Nhớ nhà là nỗi khao khát được trở về bên gia đình, về với quê hương, về với người thân, bạn bè, về với những điều bình dị nhất; là tình cảm xuất phát từ tận sâu trong trái tim của mỗi con người, khi phải xa quê, phải đến sinh sống nơi đất khách quê người... Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tác phẩm Xa nhà của tác giả Lãnh Nghi (lớp 12 trường THPT Cao Thắng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh )
XA NHÀ
Cuộc sống giống như một vòng xoáy vô định. Con người cuốn theo chiều ốc xoắn đó, “ba chìm bảy nổi” với hi vọng một ngày nào đó, khi kinh nghiệm đã chín muồi, họ sẽ vững vàng chèo chống dù “gió to sóng lớn”. Sống, chỉ cần buông tay, vòng xoáy vô định ấy sẽ nuốt chửng bạn, rồi đưa bạn đến một nơi hoang tàn tột độ. Bởi vậy nên, lúc còn trẻ, chúng ta luôn cố gắng tìm cho mình một công việc phù hợp và hết lòng vì nó.
Thành phố Hồ Chí Minh rộng lớn, “thành phố không ngủ”, là một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam, cũng là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của nước ta. Từ một chàng trai nhà quê, “chân ướt chân ráo” đặt chân đến đây, cảm giác đầu tiên chính là vẻ choáng ngợp. Những tòa cao ốc chọc trời và nhà cửa sát sìn sịt nhau, phố xá đông đúc với những con đường giao nhau thành những ngã ba ngã tư liên tiếp. Một thế giới mới mở ra, cho tôi, cho những ước mơ, hi vọng và cả những lo lắng nơi đất khách quê người.
Ban đêm cũng như ban ngày, công việc nối móc nhau chạy dài như thể không điểm dừng. Vẻn vẹn một năm, tôi đã biết thế nào là sống ở thành phố. Tấp nập đông đúc, người người nhốn nháo cũng vui thật, nhưng đó là chuyện khi đôi tay và trí óc đang làm việc. Màn đêm ùa về, khi cánh cửa phòng đã đóng lại, khi mọi âm thanh của cuộc vui nhỏ dần và biến mất, đây mới là lúc những nỗi niềm ùn ùn kéo dài trong hoài niệm.
Quê hương tôi cát trắng gió Lào. Mảnh đất Hà Tĩnh những ngày này nắng như đổ lửa. Cảm giác cái nóng rát da rát thịt ngày nào đang ngùn ngụt sống dậy chiếm lấy xúc cảm. Giữa cái nóng 39-40 độ, cùng với chiếc xe đạp bon bon trên đường những ngày ôn thi Trung học phổ thông. Bạn bè là anh em chí cốt, chia nhau miếng nước đá quý giá giữa ngày hè. Năm tháng đó cũng hừng hực như cái nắng Hà Tĩnh. Những năm tháng đó, giống như một giấc mộng đẹp đến lưu luyến lòng người. Nhớ chứ!!! Nhớ cả đường đi lối về. Nhớ mọi ngóc ngách, mỗi góc nhà. Nhớ cái vườn bạc màu, nhớ cả cái cây lớn lên cùng với tuổi đời tôi. Không phải sống ở thành phố mới có những cuộc vui. Ở nhà cũng nhiều cái vui lắm. Nắng nôi như thế mà đầu trần, lưng trần, vẫn đá bóng phơi phới. Bây giờ nghĩ lại, mới thấy sức trai, nó chai lì với thời tiết. Bây giờ không phải là không còn sức trai, tôi mới hai mươi mấy thôi nhưng mà chẳng mấy khi hoạt động nhiều như trước nữa. Đi làm ngồi, lái xe ngồi, về phòng cũng ngồi, ngồi đến mức cái bụng nó phì ra, cơ tay cơ chân mềm hết cả.
Về phòng, ngồi một mình với đống công việc. Ăn vội bữa cơm “bụi” rồi lại tiếp tục cày cuốc bên máy tính. Mở một bản nhạc buồn cho bớt thiếu cái tiếng người. Nhiều lúc, nỗi nhớ lại cồn cào lên. Nhớ bố nhớ mẹ, nhớ cả những lời mắng mỏ, những trận đánh điếng người. Nhớ những bữa cơm nhà rau canh đạm bạc, hạt cơm dẻo mà thơm mùi gạo quê; nhớ cả những bát cà cắm giòn tan trong miệng. Trời hè này ăn được bát canh cà thì phải biết. Nhớ quá hóa thèm!!! Nhớ đứa em, bình thường như chó với mèo, lạ lùng thật, hễ xa lại thấy nhớ. Nhớ cả hội anh em cây khế, hội anh em gắn bó với tôi ba năm cấp ba. Hội anh em hẹn nhau đạp xe bảy cây số tới trường. Hội anh em ra trường rồi vẫn hẹn nhau những cuộc vui, ôn lại chuyện cũ. Tuổi đời học sinh, lưu luyến nhất chính là quãng đời cấp ba. Nhanh, thật sự quá nhanh!!!
Hôm nay tan làm sớm. Tôi lái chiếc xe cub chậm rãi về nhà trọ. Ở đây một năm nhưng chẳng mấy khi có cơ hội nhìn ngắm kĩ mọi thứ. Tôi lái sát lề đường, vừa đi vừa ngắm, dùng chút cơ hội hiếm hoi này để thử nhìn, thử lắng nghe, dùng hết xúc cảm để ghi nhớ một nơi xa lạ. Bên kia, ngay phía bên trái của tôi vẫn là dòng người tấp nập vội vã ngược xuôi. Họ về với gia đình, hay cũng đang về phòng trọ, như tôi.
Trời nhá nhem. Phố đã lên đèn. Những ánh đèn với đa dạng màu sắc chiếu ra đường. Sống ở thành phố, người ta không mấy khi ra khỏi nhà. Tôi vẫn thường thấy những con người vội vã ra ngoài rồi lại vội vã trở về. Cửa nhà thường xuyên đóng, không giống như thói sống của người nông thôn. Hai bên đường, xen kẽ những ngôi nhà cũng có mọc lên những cái quán nhỏ bé. Quán ăn vặt, quán phở quán điện tử, quán tạp hóa,… Lắng nghe những âm thanh đó, dù chỉ là một con đường nhỏ trong vô vàn còn đường ở đây, đã đủ để thấy sự náo nhiệt, phồn hoa của một thành phố hiện đại.
Dạo dạo một lúc tự nhiên thấy kì kì. Tôi dừng lại. Cái lốp xe xẹp lép. Cái xe bữa giờ cưỡi nó, bây giờ nó muốn mình dắt rồi. Cuốc bộ được một lúc, may có quán sửa xe nho nhỏ ở đây. Tôi dắt xe vào, một người đàn ông trung niên bước ra. Quán nhỏ mà cũng lụp xụp, một người này làm thôi. Tôi nhờ bác xem cho cái xe. Bác nhìn qua rồi bảo nhanh thôi. Thôi thì hôm nay dù gì cũng tan làm sớm, tôi nhờ bác bảo dưỡng xe luôn.
“Vậy cậu phải chờ lâu hơn đấy.”
“Dạ, không sao ạ.”
Ở đây một năm, cũng quen dần với tiếng miền nam. Nhưng mà khi nói chuyện, cái tiếng quê nó không mất đi được, thành ra, tôi nói chuyện với cái giọng lớ nhớ Trung Nam.
“Này cậu thanh niên.”
Gọi ai thế nhỉ? Không là bác sửa xe gọi, bác đi vào trong lấy đồ nghề rồi mà.
“Ở đây, ở đây.”
Tôi ngoái đầu về phía sau.
“Tôi gọi cậu đấy, cậu thanh niên.”
Bên cạnh chỗ tôi sửa xe là một quán nhậu “nhẹ”. Người đàn ông gọi tôi ngồi ở một góc. Ông đưa tay vẫy vẫy tôi. Một người xa lạ, tôi chưa từng gặp ông ấy. Nhưng rồi tôi vẫn bước đến, bởi một điều: ông ấy cũng nói tiếng lớ nhớ Trung Nam.
Bàn nhựa, ghế nhựa, tựa như một quán vỉa hè, mà đúng là tôi với ông đang ngồi trên vỉa hè. Một đĩa lạc rang và một chai rượu đã uống gần hết.
“Cậu là người Hà Tĩnh hả?”
Lần này, ông ấy nói bằng tiếng Hà Tĩnh đặc sệt.
Như một cầu nối giữa hai còn người xa lạ, hai con người nhỏ bé giữa nơi đất khách quê người, đó chính là đồng hương. Lâu lắm rồi, tôi mới được nghe lại giọng quê, tự nhiên trong lòng vui sướng đến kì lạ. Tôi mỉm cười đáp lại, cũng bằng thứ tiếng Hà Tĩnh không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào.
“Dạ. Bác cũng người Hà tĩnh ạ?”
Tiếng cười bỗng rộn rã cả một góc. Tôi với bác gặp nhau thế đấy, người cùng quê, nghe giọng cái là biết ngay. Bác gọi thêm một chén rượu nữa. Tôi hiểu ý bác nhưng muốn từ chối. Tôi còn phải lái xe về nữa.
“Trong chai có một tí nựa chơ mô, hai bác cháu ta, mỗi người chưa đủ một chén.”
Bác cứ nằng nặc mãi, bác hứa hết chai trên bàn này là thôi. Vậy thôi thì, tôi cũng làm một chén.
Hai bác cháu, từ từ nhấm nháp nửa chén rượu đầu tiên, cũng là cuối cùng. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Hóa ra bác vào đây làm thuê, làm phụ hồ cho người ta, chứ ở nhà khó quá.
“Bác vô đây bao lâu rồi ạ?”
“Cũng…một thập kỉ rồi.”
Bác hay nói đùa vậy đấy. Một con người vui vẻ, thích vui vẻ. Tôi không nhìn thấy bác than phiền điều gì. Bác kể tôi nghe công việc của mình như một cuộc vui thời còn trẻ vậy. Nhiều cái hay, nhiều cái lạ, thêm nhiều bạn, mỗi ngày xây thêm một bức tường. Hôm nay xây xong công trình này, mai lại có công trình khác.
Đáp lại lòng nhiệt thành ấy, tôi cũng tâm sự bác nghe câu chuyện của mình. Chúng tôi nói nhiều thứ, nhiều niềm vui ở nơi xa lạ này. Tôi quên mất, sao bác lại ngồi đây, một mình?
“Thanh niên trai tráng các cậu, còn nhiều thời gian, nhất định phải cố gắng.”
Giọng bác bỗng nhiên chùng xuống. Phút chốc, hai con người trở nên lặng thinh.
“Sống ở đây, vui cũng vui thật nhưng nhiều lúc, thật sự vui không nổi.”
Dứt câu, bác từ từ ngửa gương mặt lên trời. Tôi cũng đưa mắt nhìn theo. Trăng tròn vành vạnh thế kia nhưng bé nhỏ quá.
“Nỏ bằng trăng ở nhà nhỉ!”
Tôi hiểu rồi, hiểu vì sao bác lại ở đây. Tự nhiên trong lòng cảm thấy nặng trĩu. Tôi và bác cùng nghĩ về một thứ giống nhau.
“Bác ở đây mười năm, gắng nói bản thân sẽ cố gắng, nhưng nhiều lúc, cũng thấy chạnh lòng. Vẫn biết là có rất nhiều người như ta, nhưng mà…thật sự rất nhớ. Nhiều lúc cũng muốn về thăm vợ thăm con nhưng một lần như thế là bao nhiêu tiền. Bác đi làm, còn nuôi bốn miệng ăn ở nhà. Chắt chiu được bao nhiêu thì phải chắt chiu. Nhiều đêm nhớ quá mà không ngủ được. Cầm theo tấm hình để lúc nào nhớ thì đem ra ngắm. Cũng muốn gọi điện cho con, nhưng mà sợ…sợ nghe được giọng nó rồi…lại khóc…”
Tôi nghe được nhưng tiếng nấc nghẹn ngào ứ lại trong cổ họng bác. Chén rượu trước mặt còn dở, bác cầm lên, một hơi uống hết. Uống sạch rượu như muốn uống hết những nỗi lòng thương nhớ đang dày vò của một con người xa quê. Hai dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt đã nhiều lắm những khắc khổ, những chắt chiu bòn mọn. Tôi thương bác quá. Có lẽ, vì nghe thấy giọng quê mà bác mời tôi ngồi lại. Có lẽ vì muốn vơi đi nỗi nhớ mà chúng tôi vừa gặp đã thân. Những người con xa quê như chúng tôi luôn mang trong mình một nỗi niềm chung, để mỗi khi gặp nhau, nỗi niềm ấy gắn kết chúng tôi lại.
Thương bác rồi lại lại nghĩ đến mình. Tôi chỉ mới lo cho mỗi tôi thôi mà nhiều khi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, mệt mỏi đến muốn gục ngã. Không người thân bên cạnh, lúc ấy là lúc lòng người mềm yếu nhất. Tôi vẫn thường gọi về nhà, hỏi thăm sức khỏe mọi người. Được nghe giọng họ, cảm giác thật sự nhẹ nhõm. Chúng tôi là những người xa nhà, mang theo nỗi niềm nhớ nhà. Còn những người ở nhà, họ cũng sẽ nhớ chúng tôi như chúng tôi nhớ họ. Chắc chắn là như thế.
Tôi cũng cạn hết chén rượu của mình. Hơi men cay nhưng không cay bằng sống mũi tôi lúc này…
Lãnh Nghi