10-01-2020 - 23:49

Những gương mặt hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tuyển sách "Những gương mặt hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh", Nxb Hội nhà văn, 2019.

 

       Năm 2000, Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh đã cho xuất bản cuốn Nhà văn hiện đại Hà Tĩnh giới thiệu chân dung, tiểu sử và tác phẩm tự chọn của 68 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam quê Hà Tĩnh sống và làm việc trên mọi miền đất nước và 7 Hội viên sinh hoạt trong Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh - một tổ chức do Hội nhà văn Việt Nam thành lập. 

       Danh hiệu Hội viên Hội nhà văn Việt Nam không phải là một “đảm bảo” về chất lượng các nhà văn và tác phẩm của họ. Nhiều người không phải là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam nhưng tác phẩm của họ vẫn được dư luận chú ý, đánh giá cao. Nhiều người không là Hội viên Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, nhưng đã có một giai đoạn nhất định lao động, công tác ở Hà Tĩnh, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của văn học Hà Tĩnh. Tuy vậy, những thành viên của Chi hội nhà văn là những người sinh ra trên đất Hà Tĩnh, gắn bó bền bỉ, thuỷ chung với đất này suốt thời kỳ chiến tranh vệ quốc, thời hậu chiến, giai đoạn nhập tỉnh, chia tỉnh rồi thời đổi mới, hội nhập, phát triển. 

       Hướng tới các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020, kỷ niệm 50 năm Hội văn nghệ Hà Tĩnh (1969 - 2019), 10 năm thành lập Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh (1010 - 2020), chúng tôi xuất bản cuốn Những gương mặt, giới thiệu 10 nhà văn đương đại Hà Tĩnh. Mỗi nhà văn chúng tôi giới thiệu: Chân dung, tiểu sử, quá trình công tác, tác phẩm đã xuất bản, giải thưởng văn học, tự bạch, tác phẩm tự chọn và dư luận.  

        Chúng tôi tôn trọng sự tự giới thiệu và chọn lựa tác phẩm của các nhà văn.

       Nhằm giúp người đọc dễ nhìn nhận về các thế hệ nhà văn, Những gương mặt được sắp xếp theo thứ tự năm sinh.

       Những gương mặt hy vọng sẽ là một tài liệu cho bạn đọc… tham khảo sử dụng và khi cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu về tiểu sử, con đường đến với văn chương cũng như tác phẩm của  các nhà văn.

       Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh trân trọng đón nhận, những góp ý, chỉ bảo của bạn đọc xa gần.

BAN BIÊN SOẠN

 

 

VĂN HỌC HÀ TĨNH, MỘT CHẶNG ĐƯỜNG...

 

       Nghệ thuật hiện đại dẫu ở bình diện quốc gia hay địa phương điều quan trọng là đội ngũ các tác giả, chủ động và bản lĩnh để sáng tạo những tác phẩm có giá trị xứng đáng với vị thế và tầm vóc cuả dân tộc, vừa tiếp nhận có chọn lọc những giá trị mới của thế giới vừa khẳng định được bản sắc và cốt cách dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Văn học Hà Tĩnh cũng nằm trong dòng chảy chung đó.

Điều nổi bật trước tiên là các nhà văn, nhà thơ Hà Tĩnh rất gắ́n bó với hiện thực chiến đấu và xây dựng của quê hương hơn nửa thế kỷ đầy gian lao thử thách bắc cầu qua hai thế kỷ cuối 20 và đầu 21. Hình ảnh con người Hà Tĩnh cần cù, dũng cảm giàu nghị lực và sáng tạo được thể hiện trong nhiều tác phẩm. Một dãy dài các tác phẩm tiêu biểu, trong chiến đấu: Mừng chiến thắng trời quê (Duy Thảo), Những ngôi sao (Xuân Hoài), Ngã ba Đồng Lộc (Nguyễn Ngọc Phú), Sông nước (Đức Ban); trong xây dựng: Giọt nước mắt màu đất (Đức Ban), Vườn đất thánh  (Phan Trung Hiếu), Nước mắt tôm (Hà Lê), Tiết bụt sinh (Nguyễn Trung Tuyến), Miền vô thức (Tống Phú Sa), Hoa lác bẹ màu tím (Trần Đắc Túc), Bí đỏ (Quỳnh Nga)… Về nghệ thuật, các tác giả đã không ngừng tìm tòi, cố vượt mình vượt qua những thói quen cũ để tìm đến một lối viết mới hiện đại nhưng giàu bản sắc dân tộc. Có tác giả đã thành công ít nhiều nhưng cũng có những tác giả đang băn khoăn ở ngã ba đường. Tác phẩm của họ thể hiện sự phân hoá đó. Sự phân hoá ngay trong mỗi tác giả, có tác phẩm viết theo lối mới có tác phẩm viết theo lối cũ, nói mới, cũ ở đây là để phân rõ cá tính nghệ thuật chứ không nhằm nói tới giá trị tác phẩm.

       Bước vào đời sống hiện đại, các nhà văn Hà Tĩnh được kế thừa môt gia tài văn hoá mà các thế hệ trước để lại khá phong phú, cộng vào đó được tắm mình trong một hiện thực sôi động của quê hương trên đà phát triển, văn chương Hà Tĩnh quả thật có nhiều cơ hội để có một bước nhảy cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên do điều kiện địa lý xa các trung tâm văn hoá lớn, vả lại đa phần làm công tác văn chương chỉ bằng tay trái, họ là nhà giáo, cán bộ, quân nhân... nên điều kiện tu dưỡng, tiếp thu nghệ thuật mới có phần hạn chế. Cảm nhận chung là văn học Hà Tĩnh thời đương đại có những bước phát triển mới nhưng nhìn chung chưa theo kịp đời sống sôi nổi quê hương và chưa thoả mãn mong đợi của người đọc. Một nhân tố khác cũng không thể bỏ qua, đó là độc giả - nhân tố giúp văn chương nghệ thuật phát triển. Độc giả văn học bị bó hẹp vì sự cạnh tranh của nhiều loại hình thông tin khác hiện đại nhanh nhạy, được sư hỗ trợ của kỹ thuật nên chiếm ưu thế trong thị phần khán - thính giả, các tầng lớp độc giả, các “fan” hâm mộ bạn với văn chương ngày càng thu hẹp

       Dẫu số lượng tác giả không đông, tác phẩm hàng năm xuất bản không nhiều, nhưng dòng văn học Hà Tĩnh cũng tạo được một nét riêng, đó là sự gắn bó với một vùng đất sôi động, giàu truyền thống văn học, một kho tàng văn học dân gian gồm nhiều thể loại phong phú như truyện cổ, hò vè, ví giặm, âm hưởng tác động đến văn học viết khá đa dạng.

       Nhiều nhà văn để lại dấu ấn trên văn đàn cả nước như Xuân Hoài, Hà Quảng, Đức Ban, Duy Thảo, Trần Đắc Túc, Nguyễn Ngọc Phú, Phan Trung Hiếu, Tùng Bách, Bùi Quang Thanh…

       Các cây bút chủ lực với một số lượng đáng kể: Diệu Chi, Phan Trọng Tảo, Nguyễn Văn Thanh, Lê Văn Vỵ, Thái Vĩnh Linh, Hà Lê, Trần Hậu Thịnh, Đặng Thanh Quê, Võ Chinh, Nguyễn Xuân Diệu, Quỳnh Hoa,  Nguyễn Tất Thuỷ, Quỳnh Như, Yến Thanh, Nguyễn Viết Hoài, Nguyễn Tiến Chưởng, Nguyễn Văn Hoan, Hồ Thắng, Nguyễn Sĩ Thạc, Dương Thế Vinh, Trần Hữu Đàn, Nguyễn Ngọc Vượng, Đào Minh Sơn…                       

       Một thế hệ các nhà văn lớp sau/trẻ cũng khá sung sức như: Hạnh Loan, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Trần Hải Vân, Phan Thế Dũng Toàn, Đinh Lan Hương, Nguyễn Thanh Truyền, Tống Phú Sa, Nguyễn Trung Tuyến, Trần Tú Ngọc, Phan Thị Thanh Thủy, Trần Mai Hoa, Hồ Minh Thông, Trần Ngọc Mai, Trần Hương Lài…

       Tác phẩm của họ tạo nên một bức tranh đa dạng của văn chương tỉnh nhà.

       Thời đổi mớ́i mở ra chân trời cho Văn học Việt Nam, trong đó có Văn học Hà Tĩnh. Cùng với các lĩnh vực khác, Văn học Hà Tĩnh bước vào giai đoạn cách tân, phát triển, các nhà văn, nhà thơ cố gắng để tác phẩm phong phú hơn, phấn đấu để̉ có những đỉnh cao. Thước đo của mọi thành công, suy cho cùng: những tác phẩm văn nghệ phải xứng đáng với thời đại (Hồ Chủ tịch). Lời dặn dò đó luôn là kim chỉ nam cho mọi sáng tạo.

       Trong sự đóng góp chung của các cây bút Hà Tĩnh, bài viết Văn học Hà Tĩnh - Một chặng đường xin chia sẻ, giới thiệu cùng bạn đọc một số chân dung các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh./.

Nhà văn Hà Quảng

 

 

. . . . .
Loading the player...