Dưới thời Lê và Nguyễn, chùa chiền phát triển rầm rộ khắp nơi, hầu hết là chùa làng. Những ngôi chùa lớn có tiếng tăm thời kỳ này là chùa Diên Quang (chùa Am), Huyền Lâm – Thạch Động (chùa Đá), Tượng Sơn, Phan Ngoại, Cảm Sơn (chùa Nài), Tăng Phúc (chùa Sò), Tĩnh Lâm (chùa Tĩnh, chùa Rú Trò), chùa Hân Thiên (chùa Hân), chùa Gia Hưng, chùa Hưng Long (chùa Bể), chùa Long Đàm, chùa Viên Quang, chùa Yên Lạc (Yên Lệ), chùa Yên Lạc (chàu Keo)…
Thư tịch trước đây chưa thấy có ghi chép đầy đủ về chùa Hà Tĩnh. Sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn giới thiệu 11 ngôi chùa trong huyện. Sách Đại nam nhất thống chí (Tập II) ghi nhận 13 ngôi chùa trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong đợt tổng kiểm kê di tích ở Hà Tĩnh năm 1994, Bảo tàng Hà Tĩnh thống kê được 54 ngôi chùa. Theo khảo sát điền dã của chúng tôi và tư liệu do các cộng tác viên cung cấp, thì cho đến trước 1945, toàn tỉnh có 417 ngôi chùa hiện đang còn, hoặc còn di tích hoặc đang biết được. Ngoài ra còn có 26 ngôi chùa khác chỉ mới biết tên, chưa có tài liệu khảo sát, xác minh.
Chùa Hà Tĩnh, kể cả những ngôi chùa nổi tiếng như Hoa Tạng, Hương Tích… đều dung dị, không đồ sộ, nguy nga như chùa ngoài Bắc, trong Nam.
Mỗi ngôi chùa đều có một, vài đến ba ngôi nhà gỗ ba gian, một số nhà năm gian. Một căn nhà thì có thể đặt thờ dọc (gian trong là bàn thờ Phật, gian ngoài là bái đường) còn thờ ngang thì thường có xây thêm một gian lồi phía sau, gọi là hậu cung. Hai, ba nhà thì thường xếp theo hình chữ “nhị”, chữ “tam” (nhà sau là Phật điện, nhà trước là bái đường); ba nhà có khi còn xây theo hình chữ “công”, một nhà dọc nối với hai nhà ngang trước và sau. Ngoài ra còn có kiểu kiến trúc độc đáo như chùa Diên Quang (chùa Am – Đức thọ) là một ngôi nhà lớn thờ dọc, nhưng mái lại là hình chữ “công”, gian trước trông như ngôi nhà 3 gian, hai lồi.
Từ xưa cho đến đầu triều Lê, chùa đều sườn gỗ, lợp tranh, vách gỗ ván, ở vùng núi thì tường xây đá trái dày tới 50 – 60 cm. Mãi đến cuối Lê, đầu Nguyễn về sau mới có nhà lợp ngói vảy, xây tường gạch, nhưng lẻ tẻ vẫn có nhà tranh. Hầu hết chùa làng đều là chùa nhỏ, một ngôi nhà, có khi gọi là chùa, nhưng chỉ có bệ thờ lộ thiên (chùa Trường Sinh, làng Tiền Bạt, TP. Hà Tĩnh), chùa Yên Thọ (xã Song Lộc), chùa Hạ Mục (xã Thạch Long) mỗi năm chỉ có lễ bái vào ngày Phật đản (8/4 – Âm lịch) và dịp trung nguyên (rằm tháng bảy âm lịch).
Điều này cũng dễ hiểu. Hà Tĩnh là vùng đất xa xôi, nghèo nàn, thường xuyên bị thiên tai, địch họa, việc dựng chùa chỉ do dân địa phương và khách thập phương đóng góp, không được triều đình hoặc vương hầu giàu có đứng ra xây dựng như ở Thăng Long, Thuận Hóa…
Ở đây cũng có mấy ngôi chùa Tĩnh Lâm, Cảm Sơn ở Thạch Hà do các quận chúa, công hầu quyên góp xây dựng, nhưng vốn không nhiều nên không thể làm lớn.
Tuy nhiên, Hà Tĩnh cũng có những ngôi chùa đẹp. Ngoài chùa Diên Quang (Đức Thọ) là một kiến trúc độc đáo như đã nói trên, còn có các chùa Tứ Mỹ (Hương Sơn), Huyền Lâm (Đức Thọ), Hữu Phương (Thạch Hà)… là những công trình chạm trổ tinh xảo. Các chùa Long Đàm (TX. Hồng Lĩnh), Yên Lạc (Cẩm Xuyên) cột và trần nhà được sơn son, vẽ rồng mây rất đẹp. Một số chùa khác có gác chuông cao đẹp như Tượng Sơn (Hương Sơn), Huyền Lâm (Đức Thọ), Đông Quang (Hương Khê), đặc biệt gác chuông chùa Phù Yên (chùa Thượng – Đức Thọ) là một công trình nghệ thuật có tiếng: Thứ nhất hương án Xa Lang, thứ hai gác chuông chùa Thượng, thứ ba tam quan Du Đồng.
Chùa không to lớn, nhưng rất nhiều chùa ở trên núi cũng như ở đồng bằng, quang cảnh thanh u. Vườn chùa rộng, cây cối sầm uất, thường có cây đa giếng nước, hoặc mô đá, dòng khe… cụ Nguyễn Nghiễm viết về chùa Viên Quag (Nghi Xuân): “Bất kim bích nhi tráng lệ - bất lâm tuyền như u nhã” (không vàng ngọc mà tráng lệ, không núi khe mà u nhã). Sách
Hoàng Việt nhất thống địa dư chí và
sách Đại nam nhất thống chí viết về chùa Thiên Tượng:”…Ngôi chùa nằm giữa vùng núi rừng, thật xứng danh là một danh lam thắng cảnh”, và “chùa Thiên Tượng … phong cảnh u nhã cũng là một thắng cảnh ở núi Hồng Lĩnh…”. Trong bài văn bia chùa Tĩnh Lâm (Thạch Hà), Tuần phủ Tôn Thất Hân viết, có đoạn: “Tĩnh Lâm… là một trong tám cảnh đẹp vùng quanh thành Hà Tĩnh vậy. Lên tới đây xem phong cảnh thấy quả núi nhỏ này thật là một hòn Ngư đỉnh Thíu. Ngọn đá dựng trước cổng đón mây xanh ùa vào, sông dài chảy dưới tường, vấn quanh dải lục…”. Và, về chùa Hương ngàn Hống, Lưu Công Đạo viết trong
Thiên Lộc huyện phong thổ chí thì “…một dải suối xanh, sóng tùng vạn khoảnh… Theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại một cảnh sắc khác nhau. Lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở châu Hoan ta…”. Rất nhiều chùa làng cũng có vườn rộng, cây cối xanh tươi, giếng nước cây đa, vườn hoa trái xum xuê.
Nhìn chung, chùa Hà Tĩnh xưa chỉ là một hay một cụm kiến trúc nhỏ xinh xắn, đặt trong một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, sầm uất, lại được tô điểm thành thắng cảnh, lôi cuốn khách du. Hầu hết các chùa lớn, có tiếng tăm ở Hà Tĩnh đều không thấy có bi ký, hoặc có mà bị phá hủy như các chùa Diêng Quang, Tiên Lữ. Một số ngôi chùa từ cuối Lê đến triều Nguyễn, thì trừ chùa Báu Lâm (Hương Khê), còn lại đều là bia ghi công đức, bia hậu Phật v.v… Từ trước đến nay cũng không thấy thư tịch, tài liệu nào ghi chép về chùa chiền. Do đó mà chúng ta khó biết chính xác thời gian dựng chùa, các lần tu tạo về sau…, cũng không biết tình hình các ngôi chùa và sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo, tên tuổi và hành trạng các vị tu hành.
Dựa vào một số tư liệu trong các sách Lịch sử Phật giáo, một số tài liệu lịch sử, theo lời truyền và ghi văn người xưa, ta biết được mấy ngôi chùa thời Lý, Trần, Lê và việc trùng tu, tôn tạo một số ngôi chùa dưới triều Lê – Nguyễn…
Việc xây dựng, tôn tạo chùa chiền, tạc tượng, đúc chuông, mua sắm tự khí, và mọi chi phí đảm bảo hoạt động cho các chùa, đều dựa vào sự đóng góp tự nguyện của nhân dân địa phương và khách thập phương, trong đó có những công hầu, quan lại và các nhà hào phú. Ngoài số ruộng do nhà chùa tự tậu, ruộng các nhà hằng tâm cúng làm ruộng Tam bảo hoặc ruộng hậu, các làng xã đều trích một phần ruộng công cấp theo mùa vụ, giúp nhà chùa lấy hoa lợi chi dụng cho việc hương đèn, lễ lạt.
Các chùa lớn có sư trụ trì lo việc kinh kệ, lễ Phật. Các chùa nhỏ, chùa làng, đều có sãi chùa được làng xã chọn ra lo việc hương đèn ngày rằm và mồng một hàng tháng và chuẩn bị các lễ Phật đản và trung nguyên trong năm.
Từ khi Phật giáo truyền bá vào vùng Nam sông Lam này đã có nghìn năm. Hệ thống chùa chiền phát triển ngày càng rộng. Có thể thấy ở bất cứ làng xã nào cũng có một hệ thống công trình thờ phụng khá hoàn chỉnh gồm các đình đền, miếu mạo thờ thần, nhà Văn Thánh hay văn chỉ thờ Thánh Khổng và chùa thờ Phật.
Tuy nhiên, một số sách xưa, như
Đại nam nhất thống chí chép là (dân Nghệ An) “không mê đạo đạo phật”. Quả là dân quê xứ Nghệ, trừ khi hữu sự (xin thuốc các sư, cầu tự…) thì không hay đi lễ chùa, cũng không có tổ chức Phật tử, và không hề biết kinh kệ là gì. Đức Phật, đối với quảng đại quần chúng, chỉ là ông Bụt nhân từ mà họ ngưỡng vọng, chứ không hương đèn cầu cúng.
Khoảng 1939 – 1940, nhằm mục đích lôi kéo thanh niên, viên Công sứ Pháp ở Hà Tĩnh Lơ Môn (Le Moll) hết sức khuyến khích, ủng hộ Phật giáo, cho xây dựng chùa Phật học và giúp bà Sử Thị Xuân dựng lại chùa Cổ Lam ở thị xã. Nhưng chỉ ở Kim Đôi (Thạch Hà) và một vài nơi ở Cẩm Xuyên có một số người vào hội Phật tử, tụng kinh ở vài ngôi chùa Phật học làng mà thôi.
Tuy nhiên, từ lâu đời, nhân dân vẫn tôn kính đức Phật, trọng thị các nhà tu hành. Mọi người sẵn sang đóng góp công sức, tiền của xây chùa, đúc chuông, tô tượng và mua sắm tự khí. Nhiều gia đình khá giả còn cúng ruộng cho nhà chùa làm ruộng Tam bảo. Những ngày hội chùa Hương vẫn có đông đảo các tầng lớp tham gia.
Các nhà nho, kể cả nhà nho khoa bảng cũng không ai có thái độ kỳ thị đối với Phật giáo. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh dành tiền đúc quả chuông lớn, cúng cho chùa Hân ở làng quê, và viết bài ký trên chuông, có đoạn: “…Ta là môn đồ họ Khổng, …nhưng vui thấy việc thiện, mừng nghe điều thiện là cái ý nghĩa đầu tiên của nhà nho ta. Ta lúc rãnh thường đọc rộng ra sách của Phật, tóm tắt cương lĩnh to lớn của các sách ấy thì không có gì nằm ngoài cái ý gốc là lấy điều thiện để dạy người… Đây là cái ý sâu xa trong việc lành là đúc quả chuông lớn của ta vậy…”. Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm viết văn bia ca ngợi cảnh chùa Viên Quang. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thường trú tại chùa Ân Quang và ghé tham chùa Nam Ngạn đàm đạo với nhà sư. Bùi Dương Lịch rất thích đến chùa và là tác giả viết nhiều thơ nhất về chùa Phật. Phan Huy Ích từng nghiên cứu Thiền học và lấy phật hiệu là Hải Chân đạo nhân. Nguyễn Hành cũng lấy phật hiệu Hải Điền và viết phần “tiểu khẩu” trong sách
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm. Nguyễn Du và cả “ông ngất ngưởng” Nguyễn Công Trứ đều tinh thông Phật học. Bài
Vaen chiêu hồn của Nguyễn Du được các nhà chùa sử dụng, đọc trong ngày lễ vong hồn… Sau này, nhiều người như Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, cũng gắn bó hoạt động xã hội của mình vào việc viết văn bia, làm câu đối… ở các chùa. Các nhà nho lớp dưới đều tham gia vào việc dựng chùa, lễ Phật, nhất là lễ Phật đản, lễ vu lan… ở làng xã…
Có thể nói, suốt hàng nghìn năm, dân ta, kể cả giới nho sĩ, đều gắn bó với ngôi chùa, với đạo phật, một tôn giáo lấy điều thiện dạy người, và là tôn giáo gắn bó với cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc.
Sau cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65SL ngày 23/11/1945 về bảo vệ Di sản văn hóa, trong đó có việc giữ gìn các đền miếu, chùa chiền, bi ký, thư tịch v.v… nghiêm cấm việc phá hoại, làm mất mát… để lưu giữ cho con cháu muôn đời. Nhưng do nhận thức ấu trĩ về “chống mê tín dị đoan” (!) của cán bộ và nhân dân ta, nhất là tư tưởng cực đoan của các cấp lãnh đạo, ở Liên khu IV đã đề ra chủ trương “Hợp tự” mở đầu cho phong trào tàn phá hủy hoại đền chùa miếu mạo, bi ký, thư tịch… kéo dài nửa thế kỷ! Hầu hết các công trình tín ngưỡng, tôn giáo bị dỡ phá hoặc bỏ tan hoang, bị hỏa hoạn, lụt lội tàn phá, trong đó có nhiều đền thờ danh nhân, nhiều ngôi chùa nổi tiếng từ thời Lý, Trần với ngót nghìn năm lịch sử… Hầu hết các công trình chạm khắc gỗ, đá, các thư tịch quý giá vĩnh viễn không còn nữa.
Từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức của cán bộ, nhân dân ta được nâng dần, nhiều công trình đền, chùa… được phục hồi, xây dựng lại to lớn hơn.Nhưng lại có hiện trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự nghiên cứu, chỉ đạo, thậm chí phục dựng công trình không tuân theo luật trùng tu di tích của Nhà nước. Riêng về các công trình Phật giáo, nhiều ngôi chùa lớn nổi tiếng ngót nghìn năm như Hoa Tạng, Ngạn Sơn, Ân Quang…, vẫn chưa được cơ quan văn hóa, Hội Phật giáo và chính quyền quan tâm việc trùng tu.
Biên soạn công trình
Chùa cổ Hà Tĩnh, tôi mong muốn ghi lại một ít tư liệu về các chùa trong tỉnh hiện còn biết được, qua đó phác họa một diện mạo dù mờ nhạt về tín ngưỡng Phật giáo ở Hà Tĩnh qua nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, tài liệu trong thư tịch cổ rất hiếm hoi, các tài liệu thu thập trong các cuộc sưu tầm điền dã hoặc được các cộng tác viên nhiệt tình cung cấp lại quá hiếm và có thể còn nhiều thiếu sót, sai lạc, nên chưa dám chắc là đã đầy đủ và chuẩn xác.
Rất mong được bạn đọc thông cảm và lượng thứ.
Nhân đây, tôi xin ngỏ lòng biết ơn các cơ quan, tổ chức, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, phường, nhất là các vị cộng tác viên lão thành, các bạn xa gần đã cung cấp tư liệu và giúp đỡ tôi trong quá trình biên soạn cuốn sách.
Hà Tĩnh, ngày Phật đản
Rằm tháng Tư, năm Bính Thân (21/5/2016)
THÁI KIM ĐỈNH