06-02-2017 - 23:35

Nguyễn Ngọc Phú và cảm thức biển

Tạp chí Hồng Lĩnh số tết Đinh Dậu 2017 giới thiệu tác phẩm và dư luận: "Nguyễn Ngọc Phú và cảm thức biển" của tác giả Hoàng Thụy Anh

Trường ca là một thể loại dài hơi, ôm chứa nội dung lớn, phản ánh những biến động của lịch sử, xã hội, chân dung cuộc sống đời thường,… đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa cảm xúc, tư tưởng, quan điểm và cách xử lý về mặt ngôn từ. Viết trường ca có nghề, tạo được phong cách, tiếng nói riêng như Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Lê Anh Xuân, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến,... không phải là điều dễ dàng. Nguyễn Ngọc Phú bén duyên với trường ca muộn hơn so với thơ ca, nhưng chính điều đó lại hun đúc nên chiều sâu cảm xúc cũng như cách xử lý tinh tế về mặt nghệ thuật cho trường ca của mình. Trường ca của Nguyễn Ngọc Phú có sự hòa quyện giữa cấu trúc tự sự và cấu trúc trữ tình, đậm chất thơ hiện đại, nhiều hình ảnh thơ lạ, gợi ấn tượng mạnh. Hai trường ca “Con đường thức”“Biển và tôi” của Nguyễn Ngọc Phú tuy không vạm vỡ về dung lượng, song chúng ta vẫn thấy nét riêng khác của ông giữa dòng chảy trường ca hiện nay.
Nói đến biển, gợi cho chúng ta nhớ về truyền thuyết mang dấu ấn miền biển như tục thờ phụng “Tứ bất tử”, tín ngưỡng dân gian độc đáo trong tâm thức của người Việt qua tục thờ cá Ông (cá Voi). Và từ xưa đến nay, văn hóa biển không thể thiếu trong đời sống và tâm thức của người dân vùng biển. Nguyễn Ngọc Phú cũng viết về biển, một trong những đề tài khá quen thuộc của trường ca, nhưng người đọc vẫn bị ám ảnh, cuốn hút trước kí ức miên man của hồn thơ luôn dành hết thảy tình yêu và lòng mặn mòi với biển. Biển trong trường ca của Nguyễn Ngọc Phú là hiện thân của đất nước, tình yêu, thân phận và cuộc sống.
Trước năm 1986, trường ca nghiêng về cảm hứng sử thi cách mạng thì sang giai đoạn sau, thể tài đời tư chiếm ưu thế hơn. Dù phát triển theo xu hướng nào, có thể nói, sự đậm nhạt của yếu tố trữ tình và yếu tố tự sự luôn tạo ra nhịp co duỗi, linh hoạt, hấp dẫn cho thể loại trường ca, đồng thời trên cái trục ấy, tác giả đặt dấu ấn về mặt cảm xúc, tư tưởng và bút pháp của riêng mình. “Con đường thức”, “Biển và tôi” được kết cấu theo phương thức trữ tình. Trong đó, cái tôi tác giả vừa có nhiệm vụ gợi lại những năm tháng hào hùng của dân tộc vừa là người tham dự vào câu chuyện, thông qua đó, tác giả nhân danh tâm tư, tình cảm của cả một thế hệ bày tỏ thái độ, trách nhiệm đối với dân tộc. Ở đây, cái tôi tác giả không xuất hiện với tư cách là nhân chứng lịch sử mà còn là người đồng hành, kể lại các sự kiện trên cơ sở sự gắn bó, trùng hợp: “Tôi sinh năm 1959/ Năm đó khai sinh con đường mòn trên biển/ Khai sinh bến Nghiêng/ Khai sinh tiểu đoàn sông Gianh/ Khai sinh đoàn tàu không số/ Không số khắc vào vỏ tàu/ Không số trên hải trình” (Con đường thức). Và ở một đoạn thơ khác: Tôi có biết đâu đêm 1959 mình sinh ra/ Đêm trắng!/ Đại tướng/ Đứng trước bản đồ/ Trắng đêm... (Con đường thức). Có lúc, tác giả thay đổi cách xưng hô để hóa thân, nhập vai, hòa cái tôi trong cái ta, hòa tình yêu của một cái tôi cá thể trong tình yêu của cộng đồng. Tình yêu con người, quê hương, Tổ quốc không bao giờ vơi, không bao giờ mòn:
Thức dậy ở trong ta/ Biển muôn đời vẫn thẳm/ Sóng muôn đời vẫn trắng/ Muối muôn đời vẫn mặn/ Máu muôn đời vẫn thắm/ Con đường mòn/ Trên biển/ Có - mòn - đâu...
                                                                      (Con đường thức)
Người trần thuật trong trường ca không hẳn chỉ kể chuyện mình mà còn kể chuyện người khác, điều này chi phối đến cảm xúc trong từng đoạn, từng chương. Trường ca “Con đường thức” đưa vào nhiều sự kiện, nhiều nhân vật anh hùng, tái hiện lịch sử khai sinh con đường Hồ Chí Minh trên biển, và qua đó tác giả bộc lộ cảm xúc, niềm tự hào với những con người huyền thoại, làm nên chiến tích, kết nối bền vững giữa hậu phương và tiền tuyến. Con đường này in bóng dáng của những con người từng làm nên huyền thoại như Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, anh Tư Mau, má Mười Rìu, Đặng Thùy Trâm, chị Sáu Thùy và anh Tư Thắng,... Kết cấu con đường biển này rất lạ. Nó được tính toán, đo đạc bằng máu bằng xương của những người vĩnh viễn ở lại với biển khơi: “Một con đường không dấu vết/ Không cột  mốc/ Không đo chiều ngang bằng thước/ Không đo chiều dài bằng kilômet bê tông/ Không dự án cộp dày bao con dấu/ Không khảo sát bằng đo đạc/ Không giải phóng mặt bằng/ Ở đây đường được đo bằng máu bằng xương/ Bằng vô danh không còn hài cốt/ Không tượng đài” (Con đường thức). Một con đường biển đầy sóng gió xóa bôi tất cả vết dấu. Một con đường phẳng lì không để lại vết chân. Một con đường mãi mãi câm lặng, vùi dấu bao nhiêu kí ức, bao nhiêu thân phận. Với các cặp tương hỗ: con đường - máu, con đường - xương, con đường - không hài cốt, con đường - không tượng đài, hình ảnh con đường biển trong trường ca của Nguyễn Ngọc Phú không hề câm lặng mà đã trở thành con đường thức, sáng mãi, vọng mãi trong tâm khảm từ thế hệ này sang thế hệ khác về ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc, về tinh thần đoàn kết, về lòng quả cảm.
Do đặc điểm thể loại nên trường ca thường phản ánh, tái hiện kí ức của dân tộc hoặc nghiêng về thế sự, đời tư (nở rộ sau năm 1986), nhưng dù muốn dù không trường ca cũng phải có một cái khung cốt lõi, cái sườn sự kiện. Để làm rõ sự kiện, nhân vật, tác giả lựa chọn ngôn ngữ phù hợp chứ không sa vào kể chuyện như văn xuôi. Chúng ta thấy ngôn ngữ trữ tình đang chiếm lĩnh trường ca những năm cuối thế kỉ XX đầu XXI. Các trường ca thường đậm chất trữ tình, kể chuyện theo dòng chảy cảm xúc, tình cảm của tác giả. Vì thế, ngôn ngữ biểu cảm khá trội so với ngôn ngữ kể chuyện trong trường ca, đẩy tình cảm của tác giả lên cao hơn. Cái tôi tác giả trong “Biển và tôi” lại là người trong cuộc, tham dự, trở thành một nhân vật xuyên suốt trường ca. Ngôn ngữ kể chuyện đậm dấu ấn chủ quan, bộc lộ trực tiếp tình cảm của tác giả. Nếu trường ca “Con đường thức” sử dụng ngôn ngữ biểu cảm, ngưỡng vọng, tự hào thì trường ca “Biển và tôi” thiên về ngôn ngữ đời thường. Nhà thơ thể hiện tình cảm của mình với biển, với bố mẹ, với ông bà và với những con người sinh ra và lớn lên gắn bó với biển. Tình yêu biển hòa trong tình yêu máu mủ: “Ta úp mặt vào cát/ Dâng lên tổ tiên, hương khói ông bà/ Bát nhang cắm vào tro nóng/ Tro ròng ròng cháy tự cát ra...” (Biển và tôi). Biển là không gian mưu sinh đầy vất vả: “Cha là mảnh vỡ của đêm dậy đi từ rất sớm/ Những tấm lưới mọc khói trên vai cha còn ngái ngủ/ Ngái ngủ những tiếng gà vừa gáy vừa nấc/ Mọc khói những cơn ho giữa những đốt xương sườn/ Ngái ngủ những mái chèo vừa bơi vừa ngáp/ Mọc khói chiếc cần câu vừa buông vừa bắt/ Mọc khói những cây buồm vừa ngã vừa mọc” (Biển và tôi). Biển là nơi “Mái chèo bắt đầu biết lật khúc ‘ầu ơ’” nhưng cũng là nơi “Con thuyền đưa người đi không người chống”.
Trường ca Nguyễn Ngọc Phú có sự đan phối nhiều giọng thơ. Tính chất nhiều bè này xuất phát từ mạch cảm xúc thuận nghịch của tác giả: vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau,... và từ những mặt đối lập mà cuộc sống mang đến: sống - chết, quá khứ - hiện tại, thực - ảo,... Tình cảm có lúc trào dâng mãnh liệt khi tác giả nói về những cuộc đời lặng thầm của những thủy thủ: “Đã từng lọc mình trên đoàn tàu không số/ Đã từng lọc mình qua bao bão tố...” (Con đường thức), có lúc lắng xuống: “Nhưng số con tàu ra đi/ Số con tàu không trở lại/ Số đồng đội nằm dưới đáy biển xanh mãi mãi/ Thì có thể làm sao quên!/ Nước biển xót xa màu mực/ Nước biển xót xa máu tươi/ Nước biển xót xa mồ hôi (Mồ hôi muối không mặn thêm được nữa)”. Cũng nói về thân phận, trường ca “Biển và tôi” nghiêng về khai thác yếu tố tâm linh, vì vậy, giọng thơ trở nên ám ảnh, lạ, tạo nên sự đối cực rõ rệt giữa hai không gian. Chúng ta bắt gặp ở đó sự mời gọi của không gian phồn thực mời gọi: “Bờ biển cong vòng lưng thiếu nữ”. Và ám ảnh bởi không gian huyền bí, ma mị của cõi bên kia: “Ta nghe: tiếng những linh hồn chết/ Bồng bế ăn xin/ (Trên cánh-đồng-biển không gieo mà gặt)/ Những đứa trẻ chết ngồi hai tay bốc cát/ Chơi trò chơi “ăn quan”/ Những tiên nữ mình người, đuôi cá/ Thủy táng vào đêm hoan lạc/ Quấn quanh mình những lọn tóc, những con Đẻn mốc câu/ Họ hút vào nhau/ Nước biển cắt ra không còn màu máu... (Biển và tôi).
Trường ca của Nguyễn Ngọc Phú sử dụng đa phần là thể thơ tự do, rất thuận lợi cho việc chuyển tải tâm từ, tình cảm và quan niệm của tác giả. Cả hai trường ca không đặt tên hay đánh số thứ tự mà tác giả phân tách, chia đoạn bằng những khoảng trắng, khoảng lặng. Các khoảng trắng này tự thân là một hình thức nghệ thuật, vừa giúp tác giả thể hiện ý đồ của mình, mặt khác, buộc người đọc phải tự bồi đắp, đồng sáng tạo với tác giả. Có khi là khoảng trắng để chuyển sự kiện, đối tượng, có khi nhấn mạnh, triển khai ý mới, có khi là nhát cắt về mặt thời gian và không gian,… Hai trường ca đều được cấu trúc theo mạch tư tưởng, cảm xúc, tuy nhiên, sự vận động và gia giảm của cái lõi sự kiện đã làm nên nguồn mạch riêng, dáng dấp riêng. Chúng ta thấy rõ, cả hai trường ca đều có sự dàn trải, mở rộng biên độ về không gian và thời gian, giúp nhà thơ giãi bày sâu hơn những ưu tâm, suy tư về thân phận, tình yêu và cuộc đời của những con người một lòng một dạ với biển. Nguyễn Ngọc Phú từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn: con người biết lớn lên từ biển và sức mạnh của dân tộc cũng được hình thành từ đây. Quả đúng như thế, biển là nơi thử thách tình yêu và tình cảm dân tộc. Nhờ vào tính chất đầy biến động của biển, nhà thơ đã bật lên chiều sâu vẻ đẹp của con người. Dù là người lính biển hay người dân biển, trước giông ba, bão tố, đầy biến thiên của biển, họ đều là những con người kiên gan, đồng lòng, đồng sức. Số mệnh của họ đều gắn liền với biển. Nhưng họ không phó thác hoàn toàn cuộc đời trước biển mà biết cách chóng chọi, đoàn kết để đạt mục tiêu, để tồn tại. Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình có để kẻ thù không có cơ hội xâm chiếm: “Biển xóa đi số phận một con người/ Một con tàu/ Để vũ khí không lọt vào tay giặc/ Nước rụng vào với nước/ Mặn tan vào với mặn/ Muối xót vào với muối/ Sóng lại kéo liền da/ Thăm thẳm đến rợn người...” (Con đường thức). Bao nhiêu mất mát, bất hạnh sinh ra từ biển. Biển như con thuyền thân phận chồng chềnh. Nỗi bất an luôn rình rập, bao quanh. Hình ảnh những người đàn bà ngóng trông chờ đợi những người đàn ông đi biển trở về trong trường ca của Nguyễn Ngọc Phú gợi nhiều cảm xúc, nỗi niềm. Họ là hi vọng, là động lực của người đàn ông “chèo chống ngoài khơi” kia: “Những người đàn ông trở về trên đôi chân chống cà kheo/ Họ đánh đáo mình trong ngầu ngầu bọt sóng/ Họ gieo vào số phận/ Những người đàn ông mặn vào nhau/ May có cánh buồm đang thì con gái/ May có chiếc kim đan mảnh mai qua mắt lưới/ May có nước ngọt, may có cơn giông/ Để lúng búng cơm sôi/ Để trưa ngồi giặt nắng/ Biển giặt họ vào kiềm.../ Trở về những người đàn bà cắm chiếc lược đồi mồi ngập vào răng ký ức/ Ký ức mịn và đen/ Người đánh lưới vào ta mỗi tối/ Mỗi tối những thiếu phụ vừa đi vừa choàng khăn/ Dưới lớp nhung đen những chiếc vảy cá ánh lên màu kim tuyến/ Cuối chân trời trăng lặng lẽ cầu kinh... ” (Biển và tôi).
Ngoài sự đan quyện của không gian biển, không gian tâm tưởng, kí ức, không gian đời sống, chúng ta còn thấy sự tác hợp của một không gian khác, không gian tâm linh. Không gian tâm linh kết nối con người với biển trong một mối quan hệ khá đặc biệt, trên cái nền đối xứng vừa song song vừa tương phản. Có rất nhiều cặp đối xứng tồn tại trong hai trường ca: ngày/đêm, đấtliền/biển cả, mất/còn, đi/về, sống/chết, mặn/ngọt, thức/ngủ, vớt/thả, cuốn/buông, sâu/cạn, rộng/hẹp, bao la/gần gũi, nổi/chìm,… gợi lên muôn mặt của cuộc sống. Các cấu trúc đối xứng này tự thân đã nói về những bấp bênh của thân phận con người trước biển cả bao la, tiềm ẩn đầy bất trắc. Mặt khác, sự trải dài của các cặp đối xứng để cho thấy sự gắn bó giữa con người và biển là không có giới hạn, khát khao khám phá đời sống biển là vô tận của con người. Dù khó khăn, gian khổ nhưng con người vẫn hướng ra biển, tìm cách chinh phục biển và xây dựng một cuộc sống bền vững hơn. Những cấu trúc đối xứng này tạo ra hợp âm riêng của biển - hợp âm của thân phận, của kiếp người: “Nước rụng vào với nước/ Mặn tan vào với mặn/ Muối xót vào với muối/ Sóng lại kéo liền da/ Thăm thẳm đến rợn người” (Con đường thức). Thông qua hình tượng biển, Nguyễn Ngọc Phú không chỉ làm rõ tính cách biển mà còn xem biển là hiện thân nỗi niềm, là khúc xạ thanh âm của con người. Con người đối diện với biển như đối diện với bản ngã của mình: “Ta khát môi em như biển khát của nổi, của chìm/ Em niêm phong lá buồm thời con gái/ Ta gác mái chèo gãy qua một thời trai. Ta tạ lỗi bằng cách khỏa thân bơi về phía những con sóng phơi lườn cho mắt người gặm nhấm/ Để cứu em khỏi chết đuối dầm dề trong dục vọng quất vào đuôi Hải Cẩu” (Biển và tôi). Biển cũng là nơi nhà thơ phơi trải nỗi niềm: “Ta liệm thời gian bằng gấu váy buồn của những con sóng”. Do vậy, có thể khẳng định, chiều kích của không gian, thời gian và tâm trạng được so sánh, đối chiếu trên cái nền tương khắc, tương sinh giao hòa, cùng với ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế, Nguyễn Ngọc Phú đã tạo lập, bồi đắp nhiều tầng nghĩa, lạ hóa nhiều hình ảnh cho trường ca của mình. Có hình ảnh giản dị nhưng triết lý: “Biển không có dây mà chân người phải buộc…/ Vạt buồm đi qua bao pháp phỏng vui buồn/ Như vạt đất nâu/ Trồng cây buồm trên sóng” (Con đường thức). Có hình ảnh gói đầy tâm trạng: Những con sóng nuốt không trôi nghèn nghẹn/ Mắt cá lờ đờ ám khói những cơn mê…/ Ngày ươn ươn không sàng nổi qua mắt lưới/ Đêm lồ lộ bắp chân trần con gái” (Biển và tôi). Có hình ảnh nghiêng về đời sống tâm linh: “Người đã chết vẫn còn muỗi đốt/ Ký - sinh - trùng vào ký ức của ta” (Biển và tôi). Có hình ảnh chứa đựng yếu tố kì ảo: “Tôi nối sợi dây bay qua vùng biển chết,…
Cả hai trường ca đều tựa vào biển, bắt đầu từ biển để viết, để trăn trở về số phận con người. Chúng ta thấy rõ cảm xúc lắng đọng nhưng không kém phần mãnh liệt, giản dị nhưng rất tinh tế, đầy tính triết lý, tác giả đã đưa người đọc trở lại không gian của tâm tưởng, của quá khứ trên cái nền rất thơ và rất mới lạ của con chữ. Như vậy, biển là không gian sống, là không gian văn hóa, không gian tâm linh của con người. Biển trong thơ Nguyễn Ngọc Phú trở thành một biểu tượng nghệ thuật độc đáo, riêng khác. Hình ảnh biển rộng lớn, vô cùng, là biểu tượng cho sự sống vĩnh hằng, trường tồn. Từ thế hệ này đến thế hệ khác đều tìm về biển, hòa vào biển. Biển trở thành một phần máu thịt của đất mẹ. Đời biển vô hạn. Đời người hữu hạn. Nhưng tình cảm và sự giao kết giữa biển và con người là mãi mãi. Trong biển có bóng dáng, thân phận con người. Trong con người có tình yêu biển. Hay nói cách khác, trong trường ca Nguyễn Ngọc Phú, chất biển cũng là chất đời. Cảm thức về biển cũng là cảm thức về tình yêu, thân phận và cuộc sống.
                                                                                  Nhật Lệ, 13/12/2016
                                                                                                 H.T.A
. . . . .
Loading the player...