Khi cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì anh dũng đến quên mình; khi nhập cuộc vào thương trường thì thông minh tài trí hơn người và khi bước chân vào con đường nghệ thuật thì cũng cháy hết mình với những câu thơ gan ruột “lửa đã thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi"( Mai Thanh Hải)
Từ xưa đến nay phàm là doanh nhân thường không bao giờ dính dáng đến văn chương nghệ thuật và hình như ngược lại. Hai phạm trù doanh nhân và nghệ sỹ dường như đối lập nhau như nước với lửa. Ấy vậy mà Anh hùng lao động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp lại dung hòa được hai thái cực đối nghịch nhau ấy. Ông sinh ra không phải để làm thơ, cũng không phải để làm doanh nhân và càng không phải để làm anh hùng mà do hoàn cảnh lịch sử cộng với năng khiếu bẩm sinh nên trong con người ông luôn có sự hòa quyện giữa sự anh dũng kiên trung trên chiến trường và sự rung động mẫn cảm của một trái tim người nghệ sỹ và sự lạnh lùng, tài thao lược trên thương trường. Khi cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì anh dũng đến quên mình; khi nhập cuộc vào thương trường thì thông minh tài trí hơn người và khi bước chân vào con đường nghệ thuật thì cũng cháy hết mình với những câu thơ gan ruột “lửa đã thắp lên rồi sẽ cháy tận cùng thôi.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đăng Giáp thấp thoáng hình bóng cụ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ khi ta bắt gặp ở cuộc đời ông và trong thơ “chí làm trai”, cốt cách nam nhi đại trượng phu và một phong cách thơ với những thi liệu gần gũi của cuộc sống. “Đoạn trường tôi sống” với quy mô như một trường ca, là pho lịch sử bằng thơ ghi lại mỗi chặng đường ngọt bùi cay đắng, gian nan và vinh quang, từ người lính đến anh hùng, từ khó khăn, gian khổ đến tầm doanh nhân thế giới, về nhân tình thế thái, về những thăng trầm, những được mất hơn thua mà ông đã trải qua. Người đọc bị cuốn hút bởi ngôn từ mộc mạc, giản dị mà tình nghĩa lại chân thành, đằm thắm. Phẩm chất anh hùng cùng với những vần thơ trữ tình hào sảng lấp lánh trí tuệ và tâm hồn của ông đã ghi dấu vào tâm hồn bạn đọc.
Với ông, tình yêu quê hương đất nước luôn hòa quyện với nhiệt huyết, đam mê và tấm lòng muốn dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc và khi hòa bình thống nhất thì lăn xả vào thương trường, vào những nơi khó khăn hiểm trở nhất để xây dựng kiến thiết lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong muốn. Con người Nguyễn Đăng Giáp yêu ghét phân minh, rạch ròi nên ông hay dùng từ “bạch thoại” nghĩa là nói trắng ra.Trong suốt cuộc đời mình ông gặp nhiều quý nhân nhưng cũng không ít kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi, phản trắc. Ông luôn tâm niệm rằng: Sông có khúc, người có lúc, làm người không có cay đắng sẽ chẳng hiểu ngọt bùi, không có nước mắt sẽ chẳng có nụ cười. Cho người khác một con đường chính là cho mình một cánh cửa, lấy thiện đãi người cũng chính là lấy thiện đãi mình. Thêm một lần tha thứ cho người khác là thêm một lần tạo phúc, tha thứ càng nhiều, tâm càng rộng lớn, phúc phận càng cao. Sống thông minh không khó, khó là làm người thiện lương bởi thiện lương là lựa chọn còn thông minh lại là thiên bẩm.
45 năm kể từ ngày rời ghế nhà trường, vào đời lính, làm doanh nhân, ông đã trải qua rất nhiều những cung bậc cảm xúc và thăng trầm trong cuộc sống. Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, ông đã từng trải qua chiến trường ba nước Việt Nam, Lào, Cămpuchia mà với ông chiến đấu anh dũng, kiên cường là mệnh lệnh của Tổ quốc. Trong mỗi hành trình, mỗi cuộc chiến, trước mọi khó khăn thử thách hay lúc trên đỉnh vinh quang, thơ chính là nơi ông gửi gắm niềm tin, ý chí, quyết tâm, là nơi cân bằng trạng thái cảm xúc để tiếp thêm nghị lực trong cuộc sống, trên chiến trường cũng như trên thương trường khốc liệt.
Hòa bình lập lại, gác cây súng, ra khỏi chiến trường bom đạn lại bước vào cuộc chiến thương trường để xây dựng Tổ quốc sau chiến tranh tàn phá. Ở cuộc chiến này, phẩm chất anh hùng lại được Nguyễn Đăng Giáp thể hiện một cách mạnh mẽ bằng tài thao lược trên thương trường, ở đó những công trình do ông chỉ đạo, là “kiến trúc sư” mang tầm thế kỷ làm thay đổi bộ mặt của đất nước và của từng vùng quê ông đi qua:….Bài thơ “Dòng đời xuôi ngược” của nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp chính là lời tâm tình, tự sự của một người vượt qua bao gian khổ, qua bao ghềnh thác để tự khẳng định mình và có vinh quang như ngày hôm nay. Với ông, sự nghiệp lừng lẫy có duyên với số phận cá nhân và khi chữ “Duyên” đến thì giống như cánh chim bằng sải cánh giữa trời xanh bao la.
Trải lòng ân oán xui hên
Lời thơ, nốt nhạc say men tình người
Niềm vui thắp lửa tiếng cười
Nỗi buồn nốt lặng mấy ai tỏ tường
Bể dâu tình vẫn tỏa hương
Xuôi ghềnh ngược thác dặm trường lênh đênh
Khổ đau mình vẫn là mình
Má hồng chìm nổi tuổi xanh nghẹn lòng
Đoạn trường năm tháng long đong
Chìm trong giông tố sắc hồng vẹn nguyên”.
Đọc bài thơ chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn, thấm sâu hơn những thăng trầm mà Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã trải qua để đến bến bờ vinh quang. Bài thơ “Bến đời” đưa người đọc trải nghiệm sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ lục bát phá cách, cảm xúc mãnh liệt, tình cảm chân thành, ý tứ sâu xa, ngôn từ trong sáng, đây như là một bản tổng kết bằng thơ về cuộc đời, về những cay đắng và vinh quang:
- Cuộc đời trăn trở gió sương
Vinh quang đã trải đau thương đã từng
Trong các sáng tác của Nguyễn Đăng Giáp, thơ viết về mẹ là một nguồn cảm hứng chủ đạo và rất đặc biệt với cảm xúc chân thành và dâng trào. Ông rất trân quý và đề cao tình cảm của mẹ, đó là một tình cảm thiêng liêng không gì có thể thay thế được. Bài thơ “Mẹ tôi” của ông được phổ nhạc và khi cất lên lời ca ấy, ai cũng rưng rưng nghẹn ngào: “Mẹ tôi chân chất nhà quê - Tảo tần một thuở tóc thề ngang vai”.
Nguyễn Đăng Giáp là một người đa tài trên nhiều lĩnh vực, có thể nói ông là một người đặc biệt, trải qua và trưởng thành trong những hoàn cảnh đặc biệt, bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào ông cũng có hướng tiếp cận, xử lý độc đáo và đưa lại hiệu quả, sức lan tỏa đến bất ngờ. Tuổi trẻ chìm trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc với chiến trường ba nước Đông Dương, khi hòa bình lại lăn xả vào cuộc chiến trên thương trường để xây dựng kiến thiết lại Tổ quốc. Với ông, sinh ra trên đời không phải để làm anh hùng hay thành thi sĩ mà phải có chí làm trai, phải tận hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc. Thơ ông chỉ là để giải bày tâm sự, thể hiện khát khao, cân bằng tâm trạng, là nơi gửi gắm niềm tin yêu vào cuộc sống. Và trên nẻo đường nào của cuộc sống, ông cũng đều bước đi với những quyết liệt, đắm say….
mai THANH HẢI
Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Giáp- Đại tá, Anh hùng Lao động– Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 – Bộ Quốc phòng.
CẢM XÚC MÙA HẠ
Mùa hạ vàng cháy đỏ những mùa thi
Trang sách học trò đi cùng năm tháng
Tiếng thầy giọng cô xuôi mưa ngược nắng
Bóng núi hình sông nhân nghĩa quê nhà
Anh lớn lên dầu dãi với câu ca
Khoan nhặt tiếng bà, lời ru của mẹ
Thắm đượm hồn quê cơn gió bể
Thao thức đêm dài mờ tỏ vầng trăng
Tán bàng xanh màu hoa phượng đỏ cành
Nơi lưu giữ để mùa xuân trở lại
Những vấp ngã đường đời và thắng thua phải trái
Vẫn chênh vênh trong gió núi mưa ngàn
Con đường Trường Sơn cung bậc thời gian
Tuổi trẻ đạn bom hòa cùng mưa nắng
Cơn gió Lào vít cong thời chiến trận
Để tuổi hai mươi xuyên suốt đường Hai mươi
Bao hè trôi qua vẫn đau đáu một thời
Tiếng chim cuốc gọi ngược chiều gió núi
Hoa sim tím giữ nguyên màu đứng đợi
Như lời yêu đêm trăng khuyết hẹn thề
Hoa ngọc lan thơm lối nhỏ ta về
Nồng nàn đắm say đôi mùa sương gió
Vẫn ngát hương từng con đường góc phố
Như tình anh trong nắng gió Hồ Gươm
Những mùa hè đi qua chiến trận, thương trường
Nghiêng ngả tháng ngày viết thành thơ và nhạc
Gửi lại cho đời những lời ca tiếng hát
Như mùa sen gọi gió dẫu phong trần
Dù phong ba vẫn Trí - Dũng - Tâm - Tầm
Khí chất con người không phụ thuộc vào mưa nắng
Tựa vào đất trời tấm lòng mình ngay thẳng
Với non nước quê hương nhân thế Anh hùng.
Hà Nội - 2018
ĐOẠN TRƯỜNG TÔI SỐNG
( Trích)
……
Suốt cuộc đời - thăng trầm, dâu bể
Vẫn không quên thời thơ ấu, chăn trâu
Học thầy cô và chữ Thánh hiền
Ông dạy làm người, trường đời phải trái
Tôi lớn lên trên lưng hai bà nội - ngoại
Với lời mẹ ru, câu ví giặm quê nhà
Ngày tôi xa nhà, ông nội cũng đi xa
Tám hai tuổi ông về cùng Tiên tổ
Xin khắc ghi - lời ông dạy dỗ:
Đạo ngãi trọng thiên kim - tiền tài là phấn thổ
Rời quê nhà - buổi đạn lạc, bom rơi
Thương mẹ gánh gồng, các em sơ tán
Nhớ thương cha, nơi huyện đường lận đận
Canh cánh đêm hôm việc nước, việc nhà ...
……………….
Binh lửa đạn bom đời lính vẫn vô tư!
Nhẹ tựa lông hồng khi lao vào cuộc chiến
Như lão nông tháng ngày thanh thản
Trước nương khoai, ruộng lúa, quê nhà
Mỹ Thành ơi! bên động Tù Và
Những vòng lăn đầu đời lính xế
Con đường Hai Mươi - được ví là "cửa tử"
781 Anh hùng - vang vọng - bản hùng ca
Cua chữ A - Phu La Nhích - Ta Lê
Hang Tám Cô - Cà Roòng ... đâu cũng là chiến địa
Bom đạn quân thù không run tay lính trẻ
Chỉ cần trong xe một trái tim hồng
Trường Sơn Tây - nối Trường Sơn Đông
Xe tôi đã qua bao mùa chiến dịch
Và mấy lần cận kề cái chết
Vẫn vẹn nguyên "Chiến mã Trường Sơn".
Sau bốn năm chiến đấu ngoan cường
Ngày đất nước khải hoàn về Nha Trang, Đồng Đế
Đạn bom lui rồi, chưa kịp làm sĩ tử
Nhận lệnh sang Lào trở lại - chiến trường xưa
Làm bạn với rừng - tăng võng đung đưa
Đồng Hến - Sà Vằn - bốn năm xuôi ngược
Sốt rừng tái hồi - phỉ Lào rình rập
Tính chuyện đồng hồ, mì chính, áo phông...
Tiền ông Hoàng xin gửi lại ông Hoàng
Giữ lại cho mình - bán mua khôn dại.
……………….
Đi từ cát bạc, cồn khô
Mà nay đã lấy Bờ Hồ "làm quê"
Sông Lam vẫn nặng lời thề
Gừng cay, muối mặn - không hề phôi pha
Trên ba mươi nước đã qua
Chim bằng tung cánh, trời xa - trời gần
Thời "oanh" đi đó, đi đây
Mai kia thời "liệt" biết còn đi đâu!
Sống ngay thẳng - chẳng cúi đầu
Trực ngôn - bạch thoại, dễ rầu lòng ai
Kiếp sau nếu được làm người
Ta còn bạch thoại hơn mười kiếp nay
Đã mang chí lớn làm trai
"Chọc trời khấy nước" mấy ai sánh bằng
Doanh nhân, tâm sáng - chí bền
"Liêm minh - chính trực - nghĩa tình - thủy chung"
Âm vang danh hiệu Anh hùng
Chắc cương, Xích Thố - dặm trường ta phi.
Tháng11/2016