12-04-2013 - 13:45

Những người con Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc

Hà Tĩnh vẫn còn đang là một tỉnh nghèo về kinh tế nhưng là một vùng quê không nghèo về tiềm năng con người, về ý chí tiến thủ để lập nghiệp...Tìm một tương quan giữa hai vế, sẽ cho thấy một cái gì như là nghịch lý, một nghịch lý có lịch sử khá dài, khi ngược về quá khứ, tìm đến tên tuổi các danh nhân, không lúc nào vắng thiếu trên miền đất này


Lời bạt của GS Phong Lê
  
Trước mặt tôi là danh sách 549 Mẹ Việt Nam anh hùng, quê ở Hà Tĩnh. Một danh sách được đặt trang trọng ở đầu sách; và chỉ là một danh sách với tên riêng, năm sinh, quê quán. Nếu có đầy đủ sự giải trình, dẫu chỉ là sơ lược, cũng đủ là một cuốn sách làm cảm động và xúc động tất cả những ai là con em Hà Tĩnh trong suốt thế kỷ XX. Bởi đó là hình ảnh thu nhỏ của một quê hương vốn là đất nghèo nhưng không lúc nào vắng thiếu một sự sống tinh thần dồi dào, bền bỉ, được nuôi dưỡng từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong vòng tay ôm và bầu sữa của những bà mẹ - bà mẹ Quê hương và cũng là bà mẹ Tổ quốc.
Sau danh sách Mẹ Việt Nam anh hùng là tóm lược tiểu sử, hành trang của “Những người con Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc” gồm 648 người, được đặt trong 2 mục. Mục 1, gồm 147 người hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế trong bộ máy lãnh đạo và quản lý nhà nước, từ Ủy viên Trung ương đến Ủy viên Bộ Chính trị; từ Thứ trưởng hoặc các cấp tương đương trong các ban, ngành đến các cấp cao trong Quốc hội, Chính phủ; cùng các Bí thư, Chủ tịch tỉnh qua các thời kỳ. Cũng ở trong danh sách này còn có các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và các tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang.
Và mục 2, gồm 501 người hoạt động trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật gồm các nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sĩ tên tuổi; những người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học-công nghệ, về văn học- nghệ thuật; những Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân; những Giáo sư và Phó Giáo sư.
Một danh sách 648 người chung cho cả hai khu vực; với một phân cách chỉ là tương đối, bởi cả hai đều có sự giao thoa ít nhiều. Một cách chia nhằm tiện cho việc hình dung các loại hình công việc, nghề nghiệp.
*
*      *
Một cái nhìn chung, tổng quan cho cả bộ sách - đó là một số lượng đông đảo những người con cư trú trên mọi miền của đất nước có cùng quê sinh là Hà Tĩnh. Những người có địa chỉ công tác hầu như khắp các trường đại học trong cả nước gồm sư phạm, bách khoa, tổng hợp (nay là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn), y và dược, giao thông vận tải, nông lâm, thủy sản, thủy lợi, xây dựng, kiến trúc, công nghiệp, mỏ địa chất, kinh tế quốc dân, tài chính ngân hàng, văn hóa, nghệ thuật, ngoại ngữ... Các học viện như Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia, Báo chí Tuyên truyền, Quân sự, Ngoại giao... Các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Tự nhiên và Viện Khoa học Xã hội, cùng các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao, Bộ Thông tin, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... Các trung tâm như Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm Từ điển Bách khoa... Các hội đồng như Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật, Hội đồng Chức danh khoa học Nhà nước... Các bộ, tổng cục và ban như Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo và bây giờ là Ban Tuyên giáo... Quả khó mà thống kê cho hết được. Để có một bản kê thật đầy đủ các đơn vị công tác của tất cả những con người có tên trong sách này sẽ là một danh sách dài, nó nói lên một điều: các nhà khoa học và giáo dục, văn hóa và nghệ thuật gốc quê Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ, đã tham gia vào mọi mặt hoạt động, không chỉ trên các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo mà còn là chuyên gia, là tư vấn của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Một danh sách ở thời điểm 2012, sau hơn 20 năm Hà Tĩnh tách ra từ Nghệ Tĩnh để trở lại địa giới một đơn vị hành chính có từ năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), cho đến 1976 là năm sát nhập hai tỉnh để có tên Nghệ Tĩnh, trong tên gọi chung là Xứ Nghệ.
648 người, trong đó có trên 500 người là Giáo sư, Phó Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân ở một tỉnh thuộc loại nhỏ của đất nước; chưa có dịp so sánh nhưng chắc chắn là một con số lớn so với số dân hơn một triệu ba mươi vạn người.
Một vài tỷ lệ khác cũng đáng lưu ý. Tỷ lệ giữa số người có chức danh khoa học, nghệ thuật công tác ở tỉnh nhà trên tổng số người công tác trong cả nước chỉ là một con số rất nhỏ. Điều này không khó hiểu khi nhìn vào lịch sử nhiều trăm năm gắn với hành trình xa xứ của số rất đông các ông đồ Nghệ như Xuân Diệu từng viết trong mấy câu thơ tự thuật về mình: “Cha đằng ngoài mẹ ở đằng trong. Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ...”. Bởi đất quê nghèo, cộng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết khí hậu ở một vùng được gọi là "chảo lửa, túi mưa" khiến cho mọi cuộc tha phương trước hết là để kiếm sống. Nhưng cho đến khi sự kiếm sống không còn quá gay gắt, thì những cuộc tha phương vẫn cứ diễn ra; bởi quê hương đất chật người đông không thể tạo được nhiều cơ hội cho con người dụng võ...Những người con của Hà Tĩnh vẫn và sẽ cứ lần lượt ra đi. Và đó là hiện tượng bình thường, bởi cách mạng là sự phá vỡ, phá bỏ các rào ngăn, các biên giới cho con người, vừa là sản phẩm của một vùng quê, vừa là chung cho cả nước.
Rõ ràng thế kỷ XX là sự mở rộng các mối giao lưu; là sự bùng nổ của những cuộc giao lưu. Đến cả một dân tộc, một khu vực bị kẹt trong sự phong bế, hoặc cố tình đóng cửa trong một sự phong bế, cũng tất yếu sẽ rơi vào tình trạng thấp thua và thất thế so với thiên hạ, huống nữa là một vùng miền, một địa phương nhỏ hẹp bị kẹt giữa núi và biển. Hà Tĩnh, cũng như xứ Nghệ, và cả nước, phải thoát ra khỏi sự phong bế của địa phương, và khu vực. Chính xu thế mở và cái nhìn rộng đó mới là cái đáng giá, chứ đâu phải là thế khép, hoặc co lại: “ta về ta tắm ao ta”, bất kể đó là ao đục, hoặc vì khô hạn mà ao đó đã cạn kiệt.
Một chỉ số khác, số các nhà khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật quê Hà Tĩnh công tác ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ở phía Nam khoảng trên một trăm người. Con số này gợi nhớ những cuộc đi về phía Nam của cha ông trong lịch sử, và vẫn tiếp tục trong thế kỷ XX. Đấy cũng là một hành trình gần như tất yếu  trong sự phát triển chung của thế nước, để đến với một Tổ quốc thống nhất gồm cả ba miền Bắc-Trung-Nam, với ngót 90 triệu dân (tính cho đến 2012) mà khái niệm quê hương, đối với mỗi người, nhất là với người trí thức, sẽ phải là nơi con người có thể sống, cống hiến và phát triển được mọi khả năng, tiềm năng của mình.
Cuối cùng là con số những nhà khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật Hà Tĩnh sống và làm việc ở thủ đô: Thăng Long-Hà Nội. Đó là con số trên ba trăm người, một tỷ lệ quá cao để nói một sự thật quen thuộc: Thăng Long là nơi lập nghiệp lớn nhất của kẻ sỹ cả nước và trước hết là kẻ sỹ Bắc Hà. Nhìn vào lĩnh vực nào của khoa học và giáo dục, của văn hóa và nghệ thuật, của văn chương học thuật người Hà Tĩnh cũng đều có mặt và có những đóng góp đáng kể. Qua họ, để hiểu tác động giữa hai chiều: quê sinh và quê ở. Để thấy sự lập nghiệp và làm nên sự nghiệp của nhiều lớp người, ở nhiều nơi, trên đất Thăng Long, với lời giải chắc chắn sẽ là: phải có nguồn sáng của văn minh, văn hóa, văn hiến Thủ đô mới có thể phát lộ và phát huy hết tiềm năng của họ, để đưa họ từ là người trí thức của một xứ quê trở thành người của công chúng trong cả nước.
Nhận thức này, vào năm 2010, kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vừa qua, càng có ý nghĩa.
*
*    *
Xin trở lại với bộ sách quý hôm nay. Là người công tác nghiên cứu ở một lĩnh vực khoa học xã hội, lĩnh vực nghiên cứu văn học, tôi không thể đóng vai đại diện cho khối trí thức rộng lớn và đa ngành có mặt ở sách này. Tôi chỉ xin phép góp một ít cảm nghĩ từ một người con của đất quê Hà Tĩnh, dẫu xa quê đã hơn 50 năm nhưng không lúc nào không gắn bó với đất quê.
Trong cảm nhận của tôi, cho đến nay, Hà Tĩnh vẫn còn đang là một tỉnh nghèo về kinh tế nhưng là một vùng quê không nghèo về tiềm năng con người, về ý chí tiến thủ để lập nghiệp...Tìm một tương quan giữa hai vế, sẽ cho thấy một cái gì như là nghịch lý, một nghịch lý có lịch sử khá dài, khi ngược về quá khứ, tìm đến tên tuổi các danh nhân, không lúc nào vắng thiếu trên miền đất này. Đó là câu chuyện đã được nói nhiều qua thư tịch, sách vở, mà tôi không muốn dẫn lại, bởi bất cứ lúc nào, cho đến thời hiện tại, Hà Tĩnh vẫn là nơi đóng góp cho đất nước những tên tuổi lớn, những người có vị trí đứng ở hàng đầu, hoặc tiên phong trong các lĩnh vực của đời sống tinh thần dân tộc. Tạm nhắc đến một vài tên tuổi quen thuộc. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) lánh đời và rất hiểu đời trong cách chọn cho mình một vị thế khiến các bậc vua chúa cũng phải trọng nể; cùng với các kế sách giúp Nguyễn Huệ trong cuộc hành quân “thần tốc” ra Bắc Hà. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) với bộ sách thuốc Y tông tâm lĩnh đồ sộ và cuốn văn xuôi chữ Hán Thượng Kinh ký sự làm nên đỉnh cao thành tựu văn chương dân tộc cuối thế kỷ XVIII. Nguyễn Du (1765-1820), tác giả Truyện Kiều bất hủ, cùng đại gia tộc của ông gắn với sự trường tồn của sông Rum ngàn Hống Nghi Xuân (Bao giờ Ngàn Hống hết cây. Sông Rum hết nước họ này hết quan...). Nguyễn Huy Tự (1743 -1790) và dòng họ Nguyễn Huy xum xuê hoa quả ở Trường Lưu, Can Lộc. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) với tài kinh bang tế thế cùng khát vọng cống hiến vẫn rất cường tráng ở tuổi chẵn 80...
Cuối thế kỷ XIX, sau hy sinh của lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng (1847-1895), tôi nghĩ đến những nhà nho trong phong trào Duy Tân như Ngô Đức Kế (1878-1929). Tiếp đến là thế hệ có cả nho học và tây học, với gương mặt tiêu biểu là Võ Liêm Sơn (1888-1949). Sau Võ Liêm Sơn là Lê Thước (1891-1975) và Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) nghiêng về tây học. Kế cận là Phạm Khắc Hòe (1902-1995) và Nguyễn Tạo (1905-1995); Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) và Nguyễn Khắc Viện (1913-1997); Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) và Trương Chính (1916-2004); Xuân Diệu (1916-1985) và Huy Cận (1919-2005)...Một sự nối dài, cứ thế, càng về sau càng dồn dập, càng đông, cho đến cuối thế kỷ XX.
Dường như nguồn mạch trữ tình vốn lúc nào cũng dào dạt trên mảnh đất Lam Hồng vẫn không hề vơi cạn khi chuyển sang thế kỷ XX, để làm nên dấu ấn riêng cho Hà Tĩnh trong phân biệt với nhiều nơi, kể cả Nghệ An. Không cần phải là người tinh tế cũng có thể nhận ra dấu ấn đó trên dải đất trải từ chân Hồng Lĩnh, bờ Nam sông Lam đến chân Đèo Ngang, bờ Bắc sông Gianh. Thế nhưng nơi đã làm nên sự khởi động và đưa lên đỉnh cao dòng văn trữ tình, lãng mạn với các kiện tướng là Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu và Huy Cận cũng là nơi không vắng thiếu tiếng nói thật của Ngạc Am Võ Liêm Sơn và cái nhìn hiện thực nghiêm nhặt trong ký sự Túp lều nát của Nguyễn Trần Ai (tức Nguyễn Đổng Chi)...
Đây là những tên tuổi trong phạm vi hiểu biết của tôi, một người nghiên cứu văn học. Tôi không dám hoặc chưa thể mở rộng ra những lĩnh vực ở ngoài tầm hiểu biết, để đến với tất cả những người cùng thời, hoặc là các bậc thầy, bậc cha chú, hoặc là lớp đàn anh mà tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ như Nguyễn Phan Chánh, Điềm Phùng Thị ở lĩnh vực nghệ thuật; Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Hà Huy Khoái...ở lĩnh vực toán lý; Trần Vĩnh Diện ở lĩnh vực hóa học; Võ Quý, Phan Nguyên Hồng ở lĩnh vực sinh học; Phạm Khắc Quảng, Lê Kinh Duệ, Phạm Song ở lĩnh vực y học; Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Chương Thâu ở lĩnh vực sử học; Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Xuân Nhị, Trương Chính, Lê Khả Kế, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Ngọc Hiến.. ở lĩnh vực khoa học văn chương và ngôn ngữ.
Ở những tên tuổi trên có thể đúc kết được những phẩm chất cơ bản làm nên cốt cách trí thức Hà Tĩnh - đó là tinh thần ham học, tính cần cù, chí tiến thủ, ý thức lập nghiệp...Cố nhiên đã là trí thức lớn thì ai và ở đâu cũng đều có các phẩm chất đó, nhưng với người Hà Tĩnh (và xứ Nghệ nói chung) thì có thể nói, đó là những nét nổi trội thành tính cách, rất dễ nhận trong phân biệt với nhiều vùng quê khác.
Cần cù đi với cần kiệm, sức chịu đựng và tính lo xa, đó cũng là nét riêng của người Hà Tĩnh. Nghèo, thiếu nên phải cần kiệm. Đọc Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ tôi thấy sau cái trào lộng của ông đồ trẻ đang miệt mài kinh sử, nuôi chí lập công danh là cái thực đến trần trụi, xót đắng trong cảnh nghèo của đất quê - một cái nghèo như là gia truyền và lưu niên trong lịch sử. “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch...”, “Ấm trà góp lá bàng lá vối” ...“Miếng trầu têm vỏ mận, vỏ già..”; cái nghèo của nhà nho Uy Viễn huyện Nghi Xuân dường như cứ thế mà đi suốt đến thế hệ tôi, trong khoảng cách hàng trăm năm...
Phải lo xa bởi cuộc sống luôn nghèo thiếu, bởi những bất trắc và hiểm họa luôn rình rập. Những bất trắc, hiểm họa đến từ thiên nhiên khắc nghiệt và có lúc cả từ con người trong những lầm lẫn hoặc nóng vội ở họ, do các áp lực của lịch sử
*
*    *
Một truyền thống lịch sử có bề dày, một bản sắc quê hương rất rõ làm nên diện mạo chung cùng với cái vốn người, vốn con người trong đội ngũ trí thức Hà Tĩnh qua nhiều đời; và với danh sách này, cho đến hôm nay, lại thêm một lần nữa cái vốn ấy chưa hề bị vơi cạn, hoặc đứt đoạn.
Nhớ một câu thơ của Bùi Huy Bích (1714-1818), Hiệp trấn Nghệ An (khi chưa có Hà Tĩnh) nói về đất Hoan Diễn:
“Nhân tài tự cổ đa hào kiệt
Văn vật như kim tất đại đồng”.
Có nghĩa là nếu từ xưa nhân tài ở đây có nhiều người hào kiệt, thì văn vật ngày nay tất cũng chẳng khác xưa.
Người trí thức nói chung, để xứng là trí thức đều có đủ hai tiêu chuẩn: tri thức và nhân cách. Ở dạng kết tinh của nó, những tên tuổi tiêu biểu đã nói trên đều là sự thể hiện đủ đầy cả hai phương diện, làm nên một gắn nối bền chặt từ Nguyễn Biểu và Đặng Dung; Nguyễn Thiếp và Nguyễn Công Trứ; Nguyễn Du và Nguyễn Huy Tự...cho đến Ngô Đức Kế và Võ Liêm Sơn; Lê Thước và Hoàng Ngọc Phách; Phạm Khắc Hòe và Phan Anh...
Chúng tôi, lớp hậu sinh con em Hà Tĩnh luôn nhìn ở họ những kiểu mẫu cho mình học tập, noi gương.
Người Hà Tĩnh đi khắp mọi vùng miền Tổ quốc hoặc cư ngụ nhiều năm ở nước ngoài, không ai mà không lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc về đất quê, đó cũng là nét đặc sắc của người xứ Nghệ. Mỗi năm vào dịp giỗ chạp, tết nhất, hội lễ, những gia đình tha hương gồm cả bố mẹ, anh em, con cháu lại dắt díu nhau về quê, khiến cho các chuyến tàu xe về Hà Tĩnh gần như đông chật và “mất trật tự” hơn cả. Về quê, như là cái đích kết thúc của một năm, và có người, là cái đích của cả một đời, dẫu vất vả đường sá, tàu xe, dẫu nguy hiểm của chiến tranh...
Nỗi nhớ quê, hoặc nỗi sầu xa xứ, dường như càng xa quê càng đậm. Hoàng Xuân Hãn ngót nửa thế kỷ sống ở Paris, trong những năm cuối đời thường gửi bài cho Hồng Lĩnh - Tạp chí của Hội Văn nghệ tỉnh nhà. Đó là điều không ngẫu nhiên, bởi cái tên Hồng Lĩnh đối với ông không chỉ gợi nhớ cảnh quan quê nhà mà còn là biểu tượng của đất nước:
“Đã hay bốn bể là nhà
Lam Hồng ta mới thật là quê hương”.
Nguyễn Khắc Viện trong nhiều chục năm xa quê, cũng không lúc nào không khoắc khoải một niềm thương nhớ quê hương, trong cách trở:
“Đêm khuya nghe giọng ai hò
Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên”.
Càng là người trí thức thì nỗi nhớ quê, yêu quê càng nặng. Bởi sau nỗi nhớ là một bâng khuâng về trách nhiệm, về nghĩa vụ. Không phải tất cả những ai khi đã là nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, người trí thức đều có hoàn cảnh ở lại quê, bởi rất nhiều lý do đã được nói, hoặc còn khó nói. Nhưng trong mọi nỗ lực để làm một trí thức đích thực, chân chính, tôi nghĩ không ai không mang theo một ước nguyện khẩn thiết, như được thể hiện qua những lời tâm huyết của mỗi tác giả trong sách này, đó là sự cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân của quê hương, những con người dường như không thời nào, không thế hệ nào vắng thiếu một trữ lượng lớn của tình thương yêu và một tiềm năng dồi dào về trí tuệ.
Mong cho quê hương thực sự thoát nghèo, một ước nguyện đặt ra quá dài trong lịch sử. Và hôm nay, quê hương đã và đang nỗ lực thoát nghèo. Tôi cảm nhận được sự quyết tâm, năng nổ, nhiệt tình từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo các ngành, các địa phương. Cảm nhận được từ cái không khí sôi nổi của phong trào xây dựng nông thôn mới, ở sự tăng trưởng vượt bậc của các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội: tổng thu ngân sách, mức thu nhập bình quân đầu người. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh có bước phát triển nhanh chóng, từ vị trí thứ 37 năm 2010 lên vị trí thứ 7 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số PAPI đánh giá sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp với cơ quan công quyền đứng thứ 4 quốc gia. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 12 tỷ USD, Hà Tĩnh cùng với một số ít tỉnh thu hút đầu tư quốc tế cao nhất cả nước. Các chương trình, dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh tạo động lực cho nền kinh tế đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt, mở ra những hướng đi mới, nhiều triển vọng mới. Cả Hà Tĩnh như một công trường lớn, rộn rã tiếng máy, tiếng xe, âm vang ngày mới là hiện thực sinh động của quê hương hôm nay, mà người ở lại quê, hoặc người xa quê đã có thể nhìn thấy, nghe thấy, qua nhiều địa chỉ...Bộ mặt thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi, kể cả các vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định đúng các mũi đột phá và hướng đi đã rõ..Và đây chính là cơ hội, là vận hội mới để Hà Tĩnh thật sự thoát nghèo, trước hết vẫn bằng chính cái vốn người, bằng tiềm năng của con người, trong đó khu vực quan trọng nhất là chất xám, là trí tuệ, vốn được chung đúc trước hết ở đội ngũ trí thức khoa học, giáo dục, văn hóa, văn học, nghệ thuật này. Do vậy, vấn đề vai trò của trí thức, yêu cầu đào tạo, xây dựng một đội ngũ trí thức xứng với tầm của cả nước trên mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ; của văn hóa và giáo dục; của văn chương và nghệ thuật phải là mối quan tâm hàng đầu của tất cả những ai là công dân, là con em của Hà Tĩnh; trước hết là bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đây chỉ là cuốn sách mở đầu nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, giới hạn trên một số lĩnh vực hoạt động và cũng chưa đầy đủ. Để được xem là đầy đủ cần có tiếp một danh sách gồm tên tuổi các thế hệ trẻ, các doanh nhân tiêu biểu, họ sẽ là lực lượng chủ công cho sự nghiệp xây dựng mới, với sức trẻ, với số lượng sẽ càng đông hơn. Phải một danh sách như thế mới hội đủ diện mạo tinh thần của tỉnh nhà và gom đủ hành trang của quê hương cho một cuộc đi ra biển lớn.
Hà Tĩnh xưa của mọi thế hệ ông cha gắn với những giá trị do thiên nhiên ban tặng: núi Hồng và sông La, Ngàn Sâu và Ngàn Phố, Thiên Nhẫn và Giăng Màn, chùa Hương và rừng Quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim và bãi biển Thiên Cầm...Hà Tĩnh hôm nay đã và sẽ được bổ sung bởi những gì do con người tạo ra: Đại thuỷ nông Kẻ Gỗ, Khu kinh tế Vũng Áng, Khu công nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Dự án thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi-Cẩm Trang... Làm nên gương mặt mới cho Hà Tĩnh trong kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa hôm nay, đó phải là sự nghiệp của các thế hệ trẻ, những người có đủ khả năng đón nhận cái mới mà không quên nguồn cội của mình. Có nghĩa là cần một và lần lượt nhiều danh sách khác bởi số lớn những tên tuổi có mặt trong sách này đều đã làm xong phận sự của họ trên một hành trình xuyên suốt thế kỷ đã qua.
. . . . .
Loading the player...