29-04-2019 - 06:03

Những trận đánh cuối cùng góp phần nối hai miền Nam Bắc

Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2019). Tạp chí Hồng Lĩnh số 152 giới thiệu bài viết "Những trận đánh cuối cùng góp phần nối hai miền Nam Bắc" (Trích hồi ký "Ký ức chiến tranh" - Nxb Thanh Niên, 2006) của tác giả Vương Khả Sơn.

... Ngày 25/4/1975, trận đánh phục kích bọn địch Sư 22 ngụy bị bại trận trong chiến dịch Tây Nguyên tháo chạy về vùng ven Sài Gòn. 
Nơi chúng tôi phục kích gần lộ 21 nối Chi khu Bến Lức đến căn cứ Lương Hòa, tây ngạn sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh Long An, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số. Đã hai ngày nằm chờ nhưng bọn địch không dám ra. Chúng co cụm, cố thủ trong những ruộng mía của dân. Chắc thực phẩm đã cạn kiệt nên có những tên liều lĩnh lấy mũ sắt tát cá ở con kinh nhỏ cách chúng tôi chừng 300 mét. Tôi và Chu Văn Lương (Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An) cùng một công sự. Tôi B40; Lương trung liên. Phía trái chếch ra sau chừng 50 mét là công sự của Vũ Duy Tòng (Diễn Hoàng, Diễn Châu) và Nguyễn Duy Từ, trung đội phó (Hoằng Hóa, Thanh Hoá). Phía sau nữa là cối 60 và 82 ly. 
Chừng 8 giờ, trong mấy ruộng mía, bọn địch vẫn la ó, đi lại, nấu nướng gì đó... vì khói toả lên. Tôi nhìn thấy Lương vừa đứng dưới công sự cảnh giới, vừa ngủ gật:
- Thôi, cậu xuống hầm ngủ một lúc đi, lát nữa tớ gọi thay gác (ở chiến trường lúc chờ địch vào là lúc thần kinh căng thẳng do bị ức chế, nên ai cũng buồn ngủ). 
Lương vừa kịp ngồi xuống thì tiếng ngáy bật ra ngay lập tức.
 Hơn 9 giờ, tôi cũng bắt đầu thấy hai mắt díp lại, nặng trĩu. Biết rằng, chỉ cần một lúc nữa là tôi sẽ ngủ quên. Cúi xuống hầm, tôi gọi Lương dậy thay gác cho mình. Lương dụi mắt, đứng dậy thay tôi. Trước khi chui xuống, tôi còn dặn với:
- Phải hết sức cảnh giác, hôm nay không chừng chúng nống ra. Ngủ quên là ăn lựu đạn đó!
Tôi ngồi dựa ngay lưng vào thành công sự. Cơn ngủ kéo đến tự  lúc nào...
... Ầ...m... Một tiếng nổ rung chuyển căn hầm. Mùi khói đạn phả vào nồng nặc. Tiếp theo, nhiều tiếng nổ khác cùng tiếng AK lẫn AR15 dồn dập. Tôi chụp vội B40 định đứng dậy siết cò nhưng chợt nghĩ nhanh: “Đứng dậy lúc này có thể bị ăn đạn!” Tôi rút vội quả lựu đạn “da láng” của Mỹ, rút chốt, thảy qua cửa công sự về phía trước. Lựu đạn nổ. Tôi bật dậy chụp vội B40, nhắm hướng địch siết cò. Quả đạn lao đi. Lương cũng xả trung liên vào bọn địch tháo chạy phía trước. Tôi xoay tay, đẩy quả đạn thứ hai vào nòng, nhảy lên công sự nhắm tốp địch đang chạy thục mạng vào phía rặng trâm bầu, kéo cò. Quầng lửa da cam và khói quen thuộc trùm lên che khuất tốp lính. Tôi lắp tiếp quả thứ ba, lấy góc bắn 45 độ nhắm vào hướng bọn địch đang tháo chạy trở lại. Viên đạn lao vút đi, tiếng nổ nghe rất xa. Lúc này bắn chỉ để uy hiếp, vì bọn tàn quân đã tháo chạy vào gần ruộng mía. Đang mải nhìn về phía bọn lính, bỗng “đoành...” một tiếng nổ lớn rất gần, tiếp theo là bùn và cỏ bàng (cói) bắn vào người tôi. Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Sau này mới biết, đó là tiếng nổ của quả cối 60 ly (cối tép), do khẩu đội Nguyễn Viết Kỷ (Thương Lộc, Can Lộc) và Nguyễn Cảnh Tý (Yên Thành) bắn lên. Vì lún bàn đế nên quả đạn bị rút tầm, rơi nổ cách chỗ tôi chừng 4-5 mét chếch phía tay phải. May mà đạn rơi xuống bưng nếu không, tôi đã “anh dũng hy sinh” vì nó. Sau trận ấy, Kỷ kể lại rằng, khi bắn lên do không lắp liều phụ nên trông rất rõ đường đi của viên đạn. Bởi vậy, khi thấy viên đạn cối rơi gần ngay chỗ tôi đứng, Kỷ và Tý cố sức la hét để tôi có thể nghe thấy. Nhưng vì tôi vừa bắn ba trái B40, tai đang ù đặc; vả lại lúc ấy tiếng súng các loại còn rền vang nên tôi không thể nghe được tiếng la của Kỷ và Tý để tránh!
Khói tan... Bây giờ, tôi mới kịp nhìn xuống dưới chân mình. Khúc cẳng chân của một tên lính nguỵ bị cắt cụt từ đầu gối còn mang giày trận và dính cả ống quần hất lên công sự tôi do hơi B40. Phía trước chừng ba mét, năm cái xác đen đúa đè lên nhau. Cách đó vài mét, có hai xác nữa. Mấy khẩu AR15 văng ra, có khẩu gẫy nát. 
Thì ra, lúc tôi chợp mắt, Lương thay gác, đã ngủ quên. Bọn địch mò vào ngay chân công sự mà Lương không hề hay biết. Chỉ cần vài bước nữa là chúng sẽ phát hiện được hầm chúng tôi. Chắc chắn chúng tôi sẽ được “ăn đủ” lựu đạn. May mà chỗ ấy rất bất ngờ với địch. Hơn nữa, chúng tôi nguỵ trang rất khéo nên chúng chưa kịp phát hiện. Nhưng khả năng nhiều hơn theo nhận định của tôi là bọn lính sư 23 ngụy quen tác chiến ở vùng núi, khi tháo chạy về đồng bằng, chúng không có kinh nghiệm. Tiếng nổ ấy là quả B40 của Vũ Duy Tòng bắn đến để giải nguy cho tôi và Lương. Sau trận ấy, Tòng cho biết, lúc thấy địch vào cứ tưởng chúng tôi đã biết nhưng còn chờ cho  vào gần mới nổ súng. Đến lúc chúng vào sát chân công sự rồi, vẫn không thấy động tĩnh gì, Tòng nghĩ là chúng tôi ngủ quên nên đã vội giáng quả đạn ấy tiêu diệt tốp lính, cứu chúng tôi. Cậu ta cho biết rất có thể sức nóng và sức ép của đạn sẽ làm chúng tôi bị thương, nhưng không còn cách nào khác. Quả B40 định mệnh ấy đã kết liễu 7 tên lính của sư đoàn 22 ngụy, cứu sống tôi và Chu Văn Lương.
Tôi viết lại kỷ niệm này như một sự tri ân đối với đồng đội. Và một điều quan trọng khác là bài học về sự gắn bó, sẵn sàng chia lửa cho nhau ở những thời khắc gian nan và ác liệt nhất của những trận đánh. Đó là yếu tố làm nên chiến thắng và tình đồng đội máu thịt.
Trước đó, trong một trận đánh khác, chúng tôi đã có cuộc đọ súng với một đơn vị của sư đoàn này. Cả buổi sáng hôm đó, chúng sợ không dám nống ra. Mãi đến hơn 12 giờ, mới dò dẫm men theo lộ 21 lên hướng Lương Hoà hòng thực hiện kế hoạch giải toả căn cứ này. Đại đội tôi nhận nhiệm vụ khoá đuôi, vu hồi. Địch đã tiến được khá xa mà không thấy động tĩnh gì cả. Chúng trở nên dè dặt hơn, tốc độ hành quân chậm lại. Có quãng chúng co cụm, không rõ để làm gì. Chờ cho tốp đi đầu lọt vào đội hình phục kích, đại đội một và hai nổ súng chặn đánh. Chúng tôi xuất kích khoá đuôi. Từ chỗ xuất kích đến đội hình quân địch khoảng 300 mét. Từ xa, các loại vũ khí phát huy tối đa hỏa lực. Cối 82ly và 60 ly dội xuống. Tiếp theo là B41, B40, trung liên, AK đồng loạt quất vào đội hình quân địch. Tôi đã bắn hết 4 trái B40 vào bọn đang tháo chạy. Quãng đường xuất kích khá xa, phải băng qua một quãng bưng lại vừa xuất kích vừa la hét, xung phong nên ai nấy đều muốn đứt hơi. Lúc này trời đã chạng vạng tối. Tôi vừa băng lên, chợt thấy một khu lăng mộ trước mặt liền chạy ngay đến đấy để lấy chỗ tránh đạn và đón đợi bọn địch tháo chạy trở lại. Đánh mắt sang bên phải chếch lên phía trước, tôi chợt phát hiện một tốp 7 - 8 bóng đen đang lao tới. Tôi vội kê súng lên bờ gạch của ngôi lăng, bình tĩnh kéo búa đập xuống, chuẩn bị… Chờ cho mấy bóng đen đó vào gần một đoạn nữa, tôi nghếch nòng B40, há miệng, siết cò. Tiếng nổ chói tai, quả đạn lao vút đi. Trong khoảnh khắc một quầng lửa da cam nhoáng lên kèm theo một tiếng nổ lớn phía trước tốp người đang chạy. Tôi bỗng nghe tiếng hét, giọng Nghệ Tĩnh: “Đừng bắn! Đừng bắn! Bộ đội đây!”. Tôi giật mình hoảng hốt, “Chết rồi! Mình bắn nhầm vào đồng đội!”. Tôi hét lớn:
- Có ai làm sao kh...ô..ông? Có tiếng đáp:
- Kh...ô…ng. 
Rất may, trời nhá nhem tối nên tôi căn cự ly không chính xác. Quả đạn nổ phía trước mặt tốp người kia khá xa. Nếu không, tôi đã “thui chín” mấy đồng đội của mình rồi!. Tiếng trả lời đó là của Đinh Văn Luận (Thanh Xuân, Thanh Chương) Đại đội phó, người mà trong trận anh Đông bị mìn hy sinh, tôi đã trao B40 cho Luận giữ để vào bế Đông ra và tình huống buồn cười khi Luận rơi từ trên cây cao xuống hồi chúng tôi đánh bốt Rạch Nhum (Tân Phú) năm 1974. Lúc đó, Luận có mặt trong đội hình của tốp người này. Tôi chạy ngay đến chỗ họ. Không ai bị làm sao cả. Không hiểu sao lúc đó tự nhiên như có ai bảo tôi bắn sớm? Cứ như mọi lần, chờ họ vào thêm một đoạn nữa mới nổ súng thì chẳng còn một ai. Hú vía! 
... Đêm 27 - 4, chúng tôi nhận lệnh vượt sông Vàm Cỏ Đông để phối hợp với Sư 5 thuộc Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn) đánh chiếm Chi khu Thủ Thừa, thị xã Tân An và Chi khu Bến Lức, nhằm khai thông hành lang cho đại quân tiến về Sài Gòn từ hướng Tây - Nam. Nhiệm vụ và mục tiêu cuối cùng của Đoàn 232 trong chiến dịch Hồ Chí Minh là đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát và Biệt khu Thủ đô để cùng với các quân đoàn bạn hợp điểm tại Dinh Độc Lập vào trưa 30 tháng 4. 
Khoảng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 4, chúng tôi nghe nhiều loạt tiếng nổ lớn từ hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Phía ấy,  nhiều cột khói đen lớn bốc cao, rồi cả một vùng trời bị che phủ bởi khói lửa. Đơn vị báo tin chiến thắng. 17 giờ chiều cùng ngày, không quân ta đã dùng một phi đội năm chiếc chiến đấu cơ A37 cướp được của địch do một Trung uý phi công nguỵ phản chiến dẫn đầu, dội bom Tân Sơn Nhất, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống sân bay này (sau này chúng tôi mới biết đó là Trung uý phi công Nguyễn Thành Trung, một chiến sỹ tình báo của ta được gài vào hàng ngũ địch). Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, không quân ta đã xuất trận trực tiếp dội bom vào đầu quân ngụy, lập  chiến công xuất sắc, làm tiêu tan những hy vọng cuối cùng của chúng. Chính từ thời khắc lịch sử ấy, chế độ ngụy quyền Sài Gòn rơi vào hoảng loạn, dẫn đến kết cục sụp đổ nhanh chóng, không gì cứu vãn nổi….
… Chúng tôi không được vinh dự có mặt ở Sài Gòn trong ngày 30 - 4 - 1975 bởi mệnh lệnh cấp trên giao phải ở lại chiến trường Long An để cùng đơn vị bạn bảo vệ hành lang cho đại quân tiến đánh Sài Gòn và làm nhiệm vụ quân quản. Trong những ngày 28, 29 tháng 4 vừa chiến đấu, chúng tôi vừa bám sát tin chiến sự từng giờ. Đài tiếng nói Việt Nam liên tục đưa tin chiến thắng và diễn biến thần tốc của chiến dịch.
Ngày 30 - 4 - 1975. Chín giờ 25 phút, Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh tuyên bố xin ngừng bắn. 10 giờ 45, phân đội thọc sâu của Quân đoàn II tiến vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện. 11giờ 30 phút, lá cờ Tổ quốc thắm máu bao thế hệ người Việt Nam yêu nước tung bay trước cửa nhà chính của Dinh Độc Lập. Giờ phút lịch sử thiêng liêng của cả dân tộc cũng như mỗi người lính chúng tôi đợi chờ hàng mấy mươi năm đã đến. Một cảm xúc nghẹn ngào, khó tả  trào dâng trong trái tim của mỗi chúng tôi - những người lính đã trải qua những năm tháng ác liệt bão đạn, mưa bom, may mắn còn sống và có mặt trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, chứng kiến một chế độ thối nát, ôm chân ngoại bang trong giây phút giãy chết!
Toàn thắng! Thế là toàn thắng! Chúng ta đã thắng thật rồi! Hoà bình rồi! Hết chiến tranh rồi! Chúng tôi hướng nòng súng lên trời xả đạn, đón chào chiến thắng, rồi ôm nhau khóc, cười như trẻ thơ, như ngây dại… Chiến thắng đến quá nhanh. Mặc dù đã biết trước, vậy mà vẫn cứ bàng hoàng, ngây ngất như trong mơ. Một niềm vui không có ngôn ngữ để diễn tả. Không có lời nào để thể hiện hết tâm trạng của những người lính chiến đã trải qua mưa bom bão đạn và chịu nhiều cay đắng như chúng tôi. Vậy là chiến tranh đã chấm dứt. Đất nước đã được giải phóng! Khát vọng hoà bình đã thành hiện thực! Mình vẫn còn sống! Mẹ ơi! Con của Mẹ vẫn còn sống sót! Ôi! Có niềm vui sướng nào hơn! Chỉ nay mai thôi, chúng con sẽ được trở về bên Mẹ, được ôm chầm lấy mẹ như ngày nào thơ bé cho thỏa nỗi khát khao mong đợi! Sẽ được sum họp với gia đình sau bao năm trời đằng đẵng cách xa… trong khói lửa đạn bom. Không ai bảo ai, nhưng ai cũng đều nghĩ  suy như vậy!
Nhưng rồi cũng chính trong những giây phút bàng hoàng, sung sướng, ngây ngất đến tột cùng ấy, chúng tôi chợt đau đớn, ngậm ngùi, tiếc thương nghĩ về đồng đội - những người đã hy sinh. Rất nhiều người vừa mới ngã xuống trước giờ toàn thắng...! Có niềm vui chiến thắng nào lại không phải trả giá bằng máu và bằng nỗi đau mất mát, hy sinh (!?) 
Hơn ai hết, là những người trong cuộc, chúng tôi biết cái giá phải trả cho ngày toàn thắng; cho độc lập tự do là không thể nào đo đếm nổi! Hiện thực khách quan ấy, chúng ta mặc nhiên phải thừa nhận. Mẹ Việt Nam vô cùng đớn đau, nhưng cũng hết mực tự hào về những đứa con của Mẹ đã mấy mươi năm kiên cường bền bỉ cầm súng đánh giặc và dũng cảm hy sinh không tiếc máu xương cho độc lập tự do của Tổ quốc mình. Chúng ta đã làm tròn sứ mệnh mà lịch sử dân tộc và tiền nhân trao lại; đã đi trọn con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã vạch ra: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào...” để “Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.


                                       V.K.S

. . . . .
Loading the player...