổ chức sang trọng. Hôn lễ chật ních bà con hai họ, anh em nội ngoại gần xa, bạn bè thân thiết; còn có gió nồm nam rười rượi thổi từ bờ bãi sông La theo vào đám cưới của Đích và Lựu.
Sau gần một năm ái ân, hương lửa mặn nồng, đến trăng cũng phải nghiêng mình nhòm qua cửa sổ, mầm hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ Đích – Lựu cứ lớn dậy, tạo nên thành thiên thần bé nhỏ Nghiêm Nghị - khi bố mẹ của bé còn rất trẻ. Ngày 1 tháng 5 năm 1920, Nghị đã cất tiếng khóc chào đời khi “nước đã mất, cha đã làm nô lệ”
Thừa hưởng khí chất của cha và nhụy mầm của mẹ nên Nghị hay ăn chóng lớn. Lên ba tuổi, Nghị đã tự lực nhiều trong việc sinh hoạt của mình. Cả nhà chưa ai hiểu thằng Nghị về sau rồi sẽ thế nào? Lên năm tuổi, Nghị đã biết tập hợp và lôi kéo bạn bè cùng lứa trong vùng để chơi trò trốn tìm, chơi trò bịt mắt bắt dê và chơi trận giả. Từ sáu tuổi trở đi, cả dải đê La Giang, đoạn cầu Đuồi, nơi nào cỏ cũng bị dẫm nát, vì Nghị và chúng bạn chơi trận giả. Có lúc Nghị làm “tướng” và không ít khi làm “lính”, nhưng say mê chơi cùng bạn quên cả giờ về. Biết bao đêm trăng thanh, gió mát, chú Cuội đã ôm cây đa từ lâu khuất bóng sau dãy Mồng Gà đỉnh Trường Sơn mà Nghị và đám bạn vẫn say sưa chơi trò trận giả. Nằm không ngủ, suy nghĩ miên man, đã không ít lần ông Khoan cầm đèn làm bằng vỏ chai thủy tinh thắp bằng dầu lạc và không quên giắt sau lưng những ngọn roi tre đi tìm con…
Đi bên thằng con đầu lòng mới bén bảy tuổi mải chơi quên về, ông phát hiện không phải mùi mồ hôi hay mùi cơ thể bốc lên, mà phảng phất đâu đây mùi hôi thối nồng nặc thật khó chịu. Sờ lên áo quần của con, ông Khoan phát hiện phân chó dính bê bết khắp quần áo. Đang có chút bực tức vì con chơi khuya không chịu về, cộng thêm quần áo lấm lem bẩn thỉu, ông Khoan rút roi thủ sẵn sau lưng, quất cho Nghị mấy roi để “hạ nhiệt” cơn nóng giận.
Bà Lựu vừa bế thằng em của Nghị là Nghiêm Kình chưa tròn một tuổi, vừa giằng roi từ tay chồng, vừa giục Nghị chạy nhanh vào nhà thay quần áo và tắm…Bị cha “tặng” cho mấy roi mót (roi tre) hai bên mông nổi hằn màu đỏ sẫm, nhưng khi tắm xong, nước mắt thôi không còn chảy, thì những trận giả hồi hôm lại theo Nghị vào giấc ngủ ngon lành…
Nghị sống và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Bận bịu nuôi con, bà Lựu thôi không còn ươm tơ, dệt lụa. Khi bình minh hé rạng, ông mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ treo trên đỉnh núi Hồng, ông Khoan đã cùng cha đi buôn trâu bò không chỉ ở vùng Thịnh Quả, mà còn cơm đùm, áo gói đi tới những triền núi xa.
* * *
Vợ chồng Cu Khoan là nông dân đích thực. Vốn cần cù, thông minh và nhanh nhẹn, ông Cu Khoan đã học được nghề buôn trâu bò từ cha mình. Việc “xem tướng, xem xoáy” trâu bò thì không những cả làng mà ngay bạn buôn cũng phải nể phục. Bởi vậy, địa bàn buôn bán trâu bò của hai cha con ông khắp các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc của Hà Tĩnh và các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương rộng lớn của Nghệ An. Nhờ buôn trâu bò, nên cuộc sống của ông Cu Khoan khá giả nhất làng. Ngoài việc nuôi một đàn con ăn học, ông Cu Khoan còn tác hợp với một số bạn buôn, trích nguồn gây lợi quỹ giúp đỡ cách mạng, góp phần giành chính quyền về tay nhân dân. Bởi thế, lũ trẻ chăn bò trong làng Khổng Yên mới “sáng tác” và nghêu ngao hát: “Lắm bạc ông Khoan”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân, nhưng Nghị không biết và không tham gia nông nghiệp. Nghị được cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn học được gọi là “tử tế” nhất làng. Vừa học chữ Quốc ngữ, Nghị vừa học chữ Tây, bởi vậy tiếng Pháp của ông rất giỏi. Đến tuổi dậy thì, 14 tuổi, Nghị đã được đi nhiều nơi không những trong huyện, trong tỉnh mà đã được ra tận Hà Nội tham quan, thời đó những năm 1934-1935, ngay cả những người lớn ở làng Khổng Yên, nói đến Hà Nội là cả ước mơ, đối với đa số gần như là điều xa xỉ.
Khi vừa tròn 15 tuổi, có trong tay bằng Dip lôm (tương đương với bằng trung học cơ sở hiện này - TG) nhưng khối kiến thức tổng hợp trong đầu của Nghiêm Nghị thật phong phú. Riêng về tiếng Pháp, Nghị đọc thông viết thạo như tiếng mẹ đẻ. Nhận bằng Dip lôm, Nghiêm Nghị là một trong năm người trở thành lớp trí thức trẻ trong làng. Những năm 1937-1938, ở Đức Thọ phong trào quần chúng yêu nước phát triển khá sôi nổi. Lúc bấy giờ, các cấp bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương chưa được khôi phục, nhưng nhiều đảng viên ưu tú đã có kế hoạch liên lạc với nhau, trao đổi thông tin và rút kinh nghiệm. Nhờ đó, phong trào quần chúng cách mạng phát triển khá sâu rộng và đều khắp. Ở làng Khổng Yên, thông qua các hội ái hữu, vận động nhân dân đấu tranh với bọn hào lý chống “phu thu lạm bổ” đòi chia lại hoặc sửa đổi ruộng đất, đòi tham gia việc phân bổ sưu thuế. Cuối năm 1938, toàn huyện Đức Thọ đã phục lại được 6 chi bộ - Trong đó có chị bộ sinh hoạt ghép giữa hai xã: Nghĩa Yên và Bùi Xá.
Tại thời điểm này, làng Khổng Yên đã tổ chức được các hội: Hội truyền bá chữ Quốc ngữ do các ông Nguyễn Cần, Nguyễn Giảng và Lê Ba đứng đầu; Hội Hướng đạo do ông Hoàng Nguyên Cát đứng đầu; Hội buôn bán, lấy tiền gây quỹ ủng hộ cho cách mạng gồm các ông Nghiêm Đích, Nghiêm Thành, Nghiêm Kính, Nguyễn Tùng, Đinh Diêu; Hội Tương tế do ông Nghiêm Trang phụ trách đã đưa hơn 30 gia đình nghèo vào sản xuất, chăn nuôi và làm vườn vùng ngoại ô Đà Lạt; Hội Ca kịch, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, học sinh và đoàn thanh niên do Nghiêm Nghị phụ trách…
Vừa có trình độ học vấn, có vốn tiếng Pháp phong phú, có năng khiếu và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nghị đã cùng các bạn hoạt động tích cực sôi nổi. Nhiều vở kịch, nhiều bài hát được Nghị và nhóm bạn tự biên, biểu diễn để đồng bào xem và cổ vũ phong trào. Nước sông La êm đềm trôi trên bến Thọ Tường. Nước sông xanh như dải lụa vắt qua làng Khổng Yên, là nơi Nghị và chúng bạn tập bơi. Sông La – từ bờ nam thuộc làng Khổng Yên sang bờ bắc thuộc giáo xứ Yên Phú rộng chừng 500 mét không đủ để Nghị và các bạn bơi thỏa sức. Năm 18 tuổi căng tròn sức sống, Nghị đã vận động các bạn cùng lứa như Đinh Bảy, Đinh Thiều, Nguyễn Văn Tứ, Đinh Văn Lục…tổ chức các cuộc thi bơi.
Bãi nổi là một cồn cát chừng 100 mét, dài hơn 300 mét, được phù sa sông La bồi đắp hàng trăm năm mà thành. Bãi Nổi hoàn toàn thuộc địa giới xã Đức Yên, là điểm khởi đầu cho các cuộc đua. Đích của cuộc bơi là cầu Thọ Tường bắc qua sông La thuộc địa giới thị trấn Đức Thọ và xã Liên Minh ngày nay. Từ Bãi Nổi đến cầu Thọ Tường dài chừng một cây số là khoảng nước mênh mông để Nghị và đám bạn tắm mát, thi bơi…Dọc sông La, hai bên bờ bãi ngút ngàn của mía ngọt, của ớt cay, của dâu xanh, của lạc, của vừng thơm và béo ngậy. Chạy dài cùng hai bên bờ sông không biết cơ man nào là những bụi tre tỏa bóng xuống dòng sông, trùm lên những mái nhà, những bến tắm mát rượi.
Khi phong trào cách mạng của nhân dân huyện Đức Thọ và cả tỉnh, cả nước đang phát triển và thu được nhiều thắng lợi; thì ngày 1 tháng 9 năm 1939 Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ bằng sự kiện phát xít Đức tấn công Ba Lan. Pháp là nước tham chiến, vì thế trên bán đảo Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng cũng bị lôi vào vòng khói lửa chiến tranh. Lúc này, trong nước Pháp tình hình chính trị có nhiều biến động. Chính phủ của mặt trận nhân dân Pháp có những lung lay, dao động và có xu thế nghiêng về phái hữu. Giai cấp tư sản Pháp đang chuyển mình thích ứng với chiến tranh nên luôn luôn sẵn sang hành động tấn công vào các Đảng Cộng sản. Thực dân Pháp ở Đông Dương thẳng tay đàn áp vào các phong trào cách mạng; ra sức vơ vét của cải, tài nguyên khoáng sản của các nước thuộc địa về chính quốc để phục vụ chiến tranh.
Trong bối cảnh đó, nhân dân nhiều địa phương trong cả nước phải sống trong bầu không khí chính trị ngột ngạt và căng thẳng. Từ tháng 9 năm 1939, chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai tấn công tàn ác, quyết liệt vào phong trào cách mạng ở Đức Thọ và cả Hà Tĩnh. Nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên bị chúng truy lung, bắt bớ. Các phường, hội Tương tế, Ái hữu, Truyền bá chữ Quốc ngữ, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao…gặp nhiều khó khăn. Bọn cường hào, tổng lý đánh phá tàn bạo, tịch thu phương tiện, tài sản, thủ tiêu các quyền tự do cơ bản, đơn giản của con người. Bầu không khí nặng nề, bức bách đã lan tỏa bao trùm lên khắp các làng mạc, xóm thôn. Những ngọn tre la đà cong vút, đong đưa trong gió nồm nam dọc bờ bãi sông La hôm nào, nay cũng vít cong, trĩu xuống trước nguồn gió lạnh tràn về. Vì vậy, cuộc vận động dân chủ ở xã Nghĩa Yên có phần lắng xuống và âm thầm chuẩn bị những gì cần thiết nhất cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ở tuổi 20, Nghiêm Nghị có một quá trình gần năm năm hoạt động trong phong trào cách mạng ở địa phương. Những phong trào anh tham gia; những việc anh làm dẫu chưa thật lớn lao, nhưng đã tựa như anh góp một viên gạch hồng để xây dựng phong trào cách mạng trong thời kỳ đầu khó khăn và hết sức non trẻ ở làng Khổng Yên.