Một số bài nghiên cứu, ghi chép và chùm thơ rút ra từ sách:
HỒNG LĨNH TRONG VĂN HỌC HIỆN ĐẠI
Đức Ban
Khởi thủy Thị xã Hồng Lĩnh là Bãi Vọt - trung tâm của cả vùng Bấn- Trổ -Treo Vọt đến Trai- Hói- Mênh- Chàng. Hàng ngàn năm trước, vào thời hậu kỳ đá mới đã có người sinh sống ở chốn này mà dấu tích còn lưu giữ tại các hiện vật tìm thấy ở Di chỉ Khảo cổ học Phôi Phối dưới chân Hồng Lĩnh. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch thì chép: “ Đất Nghệ An (tức Nghệ Tĩnh nay) là 2/3 quận Cửu Chân thời Hán, tức miền trung thổ nước Việt Thường”.Việt Thường là một bộ tộc từng tồn tại và phát triển trước thời Nhà nước Văn Lang sơ khai vào khoảng thế kỷ VII-VI tr.CN; phải vậy không, người thời nay đang bàn luận. Nhưng Bãi Vọt là vùng đất cổ thì đã rõ ràng.
Từ cư dân Việt cổ đến Thị xã Hồng Lĩnh thời hiện đại, qua hàng ngàn năm. Bao nhiêu biến thiên dâu bể trên đất này để lại dấu tích, để lại những tia hồi quang rực sáng trên Minh Lương- Trung Lương- Độ Liêu- Lai Thạch …Đám cưới nàng Thần Long lấy vị thủ lĩnh Việt Thường, vua Dương Vương trong truyền thuyết. Cuộc giao tranh giữa Đức Chúa Hai với quân xâm lược nhà Đường. Người rèn gươm đao, đúc lưỡi cày dưới chân núi Ngọc Sơn, người mở đường Thiên Lý qua Kẻ Bấn, Kẻ Vọt. Đoàn tù nhân đi đày vào cận châu, viễn châu. Những đội quân Minh, quân Pháp đốt làng, giết người. Đám rước vinh quy quan trạng, quan Nghè. Đám hội chùa Thiên Tượng, Long Đàm. Buổi hát trò Đình Đụn, Kẻ Treo, Kẻ Vọt. Bóng dáng cụ Nguyễn Tiên Điền, cụ Uy Viễn trên triền Ngàn Hống…Bao nhiêu tiếng sét đánh, tiếng gươm khua, đạn nổ, tiếng gào thét, tiếng cờ bay, trổng nổi, tiếng hát, tiếng cười và tiếng khóc trên đất này? Tất cả được ghi lại trong truyền thuyết, cổ tích, thần thoại, trong ca dao, dân ca, trong văn, thơ, nhạc họa…truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thời này sang thời kia bất chấp thiên tai, giặc giã, đói nghèo, bệnh tật.
Bài thơ cổ nhất viết về Hồng Lĩnh là bài Sơn hành của Khu mật tham chính Phạm Sư Mạnh thời Trần Minh Tôn (1314-1329): “Hương Tượng non cao chèn Bắc đẩu/ Đồng Long nước cuộn xuống nam minh/ Cọ rêu bia đá vui đùa bạn…”(Võ Hồng Huy dịch). Sau Phạm Sư Mạnh là thơ của những trấn quan, trấn nhậm ở đất này: Trần Công Soạn, Bùi Huy Bích. Đào Tấn, Đoàn Nguyên Tuấn; Thiệu Trị…đến thơ Lê Hữu Trác, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Du, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Công Trứ, Võ Liêm Sơn…
Bài viết này xin không nói về văn nghệ dân gian, những hò, hát ví, hát giặm, hát ru, hát đồng dao, hát sắc bùa, hát thờ cúng dân gian, hát ca trù, hát xẩm của/ về Hồng Lĩnh. Cũng không bàn tới thơ, văn, câu đối, vè, phú, tuồng, chèo của các nhà nho, các trí thức viết về Thị xã Hồng Lĩnh trước năm 1945 mà chỉ giới hạn thơ, văn hiện đại của/ về Bãi Vọt- Hồng Lĩnh.
Như trên đã đề cập, Bãi Vọt- Ngàn Hống- Hồng Lĩnh là vùng đất cổ. Trong truyền thuyết, trong các thư tịch đất này được nhắc tới như là một cố đô- Cố đô Ngàn Hống - trung tâm đất Việt Thường trước thời Văn Lang. Văn học hiện đại viết về nguồn cội, về thăng trầm của Bãi Vọt- Ngàn Hống- Hồng Lĩnh không nhiều bằng cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca, nhưng đã góp một phần quan trọng cho người đọc nhận chân ra những nét độc đáo, đầy bản sắc vùng đất nhân kiệt, địa linh này. Trước hết phải nhắc tới tập bút ký tư liệu: Hồng Lĩnh đối diện tương lai của Thái Kim Đỉnh (Dưới chân Ngàn Hống; Thị ủy, HĐND, UBND và Hội VHNT Hà Tĩnh; Xb; 2007). Tập bút ký có cấu trúc như một cuốn địa chí. Thái Kim Đỉnh viết về sự hình thành núi, sông; về những huyền thoại, huyền sử, cổ sử bộ tộc Việt Thường; về tên đất, tên làng dân gian và cổ kính: về những câu thơ hay của Lê Thánh Tôn, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Huy Oánh…của các tao nhân, mặc khách đời Trần đến đời Nguyễn…Tác phẩm dành nhiều trang viết về lịch sử, kinh tế, văn hóa các Phường, xã: Trung Lương, Vân Chàng, Bình Lãng/Kẻ Vọt, Nam Hồng, Bắc Hồng, Thuận Lộc, Đậu Liêu… về các danh nhân xứ này.
Cũng cách tiếp cận Địa- văn hóa- lịch sử, Trầm tích của Đức- Trí Sơn (Dưới chân Núi Hồng; NXB Hội Nhà Văn; 2012) như Hồng Lĩnh đối diện tương lai của Thái Kim Đỉnh, nhưng Trầm tích khai thác những nét riêng, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Hồng Lĩnh. Từ nhận định khái quát: “Do những đặc điểm riêng về địa lý- văn hóa, trải qua các thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương đất nước và chống thiên tai để tồn tại, phát triển, nhân dân Hồng Lĩnh đã sáng tạo, xây đắp nên những nét riêng về cốt cách, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…Tác giả đã viết khá kỹ, ngôn ngữ phảng phất không khí linh thiêng và rút ra được những giá trị độc đáo của Lễ hội dân gian, làng nghề, di tích danh thắng, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hồng Lĩnh.
Núi Hồng - Hoan Châu đệ nhất danh sơn của Võ Hồng Huy khai thác tên gọi Núi Hồng qua các thời kỳ. Theo tác giả ngọn núi này có tới 7 tên gọi:, Ngàn Hống, Núi Hống, Rú Lớn, Rú Cao, Hương Tượng, Hồng Sơn, Hồng Lĩnh. Từ lâu, người ta đã xếp dãy núi này vào trong 21 danh sơn nước An Nam. Thời Minh đã có nhưng họa sỹ vẽ cảnh đẹp của núi thành những bức tranh thuộc loại “ngự lãm” dâng Minh Thái tổ. Người Pháp trân trọng gọi Ngàn Hống là “khối quần sơn kỳ vĩ” (Theo An Tĩnh cổ lục của A le Bleton). Thời Nguyễn, dãy núi này được khắc hình vào Cửu đỉnh đặt trong Đại Nội.
Hàng trăm năm, ngàn năm Bãi Vọt – Ngàn Hống –Hồng Lĩnh mang trong mình sự kỳ vĩ, cổ kính và biết bao bí ẩn: “Kỳ lạ thay Tiên giáng mấy ngàn năm/ Dấu chân Tiên vẫn còn trên mặt đá/ Là xứ Tiên nên núi rừng đẹp lạ/ Hay núi rừng đẹp quá để Tiên say.” (Dấu chân Tiên- Xuân Hoài). Bùi Quang Thanh thấy ra: “Việt Thường dẫu chìm vào đất/Khí thiêng sông núi càng thiêng/ Đất này: Địa linh- Nhân kiệt/ Đất này: Muối mặn, gường cay/Đất này : đá mềm chân cứng/Chim lạc, chim hồng đừng bay ( Huyền thoại núi Hồng). Người đọc thấy vùng đất Lam- Hồng trong sương khói huyền thoại:“Chín mươi chín chim phượng hoàng bay từ đâu tới/ Mỏ ngậm tơ trời dệt lụa hóa dòng Lam/ Sông tuyệt thế chim mải mê dừng ngắm/ Triệu năm quên bay/ Triệu năm hóa thạch/99 đỉnh biếc xanh vời vợi/ 99 đinh non Hồng ráng đỏ/ Bão nổi miền xa, giông tố miền gần/ Sông Lam vặn lười gươm thần sáng quắc/ Vung ngang trời sử xanh/ 99 đỉnh trầm hương thuở vua Hùng dựng nước/ Ngất linh thiêng hồn Tổ quốc tụ về. (Lam- Hồng huyền thoại – Nguyễn Công Bình.). Chế Lan Viên viết “Như Hồng Lĩnh tự mình xây núi lớn” .Còn Lê Thành Nghị trong bài Hồng Lĩnh với tứ thơ mới lạ, phóng khoáng, mạnh mẽ và đằm thắm chân tình lộ rõ cốt cách của miền đất này:“Có chàng trai về đến Sóc Sơn/ Hóa thân vào im lặng/ Có miền đất im lìm đứng lên/ Tự mình xây núi lớn” (Núi Hồng Lĩnh - Lê Thành Nghị)
Quá khứ đầy sự kiện, lung linh sắc màu, ánh sáng trải biền biệt về thời hồng hoang hàng ngàn năm qua đã thu hút sự quan tâm và trở thành cảm hứng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ xa, gần. Không thể giới thiệu hết tác phẩm văn, thơ của nhiều tác giả viết về chủ đề này. Ngoài những tác phẩm trích dẫn trên, văn xuôi còn có khảo cứu văn hóa: Treo Vọt vùng đất thi ca của Võ Hồng Huy, Người đắp núi của Trần Đắc Túc, Du lịch trên miền đất huyền thoại của Nguyễn Ngọc Phú, Kẻ Bấn- Bân Xá của Thái Kim Đỉnh…Về thơ có : Bể lò rèn làng tôi thưở nhỏ của Huy Cận, 99 đỉnh non Hồng của Thái Vĩnh Linh, Một miền trầm tích của Nguyễn Công Ký, Bên hồ Thiên Tượng của Hà Huy…
Đọc những tác phẩm văn học hiện đại viết về quá khứ Hồng Lĩnh ta bắt gặp nhiều giọng điệu: bi tráng, trầm tư, hào sảng…Mỗi tác phẩm có một cung bậc riêng nhưng âm điệu chính vẫn là anh hùng ca. Mảng văn học này góp phần làm giàu có thêm ký ức của cư dân Hồng lĩnh và bạn đọc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lòng tự hào về mảnh đất và con người Hồng Lĩnh.
Năm 1982, Thị trấn Hồng Lĩnh ra đời, đánh dấu sự hội tụ cư dân, sự hình thành một Chính quyền Nhà nước, sự ra đời các tổ chức Chính trị- xã hội trên vùng đất cổ Bãi Vọt- Ngàn Hống. 10 năm sau, ngày 2 tháng 3 năm 1992, Thị xã Hồng Lĩnh ra đời theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ. Từ ấy đến nay, tròn 25 năm, “Đảng bộ và nhân dân Hồng Lĩnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng Thị xã phát triển ngày càng toàn diện: Cơ sở hạ tầng được củng cố và xây dựng, cảnh quan đô thị ngày mỗi khang trang, kinh tế chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực, văn hóa xã hội có bước phát triển mới, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững”…(Hoàng Văn Quảng- Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh).
Những đổi mới tích cực của Thị xã Hồng Lĩnh đã thu hút sự quan tâm, và sớm trở thành cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sỹ. Nhiều tác phẩm văn học -nghệ thuật, đặc biệt là thơ và văn xuôi đã phản ảnh sinh động hiện thực đa dạng, phong phú của Thị xã.
Những tác phẩm viết về Hồng Lĩnh hôm nay, dồn tụ nhiều vấn đề của hiện thực, có thể là những chuyện nóng bỏng của thời cuộc, có thể là chuyện âm thầm của đời sống tinh thần với những đợt sóng ngầm tư duy, nhưng đọc những tác phẩm ấy, ta vẫn bắt gặp bóng dáng của vùng địa linh, nhân kiệt dưới chân núi Hồng. Các tác giả nhận thức những thành quả mà Hồng Lĩnh gặt hái hôm nay là nhờ những nỗ lực bứt phá của Đảng bộ và nhân dân, từ cốt cách người Hồng Lĩnh- cái cốt cách được truyền thống văn hóa và cách mạng nuôi dưỡng, chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Về đây như chim về tổ ấm/ Như người tìm lại giống nòi xưa/ Khí thiêng sông núi từ muôn thuở/ Cho ta Hồng Lĩnh của bây giờ (Hồng Lĩnh vào xuân -Đặng Quốc Vinh). ….Và trầm tích văn hóa ngàn đời/Đang ngày càng phát lộ/Hồng Lĩnh vẫn cây/ Vẫn mây/ vẫn gió/ Trong thênh thang đang vươn mình hướng tới tầm xa. (Huyền thoại một vùng quê –Viết Hoài). Yên Thanh mới lạ trong tư duy:…”Đất này nhân kiệt- địa linh/ Sông đi…núi cũng rùng rùng dậy đi…./Trèo lên Ngàn Hống tìm thơ/Nghe hồn non nước ngàn xưa gọi mình (Viết trên đỉnh non Hồng )
Truyền thống – Hiện đại, cặp phạm trù thao thức trong tư duy sáng tạo của không ít nhà thơ khi viết về Hồng Lĩnh. Ngoài các tác giả trên ta còn bắt gặp trong thơ của Lê Huy Quang, Nguyễn Huy Hoàng, Tùng Bách, Đào Minh Sơn…
Nhiều tác giả lấy hiện thực đời sống làm đề tài và nhận thức với cảm xúc chân thành: “ Nhớ một thời bãi vắng đồi hoang/ Nay thênh thang nhà cao phố rộng/Làng Ạch, Quỳnh Lâm mái tranh ngõ vắng/Đã bừng lến sức sống thị thành/ Chẳng còn đâu Bãi Vọt đồi tranh/ Xưởng máy giờ trập trùng vách núi… (Tuổi hai mươi -Nguyễn Trường Thiện). Cũng với cảm xúc chân thành như thế, Nguyễn Công Ký viết: “Hai mươi năm vượt bể dâu/ Phố phường xóm mạc… đã màu non xanh. Ở Nỗi Nhớ, Trần Nguyên Đề cụ thể hơn: Hai mươi năm vất vả gian nan/ Mơn mởn mọc lên những nhà, những phố
Đậm đặc những vấn đề của đời sống hôm nay, mảng văn xuôi đa dạng và phong phú về đối tượng phản ảnh, về đề tài, chủ đề. Những tác phẩm viết về sự đổi mới đi lên của Hồng Lĩnh điềm tĩnh mà chan chứa xúc cảm: Ngọn lửa Trung Lương của Hữu Phương, Thuận Lộc mùa lộc mới của Phan Trung Hiếu, Người Đậu Liêu của Như Bình. Tác phẩm viết về Giáo duc: Dưới mái trường Hồng Lĩnh của Trần Huy Quang, về an ninh, quốc phòng: Thế trận giữa lòng dân của Bùi Quang Thanh, Những bước chân thầm lặng của Nguyễn Ngọc Phú…có chi tiết, có nhân vật, sinh động và chân thực. Viết về văn hóa du lịch hình ảnh đẹp, ngôn ngữ đầy phong vị dân gian: Du lịch trên miền đất huyền thoại của Nguyên Tùng, Người đắp núi của Trần Đắc Túc…Một số bút ký phản ảnh sự đổi thay trên mọi lĩnh vực đời sống của Thị xã vừa khái quát vừa cụ thể và lay thức được người đọc nhờ ngôn ngữ giản dị, tư liệu phong phú: Những vùng nâu sáng viết về các khu công nghiệp trên địa bàn Thị xã của Sơn Hải, Muôn nẻo tụ về khai thác tiềm năng thương mại, du lịch Hồng Lĩnh, vùng đất thông thương với các nước Asean qua đường QL.8, nối liền Nam- Bắc qua QL.1 của Đức Tùng Huy…
Như đã nói, mảng văn xuôi viết về Thị xã Hồng Lĩnh khá đa dạng về đề tài, chủ đề. Ngoài khắc họa hình hài Thị xã Hồng Lĩnh theo thời gian dài đằng đẵng hàng ngàn năm, trong không gian bao la, nhằm khảng định tiềm năng, lợi thế phát triển của Hồng Lĩnh thời hiện tại, các tác giả tập trung khắc họa chân dung Thị xã Hồng Lĩnh giai đoạn CNH-HĐH, hội nhập Quốc tế, khắc họa chân dung con người Hồng Lĩnh: Những người thợ Rèn Trung Lương (Ngọn lửa Trung Lương), những thầy giáo, cô giáo tâm huyết với nghề, với học sinh thân yêu (Dưới mái trường Hồng Lĩnh), những chiến sỹ công an gắn bó với dân, vì nhân dân quên mình (Những bước chân thầm lặng), những người công nhân viên chức Bưu điện mẫn cán (Dưới tán lá cây yên tĩnh), những người nông dân Thuận Lộc, Đậu Liêu…đầy khát vọng vươn lên. Người dân Hồng Lĩnh thuộc nhiều thế hệ, hội tụ trong mình khí thiêng xứ sở địa linh, nổi bật tính cách cần cù, sáng tạo, hiếu học, nghĩa tình, thủy chung. Họ là nguồn lực xây dựng Thị xã lớn mạnh 25 năm qua, và là tiềm năng vô tận cho sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội trên con đường phát triển bền vững.
Nhìn văn học hiện đại viết về đất cổ Bãi vọt- Ngàn Hống và văn học hiện đại viết về Thị xã Hồng Lĩnh trên mới chỉ là một cách nhìn tư liệu văn bản, có tính thống kê, giới thiệu.
Văn học viết về mảnh đất và con người Hồng Lĩnh là một thành tố văn hóa giữ vị trí quan trọng trong văn hóa Hồng Lĩnh. Vì vậy, đã đến lúc cần bàn một số việc cần làm: Thứ nhất, thêm các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và văn chương. Thứ hai, thêm các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn nghệ dân gian với văn học hiện đại và sự tiếp thu các giá trị văn nghệ dân gian cho sự phát triển văn học hiện đại trong giai đoạn CNH,HĐH và hội nhập Quốc tế. Thứ ba, sưu tầm văn học truyền miệng, văn học nhân dân đang lưu giữ, cùng với văn học dân gian, văn học cổ cận, hiện đại in thành tổng tập, băng đĩa quảng bá đồng thời lưu giữ trong các thư viện của Thị xã, của tỉnh, của đất nước. Thứ tư, tiếp tục triển khai các hình thức phát động sự sáng tạo văn học nghệ thuật của quần chúng nhân dân cùng với các giải pháp thu hút văn nghệ sỹ sáng tác về đất và người Hồng Lĩnh, các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ nghiên cứu về lịch sử văn học nghệ thuật miền đất Bãi Vọt- Ngàn Hống- Hồng Lĩnh.
Văn học hiện đại viết về đất và người Hồng Lĩnh thể hiện rõ sự tiếp nối các giá trị của văn nghệ dân gian, văn học cổ, trung cận đại với những đổi mới trong khai thác hiện thực và thi pháp, đã góp phần xứng đáng vào Văn hóa Hồng Lĩnh nói riêng và Văn hóa Hà Tĩnh nói chung./.
Hà Tĩnh, tháng 7-2016
Hội thảo" Hồng Lĩnh- Huyền sử, lịch sử và đương đại"
Nguyễn Văn Thanh
THỊ XÃ QUÊ HƯƠNG
Bình minh đã dậy hồng trời Hồng Lĩnh
Thị xã vào thu một sắc hoa vàng
Nhớ bông muồng trâu thân thương hoang dã
Nụ đầy cành- mơ giấc mơ trăng
Mua tím cả bãi bờ ven đường cũ
Những bông lau trắng lóa nước khe xưa
Ta tìm lại kỉ niệm thời TreoVọt
Thuở gió Lào bỏng cháy giấc mơ trưa
Thị xã hôm nay xòe bàn tay năm ngón
Cả năm phường như năm sắc hoa xuân
Một làng ven-đêm sắc bùa vào hội
Để hoa lộc vừng thảm đỏ bước chân
Đây nhà máy nối đường đi trăm ngã
Đây phố phường nhộn nhịp bước thân quen
Bùi Cầm Hổ-đền thiêng hương ngào ngạt
Gột sạch lòng nhẹ bước Suối tiên
Đây làng nghề quê Tam Nguyên Yên đỗ
Đây Minh Giang lững thững chảy về xuôi
Khúc hát chầu văn dâng lên Lục Tổ
Một vùng quê mãi mãi nhớ ơn Người
Ôi thị xã nơi địa linh nhân kiệt
Nơi núi Hồng chín chín ngọn là tên
Người là đỉnh một trăm
Cho danh thơm rạng khắp trăm miền
22/8-2016
Ngô Đức Hành
CÂU HÁT TÌM ANH
Tựa lưng vào núi để xanh
Chin mươi chín ngọn mà thành nước non
Em về nhón gót chân son
Người xưa Lạc Việt hỏi còn ở đây
Hỡi em má đỏ hây hây
Tìm trong cổ tích heo may gối mùa
Dãi dầu Ngàn Hống mưa thưa
Vân Chàng* lửa đỏ gió lùa ái ân
Tựa vào Ngàn Hống mà xanh
Theo câu ví giặm tìm anh, em về..
15/9/2016
(*)
Huyền sử về làng nghề ở Hồng Lĩnh: Ông Đùng đào quặng sắt trong Ngàn Hống và bày cho dân các làng Vân Chàng, Minh Lương nghề rèn truyền lại cho đến đời nay.
Trần Thị Ngọc Mai
KHÚC RU LAM HỒNG
Người theo cơn gió chiều thu
Trong xanh Thiên Tượng lãng du tóc mềm
Phập phồng ngực núi trắng đêm
Chín mươi chín ngọn tay mềm người ơi
Ta về cùng ánh trăng rơi
Ngàn năm Ngàn Hống ngọt môi người tìm
Hồng Lam ru mãi ân tình
Neo trong cõi nhớ riêng mình với ta
THUẬN LỘC, MÙA LỘC MỚI
Ghi chép của Phan Trung Hiếu
Sau trận lụt kinh hoàng năm 1978, bố mẹ tôi quyết định chuyển nhà từ Bùi Xá ven sông La về Bãi Vọt lúc đó còn chưa trở thành thị trấn. Việc xin đất cát để làm nhà hồi đó thật dễ dàng. Mấy ông cán bộ xã cầm sào nứa khoát tay chỉ vào bãi đất mênh mông chỉ trồng toàn khoai, lạc, bảo thích chỗ nào thì cứ chọn. Bố tôi chẳng biết tính toán phong thủy thế nào mà nhằm vào miếng đất đối diện với con khe lau lách um tùm, lại còn lùi vào mấy dằm cho xa đường quốc lộ 1A vì sợ ồn ào, khói bụi và cả nỗi nơm nớp nạn trộm cướp nơi mảnh đất đang còn quá hoang vắng. Mà cũng có thể do cái bệnh nghề nghiệp, bố tôi thích chọn cái nơi thoáng đãng, thơ mộng để ngày ngày nghe tiếng khe nước ri rách chảy.
Mới đó mà đã hơn 30 năm. Cái khe sâu hun hút cạnh nhà được gọi là khe bà Kim mang tên mẹ tôi một thời nổi tiếng với nghề đỡ đẻ, thăm khám phụ khoa cho chị em cả một vùng đã được ghi danh chính thức vào trong địa bạ của Tỉnh. Chắc con cháu sau này sẽ cứ tưởng đó là cái tên của vị thần nữ nào đó liên quan đến truyền thuyết "ông Đùng bà Đà" buổi khai thiên lập địa hoặc là mẹ của đàn tiên trẻ trên ngọn núi Hồng huyền thoại. Nơi gia đình tôi từng trú ngụ là phường Nam Hồng thuộc làng Ninh Vọ, Tiếp Vọ, được cắt ra từ một phần đất của xã Thuận Lộc trước đây.
Tôi đã có mặt ở Thuận Lộc khi mới dăm sáu tuổi. Hồi đấy, xã Đức xá quê tôi bị ném bom ác liệt, bố mẹ cho tôi về Thuận Lộc những tưởng để tránh bớt rủi ro. Thế nhưng, ở đây một thời gian ngắn thì Thuận Lộc cũng lại là mục tiêu trút bom của máy bay Mỹ. Thế là cậu con trai quý tử của gia đình họ Phan lại được triệu về quê, tiếp tục làm một chuyến hành trình ra thành phố Hà Nội, Hải Phòng để lánh nạn. Trong cái khoảng thời gian ngắn ngủi sống với vùng quê ngoại Thuận Lộc, tôi đã kịp có cho mình bao kỷ niệm của tuổi thơ. Cái thời ấy, lũ trẻ chúng tôi hình như chưa hề biết đến sợ hãi. Mỗi lúc có tiếng kẻng báo động lại trốn ra khỏi hầm, mon men ra đứng trước cổng nhà xem và đếm máy bay, ngắm pháo cao xạ của bộ đôi ta điểm từng chùm hoa trắng trên nền trời xanh biếc. Trong ì oàng bom đạn, tôi vẫn lẻn bà ngoại đi chụp bắt lũ cào cào, săn đuổi chuồn chuồn và những chú bướm ma sặc sỡ, đính nhựa mít lên mình lũ ve mốc thếch có tiếng kêu inh ỏi trên những lùm cây. Thuận Lộc thời ấy trông buồn buồn, cũ kỹ. Một làng quê nghèo với những con đường đất gan trâu lầy lội, những chiếc cầu gỗ chênh vênh, những mái nhà tranh nghèo lùn tịt dưới lũy tre làng, những đám ruộng lúa, rau muống, bèn môn, những vạt khoai vạc, dong riềng xơ xác...Nhà bà ngoại tôi bé tẹo nấp sau dãy cây chè mận hảo được cắt xén phẳng phiu, có từng đám dây tơ vàng vấn vít. Nền nhà được làm bằng đất thịt, không lát gạch nhưng luôn sạch bong, mát lạnh. Những chỗ đất nứt nẻ thì cậu tôi dùng lõi quả trám đóng chêm vào trông thật đẹp mắt.
Con đường mấp mô, khúc khuỷu ngày nào giờ mang tên Nguyễn Thiếp được trải bê tông. Ngay trước nhà bà ngoại tôi là sân bóng đá của xã, cạnh đó là Nhà văn hóa của thôn vừa mới được xây. Qua hết làng Phúc Hội là cầu Đình Hát, nơi ngày trước gái trai trong làng thường đến để hát ví, giặm và diễn các tích trò nay chỉ còn lại cái tên cầu. Làng Giao Tác nằm lọt thỏm giữa một cánh đồng ngút ngát màu xanh của lúa đang đến thì con gái. Bên phải là những ngôi nhà cao tầng của trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện xã...
Một sự đổi thay nhanh đến ngỡ ngàng. Vốn là xã độc canh cây lúa, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ chưa phát triển, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân còn thấp kém, tiềm năng và nguồn lực trên địa bàn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao; nếu so sánh trong nhóm 12 xã điểm của tỉnh thì xã Thuận Lộc bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp nhất. Còn nhớ năm 2011, khi tôi về thăm Thuận Lộc, theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của quốc gia, Thuận Lộc lúc đó mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí về điện, bưu điện, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Còn 13 tiêu chí về công tác quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập người dân, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường thì chưa đủ điều kiện. Khi ấy, tôi có gặp anh Nguyễn Văn Hổ, người cùng tuổi, cùng quê Đức Thọ, cùng khóa học lớp cao cấp chính trị ở Hà Nội mới về nhậm chức Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh. Anh nói, giọng quả quyết: " Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã Hồng Lĩnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2010- 2015 đã xác định một số chỉ tiêu quan trọng chủ yếu, trong đó có việc tập trung xây dựng xã Thuận Lộc đạt các tiêu chí nông thôn mới trước năm 2013”. Thật không ngờ, câu nói mạnh mẽ đầy ý chí quyết tâm ấy cuối cũng đã trở thành hiện thực.
Không cớ gì để Thuận Lộc cứ lẹt đẹt quẩn quanh trong cái vòng đói nghèo, tụt hậu. Giữa năm 2010, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Thuận Lộc bắt đầu với Quyết định 10/QĐ-ĐU của Đảng ủy xã theo lộ trình chung của một Thị xã Hồng Lĩnh đang phát triển theo hướng đô thị hóa. Một cuộc ra quân để bắt tay vào xây dựng các mục tiêu. Từ việc ra các văn bản chỉ đạo đến việc điều tra, xây dựng đồ án quy hoạch, thành lập các tiểu ban ... cho đến việc tổ chức các lớp tập huấn về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như nữ công gia chánh, sữa chữa máy nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật trồng rau sạch, bàn việc thành lập các HTX... Hơn 3 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, việc xây dựng hạ tầng nông thôn và huy động nguồn vốn đã đạt nhanh chóng giành được kết quả thật đáng tự hào. Cuối năm 2013, Thuận Lộc đã đạt được đầy đủ các tiêu chí, chính thức được công nhận là xã về đích nông thôn mới.
Dăm ba năm gần đây, Thuận Lộc thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng năm 2014 đạt 13,8%, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng chăn nuôi, 3 máy gặt đập liên hợp hiện đại của Nhật mới mua về đã đưa vào sử dụng. Nhiều công trình dự án quan trọng mới được triển khai xây dựng,nâng cấp, đặc biệt là việc di dời khôi phục lại đình làng Giao Tác, Tượng đài liệt sĩ.... Chất lượng giáo dục có bước cải thiện đáng kể. Tỷ lệ học sinh lên lớp và đậu tốt nghiệp các cấp hàng năm đạt cao. Năm 2014, có tới 31 em đậu vào các trường Đại học, cao đẳng, 38 em vào các trường trung cấp, học nghề. Tổng số vốn trong 5 năm đầu tư xây dựng trường học là 18.574 triệu đồng.
Công tác khuyến học được quan tâm, có những dòng họ như họ Đinh gây dựng quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng. Công tác chính sách xã hội, giải quyết chế độ cho các đối tượng có công với cách mạng được thực hiện chu đáo, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, số lượt người được khám, chữa bệnh ở tuyến Trạm xá xã ngày một tăng. Toàn xã có hàng trăm người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hàng trăm người có thêm nghề phụ là thợ xây, buôn bán trong và ngoài xã. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đảm bảo ổn định. Công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự và tuyển gọi thanh niên lên đường nhập ngũ đạt chỉ tiêu trên giao.
Văn nghệ sĩ Hà Tĩnh thực tế tại địa bàn Thị xã ị Hông Lĩnh
Mới đây, anh Bùi Quang Liêm - Chủ tịch xã cho tôi biết: Sau khi về đích, Thuận Lộc vẫn tiếp tục gia cố, gây dựng thêm nhiều thành tích mới. Sau 5 năm xây dựng NTM đã đào tạo cho 966 lao động tại xã Thuận Lộc với các ngành nghề như: Chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi gà an toàn sinh học, làm nấm sò, sửa chữa máy nông nghiệp - điện dân dụng. Xây dựng mới 22 mô hình phát triển sản xuất, trong đó 2 mô hình quy mô lớn : Chăn nuôi lợn nái ngoại tập trung quy mô 1200 nái của Công ty TNHH Khánh Giang, mô hình chăn nuôi lợn liên kết thông qua Tổ hợp tác... Nhờ việc tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các tập thể, cá nhân đưa cơ giới vào sản xuất, đến nay toàn xã có 83 máy làm đất, 88 máy tuốt lúa, 3 máy xay xát, 22 máy cắt rạ, 04 máy gặt đập liên hoàn. Tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa do Công ty Viết Triều xây dựng với quy mô 150 con và mô hình chăn nuôi gà thả vườn quy mô nông hộ thông qua Tổ hợp tác theo hình thức liên kết, với số lượng 10 hộ tham gia, quy mô nuôi 700 con/hộ...Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người là 22,8 triệu đồng/ người/ năm; Đến nay, toàn xã có 9/ 9 thôn văn hoá và 756 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đền Phúc Hải chuẩn bị đón nhận di tích cấp tỉnh...
Có được thành tích ấy tất nhiên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của thị xã và tỉnh nhưng trước hết phải là nỗ lực cố gắng tự vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Thuận Lộc. Xã đã tập trung phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đỡ đầu, tài trợ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Thuận Lộc. Trong quá trình đưa xã nhà đi lên, nguồn lực do dân tự đóng góp bằng việc hiến đất, huy động ngày công, tiền của chiếm tới 28% , một tỷ lệ không nhỏ so với các địa phương khác. Phong trào hiến đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi được người dân hưởng ứng tích cực. Tổng số hộ hiến tặng đất sau 5 năm xây dựng NTM là 256 hộ, tổng diện tích đất hiến tặng 29.208m2.
Gần trưa trời nắng gắt. Men theo con đường đất, chúng tôi đi bộ vào tránh nắng dưới tán lá lộc vừng dày ken của làng Giao tác. Tôi thực sự thảng thốt và không tin vào mắt mình nữa. Bao bọc lấy làng Giao Tác ở phía bờ Bắc là cả một lũy lộc vừng với cơ man những gốc cây san sát kề nhau, kéo dài đến hàng trăm mét. Có những gốc cây to đến vòng tay người ôm không xuể. Đa phần là những gốc cây già lão, cổ thụ, nghe bảo đã có hàng chục, hàng trăm năm tuổi. Tôi có biết sơ sơ về thú chơi cây cảnh, bèn hỏi anh Thúy, nguyên là cán bộ phụ trách văn hóa xã:
- Những người sưu tầm cây cảnh họ không đến đây hỏi tìm mua à?
Anh Thúy sôi nổi:
- Nhiều lắm, có người ngã giá những gốc có thế đẹp đến cả trên trăm triệu đồng nhưng xã không bán. Chúng tôi đã mất quá nhiều rồi! nào là đình chùa, đền miếu mà khi xưa làng nào cũng có nhưng giờ chỉ còn là phế tích. Bây giờ chỉ còn lại chút tài sản này đáng giá nên lãnh đạo cũng như người dân kiên quyết giữ cho bằng được. Hiện nay, xã đang có dự kiến sẽ làm một con đường chạy dọc hai bên lũy lộc vừng để phát huy thế mạnh du lịch văn hóa trong tương lai.
Tôi lặng người trước vẻ đẹp hoang dã, tự nhiên của những gốc cây lộc vừng, để mặc lòng trôi ngược về tìm lại ký ức xa xưa. Chính dưới những gốc cây này thời tuổi nhỏ về quê ngoại tránh bom, tôi đã tha thẩn nhặt tìm những nụ hoa mưng đỏ ối rụng trôi phập phồng trên mặt nước, rứt cọng cỏ may xâu thành chuỗi đội lên đầu cô bé trạc tuổi mình mặt còn lem nhem mũi nước. Những cây lộc vừng một thưở từng bị đội dân quân khi tập đánh trận giả chặt lấy gỗ đun nước bây giờ đã trở thành "lộc vàng" của quê nhà. Tính sơ sơ với hàng trăm gốc lộc vừng này, Thuận Lộc có một tài sản cả hàng chục tỷ đồng. Những gốc cây gắn với ký ức của bao thế hệ thực sự là" vàng" của hiện tại và tương lai. Một tài sản vô giá mà không phải làng xã nào trong Hà Tĩnh này cũng có cơ may có được, tôi tin là như thế.
Dẫu đã được công nhận là xã đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn còn nhiều chuyện để lãnh đạo và nhân dân một xã anh hùng trong quá khứ làm cái việc tiếp tục khẳng định mình trong hiện tại và tương lai. Cho dẫu thế nào thì cái xuất phát từ quá khứ vẫn là cái móng nền vững chắc và sang trọng để tiến về phía trước. Nhớ có lần, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng ông Trần Nguyễn Đề, cựu Chủ tịch xã Thuận Lộc bây giờ đã nghỉ hưu. Ông Đề bảo, xã còn hơn hai chục cái sắc phong bằng chữ Hán có liên quan đến các đền chùa, miếu mạo và các danh nhân lịch sử đang gửi đi Hà Nội nhờ dịch ra chữ quốc ngữ. Ông ngậm ngùi thầm tiếc cho cái điệu sắc bùa, một thứ văn hóa phi vật thể đặc sản của xã nhà đang dần bị mai một. Đình làng Giao Tác dầu đã được di dời trả về chỗ cũ nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạng mục cần chỉnh trang, hoàn thiện.
Ngắm nhìn ra cánh đồng làng mơn man màu xanh cỏ lúa, tôi thầm nghĩ chỉ mới có mấy năm thôi mà Thuận Lộc chịu thương chịu khó một thời đã thay da đổi thịt. Những con đường bê tông rộng rãi, các công trình theo năm tháng sẽ được tiếp tục dựng xây, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Nay mai, dù còn là xã hay sẽ thành phường thì lòng tôi vẫn muốn quê ngoại của mình phải lưu giữ cho bằng được những gì gắn với ký ức của một thời, ví như những mái nhà uốn cong của đình làng Giao Tác, là những chùm hoa lộc vừng li ti ối đỏ, là điệu hát sắc bùa mãi còn đọng dư âm khi mỗi mùa Tết đến. Bên cạnh những con đường mới mở, lũy lộc vừng già cả bao đời nhẫn nại tỏa bóng mát che rợp đất quê đang trút lá trở mình để dâng đời một mùa lộc mới.
Quê ngoại Thuận Lộc, đầu thu năm 2016
P.T.H