04-02-2020 - 16:45

Tác giả Hồ Văn Chi với tập thơ ĐỌC KIỀU

Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh nhận được tập thơ " Đọc Kiều"- NXB Hội Nhà văn của tác giả Hồ Văn Chi, sinh năm 1945, quê Nghệ An, hiện sống tại Đà Nẵng gửi tặng nhân dịp đầu xuân mới năm Canh Tý. Hướng tới đại lễ kỉ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, xin trân trọng giới thiệu tập thơ này qua bài viết của nhà thơ Bằng Việt.

Nhà thơ Bằng Việt

 
      Những người yêu Truyện Kiều quả thật thú vị khi được thưởng thức một “bữa tiệc thơ Đường luật” của tác giả Hồ Văn Chi vịnh Kiều, mà như lời tác giả tâm sự ở đầu sách, thì đây xứng đáng là “niềm tâm cảm của tác giả gửi vào Đường thi” khi đọc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
    100 bài thơ Đường luật được chia làm 4 phần: phần Mở đầu ngắn gọn; rồi đến phần về thân phận nàng Kiều; phần về Thiện Ác quanh Kiều, hai phần này chiếm tỷ lệ cao nhất các bài trong cả tập và cũng là hai phần có đủ các mảng “hỉ nộ ái ố” của nhân tình thế thái, để tác giả đủ sức tung hoành khả năng sáng tác thơ Đường luật của mình khá trọn vẹn. Một phần độc đáo nữa là Cảm tác từ những câu Kiều, mà mỗi bài thơ thất ngôn bát cú đều có chữ mở đầu ở mỗi dòng thơ là một chữ của cụ Nguyễn Du, để cả 8 câu hợp thành một câu nguyên vẹn trong truyện Kiều. Một sự dụng công rất đáng kính nể và một cách chơi chữ độc đáo.
    Làm thơ Đường luật rất khó, mà dám tự khuôn mình xoay quanh vào một đề tài của Truyện Kiều lại càng khó, nó có thể bị sa vào đơn điệu, hoặc lặp đi lặp lại một số ý tứ quen thuộc, một số thủ pháp trần thuật hoặc diễn giải quen thuộc, thậm chí một số vốn từ quen thuộc. Tuy nhiên, tác giả Hồ Văn Chi đã khắc phục được các nguy cơ này một cách xuất sắc. Qua 100 bài thơ, chúng ta không thấy tác giả bị động về vốn từ, về câu chữ, về thủ pháp phải tuân thủ cách ứng đối tề chỉnh, các niêm luật khắt khe trong thơ Đường. Trái lại, chúng ta thấy tác giả đã “bơi” trong một biển thơ Đường luật khá thoải mái, thung thăng, làm chủ cuộc bơi đó và còn dám tung hứng khá tự nhiên và có lúc xuất thần! 
    Nếu có gì phải góp ý trong thi pháp của Hồ Văn Chi, thì tôi chỉ có thể nói một vài hạn chế có thể rất dễ dàng khắc phục của tác giả, đó là: Trong một vài bài, một vài câu, tác giả đã dùng những từ ngữ có phần “hiện đại” quá, “thời sự” quá, chưa thật ăn nhập với văn cảnh cổ xưa của Truyện Kiều. Và một nhược điểm khác cũng khó tránh khỏi nữa là tác giả còn để sót một vài từ non và thất vận trong một vài bài thơ. Khi làm được đến 100 bài vịnh Kiều, thì các nhược điểm trên đây cũng là điều khó tránh khỏi, và chúng ta hoàn toàn thông cảm với tác giả và cũng không nên đòi hỏi cầu toàn. Dẫu vậy, vì tác giả chân thành muốn chúng ta nói thẳng nói thật. để rút kinh nghiệm trong sáng tác, thì chúng ta cũng buộc lòng phải nói lên một vài nhận xét thế thôi, mà không hề có ý soi mói và chê trách gì.
    Trong lịch sử văn học Việt Nam, nếu tôi nhớ không nhầm, thì chỉ mới có cụ Chu Mạnh Trinh, một bậc danh nho nửa cuối thế kỷ XIX, là có một tập 20 bài thơ thất ngôn bát cú theo thể thơ Đường luật để vịnh Kiều, như tác giả Hồ Văn Chi dám làm hôm nay. Hôm nay, nhân đọc tập thơ Hồ Văn Chi, tôi cũng thử đọc lại một số bài thơ cùng thể tài của cụ Chu Mạnh Trinh. Và cảm giác của tôi hết sức bất ngờ, là trong những bài hay của tập Hồ Văn Chi, chúng ta cũng không thấy thua kém gì nhiều so với các bài thơ từng rất nổi tiếng xưa kia của thời thơ Đường luật còn thịnh hành và ngự trị trên văn đàncủa cụ Chu Mạnh Trinh! Nói thế, không phải tôi dám tâng bốc liều anh Hồ Văn Chi và xem nhẹ các áng văn chương trác việt của các cụ danh nho ta xưa, mà chỉ muốn nói một điều, là ngay trong thời chúng ta, khi thể thơ Đường luật không còn là thể loại thơ phổ biến trên văn đàn đương đại nữa, thì vẫn còn những nhà thơ đầy nỗ lực và đầy dụng công, như Hồ Văn Chi, dám khôi phục lại được một cách khá tài hoa và chuẩn mực thú chơi thơ Đường tao nhã và cao sang, như ở thời các cụ ta ngày xưa!
    Đó quả thực là một kỳ công đáng nể trọng và đáng biểu dương!
    Nói có sách, mách có chứng, tôi xin mạn phép trích dẫn một vài bài thơ của cụ Chu Mạnh Trinh song song với các bài tương ứng từ thi hữu Hồ Văn Chi của chúng ta, để chúng ta cùng thấy vui mừng vì trình độ thơ Đường luật của anh chị em chúng ta hôm nay, quả thực cũng không quá thua kém gì cổ nhân, ngay trong đề tài hóc búa này, là trong các bài thơ chỉ xoay quanh thân phận, hoàn cảnh và tâm trạng chìm nổi của nàng Kiều:
    Bài “Kiều khuyên Kim Trọng” của Hồ Văn Chi và bài “Kiều gặp Kim Trọng” của cụ Chu Mạnh Trinh, có những lời những ý rất tương xứng nhau, mỗi người một vẻ, khi đề cập một cách rất ý tứ đến hoàn cảnh phải “gìn vàng giữ ngọc”, trong lúc hai người “đầu mày cuối mắt”, kề sát nhau lúc cảnh vắng đêm khuya:
    Đây là bài của Hồ Văn Chi:

Tiếng đàn khi nhặt lại khi thưa
Như oán như than, khiến thẫn thờ,
Cuối mắt đầu mày, e khó cưỡng,
Vừa say chợt tỉnh, tưởng như mơ,
Tình âu yếm quá, thành lơi lả
Vẻ mặn mà hơn, dễ vật vờ!
Thưa – chớ ra điều dâu bộc nhé,
Khen người thiếu nữ chẳng ngây thơ!

    Còn đây là bài của Chu Mạnh Trinh:

Dan díu vì ai luống ngẩn ngơ,
Để ai gió đợi lại trăng chờ!
Sông Ngân đã bắc cầu Ô Thước,
Phận liễu còn e trận gió mưa!
Lựa mối tơ tình năm ngón dạo,
Dập lò lửa dục, một lời thưa,
Đuốc hoa muốn vẹn niềm băng tuyết,
Đừng để trăng hoa khéo ỡm ờ!

    Tới đoạn Kiều bị bán vào lầu xanh và bị Mã Giám Sinh làm nhục, cả 2 tác giả Hồ Văn Chi và Chu Mạnh Trinh đều có những lời thơ đầy xót xa, căm phẫn, với cách thể hiện mỗi thời một khác, dù rất cám cảnh tuy bút lực vẫn đầy kìm nén.
    Đây là bài của Hồ Văn Chi, “Kiều bị thất tiết”:

Giận kẻ phàm phu quá phũ phàng,
Ôi! Còn chi nữa hỡi tình lang,
Hoa tàn nhị rữa, bao cay đắng,
Ruột thắt châu tuôn, quá bẽ bàng!
Phí thuở e hồng cùng thẹn lục,
Hoài công giữ ngọc với gìn vàng!
Dao này- những muốn liều sinh tử,
Chỉ sợ song tình phải lụy mang!

    Còn đây là bài của Chu Mạnh Trinh:

Sa chân đã trót xuống thuyền buôn,
Cả giận, thôi rồi phải hết khôn!
Non nước, còn chi lời ước cũ,
Phong trần, liều với mũi dao con!
Hoa gieo dưới trướng, hồn man mác,
Gió thổi bên tai, giọng ngọt ngon,
Mới biết tay già là tổ bợm
Dù ai bóp bẹp vẫn vo tròn!

    Tôi xin trích dẫn bài thứ ba, là bài về Từ Hải. Hồ Văn Chi và Chu Mạnh Trinh đều có những câu thơ hào sảng tả khí phách, con người Từ Hải, tuy nhiên, Hồ Văn Chi thì trách Từ Hải lụy sắc, nghe lời Kiều mà đến nỗi tan tành mộng bá vương, còn Chu Mạnh Trinh thì điềm đạm hơn, không trách móc gì Kiều, mà chỉ nói rằng, nhờ số mệnh đưa đẩy theo chiều hướng ấy, mà sau khi Từ Hải chết, Kiều tự vẫn, may nhờ có quả phúc, được Giác Duyên cứu vớt, như trình tự logic của thuyết “tài mệnh tương đố”, mới kết thúc nổi vòng truân chuyên 15 năm lưu lạc, được“rút tên ra khỏi sổ đoạn trường”. Đây là bài của HồVăn Chi về Từ Hải:

Quyết chí tranh hùng mộng bá vương,
Uy danh một cõi thật phi thường,
Nghe lời diễn giải, chiều thê tử,
Mắc kế chiêu hàng, bỏ giáp thương,
Uổng mối tình duyên, nhiều tháng đẹp,
Hoài công sự nghiệp, mấy năm trường,
Phù Sai, Lã Bố… thời xưa cũng
Lụy sắc, tan tành mộng bá vương!

    Còn đây là bài của Chu Mạnh Trinh:

Phút bỗng đem thân bỏ chiến tràng,
Ba quân ngơ ngác ngọn cờ hàng!
Xá chi bèo bọt, thân vì nước,
Thẹn với non sông, thiếp phụ chàng!
Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh,
Duyên may run rủi lưới Tiền Đường!
Mười lăm năm ấy, người trong mộng,
Mới rút tên ra sổ đoạn trường!

    Thật là, mỗi người một vẻ, cách nhận thức và lý giải tuy khác nhau, nhưng cùng trên một chủ nghĩa nhân văn và tổng kết lịch sử và số phận theo quan niệm của từng thời đại. Và đây thực sự là những bài Đường thi đúng nghĩa!
    Hai bài thơ cuối, khép lại tập thơ, là “ Bồng Lai mới” và “ Tự trào”, không viết về Kiều, mà là viết về thắng cảnh Bà Nà và tâm trạng riêng của tác giả, nhưng cũng là những bài thơ luật Đường rất chuẩn, lại xuất phát từ 2 câu Kiều mà viết thành, có không khí và cảnh vật, có tâm trạng và một chút trào lộng hóm hỉnh, cũng là những bài thú vị khi điểm xuyết các bài thơ đáng lưu ý trong tập.
    Xin chân thành chúc mừng tác giả Hồ Văn Chi cùng đóng góp mới của anh với Thơ Đường luật đương đại. Mong anh sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn nữa!

Hà Nội, ngày 22/12/2019

B.V

 

 

. . . . .
Loading the player...