NGUYỄN HUY HOÀNG
VỚI NGHỆ THUẬT CỦA KHOẢNH KHẮC
(Nghệ thuật của khoảnh khắc, Nxb Quân đội nhân dân, H.2012.304tr)
Hoàng Kim Đáng
Từ khi nhập môn với nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt nam, tôi đã đọc những bài viết của hai tác giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Đức Chính trên tờ Nội san Nhiếp ảnh (sau này là Tạp chí Nhiếp ảnh và Nội san Nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Nguyễn Huy Hoàng sau 50 năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) với các nhiệm vụ: từ phóng viên, biên tập viên, rồi được tổ chức trao nhiệm vụ chuyên tâm nghiên cứu lý luận, giảng dạy báo chí, đào tạo các khóa phóng viên chuyên ảnh từ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước của TTXVN.
Nhiệm vụ chính của Nguyễn Huy Hoàng là chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy về thể loại báo chí, ngôn ngữ báo chí và ảnh báo chí. Năm 1999, ông xuất bản 02 cuốn: Con đường tiến của nghệ thuật nhiếp ảnh và Nhiếp ảnh - Khám phá và sáng tạo (đều do Hội NSNA Việt Nam và Nxb Tổng hợp Hồ Chí minh xuất bản). Với những cống hiến tích cực và có hiệu quả, ông được Hội NSNA Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà nghiên cứu lý luận và phê bình nhiếp ảnh và ông hiện là Trưởng ban nghiên cứu lý luận- phê bình và bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội NSNA Việt Nam.
Nguyễn Huy Hoàng với Nghệ thuật của khoảnh khắc là cuốn sách lý luận thứ tư của ông và được xem gần như bản tổng kết của cuộc đời trong suốt 50 năm liên tục công tác nghiên cứu lý luận và phê bình nhiếp ảnh. Với trên 300 trang sách (khổ 14,5 x 20,5cm) gồm 11 chương, chia làm 4 phần, đề cập đến nhiều vấn đề, chuyển tải nhiều nội dung quan thiết về chức năng, nhiệm vụ, sự nghiệp của các nhà báo chụp ảnh, của những nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, nhằm đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ và toàn năng.
Phần I: gồm 3 chương đề cập đến Nghệ thuật nhiếp ảnh và ảnh báo chí. đó cũng là phần mở đầu, tác giả giới thiệu khái quát về thành tựu ảnh báo chí thế giới, giới thiệu những kiệt tác nhiếp ảnh báo chí thế giới đương đại, có sự phân tích, bình luận nhằm làm sáng tỏ nội dung, giá trị nhiều mặt, các thế mạnh của thể loại ảnh mũi nhọn này. Bên cạnh đó, ông cũng điểm lại “Thời hoàng kim của ảnh báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, giai đoạn rực rỡ nhất và ông cũng gióng những hồi chuông cảnh báo: Giải báo chí quốc gia những năm gần đây ngày một xuống cấp! Nhất là những năm 2008- 2009, Hội đồng giám khảo chỉ nhận được không quá 30 tác giả nhóm tác giả có ảnh tham dự!
Để chứng minh cho nhận định ảnh báo chí cách mạng giai đoạn 1945- 1975, tác giả đã tuyển chọn và giới thiệu những tác phẩm báo chí tiêu biểu rát nổi tiếng như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (ngày 02- 09- 1945) khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Đội tuyên truyền giải phóng quân Việt Nam ra đời; Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê, Cao Bằng trong chiến dịch Biên giới năm 1950 của Vũ Năng An; ảnh “Xung phong (các chiến sĩ Tỉểu đoàn 11, đại đoàn 308, trong trận đánh đồn Phố Ràng huyện Bảo Yên, tỉnh Lao Cai năm 1949) - Huy Chương Vàng Quốc tế tại Cu Ba của Nguyễn Tiến Lợi; “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Triệu Đại; “Bộ đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô ngày 10/ 10/ 1954” của Vũ Minh. Những tác phẩm nhiếp ảnh báo chí cách mạng nổi tiếng thời chống Mỹ như: “Hiên ngang” trong tư thế tiến công, ảnh chụp từ trận địa pháo cao xạ Phủ Lạng Thương - Bắc Giang, 1967 của Vũ Tạo; Tác phẩm “O du kích nhỏ - hình ảnh nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai áp giải tên phi công Mỹ W.A.Robinsơn bị bắt sống trong trận ném bom cầu Đá Lậu- Hương Khê, Hà Tĩnh ngày 20/9/1965 của Phan Thoan; 04 hình ảnh về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước điển hình là hình ảnh 02 chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, tiến vào treo cờ chiến thắng lúc 11h30’ ngày 30/ 04/ 1975 của nữ phóng viên người Pháp - bà Frangois de Mulder và chiếc xe tăng tiếp theo của tác giả Trần Mai Hưởng; ảnh Nước mắt ngày gặp lại chụp ngày 05/ 06/ 1975- hình ảnh mẹ Trần Thị Bình đón con trai lĩnh án tử hình Lê Văn Thức từ nhà tù Côn Đảo trở về sau ngày toàn thắng của Lâm Hồng Long (một trong những tác phẩm của ông đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh)...
Phần II: Tác giả đề cập đến “Đối tượng và phương pháp chụp ảnh báo chí gồm 3 chương: Đối tượng thể hiện của ảnh báo chí, Phương pháp chụp ảnh báo chí” và cách “Lựa chọn địa hình là đặc trưng cơ bản của phương pháp phóng sự trong ảnh báo chí.”
Phần III: Các thể loại trong ảnh báo chí gồm 3 chương, với cách trình bày giản dị, với những bình luận làm sáng tỏ nội dung chủ đề, giá trị nghệ thuật trong ảnh báo chí. Phần nói về cách dùng ảnh để giới thiệu về những người nổi tiếng, trang 181 tác giả giới thiệu và bình luận tác phẩm “Nhạc sĩ Văn Cao” của Lê Quang Châu với những dòng bình luận: “Nhạc sĩ Văn Cao của Lê Quang Châu là bức chân dung đặc tả khá đặc sắc. ánh sáng cũng như cách ghi hình, phối cảnh diễn tả được chiều sâu nội tâm của nhân vật. Để nguyên ảnh đó đăng trên báo, minh hoạ cho một bài viết cũng đã ưng ý lắm rồi. Nhưng người biên tập giỏi, họ nghĩ khác. Anh ta không đành để phí bức ảnh của tác giả tốt đó trong vai trò ảnh minh hoạ hay trang trí. Anh muốn “thổi” vào bức ảnh một sức sống mới để nó có thể “độc lập và tồn tại”, “độc lập và độc đáo”! Thế là bức ảnh được kèm theo lời giới thiệu.
“Có một con người đi vào nỗi nhớ của mọi người. đó là nhạc sĩ Văn Cao. ông đã sáng tác bản nhạc bất hủ, bài Tiến Quân ca, nay là Quốc ca của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở Thành phố Hồ Chí Minh thường có những sáng tác của ông như: Sông Lô, Suối mơ, Làng tôi... mà ca sĩ Anh Tuyết thể hiện rất thành công và luôn hấp dẫn những người yêu thích tác phẩm của ông. Ảnh nhạc sĩ Văn Cao của Lê Quang Châu đã ghi lại một Khoảnh khắc Đẹp. Bên cây dương cầm với bó hoa, tượng bán thân hằn lên ánh sáng tinh khiết làm nổi bật mái tóc điểm sương, nói lên tâm trạng của người nghệ sĩ- một biểu hiện mang ý nghĩa chiều sâu của cuộc đời và nỗi niềm thầm kín của ông”.
Đoạn văn ngắn này hàm chứa nhiều thông tin, vừa giới thiệu, vừa phân tích, bình luận. Lời văn có chiều sâu cảm xúc bổ sung những điều ảnh không nói lên được, làm cho nhân vật lấp lánh hẳn lên, bức ảnh có giá trị hẳn lên.
Giới thiệu nhân vật qua ảnh kèm theo lời bình là hình thức thông tin mới, ngắn gọn mà hiệu quả, để lại ấn tượng, gợi cảm xúc trong người đọc và người xem ảnh.
Phần IV là phần cuối của tác phẩm Nghệ thuật của khoảnh khắc gồm các chương bàn về “Tính nghệ thuật của ảnh báo chí”, “Kỹ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật nhiếp ảnh”, “Một bước tiến mới trong kỹ thuật và kỹ thuật số trong ảnh báo chí”.
Nghệ thuật của khoảnh khắc của Nguyễn Huy Hoàng là một công trình được xem như một tác phẩm nghệ thuật, như chính cuộc đời của tác giả vậy.