15-07-2013 - 13:50

NHỮNG GIẤC MƠ MÀU TRẮNG

Tôi thích cách Trần Quỳnh Nga chăm chút cho câu văn, làm cho tác phẩm kể cả lúc viết về sự bĩ cực của con người vẫn bay lên. Tôi nghĩ, không biết có đúng không, văn Trần Quỳnh Nga là kiểu văn "say nắng".

( Đọc tập truyện ngắn " Giấc mơ cánh cò" của Trần Quỳnh Nga,
NXB Hội nhà văn 2012)
Bùi Việt Thắng
 

            Ngay từ truyện đầu sách "Bao giờ trời sáng", tôi đã đọc thấy những con chữ ghép thành một câu văn có đoạn "những giấc mơ màu trắng". Cái đêm đầu tiên "đứng đường" trở về, Vi - một nhân vật bị đẩy vào đường cùng làm gái điếm nhưng lại ham viết văn đã có cả "Một đêm trắng đêm (…). Một đêm tối trời lành lạnh có mùi hăng hăng nồng nàn hoa sữa nhưng thoáng giật mình. Cô sợ nếu cái gì mình cũng định viết ra bằng một ngòi bút trong sáng của tình yêu đầu này nhỡ một mai nó không còn mực nữa, nghĩa là những ý niệm về những ngày hồn nhiên xưa cũng chẳng còn thì cô lấy gì để mà sống, mà hi vọng mà hồi tưởng". Những đêm trắng cả theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen đã thôi thúc Vi hành động. Cô đã tìm về nơi "chôn nhau cắt rốn", nơi đó "Có ngôi nhà gỗ bấy lâu không ai ở. Vi sẽ về đó, chốn bình yên nhất của đời mình để làm lại từ đầu".
            Đọc truyện ngắn Trần Quỳnh Nga tôi thích cách tác giả tạo ra sự cân bằng tâm trạng của các nhân vật bằng cách "nhấn chìm" họ vào… nước: "Tôi phóng xe ra biển. Biển thâm quầng lại dưới lớp sóng mạnh mẽ của buổi triều dâng" (Chơi vơi); "Chị tỉnh dậy, trời đã non trưa từ lúc nào. Chị vội vàng đi ra biển tìm Khởi dẫu chị biết anh đã theo đoàn đi từ hồi đêm" (Giấc mơ cánh cò); "Mơ được đắm mình trong dòng sông quê hương" (Miền cũ); "Mây chạy theo anh. Cả hai ùa vào nhau giữa làn nước xanh thăm thẳm" (Rừng giữa biển)…Hình như sông nước, biển cả có cái khả năng xoa dịu nỗi buồn đau, cô đơn của con người. Và nó như thể một nhân vật vừa vô hình vừa hữu hình trong truyện ngắn Trần Quỳnh Nga. Nó làm nền cho những câu chuyện buồn vui của kiếp người.
            Trong tập sách này có 4 truyện kể từ ngôi thứ nhất và 7 truyện kể từ ngôi thứ ba. Theo tôi Trần Quỳnh Nga có lối viết như thể "ướm mình vào nhân vật" nên cách kể dù ở ngôi thứ nhất (xưng "tôi", trong cuộc) hay ngôi thứ ba (khách quan, ngoài cuộc) đều hàm nghĩa trung tính. Lối viết này giúp cho tác giả điều hòa được cả hai phía "khách quan" và "chủ quan" của câu chuyện được kể ra. Độc giả giảm bớt được tâm lí "khả nghi" khi tác giả khư khư cái "tôi", đồng thời cũng tránh được cái gọi là khách quan chủ nghĩa trong cách kể chuyện.
            Tôi thích cách Trần Quỳnh Nga chăm chút cho câu văn, làm cho tác phẩm kể cả lúc viết về sự bĩ cực của con người vẫn bay lên. Tôi nghĩ, không biết có đúng không, văn Trần Quỳnh Nga là kiểu văn "say nắng": Phải là người miền Trung mới thấm hết cái hay khi đọc " Buổi sáng, nắng tươi như ấm nước chè xanh mới om" (Chơi vơi). Lại nữa: "Có một buổi sáng đẹp trời. Nắng mới đang non phấn trắng bám một cách hời hợt trên ngọn cây trước hiên nhà" (Ngày chủ nhật). Cổ nhân nói "văn là người", tôi vì thế hình dung ra tác giả là người nhẹ nhàng, tinh tế. Một người sống hướng nội và khi viết cố gắng tìm vào nội tâm nhân vật để mong "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu".
            Có một anh bạn đồng hương Hà Tĩnh (là dân kĩ thuật, như ai đó nói là "ngoại đạo" văn chương) sau khi đọc tập truyện "Giấc mơ cánh cò" đã có một nhận xét "xanh rờn": Truyện của Trần Quỳnh Nga đọc thích nhưng dường như còn "hơi mỏng". Tôi giật mình vì sự sắc bén đến bất ngờ trước lời phán xét của anh, nó trùng với ý nghĩ của tôi. "Hơi mỏng" không phải về số trang, về dung lượng - nói theo cách của người phê bình - mà là thiếu những cấu tứ độc đáo có khả năng găm lại trong ký ức người đọc những truyện ngắn bề thế kiểu như "Bức thư gửi Mẹ Âu Cơ" của Y Ban, "Người sót lại của rừng cười" của Võ Thị Hảo, "Hậu thiên đường" của Nguyễn Thị Thu Huệ…Tôi nghĩ có lẽ là do cái tạng người? Trong hình dung của tôi, Trần Quỳnh Nga là người mỏng mảnh, có phần yếu đuối, chịu thương chịu khó (không hẳn là lam lũ). Vì thế mà thu vén, mà đã thu vén thì như anh bạn tôi đã nhận xét ở trên. Nhưng tôi lại giữ một niềm tin, rồi sẽ có một ngày Trần Quỳnh Nga sẽ "đầy đặn" hơn trong văn chương. Nói vui theo một bộ phim hoạt hình Nga "Hãy đợi đấy"

B.V.T
. . . . .
Loading the player...